Cải cách thủ tục hành chính về chứng thực tại các xã, thị trấn của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

NGÔ SỸ TRUNG (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội) và THÁI NGỌC THẢO (Ủy ban nhân dân thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế)

TÓM TẮT:

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền với nhiều nội dung thực hiện. Trong bài viết này, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu thực tiễn công tác cải cách TTHC của các cơ quan chính quyền cấp xã (xã, thị trấn) huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua nội dung rà soát TTHC về chứng thực - lĩnh vực được người dân quan tâm nhiều và chiếm tỷ lệ lớn trong các đầu việc giải quyết thường xuyên ở cấp cơ sở.

Từ khóa: Cải cách, thủ tục hành chính, chứng thực, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

1. Cải cách thủ tục hành chính về chứng thực ở cấp xã

a) Cải cách thủ tục hành chính cấp xã

Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, TTHC là “cách thức tiến hành một công việc với nội dung và trình tự nhất định theo quy định của cơ quan nhà nước” [2]. Trong hoạt động quản lý nhà nước, TTHC được quy định là “trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức” [6]. Trên phương diện khoa học luật, khoa học hành chính, nhiều nhà nghiên cứu xác định TTHC là một bộ phận chế định của Luật hành chính, nói cách khác, TTHC là một loại hình quy phạm mang tính công cụ để giúp các cơ quan nhà nước có điều kiện thực hiện chức năng của mình [5], [8]. Từ các quan điểm khoa học và quản lý trên, có thể hiểu khái quát: TTHC là một quy phạm pháp luật quy định về trình tự, về thời gian, không gian khi thực hiện một thẩm quyền nhất định của cơ quan nhà nước, là cách thức giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong mối quan hệ nội bộ của các cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân công dân.

Xã hội vận động không ngừng, nhiều quan hệ mới phát sinh đòi hỏi sự can thiệp giải quyết của nhà nước, đồng thời việc giải quyết đó phải bảo đảm theo trình tự, thủ tục rõ ràng, thống nhất và việc rà soát TTHC để điều chỉnh, bổ sung cần được tiến hành thường xuyên. Đây là vấn đề cải cách và theo cách hiểu chung về cải cách, đó là “sửa đổi cái cũ đã trở thành lạc hậu để cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tình hình” [3]. Mặt khác, hoạt động quản lý nhà nước bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quốc tế, yếu tố công nghệ - những yếu tố có xu hướng biến đổi nhanh, cho nên việc rà soát TTHC để hoạt động quản lý nhà nước phù hợp với xu hướng biến đổi của các yếu đó là cần thiết, nhằm loại bỏ những thủ tục không còn phù hợp, không cần thiết. Do đó, cải cách TTHC được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thậm chí là khâu đột phá trong cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam thời kỳ đổi mới nhằm tạo sự chuyển động của toàn bộ hệ thống hành chính quốc gia theo hướng tích cực, phù hợp với xu hướng vận động chung của nền hành chính thế giới. Từ cách tiếp cận về TTHC và ý nghĩa của thuật ngữ “cải cách” nêu trên, có thể hiểu cải cách TTHC là quá trình rà soát, đánh giá để loại bỏ những bước, những thủ tục bất hợp lý, không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các TTHC mới theo quy định của pháp luật và triển khai thực hiện công khai minh bạch tất cả các TTHC bằng các hình thức thiết thực và thích hợp.

Ở địa phương, ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã là cơ quan chính quyền cơ sở, gần dân nhất, thường xuyên trực tiếp tiếp xúc và giải quyết yêu cầu của nhân dân (người dân, tổ chức). Các yêu cầu của nhân dân đề nghị giải quyết rất đa dạng, theo nhiều lĩnh vực với tính chất phức tạp riêng, đòi hỏi việc giải quyết phải tuân thủ những trình tự, TTHC theo quy định của pháp luật. Vấn đề đáng chú ý là các TTHC không phải do UBND cấp xã đặt ra, mà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên ban hành theo luật định. Và UBND cấp xã chỉ là cơ quan thực hiện TTHC khi giải quyết các yêu cầu đa dạng, phức tạp của nhân dân theo các nguyên tắc chung được luật định. Cho nên, việc cải cách TTHC tại UBND cấp xã có điểm khác với cải cách TTHC nói chung được đề cập ở trên. Theo đó, cải cách TTHC tại UBND cấp xã gắn với việc rà soát, đánh giá để đề xuất loại bỏ những thủ tục bất hợp lý, không cần thiết hoặc đề xuất việc ban hành các TTHC mới phù hợp với thực tiễn giải quyết các yêu cầu của cá nhân, tổ chức trong hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương.

