Các quy định đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy trong AJCEP

Kể từ khi được ký kết và thực thi năm 2008, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) đã được đánh giá là một trong những Hiệp định có độ khó nhất định về quy tắc xuất xứ so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN tham gia.

Theo AJCEP, hàng hóa được coi là có xuất xứ của một nước thành viên nếu hàng hóa đó: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó; hoặc Được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó từ các nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên.

Nếu không đáp ứng hai điều kiện trên, hàng hóa cần có hàm lượng giá trị khu vực (RVC) không dưới 40% và công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện tại nước thành viên đó; hoặc tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hoá đó trải qua quá trình thay đổi mã số hàng hoá (CTC) ở cấp 4 số (chuyển đổi nhóm) thuộc Hệ thống Hài hoà (mã HS).

Điều kiện này cũng khá giống với nhiều Hiệp định khác mà các nước ASEAN là thành viên như ATIGA, AKFTA, AJCEP, AANZFTA,…

Ngoài ra, với một số loại hàng hóa cụ thể, AJCEP quy định rõ tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (De Minimis), tức là trị giá/trọng lượng của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng tiêu chí CTC được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa. Riêng một số mặt hàng nhạy cảm, AJCEP quy định ngưỡng De Minimis thấp hơn, ở mức 7%. Đặc biệt, cũng có một số hàng hóa không được áp dụng ngưỡng De Minimis trong quy tắc xuất xứ của AJCEP.

Về quy tắc cộng gộp xuất xứ, AJCEP quy định nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên được sử dụng để sản xuất ra hàng hoá ở một nước thành viên khác được coi là nguyên liệu có xuất xứ của nước thành viên nơi diễn ra công đoạn gia công, chế biến hàng hoá đó. Tức là, chỉ khi nào sản phẩm (nguyên liệu hoặc hàng hóa) đáp ứng tiêu chí RVC tối thiểu (40%) thì mới được xem xét cộng gộp và khi đó là cộng 100% trị giá FOB của nguyên liệu/ bán thành phẩm vào quá trình sản xuất tiếp theo để tạo ra thành phẩm. 

AJCEP cũng là một trong những FTA quy định khá cụ thể về tiêu chí công đoạn gia công chế biến đơn giản. Theo đó, một hàng hóa được coi là không đáp ứng tiêu chí CTC hoặc tiêu chí công đoạn gia công chế biến hàng hoá nếu chỉ thực hiện những công đoạn sau:

  1. Những công đoạn bảo quản để giữ cho hàng hóa trong tình trạng tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho (như sấy khô, làm đông lạnh, ngâm muối) và các công đoạn tương tự;
  2. Thay đổi bao bì, tháo dỡ và lắp ghép các kiện hàng;
  3. Tháo rời;
  4. Đóng vào chai, thùng, hộp và các công đoạn đóng gói bao bì đơn giản khác;
  5. Tập hợp các phần và bộ phận được phân loại như là một hàng hoá theo Quy tắc 2(a) của Quy tắc chung về Giải thích Hệ thống Hài hoà;
  6. Lắp ráp đơn giản các bộ phận của hàng hóa; hoặc
  7. Kết hợp những công đoạn được đề cập từ khoản 1 đến khoản 6 của điều này.
Thy Thảo