Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học trực tuyến: nghiên cứu tại Trường Đại học Lâm nghiệp

TRẦN ĐÌNH MẠNH (Trường Đại học Lâm nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh công nghệ 4.0, bên cạnh đó là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước đã triển khai đào tạo trực tuyến toàn thời gian, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Nghiên cứu này tập trung đánh giá hiệu quả học trực tuyến của sinh viên đào tạo chính quy tại Trường Đại học Lâm nghiệp trong thời gian ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định: cả 4 nhân tố trong mô hình nghiên cứu, gồm: phương pháp giảng dạy của giảng viên, công nghệ, sinh viên, bối cảnh khóa học đều có ảnh hưởng thuận chiều tới hiệu quả học tập trực tuyến của sinh viên.

Từ khóa: học trực tuyến, hiệu quả học trực tuyến, Covid-19, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Học tập trực tuyến là xu hướng học tập ngày càng phổ biến trong thời đại 4.0, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay. Với sự phát triển của mạng internet cùng các công nghệ kết nối và hiển thị, học tập trực tuyến ngày càng dễ dàng và mở ra cơ hội mới cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường đại học. Trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới, lợi ích của mô hình học tập này đã thể hiện ngày càng rõ nét, giúp các trường đại học tiếp tục duy trì hoạt động đào tạo và kết nối hàng triệu lớp học cho sinh viên và giảng viên trên toàn quốc. Học tập trực tuyến giúp môi trường học tập không bị giới hạn về thời gian và không gian, đồng thời giảm chi phí đào tạo và xã hội.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình đúng tiến độ, đảm bảo việc học tập của học sinh, sinh viên, nhiều trường học đã áp dụng việc dạy học bằng hình thức trực tuyến (online). Tuy nhiên, khi triển khai dạy và học trực tuyến đối với hệ chính quy bậc đại học, nhiều sinh viên đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thích nghi và tiếp nhận sự thay đổi đột ngột. Do đó, nghiên cứu hiệu quả của học trực tuyến, cũng như tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học trực tuyến tại cơ sở giáo dục đại học là việc làm thực sự cần thiết.

2. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Về học tập trực tuyến

Học tập trực tuyến đã trở thành một mô hình học tập phổ biến trên thế giới. Có nhiều khái niệm khác nhau về học tập trực tuyến, nhưng các khái niệm thường được gắn liền với yếu tố công nghệ. Theo Welsh và cộng sự (2003), học tập trực tuyến là việc sử dụng công nghệ kết nối mạng máy tính trên môi trường internet để cung cấp thông tin và hướng dẫn cho cá nhân có nhu cầu. Rosenberg (2001) cũng đưa ra một khái niệm tương tự học trực tuyến là sử dụng các công nghệ internet để cung cấp các giải pháp khác nhau cho người học. Holmes và Gardner (2006) xác định học trực tuyến cung cấp cho chúng ta quyền truy cập vào các tài nguyên, thúc đẩy việc học ở mọi nơi và mọi lúc. Khái niệm về học trực tuyến có khác nhau, nhưng đều xoay quanh các vấn đề cơ bản là học tập, công nghệ và kết nối. Nghiên cứu của Oliver và Towers (2000) đã chỉ ra rằng, nếu không có môi trường kết nối, thiết bị phù hợp và dễ dàng truy cập, sẽ rất khó hoặc không thể thực hiện việc học trực tuyến.

2.2. Về các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học trực tuyến của sinh viên

Andersson và Grưnlund (2009) đã thực hiện nghiên cứu tổng quan về các thách thức trong triển khai học trực tuyến tại các nước phát triển và đang phát triển. Kết quả nghiên cứu đã nhóm các thách thức thành 4 khía cạnh, đó là: người học, công nghệ, khóa học và bối cảnh. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, công nghệ sẽ ít là một thách thức đối với các nước phát triển, do nền tảng công nghệ tại các quốc gia đó đã phát triển cao, đáp ứng tốt yêu cầu công nghệ của việc triển khai học trực tuyến.

