TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng hiện nay, tiếng Anh là một ngôn ngữ quan trọng. Nó là chìa khóa để giúp chúng ta tiếp cận được những tinh hoa, tiến bộ về văn hóa, giáo dục, khoa học, kĩ thuật và rất nhiều lĩnh vực khác của nhân loại. Nhu cầu học tiếng Anh mang tính toàn cầu này đã cho thấy tiếng Anh vô cùng quan trọng và cần thiết đối với việc phát triển kinh tế và xã hội ở tầm quốc gia cũng như đối với mỗi cá nhân trong xã hội. Bài viết tập trung đưa ra các phương pháp dạy phát âm tiếng Anh, giúp người học có thể giao tiếp bằng tiếng Anh đạt hiệu quả.

Từ khóa: Phương pháp, phát âm tiếng Anh, giao tiếp, hiệu quả.

I. Đặt vấn đề

Xuất phát từ yêu cầu thực tế cần học tiếng Anh hiện nay, môn Tiếng Anh đã được đưa vào chương trình chính khóa của mọi cấp học ở nước ta. Mục tiêu cuối cùng của việc dạy và học tiếng Anh là học sinh có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh. Khả năng giao tiếp thể hiện trên hai bình diện: tiếp nhận (nghe và đọc) và sản sinh (nói và viết) ngôn ngữ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cuối cùng đó yếu tố đầu tiên học sinh cần nắm vững là phát âm (pronunciation). Nếu phát âm chính xác thì mọi kĩ năng như nghe, nói, đọc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu phát âm sai, hoặc không rõ ràng sẽ làm cho người nghe hiểu nhầm hoặc thậm chí không hiểu ý của người nói. Một trong những khó khăn của người học tiếng Anh, đặc biệt là người Việt Nam liên quan đến kỹ năng Nghe và Nói. Nhiều người nhận thấy điểm yếu của mình đã tìm đến các khóa học giao tiếp để cải thiện hai kỹ năng trên. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, họ không biết rằng nguyên nhân mấu chốt là do những khó khăn trong việc phát âm gây ra. Nếu phát âm (pronunciation) chưa tốt thì kỹ năng Nghe (Listening) và Nói (Speaking) không thể như mong muốn.

Phát âm là một mục tiêu quan trọng trong việc học ngoại ngữ bởi vì phát âm không đúng thường gây nên những cản trở trong giao tiếp. Trong tiếng Anh, phát âm có 3 nội dung quan trọng, giáo viên cần chú ý trong quá trình giảng dạy: (i) sinh viên phải học cách phát âm từng âm riêng biệt; (ii) sinh viên phải hiểu được trọng âm của từ; (iii) sinh viên cần sử dụng đúng ngữ điệu.

II. Dạy phát âm từng âm riêng biệt

Chúng ta khó có thể nói rằng tiếng Anh phát âm khó hơn các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, dạy phát âm tiếng Anh có thể khó hơn bởi vì giữa âm tiếng Anh và chữ cái tiếng Anh không hoàn toàn giống nhau. Bảng chữ cái tiếng Anh chỉ có 26 chữ cái, nhưng lại có đến 39 âm thông dụng trong bảng ngữ âm. Một khó khăn nữa là một chữ cái có thể được diễn đạt bằng nhiều âm khác nhau và một âm giống nhau lại được viết bằng hai chữ cái khác nhau.

Tất cả những khó khăn trên làm cho sinh viên dễ nhầm lẫn trong việc phát âm. Để tránh những nhầm lẫn giữa âm và chữ cái trong tiếng Anh thì giáo viên có thể dạy các âm trước khi dạy bảng chữ cái. Hệ thống âm vị trong tiếng Anh có thể được giới thiệu cho sinh viên ngay từ buổi đầu tiên của khóa học, sau đó bảng chữ cái sẽ được giới thiệu sau. Một cách khác nhằm tránh sự nhầm lẫn đó là hướng dẫn sinh viên đánh vần từ như “thought” (t-h-o-u-g-h-t) sau đó dùng các ký hiệu để phiên âm từ đó (/ ot/). Bằng cách này, sinh viên có thể thấy được cách viết một từ là thường khác cách đọc từ đó. Giáo viên nên lưu ý cho sinh viên nhận thức được rằng không phải lúc nào một từ tiếng Anh khi viết cũng giống như khi đọc (giống như tiếng Việt).

