Cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ MAI HƯƠNG (Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, môi trường đầu tư (MTĐT) của Việt Nam cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, nâng cao tính cạnh tranh thì mới có thể đón được những làn sóng đầu tư có hiệu quả cao thông qua việc lựa chọn các dự án có chất lượng hơn. Vì vậy làm thế nào để cải thiện MTĐT của Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

Bài viết đi sâu phân tích, đánh giá một số khía cạnh về MTĐT của Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đưa ra một số giải pháp góp phần cải thiện MTĐT nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nói chung cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng vào Việt Nam.

Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, môi trường đầu tư, chính sách đầu tư.

1. Đặt vấn đề

Trong thời kỳ mở cửa của nền kinh tế, việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy cạnh tranh làm tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm,… tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. FDI là một trong những nguồn quan trọng để bù đắp sự thiếu hụt về vốn, ngoại tệ của các nước nhận đầu tư, đặc biệt là những nước kém phát triển.

Hầu hết, các nước kém phát triển đều rơi vào một vòng luẩn quẩn, đó là: Thu nhập thấp, dẫn đến tiết kiệm thấp, vì vậy đầu tư thấp và hậu quả lại là thu nhập thấp. Trở ngại lớn nhất đối với các nước này là vốn đầu tư, tuy nhiên tạo vốn cho nền kinh tế nếu chỉ trông chờ nội bộ thì hậu quả khó tránh khỏi tụt hậu trong sự phát triển chung của thế giới. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó thì các nước kém phát triển phải thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài và phát huy lợi thế ở bên trong. Do đó, FDI là một bước đột phá ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó. Muốn có thật nhiều FDI thì một trong những yếu tố quan trọng nhất đó chính là việc cải thiện MTĐT nhằm thu hút FDI nhiều hơn. Việt Nam cũng là một trong những nước đang nỗ lực cải thiện MTĐT với mục tiêu thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập, tổng hợp số liệu: Tài liệu, số liệu được sử dụng trong bài viết chủ yếu được kế thừa và tổng hợp từ các nghiên cứu đã được công bố trên sách, báo, tạp chí và các trang thông tin điện tử chính thức của các Bộ, ngành liên quan.

Phương pháp thống kê mô tả: Dùng để mô tả MTĐT và thực trạng cải thiện môi trường thu hút vốn FDI của Việt Nam.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Khái quát chung điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến cải thiện môi trường thu hút vốn FDI tại Việt Nam

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

- Vị trí địa lý: Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km, tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Cam-pu-chia ở phía Tây; phía Đông giáp biển Đông. Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, thuộc khu vực kinh tế năng động của thế giới nên có tiềm năng liên kết với nhịp độ phát triển của khu vực, có khả năng kết nối với những nước có nền công nghiệp cao như: Nhật Bản, Singapore, Thái Lan nên Việt Nam có thể trở thành đầu mối trong việc giao lưu trung chuyển hàng hải, rất thuận lợi về giao thông đường biển với các châu lục khác.

- Tài nguyên khoáng sản: Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, như: thiếc, kẽm, bạc, vàng, đá quý, than đá,… Thềm lục địa của Việt Nam có nhiều dầu mỏ, khí. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp khai khoáng, dự án dầu khí và lọc dầu. Đất ở Việt Nam rất đa dạng, có độ phì nhiêu cao, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp.

- Khí hậu: Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến, quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển trồng trọt trong nông nghiệp, đặc biệt giúp cây trồng phát triển quanh năm.

3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

- Dân cư và lao động: Nguồn nhân lực Việt Nam là yếu tố quan trọng có tác động tích cực đến thu hút ĐTNN bởi lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp và trình độ lao động tăng lên qua các năm.

Thứ nhất, nguồn nhân lực Việt Nam tương đối dồi dào do quy mô dân số lớn và tăng lên hàng năm. Dân số hiện tại (tháng 4/2019) của Việt Nam là 96.208.984 người, dân số Việt Nam hiện chiếm 1,27% dân số thế giới, mật độ dân số trung bình 290người/km2. Tuy nhiên, dân số lại phân bố không đồng đều, mật độ dân số cao chủ yếu ở các thành phố lớn, những vùng đồng bằng có điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội và cơ sở hạ tầng phát triển. Quy mô của lực lượng lao động chiếm khoảng trên 50% tổng dân số. Lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng giảm dần, còn lao động làm việc ở ngành Công nghiệp và Dịch vụ tăng lên qua các năm.