Nghiên cứu của Ali và nhóm đồng tác giả (2018) xem xét 259 công trình có liên quan đến các yếu tố ngăn trở sự thành công của học trực tuyến, đã được công bố trên các tạp chí uy tín trong giai đoạn 1990-2016. Bằng phương pháp phân tích hỗn hợp, nghiên cứu đã xác định được các yếu tố có thể gây ngăn trở cho sự thành công của học trực tuyến, bao gồm: sư phạm, công nghệ và người học.

Trong một nghiên cứu thực nghiệm, Puri (2012) tiến hành một khảo sát trên 214 người học ở cả 2 bậc cử nhân và cao học, đã xác định được 6 trong số các yếu tố có tác động đến sự thành công của học trực tuyến (xếp theo thứ tự quan trọng), đó là: sư phạm, thể chế, công nghệ, đánh giá, hỗ trợ, và giao diện.

Nghiên cứu của Musa và Othman (2012) khảo sát 850 sinh viên bậc cử nhân cũng tìm thấy công nghệ là yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh 3 yếu tố khác là sự tham gia của người học, vai trò của người dạy trong thúc đẩy tương tác, thảo luận, và việc cung cấp tài liệu học tập kịp thời trên hệ thống.

Xaymoungkhoun và nhóm đồng tác giả (2012) sử dụng khuôn khổ mô hình chấp nhận công nghệ và phương pháp phân tích thứ bậc AHP trên dữ liệu phỏng vấn thực nghiệm đã chỉ ra tầm quan trọng của yếu tố tổ chức, công nghệ và sư phạm bên cạnh các yếu tố thuộc về động lực và thái độ của người học trong việc góp phần vào sự thành công của học trực tuyến.

Cũng dựa trên mô hình chấp nhận công nghệ, đồng thời có mở rộng bao gồm các yếu tố văn hóa, hỗ trợ và người dạy, Ahmed (2013) đã xem xét vấn đề ở một góc độ hẹp hơn, đó là sự sẵn sàng tham gia của người dạy trong việc sử dụng học trực tuyến. Sử dụng phương pháp hồi quy bội để phân tích một mẫu điều tra bao gồm 281 quan sát, tác giả tìm thấy yếu tố văn hóa có tác động mạnh nhất. Như vậy, vai trò của yếu tố văn hóa có tác động gián tiếp đến sự thành công của học trực tuyến thông qua tác động khuyến khích sự tham gia và sử dụng học trực tuyến của người dạy.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập dữ liệu:

Nghiên cứu thu thập số liệu sơ cấp thông qua bảng hỏi. Bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, thu thập số liệu qua phiếu khảo sát 150 sinh viên đang học tập tại Trường Đại học Lâm nghiệp. sau khi thu về và loại bỏ các phiếu trả lời không đầy đủ thông tin, kết quả có 131 phiếu hợp lệ được đưa vào phần mềm SPSS 22.0 để phân tích.

Phương pháp phân tích dữ liệu, gồm:

+ Đánh giá độ tin cậy của thang đo (Cronbach’s alpha): Được sử dụng để đánh giá độ tin cậy của từng thang đo, đồng thời loại bỏ các biến rác trước khi tiến hành phân tích nhân tố khám phá. Các biến có hệ số tương quan tổng - biến (Corrected item total correlation) nhỏ hơn 0,3 sẽ bị loại. Một thang đo có độ tin cậy tốt khi nó biến thiên trong khoảng [0,70 - 0,80]. Nếu Cronbach alpha > hoặc = 0,60 là thang đo có thể chấp nhận được về mặt tin cậy (Nunnally & Bernstein 1994). Sau khi đánh giá sơ bộ thang đo và độ tin cậy của các biến quan sát bằng hệ số Cronbach's Alpha, các biến này được đưa vào kiểm định trong phân tích EFA để đánh giá giá trị hội tụ và giá trị phân biệt của thang đo.