1. Quy tắc dạy phát âm tiếng Anh

- Giáo viên nên nhớ rằng mục tiêu là phát âm rõ ràng chứ không phải phát âm chuẩn xác. Giáo viên không nên tốn quá nhiều thời gian vào việc dạy từng sinh viên phát âm từng âm riêng lẻ. Một người nói tiếng Anh không phải là người bản ngữ sẽ hiếm khi nói giống y chang người bản ngữ. Phát âm phải rõ ràng để người nghe có thể hiểu và phân biệt được với những âm tương tự khác chứ không cần phải chính xác như người bản ngữ.

- Khả năng phát âm của sinh viên sẽ tiến bộ theo quá trình học, mặc dù sinh viên không coi phát âm là trọng tâm của quá trình học. Trong quá trình học, chính sự phát âm chuẩn của giáo viên làm cho tự bản thân sinh viên nghe và bắt chước theo và cứ thế khả năng phát âm của họ được cải thiện mặc dù họ không cần phải cố hết sức.

- Giáo viên không cần phải dạy những âm nào sinh viên đã biết. Ví dụ, tiếng Việt và tiếng Anh có nhiều âm tương tự nhau, thậm chí giống nhau hoàn toàn. Sinh viên có thể phát âm những âm này một cách dễ dàng.

- Nếu giáo viên phát âm không đúng, sinh viên cũng sẽ phát âm không đúng. Giáo viên nên cẩn thận phát âm các từ riêng rẽ và các câu một cách rõ ràng, bởi vì đây là hoạt động làm mẫu cho sinh viên. Nếu giáo viên phát âm không tốt thì quan trọng hơn cả là bản thân giáo viên phải tự điều chỉnh.

- Giáo viên không nên cho sinh viên phát âm một âm lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Việc lặp đi lặp lại quá nhiều lần, đặc biệt là không hiểu nghĩa sẽ làm cho hoạt động trở nên nhàm chán. Do vậy, giáo viên không nên cho sinh viên lặp lại các âm riêng biệt trong thời gian dài mà thay vào đó giáo viên nên cho sinh viên luyện tập các âm trong ngữ cảnh của từ (ví dụ: cat, bat, sat,…), sau đó liên kết với các từ khác để tạo thành câu có nghĩa ở mức độ cao hơn “ví dụ: The cat ate the bat and sat down”.

2. Các bước dạy và luyện tập phát âm

- Giáo viên phát âm to từ có chứa âm đó, sinh viên nghe.

- Giáo viên phát âm lại một hoặc hai lần âm riêng biệt, sinh viên nghe.

- Giáo viên phát âm to lại một lần nữa, sinh viên phát âm theo.

- Giáo viên mô tả cách phát âm, đặc biệt là phụ âm.

- Giáo viên phát âm lại một hặc hai lần các âm riêng biệt, sinh viên phát âm theo.

- Giáo viên đối chiếu âm của từ đó với các âm tương tự.

- Giáo viên phát âm âm cần dạy trong ngữ cảnh các từ khác, thường là các cặp từ đồng âm (minimal pairs). Cặp từ đồng âm là những từ có tất cả các âm vị giống nhau trừ một âm vị (ví dụ: lamp và damp, cat và cut, shoe và glue,…).

- Giáo viên phát âm lại âm đó khi ở các vị trí khác nhau trong một từ: ở đầu, giữa hoặc cuối của từ.

- Giáo viên thiết kế hoạt động cho sinh viên luyện tập các âm mới.

3. Một số hoạt động dạy phát âm

- Giống nhau hay khác nhau (Same or Different): Viết ký hiệu ngữ âm cần dạy lên bảng (i.e., /?/). Giáo viên phát âm một loạt các âm tương tự với âm đó (/ỉ/, /?/, /e/, /?/, /,…), yêu cầu sinh viên nói âm nào giống và khác với âm được viết.

- Một hay hai (hay ba) (One or Two or Three): Giáo viên viết hai (hay ba) ký hiệu ngữ âm lên bảng (i.e., /i/, /l/, /?/, …), đọc một số từ cho sinh viên nghe (sheep, seep, seat, feet, sheet…), yêu cầu sinh viên nói “một”, hay “hai”, (hay “ba”) để phân biệt với các âm họ nghe được.

- Đúng hay sai (Correct or Incorrect): Tương tự như bài tập trên, giáo viên viết một hoặc nhiều lên bảng. Giáo viên phát âm một số từ đúng, một số từ sai rồi yêu cầu sinh viên nói “đúng” hoặc “sai” sau mỗi từ.

