TÓM TẮT:

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ là cơ hội để các công ty kế toán, kiểm toán nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet. Cuộc cách mạng này còn tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu, nâng cao độ tin cậy của việc lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán và kế toán theo nhu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành Kế toán, Kiểm toán cũng gặp không ít thách thức. Bài viết này phân tích những thuận lợi và khó khăn của ngành Kế toán - Kiểm toán, đồng thời đề xuất một số giải pháp để ngành tranh thủ tối đa các lợi thế, cũng như hạn chế tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Kế toán - Kiểm toán, trí tuệ nhân tạo, Blockchain.

1. Những thuận lợi và khó khăn của ngành Kế toán - Kiểm toán trong cuộc CMCN 4.0

1.1. Những thuận lợi

+ Điều kiện làm việc thuận lợi

Đối với ngành Kế toán - Kiểm toán, CMCN 4.0 sẽ mang lại cho kế toán viên, kiểm toán viên (KTV) điều kiện làm việc thuận lợi hơn. Cụ thể là:

Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, các chương trình, công nghệ số hiện đại, KTV có thể thu thập các thông tin mà trước đây họ khó thu thập được.

Bên cạnh đó KTV có thể chiết xuất dữ liệu từ những kho dữ liệu khổng lồ, phục vụ cho tất cả các loại quyết định, các cấp lãnh đạo, tất cả các loại trạm kiểm soát thông tin ra quyết định và tất cả những người có lợi ích liên quan. Việc này có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, miễn là có internet. Điều này có được là nhờ công nghệ điện toán đám mây. Sự linh hoạt này đặc biệt tiện lợi cho các KTV làm dịch vụ cho cùng lúc nhiều DN, khi mà họ phải liên tục di chuyển giữa trụ sở làm việc và các DN thuê làm sổ sách kế toán.

Nhờ công nghệ Blockchain là công nghệ sử dụng sổ cái phân tán còn giúp nâng cao chất lượng dữ liệu thông qua các lịch trình tốt hơn, tính chính xác cao hơn và nhiều chi tiết hơn để cải thiện hiệu quả, sự đảm bảo về mặt dữ liệu; Cải thiện việc truyền tải dữ liệu cho việc hoạch định và quản lý, cụ thể như trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị và giữa các quốc gia; Nâng cao độ tin cậy và hợp lý của việc báo cáo thông qua việc tự kiểm soát hoặc các hệ thống tự kiểm…. Các giao dịch khi đã được lưu trữ trong sổ cái thì sẽ không thể thay đổi được. Mỗi chủ thể tham gia mạng lưới Blockchain đều được lưu giữ một bản sao của sổ cái chung và bản này luôn được cập nhật đồng bộ thông qua một cơ chế đồng thuận, nên bất cứ thay đổi nào xảy ra, các chủ thể đều biết và có quyền chấp nhận hay không. Cơ chế hoạt động này đảm bảo sự tin cậy, minh bạch và bảo mật đối với các giao dịch giữa các chủ thể trong mạng lưới.

+ Mở rộng thị trường

CMCN 4.0 sẽ là cơ hội để các công ty kế toán, kiểm toán nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet. Cuộc cách mạng này còn tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu, nâng cao độ tin cậy của việc lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán và kế toán theo nhu cầu. 

+ Nâng cao năng suất lao động

Việc ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 đã giúp nâng cao nhiều lần năng suất làm việc của các kế toán, kiểm toán viên. Hiện nay, một DN lớn có thể có hàng chục kế toán thì trong tương lai sẽ chỉ cần rất ít số lượng nhân viên kế toán. Tương tự với ngành kiểm toán, một công ty kiểm toán hiện nay tại một thời điểm làm dịch vụ kiểm toán cho 10 DN thì trong tương lai có thể kiểm toán đồng thời cho 100 DN. Việc cải thiện năng suất lao động giúp DN hay người làm dịch vụ kế toán, kiểm toán chỉ phải thuê ít lao động hơn mà vẫn tăng doanh số do phục vụ được nhiều khách hàng hơn. Ví dụ như đối với công cụ phân tích chỉ báo. Tại KPMG và Deloitte là hai DN kiểm toán đã sử dụng một công cụ phân tích dự báo (preditive analytics) để phân tích khối lượng khổng lồ dữ liệu kế toán, giúp nhanh chóng khoanh vùng và tập trung phân tích những khu vực số liệu có vấn đề, thay vì việc chọn mẫu như cách làm truyền thống. Công nghệ này giúp tăng chất lượng kiểm toán, đồng thời giảm thời gian thực hiện xuống hàng chục lần. Công ty kiểm toán PwC cũng đang sử dụng tự động hóa quy trình bằng robot (Robotic Process Automation) cho công tác kiểm toán. Theo PwC, khoảng 45% công việc có thể được thực hiện tự động bởi robot, giúp tiết kiệm khoảng 2 nghìn tỷ USD toàn cầu.