+ Phân tích nhân tố khám phá (EFA): Phương pháp phân tích EFA thuộc nhóm phân tích đa biến phụ thuộc lẫn nhau (interdependence techniques), nghĩa là không có biến phụ thuộc và biến độc lập, mà nó dựa vào mối tương quan giữa các biến với nhau (interrelationships). EFA dùng để rút gọn 1 tập k biến quan sát thành 1 tập F (F < k) các nhân tố ý nghĩa hơn. Cơ sở của việc rút gọn này dựa vào mối quan hệ tuyến tính của các nhân tố với các biến quan sát. Số lượng các nhân tố cơ sở tùy thuộc vào mô hình nghiên cứu, trong đó chúng ràng buộc nhau bằng cách xoay các vector trực giao nhau để không xảy ra hiện tượng tương quan.

+ Phân tích hồi quy đa biến: Nghiên cứu thực hiện phân tích hồi quy đa biến theo phương pháp bình phương nhỏ nhất để xem xét mức độ tác động giữa các biến độc lập đến biến phụ thuộc.

Mô hình nghiên cứu:

Các thang đo sử dụng trong nghiên cứu được kế thừa từ các nghiên cứu trước đây, với sự điều chỉnh và bổ sung biến quan sát cho phù hợp với điều kiện thực tế học tập trực tuyến của sinh viên tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.

Hình 1: Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học trực tuyến của sinh viên

Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học trực tuyến của sinh viên

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Đánh giá thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha

Hệ số Cronbach’s Alpha của 5 yếu tố từ 0,741 đến 0,937. Đảm bảo thang đo chất lượng các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học trực tuyến của sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp có độ tin cậy cao.

Bảng 1. Các biến đặc trưng và thang đo chất lượng tốt

Các biến đặc trưng và thang đo chất lượng tốt

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của tác giả

4.2. Đánh giá thang đo bằng phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Bảng 2. Bảng hệ số KMO và kiểm định Bartlett KMO and Bartlett's Test

Bảng hệ số KMO và kiểm định Bartlett KMO and Bartlett's Test

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của tác giả

Kết quả phân tích EFA cho thấy, hệ số KMO của các biến quan sát là 0,833, thỏa mãn điều kiện 0,5 < KMO < 1. Như vậy, phân tích nhân tố khám phá là thích hợp để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học trực tuyến của sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp. Thông qua kiểm định Bartlett lần cuối có kết quả Sig.< 0,01, nên các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Kết quả kiểm định mức độ giải thích của các biến quan sát: cột Cumulative cho biết trị số phương sai trích là 73,745%. Điều này nghĩa là 73,745% có sự thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến đặc trưng.

 Bảng 3. Kết quả phân tích EFA các thang đo

Kết quả phân tích EFA các thang đo

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của tác giả

Kết quả của phân tích mô hình EFA cho biết các biến đặc trưng đều có hệ số tải nhân tố (Factor loading) lớn hơn 0,55. Tổng số 18 biến độc lập được trích thành 4 nhóm yếu tố đại diện: công nghệ, pương pháp giảng dạy của giảng viên, sinh viên, bối cảnh khóa học.

4.3. Phân tích hồi quy

Mô hình hồi quy hồi quy tổng quát được hiệu chỉnh sau khi phân tích nhân tố khám phá:

          HQ = f(CN, GV, SV, KH)

Việc xem xét các nhân tố: công nghệ, phương pháp giảng dạy của giảng viên, sinh viên, bối cảnh khóa học, nhân tố nào thực sự tác động trực tiếp đến hiệu quả học trực tuyến sẽ được thực hiện bằng phương trình hồi quy tuyến tính:

HQ = β0 + β1CN + β2GV + β3SV + β4KH + εi

Trong đó, các biến đưa vào phân tích hồi quy được xác định bằng cách tính điểm của các nhân tố (Factor score, nhân tố).

Các tham số được ước lượng bằng phương pháp bình phương bé nhất (OLS) trên phần mềm SPSS 22.0.

Bảng 4. Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của tác giả

Mô hình có R2 hiệu chỉnh là 0,615. Như vậy, 61,5% thay đổi của hiệu quả học trực tuyến được giải thích bởi các biến độc lập của mô hình.

