Hôm 17/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vui mừng thông báo rằng Hội nghị Thượng đỉnh EU đã thông qua thỏa thuận Brexit, theo đó, mở ra hy vọng nước Anh tránh được kịch bản “Brexit cứng” (không có thỏa thuận). Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, bởi ngay sau đó tại Anh, các nghị sĩ quyết định không tiến hành bỏ phiếu trong ngày 19/10 về thỏa thuận Brexit mới, đồng nghĩa với việc tiến trình Brexit một lần nữa bế tắc.

Trong bối cảnh tiến trình Anh rời EU sắp đi đến “hạn chót” là ngày 31/10/2019, tuần qua các nhà lãnh đạo Anh và EU đã nỗ lực chạy nước rút để đạt được một thỏa thuận tránh cho nước Anh không phải trắng tay rời “mái nhà chung châu Âu” với nhiều hệ lụy. Theo đó, lãnh đạo 27 nước thành viên EU hôm 17/10 đã nhất trí thông qua thỏa thuận Brexit mới mà liên minh châu Âu đã đạt được với Chính phủ Anh trước đó, cùng ngày. Các nhà lãnh đạo EU đã lập tức bày tỏ hoan nghênh bước ngoặt mới trong tiến trình đàm phán Brexit nêu trên.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk cho biết "thay đổi chính" trong thỏa thuận mà Thủ tướng Johnson đưa ra với EU là phía Anh đã chấp nhận những kiểm tra hải quan tại khu vực biển Ireland, nhằm tránh đường biên giới cứng và đảm bảo "sự toàn vẹn lãnh thổ của thị trường đơn lẻ". Đây là vấn đề khiến đàm phán Anh - EU về Brexit bế tắc trong nhiều tháng qua.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh hiện "quả bóng đang ở trên sân của Anh".

Các nhà lãnh đạo EU kỳ vọng thỏa thuận Brexit mới nêu trên sẽ giúp "tránh những xáo trộn bất ổn định cho Anh và EU". Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch đắc cử của Ủy ban châu Âu cũng ủng hộ thỏa thuận nói trên và khẳng định đây là "một điểm khởi đầu" tốt đẹp cho các cuộc thương lượng cũng như quan hệ tương lai giữa EU và Anh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì bày tỏ lạc quan khi cho rằng thỏa thuận mới đạt được giữa Chính phủ Anh và EU cũng đồng nghĩa với việc “không cần trì hoãn Brexit sau thời hạn chót 31/10”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Johnson đã hoan nghênh thỏa thuận Brexit mới và cho biết điều này có nghĩa nước Anh có thể rời khỏi EU với tư cách "Vương quốc Liên hiệp Anh, gồm các vùng Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland cùng với nhau". 

Với việc nỗ lực cùng Chính phủ Anh đạt được thỏa thuận Brexit mới nêu trên chỉ trong thời gian đàm phán vẻn vẹn 5 ngày, có thể thấy phía EU đã làm hết khả năng để giúp hai bên tránh được một kịch bản “Brexit cứng” không mong muốn. Sau quyết định thông qua thỏa thuận Brexit mới của EU, trách nhiệm quyết định số phận tiến trình Brexit hoàn toàn phụ thuộc vào phía Anh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 17/10 cũng đã khẳng định điều này và nhấn mạnh hiện "quả bóng đang ở trên sân của Anh".

Tuy nhiên, đáp lại những kỳ vọng nêu trên, Quốc hội Anh cuối tuần qua đã đưa ra một quyết định đáng thất vọng đẩy thỏa thuận Brexit mới đối mặt nguy cơ “phá sản”. Hôm 19/10,  Quốc hội Anh đã triệu tập một phiên họp vào ngày thứ 7 để thảo luận về thỏa Brexit với Chính phủ của Thủ tướng Anh Johnson mà EU vừa thông qua. Phát biểu tại Quốc hội Anh trước khi tiến hành cuộc thảo luận, Thủ tướng Johnson đã kêu gọi các nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này.

Ông Johnson nhấn mạnh thỏa thuận mới này sẽ là "một lối đi mới tiến về phía trước và là thỏa thuận tốt hơn cho cả Anh và EU" và cảnh báo rằng trì hoãn Brexit hơn nữa sẽ là "vô nghĩa, tốn kém và làm xói mòn sâu sắc lòng tin của công chúng". Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu cho thấy đa số các nghị sĩ đã “quay lưng” với thỏa thuận mới mà Thủ tướng Anh đã dành nhiều tâm huyết và kỳ vọng. Với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, Quốc hội Anh đã ủng hộ đề xuất do cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ Oliver Letwin soạn thảo, theo đó không tiến hành bỏ phiếu trong ngày 19/10 về thỏa thuận Brexit mới cho đến khi toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được chính thức thông qua.

thu tuong anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson: “Sẽ không đàm phán với EU về việc lùi thời hạn Brexit, dù luật pháp buộc phải làm như vậy".

Báo chí Anh cho biết, theo luật pháp của nước này, sau khi Quốc hội không thông qua thỏa thuận Brexit mới trong ngày 19/10 như kế hoạch, thì Thủ tướng Johnson sẽ phải đề nghị EU hoãn Brexit đến cuối tháng 1/2020. Tuy nhiên, ngay sau khi các nghị sĩ đưa ra quyết định phũ phàng nói trên, ông Boris Johnson hôm 19/10 khẳng định rằng ông vẫn theo đuổi hạn chót Anh rời EU vào ngày 31/10, bất chấp việc các nghị sỹ Anh vừa bỏ phiếu hoãn quyết định về thỏa thuận Brexit mới.

Trước đó, giới phân tích cho rằng, nếu vẫn đưa Anh rời EU bất chấp các quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Johnson có thể sẽ phải đối mặt với các rắc rối pháp lý. Tuy nhiên, trong phát biểu tại Quốc hội Anh, ông Johnson đã nhấn mạnh rằng "cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa" về thỏa thuận Brexit mới nói trên "đã trở nên không còn ý nghĩa", song ông sẽ “không đàm phán với EU về việc lùi thời hạn Brexit, dù luật pháp buộc phải làm như vậy". 

Như vậy, với quyết định nêu trên của Quốc hội Anh, thỏa thuận Brexit một lần nữa lại không thể qua được “cửa ải” Quốc hội và tiến trình Brexit lại đứng trước tương lai mờ mịt. Nguy cơ xảy ra kịch bản Brexit không có thỏa thuận lại gia tăng và đặt cả kinh tế Anh lẫn EU trước những thách thức lớn.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, quyết định “cản đường” Brexit nêu trên của Quốc hội Anh cũng không quá bất ngờ, trong bối cảnh nội bộ các đảng phái ở Anh chia rẽ sâu sắc về Brexit. Vài tháng trước, một thỏa thuận giữa Chính phủ Anh và EU, do cựu Thủ tướng Anh Th. May thúc đẩy, cũng đã “chết yểu” khi không thể thông qua tại Hạ viện Anh do những bất đồng nội bộ. Trước cuộc họp của Quốc hội Anh hôm 19/10 vừa qua, hãng tin Reuter và Ngân hàng Deutsche đã ước tính 55% khả năng Quốc hội sẽ bác thỏa thuận của Thủ tướng Anh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker: “Trường hợp các nghị sĩ Anh không bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit mà Anh và EU vừa mới vất vả đạt được, tình hình sẽ trở nên vô cùng phức tạp”.

Trên thực tế, trong những tuần gần đây, cả EU và Anh dù tích cực đàm phán, song vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản” Anh rời EU không thỏa thuận. EC mới đây đã công bố một loạt biện pháp nhằm đối phó với kịch bản “Brexit cứng” tồi tệ nêu trên. Trong đó, đề xuất dùng tới Quỹ Đoàn kết châu Âu (FSE), vốn trước đây chỉ được sử dụng để đối phó với các thảm họa thiên nhiên, và Quỹ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ toàn cầu hóa (FEM). Các biện pháp này được cho là sẽ có tác dụng giảm thiểu tác động từ một Brexit không có trật tự.

Trong khi đó, tuần trước, Văn phòng Thủ tướng Anh vừa cho biết, ông Johnson đã thông báo với nội các sẵn sàng đối mặt với một kết cục "lơ lửng". Thủ tướng Anh đã tuyên bố rõ rằng "có thể nhìn thấy con đường dẫn tới thỏa thuận, song còn nhiều việc cần làm để đạt được điều đó". Ông Johnson, đồng thời nêu rõ nước Anh “cần chuẩn bị sẵn sàng rời khỏi EU vào ngày 31/10".  

Như vậy, sau một tiến trình dài với nhiều nỗ lực và trắc trở, cuối cùng tiến trình Brexit lại “mắc kẹt” tại Quốc hội Anh. Chủ tịch EC, ông J. Claude hôm 18/10 đã lên tiếng cảnh báo rằng, trường hợp các nghị sĩ Anh không bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit mà Anh và EU vừa mới vất vả đạt được, “tình hình sẽ vô cùng phức tạp”. Mối lo này của người đứng đầu EC hiện đã trở thành hiện thực sau khi “bóng ở trong chân” Quốc hội Anh nhưng đa số các nghị sĩ Anh đã chủ động “đá phản lưới nhà”.

Trong bối cảnh nêu trên, bi kịch đang diễn ra ở nước Anh hiện nay là sau khi Quốc hội lần lượt bác bỏ các thỏa thuận Brexit của cựu Thủ tướng Th. May và đương kim Thủ tướng Johnson đề xuất, họ không đưa ra được lựa chọn nào khả dĩ hơn. Và, cùng với thỏa thuận Brexit bế tắc, phía trước chặng đường rời EU của nước Anh là muôn vàn chông gai cùng những thách thức kinh tế.