b) Cải cách thủ tục hành chính về chứng thực ở cấp xã

Pháp luật hiện hành quy định chứng thực là việc các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có UBND cấp xã xác nhận tính chân thực của văn bản, chữ ký trong văn bản của người yêu cầu chứng thực [4], [7]. Theo đó, chứng thực gồm 2 nội dung thực hiện theo TTHC được quy định riêng:

- Nội dung chứng thực: Chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trong văn bản (bản dịch, văn bản bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài và văn bản song ngữ). Nội dung chứng thực bản sao từ bản chính hiện nay được thực hiện khá thuận lợi do có sự ứng dụng công nghệ sao chụp. Tuy nhiên, việc chứng thực chữ ký lại là nội dung rất phức tạp do tính đa dạng của các hoạt động giao dịch bằng văn bản của các cá nhân, tổ chức trong đời sống xã hội.

- TTHC về chứng thực: Gồm các quy định về hồ sơ, trình tự thực hiện, thời gian thực hiện việc xác nhận tính chân thực đối với văn bản, hồ sơ của người dân, tổ chức được thực hiện bởi cơ quan cơ thẩm quyền, trong đó có UBND cấp xã.

Việc cải cách TTHC về chứng thực của UBND cấp xã gắn với việc rà soát các thủ tục đã ban hành và đang được triển khai thực hiện tại địa phương. Do chính quyền địa phương cấp xã không phải là cơ quan có thẩm quyền ban hành TTHC về chứng thực, mà chỉ là cơ quan thực hiện theo phân cấp, phân quyền, cho nên việc rà soát TTHC về chứng thực hướng tới mục đích phát hiện và đề xuất việc điều chỉnh, bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp. Việc rà soát được thực hiện dưới nhiều hình thức, gồm cả rà soát trực tiếp và rà soát gián tiếp.

- Rà soát trực tiếp: UBND cấp xã chủ động rà soát trong quá trình thực hiện TTHC để phát hiện những nội dung không còn phù hợp và kiến nghị, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung, thay thế.

- Rà soát gián tiếp: UBND cấp xã tổ chức thu thập ý kiến góp ý, phản ánh từ phía nhân dân trong quá trình tham gia giải quyết TTHC tại địa phương. Thông qua đó, UBND cấp xã tổng hợp ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân và kiến nghị, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung, thay thế những thủ tục không còn phù hợp.

Việc rà soát TTHC về chứng thực là nhiệm vụ được quy định chung theo tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, trong Nghị quyết số 38/CP năm 1994 về cải cách một bước TTHC, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát toàn bộ các quy định hiện hành về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực mình phụ trách, kể cả những quy định do cấp dưới ban hành nhằm bãi bỏ ngay những quy định thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền và bổ sung, sửa đổi những thủ tục không phù hợp với thực tế, đã và là đang trở ngại cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị khác và gây phiền hà cho nhân dân. Nhiệm vụ rà soát TTHC được tiếp tục thực hiện xuyên suốt trong các chương trình cách cách hành chính ở những giai đoạn tiếp theo (2001-2010) và cho đến ngày nay (giai đoạn 2011-2020). Đồng thời cũng là nhiệm vụ cụ thể đối với chính quyền địa phương cấp xã trong hoạt động quản lý nhà nước và được xác định là một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện cải cách TTHC nói chung, cải cách TTHC về chứng thực nói riêng.

2. Thực trạng cải cách thủ tục hành chính về chứng thực tại các xã, thị trấn của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Phong Điền là huyện phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô đơn vị hành chính cấp xã gồm 15 xã và 1 thị trấn, trong đó có 3 xã miền núi; 4 xã, thị trấn là đồng bằng; 8 xã là vùng ven biển, đầm phá; trung tâm huyện lỵ là thị trấn Phong Điền, cách thành phố Huế khoảng 30 km về phía Nam. Trong công tác cải cách TTHC nói chung, cải cách TTHC về chứng thực nói riêng, các xã, thị trấn của huyện Phong Điền thực hiện một cách thường xuyên, khá bài bản, qua đó đã kiến nghị với cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiều thủ tục không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trên cơ sở thực hiện Luật Chứng thực năm 2014, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và các văn bản liên quan [6], [7], [10], [11], đồng thời thực hiện các văn bản quy định, chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế [1], [9], hàng năm UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiến hành rà soát TTHC về chứng thực với hình thức đa dạng: Rà soát trực tiếp (UBND các xã, thị trấn chủ động rà soát TTHC về chứng thực); rà soát gián tiếp (UBND các xã, thị trấn rà soát TTHC về chứng thực thông qua ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân). Kết quả khảo sát của nhóm tác giả qua tổng hợp thông tin từ Báo cáo công tác tư pháp - hộ tịch của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phong Điền qua các năm 2015-2018 cho thấy, qua việc rà soát, các địa phương của huyện Phong Điền đã phát hiện nhiều vấn đề chưa hợp lý của TTHC về chứng thực, cụ thể là:

a) Đối với thủ tục hành chính về chứng thực bản sao

- Thứ nhất, không có hồ sơ đối chiếu bản sao đã chứng thực.