Thứ hai, chi phí lao động, tiền lương của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực và có sự khác biệt giữa các vùng, miền trong cả nước. So với nhiều nước trong khu vực, mức lương bình quân của Việt Nam khá thấp chỉ cao hơn Lào và Campuchia, thậm chí chỉ bằng 1/3 Malaysia và nhỏ hơn gần 30 lần so với Singapore.

Thứ ba, chỉ số phát triển con người của Việt Nam luôn có xu hướng tăng lên trong thời gian qua dù GNI, GDP bình quân đầu người vẫn còn thấp. Chỉ số này cho thấy, sức khỏe của người dân Việt Nam tương đối tốt và hệ thống giáo dục phổ thông rất được quan tâm, phát triển.

3.2. Tình hình cải thiện môi trường thu hút FDI tại Việt Nam

3.2.1. Tình hình phát huy các lợi thế về địa lý và địa hình của Việt Nam

Trong khoảng hơn 30 năm, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã trải qua những giai đoạn thăng trầm. Tính đến ngày 20/12/2019, cả nước có 30.827 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 362,580 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Bảng 1. Vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2019

Vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2019

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong năm 2019, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ,…

Bảng 2. FDI ở Việt Nam theo lĩnh vực đầu tư

(Chỉ tính những dự án còn hiệu lực tới ngày 20/12/2019)

FDI ở Việt Nam theo lĩnh vực đầu tư

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Tính đến tháng 12/2019 đã có 135 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 67,70 tỷ USD (chiếm 18,67% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 59,33 tỷ USD (chiếm 16,36% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông

Bảng 3. FDI ở Việt Nam theo đối tác đầu tư

(Chỉ tính những dự án còn hiệu lực tới ngày 20/12/2019)

FDI ở Việt Nam theo đối tác đầu tư

ĐTNN đã có mặt ở tất cả 64 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 47,34 tỷ USD (chiếm 13,06% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 34,4 tỷ USD (chiếm 9,48% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 34,11 tỷ USD (chiếm 9,41% tổng vốn đầu tư).

3.2.2. Năng lực của Nhà nước trong ổn định chính trị, chính sách pháp luật, văn hóa - xã hội tạo dựng niềm tin, sự an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư

- Môi trường chính trị: Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tình hình chính trị ổn định nhất thế giới. Ổn định chính trị là cơ sở cho ổn định kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi để Việt Nam trở thành đích đến an toàn của các nhà ĐTNN. Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ về chính trị với các nước trên thế giới, tích cực, chủ động tăng cường mở rộng quan hệ ngoại giao, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ và an ninh quốc phòng. Thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều Hiệp định thương mại và cũng đang tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại quan trọng khác. Tính hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết và thực thi 12 FTA, kết thúc đàm phán 1 FTA, và đang đàm phán 3 FTA khác. Chính việc tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước và tổ chức quốc tế cũng như việc tổ chức thành công các sự kiện, Việt Nam được các nước và các nhà ĐTNN đánh giá rất cao về môi trường chính trị, làm các nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại Việt Nam, có ảnh hưởng tích cực tới thu hút vốn FDI.

- Môi trường chính sách pháp luật: Để thực hiện hiệu quả thu hút FDI thì Nhà nước phải không ngừng đổi mới chính sách, tạo thuận lợi cho các DN có vốn FDI phát triển, hạn chế tới mức tối đa các mặt tiêu cực và khuyết điểm của nó.

- Môi trường kinh tế: Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Tăng trưởng kinh tế liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2019 là 6,7%. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định chứng tỏ các chủ thể trong nền kinh tế hoạt động có hiệu quả, từ đó tăng sự thu hút các nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả.