4. Gợi ý các bài tập luyện âm

- Khám phá từ: Giáo viên viết ký hiệu ngữ âm của một âm lên bảng rồi yêu cầu sinh viên tìm và đọc lên các từ có âm đó ở vị trí đầu, giữa hoặc cuối.

- Cặp từ đồng âm (minimal pairs): Giáo viên viết ký hiệu phiên âm của một âm lên bảng rồi yêu cầu sinh viên tìm và đọc càng nhiều càng tốt các cặp từ có cùng âm.

- Dựng câu: Giáo viên cung cấp cho sinh viên một danh sách các từ có chứa các âm mà chúng đang được học, rồi yêu cầu sinh viên sử dụng các từ đó tạo thành câu có nghĩa.

- Tongue Twisters: Giáo viên viết các câu chứa các âm gần giống nhau và yêu cầu sinh viên đọc với tốc độ khác nhau:

Ví dụ: - What she said made me sad.

- He bet she let the pet fret beneath Teds green shed.

- Nhận biết tranh: Giáo viên vẽ lên bảng 2 chi tiết, ví dụ như con cừu (a sheep) hay tàu thủy (ship), seat - feet; thin - chin,… yêu cầu sinh viên chỉ vào ship hay sheep,… rồi đọc to từ đó lên.

III. Dạy phát âm trọng âm của từ

Trọng âm trong tiếng Anh rất quan trọng. Phát âm trọng âm sai trong tiếng Anh có thể dẫn đến:

- Làm thay đổi nghĩa của từ.

- Người nghe khó nghe từ người nói phát âm và có thể hiểu lầm và không hiểu ý người nói muốn diễn đạt.

- Thậm chí làm cho người nghe cảm thấy bị coi thường, bị gây cười và cuộc nói chuyện có thể bị cản trở.

Một số kỹ thuật dạy phát âm trọng âm cần lưu ý như sau:

- Nâng cao nhận thức và sự tự tin của sinh viên:

Giáo viên cần nhấn mạnh nhiều lần ở những từ mà sinh viên dễ nhầm lẫm về trọng âm như những từ viết giống nhau nhưng trọng âm khác nhau và dẫn đến nghĩa khác nhau. Điều này sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về trọng âm của từ và tầm quan trọng của nó. Trong lớp, có sinh viên thích học về mặt kỹ thuật của ngôn ngữ nhưng cũng có sinh viên lại thích cảm nhận hoặc nhìn thấy ngôn ngữ, thích nghe nhạc trong từ hoặc thích thấy hình thù của từ. Việc giúp sinh viên yêu thích và tự tin trong học tiếng Anh sẽ làm cho chúng có thể đạt được mục tiêu và trở nên tiến bộ hơn.

- Đánh dấu trọng âm:

Giáo viên nên sử dụng cách đánh dấu trọng âm rõ ràng. Giáo viên có thể đánh dấu bằng cách khoanh tròn vào âm tiết trọng âm hoặc đánh dấu phẩy phía trên trước âm vị là trọng âm. Các cách này làm cho sinh viên dễ dàng phân biệt và nhận biết được số lượng âm tiết cũng như vị trí trọng âm trong một từ.

- Kết hợp dạy phát âm trọng âm trong giờ học:

Giáo viên không cần phải dạy phát âm trong một giờ học riêng biệt. Thay vào đó, giáo viên có thể tích hợp với các hoạt động bình thường khác. Tốt nhất là kết hợp dạy phát âm trọng âm trong giờ dạy từ vựng. Thông thường giáo viên chỉ dạy nghĩa và cách viết cho sinh viên chứ không thường chú trọng đến âm và trọng âm của từ. Nếu dạy kết hợp trong giờ dạy từ vựng thì sinh viên sẽ học cả từ vựng và ngữ âm tốt và hiệu quả hơn.

Trong các giờ dạy phát âm và trọng âm, giáo viên cũng nên giới thiệu cho sinh viên những cuốn từ điển tốt, nhất là những cuốn xuất bản tại những nước nói tiếng Anh như The Wordpower dictionary for learners of English của NXB Oxford University hoặc Oxford Advanced Learners Dictionary. Ngày nay, hầu hết sinh viên có thể sử dụng được máy vi tính và có máy tính cá nhân ở nhà. Chính vì vậy, giáo viên nên khuyến khích sinh viên cài đặt các phần mềm từ điển trên vào máy tính. Bằng việc này, sinh viên có thể tự học, tự luyện và tự kiểm tra phát âm cũng như trọng âm của từ tại nhà. Sinh viên có thể tải các phần mềm đó tại địa chỉ:

http://my.opera.com/loptvt/blog/luyen-phien-am-quoc-te hoặc

http://www.wartoft.nu/software/?from=sephonic.

