Các doanh nghiệp ngành Bia - Rượu - Nước giải khát thực hiện chủ trương tái cơ cấu như thế nào?

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp lớn của Chính phủ để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 là ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi
Trong tái cơ cấu nền kinh tế, cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu các ngành kinh tế và phân bố lại lực lượng sản xuất trên từng vùng lãnh thổ; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty; tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính. 

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 tổ chức tại Hà Nội ngày 8-12, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới, nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính ổn định kinh tế vĩ mô, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, an ninh chính trị; an ninh năng lượng, lương thực… của đất nước; tái cơ cấu cũng để doanh nghiệp nhà nước hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn với nguồn lực được giao. 

Thủ tướng cũng chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực như quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; quản lý sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; thể chế về tổ chức công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước… 

Như vậy, đối với doanh nghiệp, trước hết là các tập đoàn, tổng công ty vấn đề đổi mới quản lý sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, được đặt lên hàng đầu. Đó là doanh nghiệp nhà nước phải được sắp xếp, hệ thống lại, đánh giá xem thực trạng ra sao, những ngành, lĩnh vực nào Nhà nước phải nắm, hoặc nắm chi phối; những ngành, lĩnh vực nào Nhà nước để cho các thành phần kinh tế khác tham gia. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét những ngành, lĩnh vực nào lẽ ra doanh nghiệp nhà nước phải nắm, nhưng thời gian qua đã không làm, nhất là trong lĩnh vực lưu thông phân phối, nên đã để lại một khoảng trống lớn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo cho tư thương nắm giữ, chi phối, hưởng lợi cao ở lĩnh vực này, theo đó lại tạo ra nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là trong quản lý thị trường, giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… 

Đối với các doanh nghiệp ngành Bia - Rượu - Nước giải khát là ngành sản xuất mà Nhà nước từng bước không nắm giữ cổ phần chi phối, nên trong quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp cần tiến hành các công tác cụ thể như sau : 

- Rà soát, đánh giá lại cơ cấu ngành nghề, cơ cấu sản phẩm xem ngành nghề nào chiếm tỷ trọng chi phối, ngành nghề nào có tiềm năng phát triển, ngành nghề nào tuy đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động… Tương tự, sản phẩm nào sản xuất tiêu thụ tốt, sản phẩm nào không có khả năng cạnh tranh, nhu cầu không lớn, kinh doanh không hiệu quả.., để có giải pháp thu gọn hoặc phát triển và tập trung nguồn lực cho những ngành nghề, sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh, để hoạt động của doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn. 

- Trên cơ sở rà soát, đánh giá, sắp xếp lại ngành nghề, sản phẩm kinh doanh, xây dựng lộ trình đầu tư để doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện một cách vững chắc, hiệu quả. Đó là quá trình đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị tường, năng lực quản lý, trình độ khoa học công nghệ, trình độ tay nghề của người lao động… Việc đầu tư cần hướng tới những dự án có quy mô kinh tế, sản phẩm có khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả trên thị trường xuất khẩu, trong đó có việc hợp nhất doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. 

- Các Tổng Công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con cần rà soát lại cơ cấu các đơn vị thành viên, đánh giá tính liên kết, hỗ trợ giữa các đơn vị thành viên với nhau, giữa công ty mẹ với các công ty con, để tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu, từ đó hoàn thiện mô hình hoạt động một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc cổ phần hóa doanh nghiệp để rút dần vốn nhà nước về đầu tư cho những mục tiêu chiến lược hơn. 

Các Tổng Công ty lớn như SABECO, HABECO… trong quá trình tái cơ cấu cần quan tâm mạnh hơn tới lĩnh vực lưu thông phân phối sản phẩm, thiết lập các kho trung chuyển hàng háo để bảo đảm cung ứng sản phẩm ra thị trường được liên tục, ổn định, tiết kiệm chi phí, đồng thời có điều kiện kiểm tra, giám sát được chất lượng, giá cả hàng hóa của doanh nghiệp. 

- Trong lĩnh vực đầu tư, cần rà soát lại các nguồn vốn, các khoản vay, các dự án đang và sẽ đầu tư trong giai đoạn tới để có kế hoạch, giải pháp sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên cho những dự án, nhiệm vụ cấp bách, quan trọng; kế hoạch huy động vốn từ các nguồn khác (chú trọng vốn liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước) để các dự án được đầu tư nhanh, đưa vào khai thác kịp thời, hiệu quả. Trong lĩnh vực sản xuất rượu cần chú trọng hợp tác với các hãng rượu lớn trên thế giới để đầu tư công nghệ sản xuất những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng; việc hợp tác với các hãng sản xuất bia lớn trên thế giới cần hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu. 

- Trong lĩnh vực khoa học công nghệ cần đánh giá lại tính tiên tiến của công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng, khâu yếu nhất, lạc hậu nhất để có giải pháp đầu tư nâng cấp trước mắt; xác định được nhu cầu ứng dụng công nghệ mới trong tương lai để có kế hoạch triển khai, để sản phẩm sản xuất ra có khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

- Trong lĩnh vực tài chính, cần rà soát lại các nguồn vốn, các quỹ, các khoản gửi, các khoản nợ phải thu, phải trả… để có kế hoạch, giải pháp xử lý kịp thời, bảo đảm cho doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, sử dụng tiền vốn có hiệu quả, duy trì và phát triển được vốn nhà nước giao. 

- Trong lĩnh vực tổ chức, lao động, cần nghiên cứu sắp xếp lại tổ chức và đội ngũ quản lý doanh nghiệp sao cho vừa đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập, vừa tinh gọn, hiệu quả. Chú trọng tới đội ngũ làm công tác marketing, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Tổ chức đánh giá lại lực lượng lao động trong tất cả các khâu, các bộ phận, phòng ban, phân xưởng… để nắm chắc số lượng, chất lượng, ngành nghề chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tay nghề… để có kế hoạch bố trí, đào tạo mới, đào tạo lại, nâng cao chất lượng người lao động, phù hợp với yêu cầu của sản xuất kinh doanh, bảo đảm cho cho người lao động luôn có việc làm và thu nhập ngày một nâng cao. 

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Chính phủ, là một nhiệm vụ cần thực hiện một cách nghiêm túc của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề khó khăn. Hy vọng với nhận thức đầy đủ về quá trình này, các doanh nghiệp ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam sẽ triển khai một cách chủ động, tích cực và gặt hái được những thành công.