TÓM TẮT:

Xác định và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính (BCTC) tại các ngân hàng thương mại cổ phần Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề cần thiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trình độ nhân viên kế toán, môi trường pháp lý, quy trình kế toán, mức độ công bố thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin có ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng thông tin BCTC. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng thông tin BCTC tại các ngân hàng thương mại cổ phần Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Thông tin kế toán, Báo cáo tài chính, ngân hàng thương mại cổ phần.

1. Đặt vấn đề

Mục tiêu chính của BCTC là cung cấp thông tin tài chính chất lượng của thực thể kinh tế đến các đối tượng sử dụng thông tin, đây là nguồn thông tin hữu ích cho việc ra quyết định kinh tế của các đối tượng sử dụng thông tin này (FASB, 1999; IASB, 2008). Cung cấp thông tin BCTC chất lượng cao rất quan trọng bởi sẽ ảnh hưởng tích cực đến các nhà cung cấp vốn và các bên liên quan khác trong việc đưa ra các quyết định đầu tư, tín dụng và phân bổ nguồn lực trong tổ chức nhằm đạt được các hiệu quả kinh tế (IASB, 2006; IASB, 2008).

Trong bối cảnh nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước hội nhập kinh tế thế giới, áp lực cạnh tranh gia tăng. Các hoạt động thương mại quốc tế diễn ra ngày càng nhiều từ đó trực tiếp, hay gián tiếp tạo cho các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng như thách thức, khó khăn trong quá trình hoạt động. Trong bối cảnh đó, một BCTC chất lượng càng trở nên quan trọng và cần thiết cho việc ra quyết định kinh tế của các đối tượng sử dụng thông tin.

2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

Dựa trên khuôn mẫu khái niệm về các thuộc tính chất lượng thông tin BCTC được ban hành bởi IASB và FASB, các nhà nghiên cứu theo hướng cơ bản đã đưa ra những khái niệm đa dạng về chất lượng thông tin báo cáo tài chính. Theo Jonas và Blanchet (2000), chất lượng thể hiện ở việc BCTC cung cấp đầy đủ và rõ ràng các thông tin tài chính, và mục đích cung cấp thông tin không hướng đến việc gây nhầm lẫn hoặc thay đổi quyết định của người sử dụng. Tang & ctg (2008) cho thấy chất lượng thông tin BCTC là khả năng mà BCTC cung cấp một cách trung thực và thực tế những thông tin liên quan đến hiệu quả hoạt động và tình hình tài chính của một thực thể.

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin BCTC tại các ngân hàng thương mại cổ phần Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

- Trình độ nhân viên kế toán: Theo Phạm Quốc Thuần (2016), trình độ nhân lực là một nhân tố quan trọng tác động đến chất lượng BCTC vì họ là những người trực tiếp tham gia vào công tác kế toán tại đơn vị, nên nếu trình độ nhân viên kế toán không đáp ứng yêu cầu sẽ làm chất lượng BCTC của đơn vị xấu đi. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, số năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kế toán tài chính, tinh thần ham học hỏi và cầu tiến, có trình độ sử dụng công nghệ thông tin cũng góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện và phát triển hệ thống BCTC, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng thông tin hay việc giám sát, điều hành của cơ quan chủ quản. Như vậy, các nhân viên kế toán chuyên nghiệp, có năng lực sẽ giúp nâng cao chất lượng BCTC tại đơn vị.

Giả thiết H1: Trình độ nhân viên kế toán ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng thông tin BCTC.

- Môi trường pháp lý: Môi trường pháp lý có tác động mạnh mẽ đến hệ thống kế toán và BCTC tại các quốc gia. Doupnik and Salter (1992) đã nghiên cứu tác động của hệ thống pháp luật trên sự phát triển của hệ thống kế toán tại các quốc gia khác nhau và đưa ra giả thuyết, sự khác biệt về hệ thống pháp luật của các nước khác nhau có thể giải thích sự khác biệt trong sự phát triển của hệ thống kế toán. Các nhân tố chủ yếu của môi trường pháp lý tác động đến hệ thống kế toán bao gồm: Hệ thống pháp luật; vai trò của Nhà nước và tổ chức nghề nghiệp; và pháp luật về thuế. Kết quả cho thấy sự kiểm soát từ phía Nhà nước và các tổ chức tài chính có tác động thuận chiều tới chất lượng thông tin kế toán.