IV. Dạy ngữ điệu của câu

Có ba quy tắc chung cho việc dạy ngữ điệu. Thứ nhất, ngữ điệu lên ở cuối câu, đây là lưu ý quan trọng nhất. Thứ hai, tiếng Anh là ngôn ngữ có phân chia thời gian cho các từ được nhấn mạnh (stress-timed). Điều này có nghĩa là có một khoảng thời gian bằng nhau giữa các từ được nhấn mạnh và các từ ở giữa các từ trọng âm này được đọc nhanh hay chậm phụ thuộc vào số lượng của chúng. Điều này tạo nên giai điệu trong lời nói. Thứ ba, giáo viên phải rất thận trọng dạy ngữ âm đúng bằng cách bắt đầu các bài luyện ngữ điệu ở cuối câu. Giáo viên không cần phải tốn quá nhiều thời gian vào việc giải thích ngữ điệu của câu bởi vì sinh viên có thể học và bắt chước một cách chính xác từ giáo viên hoặc từ casette mà không cần phải được hướng dẫn. Cách tốt nhất để giáo viên dạy ngữ điệu có hiệu quả là giáo viên nên kết hợp dạy ngữ điệu với các kiến thức khác của ngôn ngữ như chức năng (đề xuất ý kiến hay yêu cầu thông tin) và cấu trúc (câu khẳng định, câu hỏi,…).

Trên đây là một số lưu ý và hoạt động mà giáo viên có thể sử dụng để đưa vào giờ dạy phát âm của mình nhằm đạt hiệu quả cao với phương pháp giảng dạy hiện đại trong bộ môn Tiếng Anh cơ bản. Cần lưu ý rằng, lớp học có một người giáo viên phát âm chuẩn là chưa đủ, mà còn phải được trang bị những thiết bị cần thiết như loa, đài… song song với những bài giảng được thiết kế phù hợp.

V. Kết luận

Phát âm là một yếu tố quan trọng trong hoạt động dạy học ngoại ngữ. Vì âm đóng một vai trò rất quan trọng trong giao tiếp, do đó, giáo viên dạy ngoại ngữ nên ý thức được vai trò của việc dạy phát âm trong qui trình dạy học. Muốn giúp cho học sinh nói đúng, phát âm đúng một từ, thầy cô giáo cần phải có thủ thuật dạy học nhằm làm cho học sinh dễ nhớ, dễ so sánh, dễ nhận ra và vận dụng tốt vào thực tế. Nếu không được trang bị kiến thức về ngữ âm của ngôn ngữ đích thì người nói sẽ không thể chuyển tải thông điệp đến người nghe và giải mã thông điệp từ người đối thoại. Vấn đề này, Hismanoglu (2006) đã khẳng định rằng, dạy phát âm đóng một vai trò quan trọng đối với sự thành công của giao tiếp khẩu ngữ vì nó là một yếu tố cấu thành năng lực giao tiếp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. English Teaching Methodology. Nguyễn Thị Vân Lam, M.A, Ngô Đình Phương, Ph.D, 2007.

2. Ship or Sheep? / An intermediate pronunciation course/ Third edition, Ann Baker.

3. Tips for Teaching Pronunciation: A practical Approach, Linda Lane, Pearson Longman, 2010.

4. English Phonology and Pronunciation Teaching, Pamela Rogerson-Revell, Continuum International Publishing Group, 2011.

5. Current perspectives on pronunciation learning and teaching.Journal of Language and Linguistic Studies 2, 1:101-110, Hismanoglu, M, 2006.

6. Tài liệu từ cac trang web:

http://my.opera.com/loptvt/blog/luyen-phien-am-quoc-te

http://www.wartoft.nu/software/?from=sephonics

METHODS OF TEACHING EFFECTIVE ENGLISH PRONUNCIATION

MA. TRAN MY HANH

Hanoi Community College

ABSTRACT:

Under the current process of global integration, English is the key language to help us reach the quintessence, advancement of culture, education, science, technology and many other areas of humanity. This global need to learn English has shown that English is extremely important and essential for socio-economic development at the national and individual levels of society. The article focuses on teaching English pronunciation methods, helping learners to communicate effectively in English.

Keywords: Method, English pronunciation, communicate, effectively.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây