Bước ngoặt của VNSTEEL

Năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp lợi nhuận toàn hệ thống VNSTEEL tiếp tục được tích lũy và duy trì mức sinh lợi 11,4% trên vốn góp chủ sở hữu. Bức tranh sáng mầu về sản xuất kinh doanh, tài chính của

3 năm liên tiếp duy trì sinh lợi

Ngày 15/6, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 đã cho thấy các mục tiêu về sản xuất kinh doanh, tài chính quan trọng hầu hết VNSTEEL đều thực hiện đạt và vượt mức kế hoạch, bên cạnh đó là vực dậy thành công các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Theo đó, năm 2017, tổng doanh thu hợp nhất của Tổng công ty đạt hơn 19.802 tỷ đồng, tăng 1.953 tỷ đồng, tương ứng 10,9% so với năm 2016. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty năm 2017 đạt hơn 898,1 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đặt ra (300 tỷ đồng). Đồng thời, đây là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận toàn hệ thống tiếp tục được tích lũy và duy trì mức sinh lợi 11,4% trên vốn góp chủ sở hữu.

Các chi phí bán hàng và chi phí tài chính toàn hệ thống được kiểm soát tốt nên đã giảm nhiều so với năm 2016, trong đó, chi phí bán hàng giảm 94,5 tỷ đồng, tương ứng 27,3%. Tuy nhiên bản báo cáo của Ban kiểm soát, VNSTEEL vẫn có những “điểm rớt” đáng suy nghĩ, đó là tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 898,1 tỷ đồng, giảm 49,9 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 778 tỷ đồng, giảm 56,5 tỷ đồng so với năm trước đó. Từ đó dẫn đến lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2017 là 1.005 đồng/cổ phần, giảm 112 đồng/cổ phần so với năm 2016. Ngoài lý do về cạnh tranh với thép trong nước dẫn đến giảm 11,8% lãi gộp bình quân so với cùng kỳ thì còn một lý do quan trọng nữa là công tác lập kế hoạch, phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh còn có lúc chưa sát với thực tế, dẫn đến những nhận định chưa kịp thời về thị trường. Đây là những điểm buộc phải làm tốt hơn trong năm 2018 và những năm tiếp theo.


Thở phào Thép Việt – Trung

Về cơ bản, tình hình sản xuất, kinh doanh của VNSTEEL trong năm 2017 là khả quan, tuy nhiên, lãnh đạo Tổng công ty vẫn hết sức dè dặt trong nhận định, đánh giá vì vẫn còn vướng rất nhiều việc lớn bởi có đến 2 trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương.

Ngày 2/6 mới đây, người phát ngôn của Bộ Công Thương đã chính thức đề nghị Chính phủ rút bỏ dự án Nhà máy Thép Việt - Trung thuộc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương. Đây có thể nói là một sự thở phào nhẹ nhõm không chỉ với VTM, với VNSTEEL mà còn với cả Bộ Công Thương. Nội dung này được báo cáo chi tiết trong đại hội cổ đông.

Ảnh minh họa

Theo đại diện lãnh đạo VTM, từ năm 2017 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM đã có lãi và tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất phôi tăng trưởng trên 20%, vượt 110% công suất thiết kế sản xuất. Doanh thu 6 tháng của Công ty đạt khoảng 4.175 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến đạt 658 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty, đảm bảo cân đối tài chính, nguồn vốn cho các cổ đông.

Đại diện VTM cũng chia sẻ về việc xin ra khỏi các dự án thua lỗ là mong muốn chính đáng của VTM, của VNSTEEL để qua đó các bạn hàng có thể đối xử VTM như doanh nghiệp bình thường cũng như các ngân hàng có thể bình thường hóa trong xem xét tiếp cận vốn với VTM.

Riêng với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, VNSTEEL tuyệt đối tuân thủ mọi giải pháp mà Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra. Tuy nhiên vì đây là một dự án đặc biệt khó khăn nên dù thời gian đang ngày càng khiến dự án thêm bất lợi song cũng không được phép nóng vội vì nóng vội không thể giải quyết được gì. Mặc dù VNSTEEL đã, đang và vẫn không ngừng chủ động, nô lực triển khai tháo gỡ khó khăn cho dự án, song hiện vẫn còn những vướng mắc rất lớn, vượt qua tầm kiểm soát của VNSTEEl khiến dự án chưa thể tái khởi động trở lại được. Đây chính là mục tiêu quan trọng nhất của hội đồng quản trị của VNSTEEL trong năm 2018.