 Giả thiết H2: Môi trường pháp lý ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng thông tin BCTC.

- Quy trình kế toán: Theo Jonas, G. J., & Blanchet, J. (2000) BCTC không chỉ là sản phẩm cuối cùng, đây là một quy trình bao gồm các thành phần như các giao dịch và sự kiện của công ty, lựa chọn chính sách kế toán, áp dụng chính sách kế toán, ước tính và đánh giá liên quan, công bố về các giao dịch, sự kiện, chính sách, ước tính và phán đoán, từ đó, chất lượng BCTC của công ty cuối cùng phụ thuộc vào chất lượng của từng phần của quy trình này.

 Giả thiết H3: Quy trình kế toán ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính.

- Mức độ công bố thông tin: Michelon, G. (2011) dựa trên lý thuyết hợp pháp đã chứng minh danh tiếng của công ty là yếu tố quyết định đến việc công bố thông tin, và danh tiếng công ty ảnh hưởng đến chất lượng thông tin BCTC mà công ty đó cung cấp. Các công ty có hiệu quả tài chính tốt có khả năng công bố thông tin nhiều hơn nhằm truyền đạt tính hợp pháp trong hoạt động của họ cho các bên liên quan thông qua các BCTC hay báo cáo thường niên từ đó khẳng định danh tiếng của họ.

Giả thiết H4: Mức độ công bố thông tin ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính.

- Ứng dụng công nghệ thông tin: Muda, I. và cộng sự (2017) cho thấy sự phát triển trong công nghệ thông tin kế toán trong một tổ chức có tác động tích cực trong việc xử lý dữ liệu từ hệ thống thủ công sang hệ thống máy tính và sự xuất hiện của phần mềm kế toán sẽ giúp tạo BCTC dễ dàng hơn và có chất lượng cao hơn.

Giả thiết H5: Ứng dụng công nghệ thông tin ảnh hưởng cùng chiều đến chất lượng thông tin BCTC.

2.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu      

Nghiên cứu được tiến hành qua 2 giai đoạn chính: (1) Nghiên cứu định tính nhằm xác định mô hình nghiên cứu chính thức và xây dựng thang đo nghiên cứu chính thức cho các nhân tố về Trình độ nhân viên kế toán, môi trường pháp lý, quy trình kế toán, mức độ công bố thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin và chất lượng thông tin BCTC tại các ngân hàng thương mại cổ phần Thành phố Hồ Chí Minh; (2) Nghiên cứu định lượng nhằm thu thập, phân tích dữ liệu khảo sát, và kiểm định các giả thiết của mô hình.

Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Theo Tabachnick & Fidell (2007) khi dùng hồi quy bội, kích thước mẫu n nên được tính bằng công thức sau: n > 50 + 8p = 50 + 8x5 = 90 (p: số lượng biến độc lập), số mẫu được chọn trong bài nghiên cứu là 157 mẫu là phù hợp.

3. Kết quả nghiên cứu

Sau khi kiểm định độ tin cậy của các thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc. Tác giả đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính như sau:

Bảng 1. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi qui tuyến tính đa biến

Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi qui tuyến tính đa biến

Nguồn: Tính toán từ phầm mềm SPSS

Bảng 2. Bảng kết quả các trọng số hồi quy

Bảng kết quả các trọng số hồi quy

Nguồn: Tính toán từ phầm mềm SPSS

Bảng 1 cho thấy, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh = 0.661 > 0.5, do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.661, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 66,1%.