+ Tự động hóa nhờ trí tuệ nhân tạo

Hiện nay, cả nước có đến 400.000 DN siêu nhỏ và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các DN siêu nhỏ thường không thuê kế toán toàn thời gian mà thuê kế toán dịch vụ do khối lượng công việc không nhiều và chi phí hạn chế. Với một số lượng lớn DN siêu nhỏ và xu hướng hàng trăm nghìn hộ kinh doanh cá thể sẽ chuyển thành DN, nguồn lực kế toán, kiểm toán dịch vụ sẽ khó có thể đủ để phục vụ cho toàn bộ thị trường.

Để giải quyết vấn đề này, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo là một lựa chọn hiệu quả bởi nó có thể giúp tự động hóa việc nhập chứng từ, hạch toán kế toán, đồng thời kết nối với cơ quan thuế và các ngân hàng để có thể gửi báo cáo thuế, thực hiện các giao dịch thanh toán, nhận sao kê, đối chiếu với ngân hàng hoàn toàn trên phần mềm. Việc tự động hóa này có thể giúp một kế toán viên làm kế toán cho vài chục đến cả trăm DN siêu nhỏ một tháng, qua đó giúp giải quyết được triệt để bài toán nguồn lực kế toán cho các DN siêu nhỏ sau này.

1.2. Những khó khăn

CMCN 4.0 mang đến cho các KTV nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra không ít những khó khăn từ phía khách quan và chủ quan:

Về khách quan, hiện nay, hệ thống CNTT đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong quản lý điều hành NSNN; quản lý thu - chi NSNN; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa; quản lý nợ công, giá, quản lý tài sản công…

Đây là điều kiện thuận lợi cho KTV có thể khai thác nguồn dữ liệu, thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, có thể thâm nhập sâu vào các chốt kiểm soát của các đơn vị được kiểm toán để xác định trọng tâm và trọng yếu kiểm toán một cách phù hợp với nội dung kiểm toán. Tuy nhiên, quá trình này cũng sẽ cho thấy trình độ ứng dụng CNTT của các đơn vị ngành, đòi hỏi phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng CNTT tốt hơn nữa để theo kịp sự phát triển của xã hội. Các KTV, cán bộ, công chức và người lao động của các công ty kế toán, kiểm toán cũng phải kịp thời nâng cao trình độ ứng dụng CNTT để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trong công việc. 

Về chủ quan, kiến thức, hiểu biết, trình độ ứng dụng CNTT của các KTV, cán bộ, công chức và người lao động vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Chất lượng hạ tầng CNTT trên toàn ngành nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc áp dụng CNTT phục vụ công tác thường xuyên của ngành mặc dù đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn tương đối hạn chế và chưa đi vào chiều sâu, chưa phục vụ được những hoạt động tác nghiệp cụ thể có tính phức tạp và đặc thù chuyên môn cao. 

Ngoài ra, thách thức liên quan đến rủi ro mất thông tin, dữ liệu thông qua việc kết nối internet cũng là một vấn đề quan trọng mà các công ty của ngành cần quan tâm. Thông tin, kết quả kiểm toán có thể bị rò rỉ từ việc gửi thư điện tử tới đơn vị được kiểm toán hoặc các tổ chức, cá nhân bên ngoài, trao đổi qua mạng nội bộ. Các phần tử xấu có thể lợi dụng các thông tin, kết quả kế toán, kiểm toán chưa chính thức để thực hiện các mục đích phá hoại, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh.