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định chứng thực bản sao từ bản chính thì không lưu trữ. Với quy định này, thực tế có thể phát sinh trường hợp bản sao đã được chứng thực nhưng người yêu cầu chứng thực có hành vi gian dối là sửa chữa bản sao sau khi đã được chứng thực. Nếu không lưu trữ bản sao thì cơ quan thực hiện chứng thực lại không có cơ sở để đối chiếu khi có tranh chấp, sai sót xảy ra và khó trong việc giám sát tài chính.

- Thứ hai, khó kiểm soát hồ sơ giả có yếu tố nước ngoài.

Hiện nay, các loại giấy tờ được làm giả ngày càng tinh vi nên người thực hiện chứng thực rất khó nhận biết giấy tờ giả, giấy tờ thật. Nguy cơ này càng gia tăng khi gặp phải các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Do vậy, cần phải có cơ chế hoặc giải pháp thiết thực để ngăn ngừa vấn đề này trong khi công chức Tư pháp - Hộ tịch phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau, từ chứng thực bản sao, đăng ký khai sinh, khai tử, xác nhận hộ khẩu, sơ yếu lý lịch thông thường cho đến hoà giải, thi hành án, v.v.

b) Đối với thủ tục hành chính về chứng thực chữ ký

- Thứ nhất, khó xác định nội dung trái pháp luật trong văn bản tiếng nước ngoài khi người dân yêu cầu chứng thực chữ ký.

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định việc chứng thực chữ ký chỉ nhằm xác nhận, xác thực là người yêu cầu chứng thực chính là người đã ký chữ ký đó, tức là xác nhận về hình thức; còn nội dung giấy tờ, văn bản do người yêu cầu chứng thực chữ ký chịu trách nhiệm. Thế nhưng Nghị định này lại có nội dung quy định khác: “Không được chứng thực chữ ký nếu giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội, tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân” (Điều 25).

Quy định trên sẽ không phát sinh vướng mắc nếu giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực sẽ ký vào được lập bằng tiếng Việt; còn nếu giấy tờ, văn bản đó được lập bằng tiếng nước ngoài thì người thực hiện chứng thực khó có thể hiểu được nội dung của giấy tờ, văn bản đó để giải quyết hay từ chối chứng thực. Vấn đề này nếu như không có hướng xử lý tốt, thì người dân lại phải tốn kém thêm về thời gian và chi phí do phải tìm người dịch các văn bản rồi mới làm thủ tục chứng thực chữ ký; cơ quan thực hiện chứng thực khi có bản dịch thì mới yên tâm để chứng thực chữ ký đối với các loại văn bản giấy tờ đó.

- Thứ hai, thủ tục chứng thực chữ ký trong giấy bán, cho, tặng xe còn chưa hợp lý.

Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an: “Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực”. Quy định này mặc dù đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền sở hữu xe của cá nhân; khi liên hệ cơ quan công an làm thủ tục sang tên thì được hướng dẫn làm giấy bán cho, tặng xe của cá nhân theo mẫu, sau đó hướng dẫn về UBND cấp xã chứng thực chữ ký đối với người bán tặng cho xe theo quy định của pháp luật về chứng thực. Tuy nhiên, Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP lại có quy định: “Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản”. Quy định này chưa hợp lý bởi những lý do sau:

(1) Bản chất việc bán, cho, tặng xe là một hợp đồng dân sự nhưng lại quy định cho UBND cấp xã chứng thực chữ ký.

(2) Giấy bán, cho, tặng xe là văn bản giao dịch cá nhân, nhưng nội dung của nó thể hiện rõ sự thỏa thuận của các bên về việc bán, cho, tặng xe và bảo đảm đầy đủ cả về nội dung, hình thức của một hợp đồng dân sự, giống như một hợp đồng cho, tặng quyền sử dụng. Do đó, khi UBND cấp xã chứng thực chữ ký trong giao dịch này là việc chứng thực nội dung thỏa thuận và đồng ký tên của hai bên, chứ không chỉ đơn thuần là chứng thực chữ ký của một bên bán, cho, tặng xe.

