Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ chủ trì chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38

Bộ Công Thương vừa cho hay, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 (AMEM 38) và các Hội nghị liên quan sẽ diễn ra từ ngày 17-20/11/2020 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh điều hành các phiên họp với tư cách là Chủ tịch của Năm ASEAN 2020.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN thường niên được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn năng lượng của 10 nước thành viên, Ban Thư ký ASEAN (ASEC), Trung tâm năng lượng ASEAN (ACE), các tổ chức như Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE), Đại diện của Hội nghị quan chức cao cấp của các đơn vị điện lực ASEAN (HAPUA), Các Đoàn đại biểu cấp cao của các quốc gia đối tác trong các khuôn khổ đối thoại của AMEM và các tổ chức quốc tế khác.

Ngoài ra, Hội nghị cũng có sự tham dự của nhiều đại diện doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài ASEAN. Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh sẽ điều hành các phiên họp với tư cách là Chủ tịch của Năm ASEAN 2020.

Chủ để của Hội nghị AMEM lần thứ 38 được lựa chọn là “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững trong khu vực ASEAN”.

Hội nghị AMEM 38 và các hội nghị liên quan là dịp để các Bộ trưởng trao đổi, thảo luận và thông qua Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn 2 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng” và “Tăng cường khả năng phục hồi thông qua đổi mới và hợp tác hơn”.

Các nước thành viên ASEAN thống nhất đưa mục tiêu đến năm 2025 đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo trong khu vực là 23% và giảm cường độ năng lượng xuống 32%.

Dự kiến, sẽ có 5 nội dung cụ thể được trao đổi trong phiên họp chính của Hội nghị AMEM lần thứ 38 và các Hội nghị liên quan:

(i)Thông qua Báo cáo về các thành tựu đạt được tới nay trong thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng 2016-2025, giai đoạn 1 (2016-2020);

(ii)Thông qua các Báo cáo về tình hình hoạt động (đặc biệt trong năm 2019/2020) của các Nhóm/Mạng lưới công tác chuyên ngành, gồm: Than và Công nghệ than sạch; Tiết kiệm và Hiệu quả năng lượng; Năng lượng tái tạo; Kế hoạch và Chính sách Năng lượng khu vực; Năng lượng nguyên tử dân dụng; đặc biệt là báo cáo của ASCOPE về tình hình hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và báo cáo của HAPUA về tình hình hợp tác trong lĩnh vực điện lực;

(iii) Thông qua kết quả đánh giá cuối kỳ đối với việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về năng lượng 2016-2025 giai đoạn 1 (2016-2020);

(iv) Thảo luận và thống nhất nội dung Kế hoạch hành động ASEAN về năng lượng 2016-2025 giai đoạn 2 (2021-2025);

(v) Thông qua ấn phẩm “Tổng quan về Năng lượng ASEAN số 6” (The 6th ASEAN Energy Outlook);

(vi) Ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN về hợp tác năng lượng ASEAN.

[Quảng cáo]

Thy Thảo