2. Đề xuất một số giải pháp cho ngành Kế toán - Kiểm toán trước tác động của cuộc CMCN 4.0

Để tranh thủ tối đa các lợi thế cũng như hạn chế tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, ngành Kế toán, Kiểm toán cần tiếp tục đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ thông tin (CNTT); chú trọng tăng cường quản lý an ninh mạng, đặc biệt là cần xây dựng Trung tâm Dự phòng dữ liệu; nâng cao hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức về tài chính, kế toán của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh khởi phát của cuộc CMCN 4.0; nhận dạng và đánh giá đầy đủ các rủi ro thông tin, dữ liệu kế toán khi kết nối internet.

Về ứng dụng: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động kế toán, kiểm toán, tăng cường áp dụng các phương pháp và CNTT hiện đại để tăng dần số lượng, giảm dần thời gian thực hiện tại đơn vị nhằm giảm chi phí; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành và quản lý các hoạt động của các công ty kế toán, kiểm toán.

Các trường đại học đào tạo chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán cần xây dựng chương trình theo hướng có các ứng dụng và đào tạo chuyên sâu về CNTT; đối với các sinh viên mới ra trường làm ở các DN hay công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán, tài chính, các hội nghề nghiệp có thể hỗ trợ công tác giáo dục đào tạo về CMCN 4.0 bằng việc tạo ra áp lực để các cơ sở đào tạo, trường đại học bổ sung vào chương trình giúp những sinh viên sắp tốt nghiệp có những kết nối thông tin và kỹ năng về kỹ thuật số. Đồng thời, các trường đại học cần đầu tư công nghệ để sinh viên thực hành nhằm có kinh nghiệm thực tế trong bối cảnh CMCN 4.0.

Về hạ tầng: Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho các hoạt động ứng dụng CNTT trong phạm vi toàn ngành, đảm bảo phương tiện thông tin và truyền thông phục vụ các hoạt động kiểm toán, chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ hoạt động một cách ổn định, an toàn, bảo mật và hiệu quả trên môi trường mạng. Xây dựng Trung tâm dữ liệu tập trung với công nghệ tiên tiến, phù hợp, đáp ứng việc triển khai các ứng dụng CNTT đến năm 2020; xây dựng hệ thống mạng nội bộ đảm bảo yêu cầu hoạt động của các đơn vị trực thuộc cùng mạng diện rộng kết nối toàn ngành, đảm bảo đường truyền tốc độ cao. 

Về nhân lực: Phát triển nguồn nhân lực CNTT đủ số lượng, chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hệ thống CNTT và công tác kế toán, kiểm toán CNTT. Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức chuyên trách CNTT đảm bảo đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hệ thống CNTT; Nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT vào công việc của công chức, từng bước nâng cao năng lực của KTV để có thể thực hiện kiểm toán trong môi trường CNTT. 100% công chức tham gia sử dụng phần mềm được đào tạo, hướng dẫn về tác nghiệp, quản trị, vận hành phần mềm theo các nghiệp vụ chuyên môn phụ trách...

Ngoài ra, quản lý an ninh mạng cũng là một vấn đề được KTNN chú trọng. CMCN 4.0 đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin, từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về an ninh mạng. Theo đó, KTNN đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu; nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính - Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (2016), Xu hướng toàn cầu của ngành Kế toán, Kiểm toán và Tài chính và Chiến lược của Việt Nam đến 2020, Tài liệu Hội thảo quốc tế (6/2016).
  2. The Association of Chartered Certified Accountants (2017), Professional accountant - The future(Generation next): Ethics and trust in a digital age.
  3. The Association of Chartered Certified Accountants (2017), Professional accountant - The future(Generation next): Managing talent in finance shared services.

The Industry 4.0 and its impacts on the accounting – audit sector

Master. Nguyen Thi Cuc

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The Industry 4.0 will be an opportunity for accounting and auditing firms to improve their service quality and expand their markets to other countries thanks to the Internet connection. This technology revolution also facilitates data mining and improves the reliability of accounting and audit reports through automated audit and accounting systems. However, the accounting and audit field also faced many challenges brought by this technology revolution. This article analyzes the advantages and disadvantages of the accounting - audit sector in the context of the Industry 4.0, and proposes some solutions to help the accounting - audit sector fully take advantage of the Industry 4.0 while limiting negative impacts of this revolution.

Keywords: Industry 4.0, accounting - audit, artificial intelligence, blockchain.