Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu

Sáng 28/1/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có bài tham luận tại phiên thảo luận văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Công nghiệp là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta từ một trong những quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, vị thế và uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo nên một nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nhìn lại quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước thời gian qua cho thấy đã đạt được những kết quả rất quan trọng và tương đối toàn diện, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tới nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. 

Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. 

Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực
Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và chỉ còn 5,55% vào năm 2020).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%. Xét cả giai đoạn 2011 - 2020, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 14,27% năm 2016; 16,48% vào năm 2019 và đạt khoảng 16,7% vào năm 2020). 

Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.

Cùng với các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo... như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. 

Còn nhiều thách thức đặt ra 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận, Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước ta, đặc biệt trước những yêu cầu và đòi hỏi trong giai đoạn phát triển sắp tới với mục tiêu đặt ra là vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đưa nước ta phát triển thịnh vượng.

Thứ nhất, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Còn có sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững.

Các ngành công nghiệp của ta nhìn chung mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (là các khâu gia công, lắp ráp), chưa chiếm lĩnh được các phân khúc có giá trị gia tăng cao như các khâu thượng nguồn (như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; quảng bá sản phẩm, phân phối, chăm sóc khách hàng) hoặc cung ứng các sản phẩm dịch vụ và các khâu hạ nguồn (như nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất).

Thứ hai, động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là hệ quả của mối liên kết yếu giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng, cho thấy năng lực cạnh tranh còn hạn chế của các doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thực chất, đây là biểu hiện của tăng trưởng năng suất thấp và khả năng cạnh tranh yếu của khu vực kinh tế trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế), có trình độ công nghệ không cao, năng lực tài chính hạn chế, khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao... Do vậy đã dẫn đến sức cạnh tranh thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu hạn chế. Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 2%), chưa thực sự đóng vai trò dẫn dắt cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong việc liên kết chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong nước còn thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn hạn chế
Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu hạn chế

Thứ ba, tính bền vững trong phát triển sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó đoán định hơn trước. Hội nhập sâu rộng với độ mở của nền kinh tế cao hơn cũng đồng nghĩa với việc chịu tác động trực tiếp hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn khi tình hình thế giới gặp biến động.

Trong khi đó, Việt Nam sẽ không chỉ chịu tác động từ phía cầu (thị trường đầu ra), mà còn cả từ phía cung (là kênh cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước). Tác động của dịch Covid-19 trong năm 2020 vừa qua là một minh chứng điển hình cho tác động đa chiều này đối với nền kinh tế Việt Nam, khi chúng ta cùng lúc gặp cả khó khăn, đứt gãy về thị trường đầu ra cho xuất khẩu, vừa bị đứt gãy nguồn cung phục vụ cho sản xuất trong nước.

Thứ tư, chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang còn ở mức cao, cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics, chi phí tuân thủ các quy định tại cửa khẩu và sau khi thông quan. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động tới chi phí giá thành của sản phẩm và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ năm, việc tổ chức, phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng; chưa hình thành được nhiều cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa để liên kết phát triển theo chuỗi và nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định, bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quí giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ. 

Dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của dịch Covid-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới. Tiến trình hội nhập quốc tế với quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam đã tiếp tục giúp nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. 

Quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.

Để có thể tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định".

Theo đó, trọng tâm là tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Ngành công nghiệp đặt trọng tâm là thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn
Trọng tâm là thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt

Trong đó, các định hướng lớn cần tập trung thực hiện là:

Thứ nhất, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu; kết nối, hợp tác để tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên nền tảng công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số...), tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái số. 

Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp, giữa chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác để hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm. Kết hợp hài hoà giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.

Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các Tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp của đất nước.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục phát huy vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân trong nước trong các ngành quan trọng như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ phân phối, chế biến nông sản, sắt thép...; coi trọng sự đóng góp của khối doanh nghiệp FDI trong việc nâng cao chất lượng chuyển đổi công nghệ, tạo sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước để nâng cao giá trị gia tăng của các ngành.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hình thành rõ nét các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa theo chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu để nâng cao giá trị gia tăng; hình thành các trục/vùng mũi nhọn chuyên môn hóa về phát triển các ngành công nghiệp gắn với quy hoạch vùng và lãnh thổ để khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa kinh tế; tiếp tục từng bước chuyển dịch có hiệu quả các trung tâm công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ở các trung tâm kinh tế lớn và chuyển dịch các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp nặng sang các khu vực vệ tinh trên cơ sở tái cơ cấu lại hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế...; Tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn ở các vùng trong cả nước, đặc biệt là các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô lớn, đảm bảo việc theo dõi và truy suất thông tin hàng hóa nhanh chóng chính xác đối với việc sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa.

Thứ ba, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh. Tập trung xem xét xây dựng các Luật mới trong một số ngành, lĩnh vực mới để tạo lập nên các cơ chế mới mang tính nền tảng cho phát triển các ngành, lĩnh vực.

Thứ tư, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu. Chủ động, linh hoạt trong phản ứng chính sách để ứng phó với các thay đổi từ bên ngoài trên cơ sở giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô của đất nước. Nhấn mạnh trọng tâm vào cải cách trong nước, làm cơ sở để thực thi có hiệu quả các cam kết hội nhập, thúc đẩy các nền tảng phát triển bền vững lâu dài của đất nước.

Thứ năm, tăng cường thu hút đầu tư để mở rộng sản xuất cho phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh diễn biến phức tạp từ tình hình căng thẳng chính trị, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới. Thực hiện có hiệu quả chủ trương, định hướng của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng dựa vào các lợi thế cạnh tranh động (tay nghề người lao động, năng lực sáng tạo, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi...) thay vì các lợi thế cạnh tranh tĩnh, kém bền vững và ít lợi thế dài hạn (như tài nguyên, lao động phổ thông, cơ chế ưu đãi...) để khu vực FDI có thể gắn kết chặt chẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất và giá trị tạo ra trong nước.

Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới. 

Nhận thức sâu sắc quan điểm, định hướng của Đảng, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo hơn nữa để nhất định sẽ thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Thy Thảo