Không chỉ ngại dốc hầu bao vào cho môn thể thao vua, mà không ít doanh nghiệp (DN) đang tỏ ra ngại ngần khi tài trợ trực tiếp cho đội bóng cụ thể nào đó. LG ACB Hà Nội, Pjico Sông Lam Nghệ An, Mitsustar Hải Phòng, Đông Á Thép Pomina là những ví dụ dễ thấy nhất. Hiện nay, các DN không còn muốn tên của mình “dính” với đội bóng. Thay vào đó là P.Sông Lam Nghệ An, M.Hải Phòng và Đông Á Thép Pomina bị khai tử.

Chỉ Việt Nam mới có…

Một chuyên gia về xây dựng thương hiệu (Brand Manager) nhận xét: Sau khi đội bóng “kết duyên” cùng nhà tài trợ thì tên nhà tài trợ luôn đi trước tên đội bóng hoặc đôi khi bị mất luôn tên gốc. Có thể ví von như tên người vậy: Họ luôn đứng trước Tên.

Vậy nên, vừa rồi xảy ra nhiều vụ tiêu cực bóng đá thì tên nhà tài trợ ít nhiều cũng bị vạ lây. Tuy rằng không trực tiếp liên lụy đến những rắc rối nhưng những vụ việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của chính thương hiệu. Xây dựng thương hiệu đã khó, nay gìn giữ còn khó hơn nhiều lần.

Trong khi đó, ông tỷ phú dầu mỏ người Nga, Roman Abramovich, mua hẳn đội bóng lừng danh Chelsea nhưng chẳng hề thấy tên DN của ông, cũng như tên ông ghi liền với tên đội. Hay như trường hợp đội M.U với mạnh thường quân là tỷ phú người Mỹ, ông Glazer; đội Real Madrid với ông Florentino Pérez, chủ tịch tập đoàn ACS - Mỹ; đội Juventus thuộc về dòng tộc Agnelli, nhà sáng lập đoàn xe hơi Fiat...

Tài trợ bóng đá: Đồng vốn ít nhất nhưng hiệu quả nhất

Trở lại với Tân Hiệp Phát. Giải vô địch quốc gia mùa bóng 2005, ghi nhận có đến 50 trận đấu được các đài truyền hình phát trực tiếp hoặc phát lại. Như vậy, thì ước tính số người biết đến thương hiệu Number One xem truyền hình sẽ không dưới 500 triệu lượt người. Chưa hết, theo tổng kết sơ bộ của nhà môi giới, toàn giải có hàng ngàn tin bài viết về Number One V-League trên tất cả các báo trong thời gian hơn bảy tháng, thì ước tính cũng có trên 600 triệu lượt người đọc báo biết đến thương hiệu này.

Chưa kể việc truyền miệng, sự tác động của người thân những người hâm mộ thì số lượt người biết đến thương hiệu Number One sau một mùa giải đã lên tới hơn 1 tỉ lượt người. Có nghĩa là Number One, một sản phẩm nước tăng lực đang có hàng chục sản phẩm tương tự khác cạnh tranh, đã bỏ ra chi phí chưa tới 10 đồng cho một lượt người biết đến thương hiệu của mình. Với dân marketing, có thể nói đây là một cú thắng đậm. 

Thương hiệu qua bóng đá: Không chỉ chuyện tiền!

Ông Lê Hùng Dũng – Phó chủ tịch phụ trách Tiếp thị của Liên đoàn bóng đá Việt Nam cho rằng, vụ việc về bóng đá “chưa sạch”, không chỉ có nguyên do vì tiền. Đó còn là canh bạc của quyền lực.

“Theo tôi, các cầu thủ chỉ là phần ngọn. Một khi người lớn thỏa hiệp, thậm chí tiếp tay cho cầu thủ trẻ xem nặng chuyện tiền bạc hơn danh dự quốc gia, thì khi ấy chả trách sao họ sa lầy”. Ông Lê Hùng Dũng nhấn mạnh.

Xây dựng nên một thương hiệu cho bóng đá, không chỉ là chuyện có tiền. Từ bóng đá để DN xây dựng và củng cố thương hiệu của mình, cũng không chỉ là chuyện trút hầu bao thật nhiều.

Pepsico Việt Nam đã hỗ trợ đội tuyển bóng đá nam tham dự Sea Games 1 tỉ đồng bằng một chương trình khuyến mãi có nội dung cùng đồng hành với đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đoạt vàng. Với một câu khẩu hiệu: Bạn là người yêu bóng đá Việt Nam? Hãy làm một điều gì đó và cách đóng góp nhỏ nhất là uống một sản phẩm Pepsi, bạn đã ủng hộ bóng đá Việt Nam 50 đồng.

Để đạt được 1 tỉ đồng trong ba tháng, Pepsi phải tiêu thụ được 20 triệu chai. Như vậy chương trình khuyến mãi đã thắng lớn. Bàn thắng lớn hơn của Pepsi là tác động trực tiếp đến tình cảm của người hâm mộ. Bài toán xây dựng thương hiệu không chỉ là chuyện chất lượng, hệ thống phân phối mà còn là việc tạo được thói quen trong người tiêu dùng chính tình cảm của họ.

Tuy nhiên, với những gì đang xảy ra với bóng đá Việt Nam, liệu nên đặt vấn đề phải chăng trong thể thao, vận động viên đã đành phải chuyên nghiệp, chuyện “pro” còn buộc phải có không chỉ ở cái ghế Phó chủ tịch marketing, mà cả những nhà quản lý cao nhất của nền thể thao nước nhà…