Căn cứ vào Bảng 2, phương trình hồi qui tuyến tính bội các nhân tố về Trình độ nhân viên kế toán, môi trường pháp lý, quy trình kế toán, mức độ công bố thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin ảnh hưởng đến chất lượng thông tin BCTC tại các ngân hàng thương mại cổ phần Thành phố Hồ Chí Minh với các hệ số chuẩn hóa như sau:

Y = 0.372X1+ 0.326X2 + 0.4X3 + 0.304X4 + 0.38X5

Kết luận: Mục đích của nghiên cứu này là xác định và đo lường mức độ tác động các nhân tố Trình độ nhân viên kế toán, môi trường pháp lý, quy trình kế toán, mức độ công bố thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin đến chất lượng thông tin BCTC tại các ngân hàng thương mại cổ phần Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 5 nhân tố có ảnh hưởng đến chất lượng thông tin BCTC tại các ngân hàng thương mại cổ phần Thành phố Hồ Chí Minh với mức độ tác động theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Quy trình kế toán, ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ nhân viên kế toán, môi trường pháp lý, mức độ công bố thông tin.

4. Kiến nghị

Tác giả đề xuất một số các kiến nghị về ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng thông tin BCTC tại các ngân hàng thương mại cổ phần Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đảm bảo nâng cao chất lượng thông tin BCTC tại các ngân hàng thương mại cổ phần Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà quản lý cần hoàn thiện các quy trình kế toán và nâng cao tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nhằm phát hiện kịp thời các sai sót, các rủi ro có thể xảy ra trong quy trình công tác kế toán tại đơn vị. Nhân viên kế toán phải được đào tạo, huấn luyện để khai thác hệ thống thông tin kế toán tối ưu và hiểu rõ lợi ích có được từ hệ thống thông tin kế toán, nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán.

Ngân hàng cần đầu tư cho một hệ thống thông tin kế toán hiệu quả gồm nhiều nội dung, trong đó, bao gồm việc nâng cao hiệu quả từ phương pháp, quy trình, phần mềm, cách thức tổ chức cung cấp thông tin, cách thức nhập liệu đầu vào,… Tăng cường công bố thông tin đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, công khai và minh bạch của thông tin công bố và nhằm đảm bảo cung cấp thông tin BCTC chất lượng cho các đối tượng sử dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Doupnik & Salter, S. B., T. S. (1992). The relationship between legal systems and accounting practices: A classification exercise. Advances in International Accounting, 5(1), 3-22.
  2. Jonas, G. J., & Blanchet, J. (2000). Assessing quality of financial reporting. Accounting horizons, 14(3), 353-363.
  3. Michelon, G. (2011). Sustainability disclosure and reputation: A comparative study. Corporate Reputation Review, 14(2), 79-96.
  4. Muda, I. (2017). The effect of supervisory board cross-membership and supervisory board members' expertise to the disclosure of supervisory board’s report: Empirical evidence from Indonesia. European Research Studies Journal, XX(3A), 702-716.
  5. Romney, M. B. & Steinbart, P. J. (2012). Accounting Information Systems. Global Edition (Twelfth Edition). England: Pearson Education Limited.
  6. Phạm Quốc Thuần, La Xuân Đào (2016) “Chất lượng thông tin báo cáo tài chính - Tác động của các nhân tố bên ngoài: Phân tích nghiên cứu tình huống tại Việt Nam”. Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ, 19(1). 61-70.
  7. Tabachnick, B. G., Fidell, L. S., & Ullman, J. B. (2007). Using multivariate statistics (Vol. 5). Boston, MA: Pearson.

FACTORS AFFECTING THE QUALITY

OF FINANCIAL STATEMENT OF JOINT STOCK

COMMERCIAL BANKS LOCATED IN HO CHI MINH CITY

• Master. LY NGUYEN NGOC THAO

• Master. HOANG THI NGA

Ho Chi Minh City Industry and Trade Collge  

ABSTRACT:

Determining and measuring the impact of different factors on the quality of financial statements of joint stock commercial banks located in Ho Chi Minh City is an essential topic. This research’s findings show that the competency of accountant, legal environment, accounting processes, information disclosure, information technology applications have positive impacts on the quality of financial statements. Based on the research’s results, some solutions are proposed to improve the quality of financial statements of joint stock commercial banks located in Ho Chi Minh City.

Keywords: Accounting information, financial statements, joint stock commercial banks.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]