Cải thiện khả năng hấp thụ vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA giữa Ban chỉ đạo và Nhóm 6 ngân hàng phát triển ngày 29/3/2014 đã đưa ra 5 nhóm giải pháp lớn.

“Năm đột phá về giải ngân”

Kể từ khi Việt Nam nối lại việc nhận viện trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) năm 1993, số vốn cam kết của các nhà tài trợ tăng đều đặn qua mỗi năm, nhất là 6 nhà tài trợ chính, bao gồm WB, ADB, JICA, AFD (Cơ quan Phát triển Pháp), KEXIM (Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc), và KFW (Ngân hàng Tái thiết Đức), cung cấp khoảng 80% vốn ODA cho Việt Nam. Những năm gần đây xuất hiện một nghịch lý là, số vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ tăng lên, không tương xứng với tỷ lệ giải ngân chưa được như mong muốn. Điều này nảy sinh 2 vấn đề. Thứ nhất, vốn đầu tư cho phát triển giảm xuống, làm lỡ kế hoạch đầu tư và các tính toán phát triển như dự kiến; thứ hai khi nguồn vốn hiện tại không được giải ngân theo cam kết các nhà tài trợ sẽ cam kết thấp hơn cho những kỳ tiếp theo. Cả hai yếu tố này có thể khiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội bị ảnh hưởng.

Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã đặt năm 2013 là “năm đột phá về giải ngân” với kỳ vọng không chỉ tăng khả năng giải ngân, mà còn xây dựng được khuôn hình mẫu về năng lực tiếp nhận nguồn vốn này cho những năm tiếp theo. Và quả thực, năm 2013 đã có 2 bước đột phá lớn. Ngay từ đầu năm, ngày 23/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 216/QĐ-TTg về Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban. Tiếp đến, ngày 23/4/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định này được các nhà tài trợ đánh giá là một bước tiến bộ về thể chế, giúp giải quyết các khó khăn, tồn tại hiện nay đối với các chương trình, dự án ODA.

Hai đột phá này đã mang đến một luồng sinh khí mới trong công tác giải ngân, vượt xa dự kiến. Giữa năm 2013, Bộ Kế hoạch- Đầu tư đưa ra một dự báo được đánh giá là khá lạc quan về mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi cả năm 2013 đạt khoảng 4,5 tỉ USD (vốn vay là 4,25 tỉ USD, viện trợ không hoàn lại 250 triệu USD). Một số nhà tài trợ dự kiến có mức giải ngân cao trong năm 2013 là: WB (hơn 1 tỉ USD); Nhật Bản (1,75 tỉ USD); ADB (763 triệu USD); Hàn Quốc (215 triệu USD)... Nhưng thực tế, việc giải ngân còn khả quan hơn. Cụ thể, tổng giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt trên 5 tỷ USD, cao hơn 23% so với năm 2012. Song đặc biệt nhất là vốn của các nhà tài trợ lớn được giải ngân ở mức vượt xa dự báo hồi giữa năm, như ADB được dự báo giải ngân 763 triệu USD, thực tế vượt quá 1.300 triệu USD, gấp gần 2 lần; tương tự như vậy, WB dự báo khoảng 1 tỷ USD, thực tế đạt 1,359 tỷ USD.

Cải thiện tốc độ thanh toán

Vừa mới được thành lập, Ban Chỉ đạo Quốc gia về vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã bắt tay ngay vào phối hợp với các nhà tài trợ xác định những dự án chậm, có nhiều vướng mắc lớn để đưa vào “Danh sách đen” nhằm kiểm điểm và giám sát chặt chẽ, thường xuyên. Điển hình như các dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (nguồn vốn Ngân hàng Phát triển châu Á, ADB) chậm giải phóng mặt bằng và tái định cư do thiếu nguồn vốn đối ứng; không tuân thủ với chính sách an toàn tái định cư của ADB và vượt quá mức chi phí dự án. Ngoài ra, dự án còn gặp vấn đề trong khâu giải phóng mặt bằng.

Dự án đã qua 38% tổng thời gian thực hiện nhưng chưa tổ chức hoạt động trao thầu và giải ngân. Hay như Dự án Bảo tồn và Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (nguồn vốn KFW) cũng bị chậm tiến độ do sự phối hợp yếu kém giữa UBND tỉnh, BQLDA, Vườn quốc gia; thiếu cán bộ kiểm lâm được đào tạo chuyên nghiệp. Có thể kể thêm nhiều dự án chậm tiến độ nữa: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân (nguồn vốn JICA, Nhật Bản), Dự án Phát triển cây cao su tiểu điền ở 10 tỉnh miền Trung (nguồn vốn AFD), dự án Hệ thống Cấp nước Khánh Hòa Tây (nguồn vốn KEXIM); Dự án Phát triển giao thông Đô thị Hà Nội (HUTDP, nguồn vốn WB)…

Nhằm thúc đẩy việc thực hiện dự án, Ban Chỉ đạo và các nhà tài trợ đã nêu nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới việc cải thiện tốc độ thanh toán và phân bổ vốn đối ứng; tái cơ cấu các Ban Quản lý dự án (BQLDA); phát triển khung chính sách chung cho vấn đề tái định cư, cải thiện công tác quản lý hợp đồng... Các khuyến nghị bao gồm: Tiêu chí thành lập BQLDA để hạn chế số lượng BQLDA; nhấn mạnh vào cơ cấu quản lý dự án đối với các dự án đa cấp, đa ngành; hướng dẫn quản lý dự án mới cho các chủ dự án và sử dụng BQLDA chuyên nghiệp.

Vì vậy, đến cuối năm 2013, về tốc độ thanh toán và phân bổ vốn đối ứng, nhóm 6 ngân hàng đánh giá tốc độ thanh toán và phân bổ vốn đối ứng đã có tiến bộ. Một số khuyến nghị của Ban Chỉ đạo và nhóm 6 ngân hàng đã được đưa vào một khuôn khổ chính sách pháp lý.

Chính phủ đã đặt năm 2013 là “năm đột phá về giải ngân” với kỳ vọng không chỉ tăng khả năng giải ngân, mà còn xây dựng được khuôn hình mẫu về năng lực tiếp nhận nguồn vốn này cho những năm tiếp theo.

1. Hoàn thiện chính sách, thể chế cần mạnh mẽ đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, quy định ODA và vốn vay ưu đãi trong Luật Đầu tư công.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, cập nhật để có những điều chỉnh thể chế kịp thời phù hợp với từng giai đoạn.

3. Tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi trong việc xử lý các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo ODA và Nhóm 6 Ngân hàng phát triển (NHPT), chủ trì, phối hợp với Nhóm 6 NHPT định kỳ 03 tháng/lần tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp và có nhiều vấn đề vướng mắc.

4. Đảm bảo các điều kiện liên quan đến công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ dự án và Ban QLDA; bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng; thực hiện tốt công tác đền bù, GPMB và tái định cư...

5. Nâng cao hiệu quả viện trợ, đảm bảo các chương trình, dự án được thực hiện và hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, xã hội và tài chính.


Đồng Văn