- Thứ ba, thủ tục chứng thực chữ ký trong hợp đồng, giao dịch vẫn còn phát sinh quy định rườm rà ở địa phương.

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định chỉ thực hiện một thủ tục chứng thực chung về hợp đồng, giao dịch, không quy định các thủ tục riêng và khi thực hiện hợp đồng, giao dịch, người dân chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ chiếu của các bên, dự thảo hợp đồng, giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng là đủ. Thế nhưng cũng chính vì có không quy định cấm các thủ tục riêng, nên nhiều địa phương đã tự quy định thêm một số loại giấy tờ khác, chẳng hạn như: Việc chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thừa kế, cán bộ chứng thực yêu cầu phải có giấy khai sinh, hộ khẩu… để chứng minh quan hệ với người để lại di sản, v.v. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ là hợp lý để đảm bảo hợp đồng giao dịch được thực hiện đúng pháp luật, không gây thiệt hại cho các bên liên quan, thể hiện trách nhiệm của cơ quan chứng thực và đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia. Song, quy định thêm này lại trái với tinh thần của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

- Thứ tư, thủ tục chứng thực chữ ký trong văn bản khai nhận di sản, chứng thực chữ ký trong văn bản giao dịch về đất đai còn thiếu cụ thể và mâu thuẫn, chồng chéo.

+ Đối với các trường hợp chứng thực về văn bản khai nhận di sản thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Nghị định số 23/2015/NĐ-CP không có quy định thời gian niêm yết, dẫn đến công chức làm công tác chứng thực lúng túng.

+ Đối với các trường hợp chứng thực về văn bản giao dịch về đất đai: Luật Công chứng, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Nhà ở, Bộ Luật Dân sự, Luật Chứng thực, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chưa có sự thống nhất trong quy định về trình tự thủ tục, xác định tài sản bảo đảm, giá trị quyền sử dụng đất, xác định nhà ở; không có quy định hoặc quy định nhưng không rõ ràng, thống nhất giữa các văn bản pháp luật với nhau dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình thực thi pháp luật nói chung và trong công tác chứng thực tại địa phương nói riêng. Do vậy, việc chứng thực gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân, cụ thể là:

(1) Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay vốn (bên thứ 3) của doanh nghiệp tư nhân mà một trong hai người (vợ hoặc chồng) là chủ doanh nghiệp thì chưa có văn bản nào hướng dẫn về hợp đồng thế chấp này là hợp đồng thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay vốn hay hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn, tức là không có sự phân định giữa tài sản của cá nhân và tài sản của doanh nghiệp và như vậy thì hợp đồng này là hợp đồng thế chấp đảm bảo cho nghĩa vụ của chính mình, từ đó dẫn đến việc xác định không rõ thẩm quyền chứng thực đối với hợp đồng này. Nếu xác định là hợp đồng đảm bảo nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay vốn (bên thứ 3) thẩm quyền thuộc UBND xã hoặc thuộc thẩm quyền UBND huyện nếu đất và nhà ở đô thị; nếu xác định hợp đồng này là hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân với ngân hàng thì thuộc thẩm quyền của Phòng Công chứng.

(2) Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định các loại đất được thế chấp mà chưa có quy định nào về loại đất không được thế chấp. Ngoài ra, một số loại đất khác mặc dù pháp luật cho phép thế chấp nhưng vẫn không thực hiện được thế chấp trên thực tế, chẳng hạn như các loại đất chưa hoàn thành nghĩa vụ ngân sách nhà nước, đất đang nằm trong khu quy hoạch, v.v.

3. Một số ý kiến đề xuất

Những kiến nghị từ phía các cơ quan chính quyền địa phương cấp cơ sở của huyện Phong Điền trên đây đã và đang đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trực tiếp là Bộ Tư pháp) để các TTHC về chứng thực phù hợp hơn với tình hình thực tiễn khi triển khai thực hiện. Từ kết quả rà soát TTHC về chứng thực của các xã, thị trấn huyện Phong Điền, nhóm tác giả gợi ý đề xuất với cơ quan có thẩm quyền mà trực tiếp là Bộ Tư pháp một số nội dung nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện các TTHC đối với lĩnh vực này trong thời gian tới, cụ thể là:

- Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất việc điều chỉnh nội dung quy định về chứng thực để các địa phương có sơ sở pháp lý rõ hơn, thuận lợi trong việc kiểm soát nội dung văn bản tiếng nước ngoài trong quá trình thực hiện hoạt động chứng thực. Đây là vấn đề khó, nhưng nếu không có biện pháp hướng dẫn cụ thể, phù hợp sẽ dẫn đến nhiều trường hợp giao dịch của cá nhân, tổ chức người Việt Nam với cá nhân, tổ chức người nước ngoài có nội dung bất hợp pháp nhưng lại được bảo đảm tính pháp lý trong hồ sơ giao dịch thông qua hoạt động chức thực chữ ký. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ cho việc lưu văn bản chứng thực nhằm kiểm tra, đối chiếu khi có hành vi gian dối của cá nhân, tổ chức sau khi chứng thực hồ sơ, văn bản.

- Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát điều chỉnh hoặc đề xuất với Chính phủ việc điều chỉnh những TTHC về chứng thực còn rườm rà do vẫn còn sự mâu thuẫn, chồng chéo trong nhiều văn bản quản lý đã ban hành, cụ thể là:

+ Rà soát thủ tục về chứng thực chữ ký trong giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA và Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Tiếp đến là việc nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn về chứng thực giấy bán, cho, tặng xe đảm bảo chặt chẽ, tạo nên sự thống nhất về thủ tục hành chính, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện thủ tục này ở cấp xã.

+ Rà soát, điều chỉnh hoặc đề xuất việc điều chỉnh thủ tục chứng thực chữ ký trong văn bản giao dịch về đất đai được quy đinh trong nhiều văn bản liên quan (Luật Công chứng, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Nhà ở, Bộ Luật Dân sự, Luật Chứng thực, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP) để bảo đảm sự thống nhất trong quy định về trình tự thủ tục, xác định tài sản bảo đảm, giá trị quyền sử dụng đất, xác định nhà ở khi thực hiện việc chứng thực chữ ký. Theo đó, việc điều chỉnh cần thực hiện theo hướng quy định rõ ràng về thành phần hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở để thống nhất với quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra cho các bên khi tham gia hợp đồng giao dịch.

- Thứ ba, rà soát và đề xuất bổ sung quy định về thời gian niêm yết đối với trường hợp yêu cầu chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Việc quy định rõ thời gian niêm yết để chủ sử dụng đất liền kề biết việc phân chia, khai nhận đất đai có tranh chấp với người sử dụng liền kề hay không.

- Thứ tư, rà soát và đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của người thực hiện chứng thực tại UBND cấp xã, vì theo quy định hiện hành tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch. Nếu xảy ra thiệt hại, tranh chấp hợp đồng hay hợp đồng vô hiệu liên quan đến nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch thì các bên liên quan tự chịu trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra còn UBND các xã, thị trấn hoàn toàn không chịu trách nhiệm về nội dung.

4. Kết luận

Từ cách tiếp cận cải cách TTHC trong hoạt động quản lý nhà nước, nhóm tác giả đã góp phần làm sáng tỏ thực trạng cải cách TTHC về chứng thực tại các xã, thị trấn của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhóm tác giả hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp thêm những thông tin hữu ích đối với lãnh đạo các cơ quan chính quyền địa phương huyện Phong Điền, cũng như các cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền để có những điều chỉnh kịp thời nhằm hoàn thiện TTHC về chứng thực trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Công văn số 714/STP- KSTTHC ngày 20 tháng 6 năm 2016 của Sở Tư pháp về việc thực hiện báo cáo kết quả rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2016 và các văn bản quy định, chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế.
  2. Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, 1998
  3. Hoàng Phê - Chủ biên (2011), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng.
  4. Luật Chứng thực năm 2014
  5. Mai Hữu Khuê, Bùi Văn Nhơn (1999), Một số vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, Nxb. Chính trị Quốc gia.
  6. Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính.
  7. Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
  8. Nguyễn Văn Thâm, Võ Kim Sơn (2002), Thủ tục hành chính - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia.
  9. Quyết định số 2263/QĐ- UBND ngày 12 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
  10. Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính.
  11. Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

 

THE ADMINISTRATIVE PROCEDURE REFORM RELATED TO

THE AUTHENTICATION AT COMMUNE-LEVEL GOVERNMENT AGENCIES

IN PHONG DIEN DISTRICT, THUA THIEN HUE PROVINCE

Ph.D NGO SY TRUNG
Hanoi University of Home Affairs
THAI NGOC THAO
People's Committee of Phong Dien Town,
Phong Dien District, Thua Thien Hue Province

ABSTRACT:

Administrative procedure reform is a regular task of all levels of government with a lot of implemented content. This article focuses on analyzing the administrative procedure reform conducted at commune-level government agencies in Phong Dien district, Thua Thien Hue province by reviewing the administrative procedures of authentication. The authentication has received great interest from local residents and accounted for a large proportion of the regular settlement at the grassroots level government agencies.
Keywords: Reform, administrative procedures, authentication, Phong Dien district, Thua Thien Hue province.