Giải thích ý nghĩa của các hệ số hồi quy:

- Khi sinh viên đánh giá nhân tố “Công nghệ” tăng thêm 1 điểm, thì hiệu quả học trực tuyến của sinh viên tăng thêm 0,402 điểm (hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,402).

- Khi sinh viên đánh giá nhân tố “Phương pháp giảng dạy của giảng viên” tăng thêm 1 điểm, thì hiệu quả học trực tuyến của sinh viên tăng thêm 0,345 điểm (hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,345).

- Khi sinh viên đánh giá các nhân tố liên quan đến “Sinh viên” tăng thêm 1 điểm, thì hiệu quả học trực tuyến của sinh viên tăng lên 0,275 điểm (hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,275).

- Khi sinh viên đánh giá nhân tố “Bối cảnh khóa học” tăng thêm 1 điểm, thì hiệu quả học trực tuyến của sinh viên tăng lên 0,151 điểm (hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,151).

5. Kết luận

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đã gây ra tác động rất lớn đối với giáo dục đại học, bởi quá trình đã chuyển đổi gần như hoàn toàn từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến. Đây được xem là biện pháp kịp thời ứng phó và khắc phục những gián đoạn cho ngành Giáo dục và Đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Rõ ràng, trong tương lai, khi việc dạy học trực tuyến được công nhận, đồng nghĩa với việc phải tính đến các giải pháp và kế hoạch dài hạn, nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả dạy học. Do đó, việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học trực tuyến của sinh viên có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy và học ở bậc học này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ahmed, D.T.T. (2013). Toward Successful E-Learning Implementation in Developing Countries: A Proposed Model for Predicting and Enhancing Higher Education Instructors Participation. International Journal of Academic Research in Business and Social Sciences, 3(1), 422-435.
  2. Ali, S., Uppal, M.A., Gulliver, S.R. (2018). A conceptual framework highlighting elearning implementation barriers. Information Technology & People, 31(1), 156-180.
  3. Andersson, A., Grưnlund. (2009). A Conceptual Framework for E-Learning in Developing Countries: A Critical Review of Research Challenges. The Electronic Journal of Information Systems in Developing Countries, 38(1), 1-16.
  4. Holmes, B. and Gardner, J. (2006). E-Learning: Concepts and Practice. London: SAGE Publications.
  5. Musa, M.A., Othman, M.S. (2012). Critical Success Factor in E-Learning: An Examination of Technology and Student Factors. International Journal of Advances in Engineering & Technology, 3(2), 140-148.
  6. Oliver. R, Towers. S (2000). Uptime: Students, learning and computers. ICT access and ICT literacy of tertiary students in Australia. Canberra, Department of Education, Training and Youth Affairs.
  7. Puri, D.G. (2012). Critical Success Factors In E-Learning - An Empirical Study. International Journal of Multidisciplinary Research, 2(1), 149-161.
  8. Rosenberg, M. J. (2001). E-learning: building successful online learning in your organization. McGrow Hill, New York, NY, USA
  9. Xaymoungkhoun, O., Bhuasiri, W., Rho, J.J., Zo, H., Kim, M.-G. (2012). The Critical Success Factors of e-Learning in Developing Countries. Kasetsart Journal of Social Sciences, 33, 321-332.

FACTORS AFFECTING THE PERFORMANCE

OF STUDENTS WHEN STUDYING ONLINE

AT VIETNAM NATIONAL UNIVERSITY OF FORESTRY

• TRAN DINH MANH

Vietnam National University of Forestry

ABSTRACT:

In the context of Industry 4.0 and the negative impacts of COVID-19 pandemic, foreign and Vietnamese universities have switched to full-time online courses. This paper evaluates the performance of students when taking part in full-time online courses offering by Vietnam National University of Forestry. The paper’s results show that there are four factors affecting the performance of students including Teaching methods of lecturers, Technology, Student, and Course Context.

Keywords: online learning, effective online learning, COVID-19, Vietnam National University of Forestry.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]