BofA: Giá quặng sắt có thể giảm mạnh về mức 70 USD/tấn, nhiều mỏ khai thác đối mặt thua lỗ

Ngân hàng Bank of America (BofA) nhận định giá quặng sắt thế giới có thể giảm mạnh về mức 70 USD/tấn trong những tháng tới đây khi triển vọng hoạt động sản xuất thép tại Trung Quốc ở mức tiêu cực. Mức giá này có thể khiến nhiều mỏ quặng sắt quy mô nhỏ rơi vào thua lỗ.
Khai thác quặng sắt
 Với mức giá khoảng 70 USD/tấn, nhiều mỏ khai thác quặng sắt quy mô nhỏ sẽ đối mặt nguy cơ thua lỗ lớn khi chi phí cận biên hiện ở khoảng 80 USD/tấn (Ảnh: Caixin Global)

Ngân hàng Bank of America (BofA) vừa điều chỉnh giảm mạnh dự báo giá quặng sắt thế giới trung bình trong năm 2022 xuống còn 91 USD/tấn, giảm 45% so với mức 165 USD/tấn trong dự báo gần nhất. Mức dự báo giá quặng sắt trung bình trong năm nay cũng được BofA điều chỉnh giảm 16,6%, từ 188 USD/tấn xuống còn 157 USD/tấn.

Nhiều tổ chức kinh tế và ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới cũng điều chỉnh giảm mạnh dự báo giá quặng sắt trong năm sau trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh cắt giảm hoạt động sản xuất thép, khiến triển vọng nhu cầu tiêu thụ quặng sắt trong thời gian tới ở mức tiêu cực. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.

Theo BofA, việc Trung Quốc yêu cầu ngành thép nước này giảm 10% sản lượng trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12/2021 khiến thị trường quặng sắt thế giới rơi vào tình trạng dư cung. BofA cũng nhận định nếu không có thay đổi lớn nào về chính sách của Trung Quốc thì giá quặng sắt sẽ bị đẩy xuống chỉ còn khoảng 70 USD/tấn trong những tháng tới đây. Mức giá này sẽ khiến các mỏ khai thác quy mô nhỏ rơi vào tình trạng thua lỗ khi nhiều mỏ có mức chi phí cận biên là khoảng 80 USD/tấn.

Dựa trên các chính sách mới nhất về kiểm soát ô nhiễm khí thải do Bộ Môi trường Trung Quốc công bố, BofA nhận định hoạt động sản xuất thép của Trung Quốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 vào đầu tháng 2 năm sau. Do đó, tình trạng dư cung quặng sắt có thể sẽ kéo dài trong cả năm 2022. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng có thể cho phép hoạt động sản xuất thép gia tăng mạnh trở lại sau khi kỳ Thế vận hội kết thúc.

Trong tháng 8 vừa qua, sản lượng thép thô của Trung Quốc đã giảm tới 12,6% so với cùng kỳ năm 2020, xác lập tháng giảm sản lượng thứ ba liên tiếp. BofA dự báo sản lượng thép của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ giảm 1,4% so với năm 2021.

Nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc đang dần suy giảm khi chính phủ nước này đẩy mạnh kiểm soát thị trường bất động sản khiến nhu cầu xây dựng nhà ở giảm tốc; hoạt động sản xuất xe ô tô cũng suy yếu do tình trạng thiếu chip điện tử. Đặc biệt, rủi ro vỡ nợ của tập đoàn bất động sản hàng đầu nước này Evergrande cũng có thể tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng thép. Nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng của Trung Quốc vốn chiếm từ 10% đến 29% tổng nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu.

Quang Đặng