Các nền kinh tế Đông Nam Á vươn mình bất chấp những cơn gió ngược

Những gián đoạn hiện tại do hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hoặc Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) sẽ không ngăn cản quá trình hội nhập kinh tế đang diễn ra ở Đông Á và ASEAN.

ASEAN nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên
Một Việt Nam tích cực, trách nhiệm, một ASEAN sáng tạo, tự cường.

Vững vàng từng bước đi

Trong 5 thập kỷ qua, thành công kinh tế của một số quốc gia ở Đông Á và trong ASEAN đã mang lại sự hội nhập kinh tế lớn hơn giữa các quốc gia trong khu vực. Hội nhập kinh tế khu vực có nghĩa là các quốc gia ngày càng phụ thuộc kinh tế hơn vào nhau, địa điểm sản xuất hàng hóa có sự dịch chuyển và giữa các quốc gia có sự mở rộng hoạt động thương mại.

nền kinh tế châu Á
Đông Á đã và đang chứng kiến sự trỗi dậy của những "con hổ" kinh tế. (Nguồn: GM Heritage Center)

 

Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu thô, lao động, vốn cũng có sự dịch chuyển mạnh mẽ giữa các nước. Hiện nay, nhiều ngành công nghiệp từng góp phần vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc đang có sự chuyển hướng sang một số nước Đông Á và ASEAN. Những năm 1960, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của khu vực chỉ ở khoảng 10% GDP, nhưng trong những năm 2010, con số này đã ở khoảng 25%.
Theo số liệu thống kê của WTO, trong năm 2015, các nền kinh tế Đông Á như Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines có tổng giá trị xuất khẩu chiếm 32,6% tổng giá trị xuất khẩu của thế giới, tương đương 16.482 tỷ USD. Mức nhập khẩu trên thực tế cao hơn một chút so với tổng giá trị nhập khẩu của thế giới, ở mức 34,7% trong cùng thời kỳ.

Để có những điểm sáng như hiện nay, các nền kinh tế khu vực đã phải trải qua một khoảng thời gian vận động phát triển mang màu sắc của riêng mình. Đi đầu là Nhật Bản với những đột phá về kinh tế sau những năm 1950. Tiếp đến là những “con hổ” kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), Singapore với những chuyển biến từ việc tự do hóa, đẩy mạnh mở cửa đến mở rộng thương mại, xuất khẩu vào các thị trường phương Tây trong những năm 1960, 1970 và sau đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Một cách tự nhiên, quá trình phát triển này mang lại tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, tạo ra các trung tâm công nghiệp, lan truyền lợi ích của tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực. Từ đó, các rào cản thương mại dần được dỡ bỏ, những cuộc đàm phán thương mại diễn ra từ những năm 1960 đến những năm 1990 càng tạo đà mạnh mẽ cho quá trình này, đặc biệt là việc thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Song song với việc cắt giảm thuế quan là sự phát triển mạnh mẽ của những nhóm nước trong khu vực với điển hình là ASEAN khi Hiệp hội ngày càng có xu hướng gắn kết về kinh tế với những cơ chế cụ thể như Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1993, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Không chỉ vậy, trong bối cảnh rộng lớn hơn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các mối quan hệ kinh tế ngày càng được mở rộng. Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) chính là một khuôn khổ quan trọng để các quốc gia cùng nhau ngồi lại chia sẻ và thảo luận các vấn đề kinh tế khu vực, qua đó thúc đẩy sự hội nhập ngày càng lớn hơn.

Chung tay tìm giải pháp

Làm sao để vẫn có thể hội nhập khu vực sâu rộng hơn mà không cần đến vai trò của nước Mỹ?

Giới chuyên gia cho rằng, để có thể hội nhập vững vàng, cần phải coi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như Brexit chỉ là những vấn đề trong quá trình phát triển và có những biện pháp ứng phó, tránh để những biến cố trong nền kinh tế thế giới ảnh hưởng hoặc tác động quá sâu rộng.

AEC
Cộng đồng kinh tế ASEAN là một trong những trọng tâm cần thúc đẩy của khu vực. (Nguồn: Eastasia Forum)

 

Các nền kinh tế Đông Nam Á có thể phải đối mặt với những “cơn gió ngược” lớn về kinh tế vào năm 2019 trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng và Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Để giúp vượt qua những tác động, rõ ràng, ASEAN nên dành ưu tiên cho việc đạt được những tiến bộ trong các sáng kiến khu vực.

Các nền kinh tế khu vực phải tự chuẩn bị cho sự hỗn loạn kinh tế và tài chính trong tương lai. Mặc dù khó có thể tránh được những “cơn gió ngược” song các thành viên ASEAN vẫn có thể làm suy yếu tác động thông qua các sáng kiến khu vực, bao gồm: Sáng kiến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2025, Hiệp định thương mại và đầu tư tự do ASEAN - Hongkong (AHKFTA và AHKIA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Sáng kiến đa phương Chiang Mai (CMIM).

Các nhà hoạch định chính sách khu vực nên ưu tiên thực hiện hoàn chỉnh AEC 2025. Đây là dự án hội nhập kinh tế khu vực của 10 quốc gia thành viên ASEAN được thiết kế để đạt được 5 mục tiêu: Một nền kinh tế hội nhập và gắn kết cao; Một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; Tăng cường kết nối và hợp tác ngành; Một ASEAN kiên cường, toàn diện, hướng đến con người và lấy con người làm trung tâm; và Một ASEAN toàn cầu. Việc thúc đẩy AEC 2025 sẽ cho phép các doanh nghiệp khai thác tốt hơn vào thị trường hội nhập với hơn 600 triệu người, khiến các nền kinh tế trong khu vực trở nên kiên cường hơn trước những biến động kinh tế trong tương lai.

Cuối cùng, các quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) nên thúc đẩy CMIM, một mạng lưới an toàn tài chính khu vực theo khuôn khổ ASEAN+3. Ra mắt vào năm 2010, chương trình này cung cấp sự hỗ trợ tài chính thông qua một mạng lưới hoán đổi tiền tệ để giúp các quốc gia ASEAN+3 vượt qua khó khăn về cán cân thanh toán.

Do việc tăng lãi suất của Fed trong tương lai có thể khiến nhà đầu tư hoảng loạn dẫn đến bất ổn tài chính và tháo chạy vốn ở một số nền kinh tế khu vực, CMIM có thể cung cấp những hỗ trợ tài chính để giảm nhẹ các vấn đề như vậy.

Thu Hiền (theo Philstar Global, Eastasia Forum)