3.2.3. Thực trạng cải thiện kết cấu hạ tầng vật chất và hạ tầng xã hội nhằm tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án

(i) Hệ thống giao thông vận tải:

+ Đường bộ: Hệ thống mạng lưới đường bộ không ngừng tăng lên cả về chất lượng và số lượng, nhiều tuyến đường được xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng. Tổng chiều dài đường bộ của Việt Nam khoảng 180.000 km, trong đó có trên 154 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 24.866 km, tỉnh lộ 28.143 km, huyện lộ 57.033 km, ngoài ra đường đô thị trên 27.500 km, còn lại là đường xã trên 159.000 km (Tổng cục Đường bộ, 2019). Nhờ sự phát triển hệ thống giao thông đường bộ, năng lực vận tải ngày càng tăng, khuyến khích lưu thông hàng hóa, thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển.

+ Đường sắt: Đã có bước cải thiện về chất lượng và tổ chức vận tải. Tổng chiều dài đường sắt đạt 2.654km bao gồm ba loại: Đường khổ 1.000mm chiếm 85%, Đường khổ 1.435mm chiếm 6% và Đường lồng chiếm 9%. Một số tuyến chính đã được cải tạo, nâng cấp, nâng cao an toàn và rút ngắn thời gian chạy tàu.

+ Cảng biển, đường thủy: Đến nay, đã có 160 bến cảng đưa vào sử dụng, được phân bố trên từng khu vực, địa bàn cả nước, với năng lực thông quan hàng hóa ngày càng tăng. Năm 2019, sản lượng thông quan hàng hóa của toàn hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt trên 600 triệu tấn. Hơn 90% lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu của nước ta được vận chuyển bằng đường biển. Hệ thống cảng biển giúp trao đổi thương mại với nền kinh tế thế giới, làm hình thành nên khu công nghiệp, các trung tâm thương mại lớn trên vùng cảng, đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng kéo theo sự phát triển kinh tế của cả nước.

+ Hàng không: Cả nước hiện có 22 cảng hàng không đang hoạt động, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế. Nhiều cảng hàng không đã được chuyển đổi mục đích từ phục vụ quân sự sang khai thác lưỡng dụng. Đã và đang đầu tư cải tạo, nâng cấp các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Điện Biên Phủ, Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Cam Ranh, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Liên Khương, Cần Thơ và Phú Quốc, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng tăng.

- Hệ thống điện: Tính đến hết năm 2018, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 54.880 MW. Quy mô hệ thống điện Việt Nam hiện đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau

 Indonesia) và thứ 23 trên thế giới, với đa dạng loại hình nguồn điện như: Thủy điện, nhiệt điện đốt than, nhiệt điện đốt dầu FO, tua bin khí chu trình hỗn hợp đốt khí, tua bin khí chu trình đơn đốt dầu DO, diesel. Giá điện bình quân Việt Nam có tăng, nhưng vẫn thấp hơn trung bình khu vực, chỉ cao hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Giá điện ở Việt Nam là yếu tố giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư.

- Hệ thống cấp, thoát nước: Với dân số khoảng 95 triệu người, Việt Nam có tổng lượng nước bình quân đầu người theo năm đạt khoảng 9.500 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn 10.000 m3/người/năm của quốc gia có nguồn nước ở mức trung bình theo quan điểm của Hiệp hội nước quốc tế. Cùng với tốc độ tăng dân số, nhu cầu nước tại Việt Nam ngày càng tăng trong khi nguồn cung cấp ngày càng có hạn, khiến Việt Nam lâm vào nguy cơ bị xếp hạng vào những quốc gia thiếu nước trên thế giới. Giá nước sạch sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất tăng lên. Hệ thống thoát nước tại các đô thị ở Việt Nam hiện bị xuống cấp rất nghiêm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước.

- Bưu chính viễn thông: Trong những năm gần đây, thị trường viễn thông Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mới, dịch vụ ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ càng được cải thiện, giá dịch vụ ngày càng hạ. Hệ thống kết nối với quốc tế phát triển đa dạng cả về phương thức truyền dẫn và tốc độ kết nối, bao gồm các hệ thống cáp quang dưới biển, trên đất liền và các trạm thông tin vệ tinh mặt đất, hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và liên kết quốc tế. Thương mại điện tử phát triển nhanh đã hỗ trợ kinh doanh và mở rộng thị trường.

3.3. Giải pháp cải thiện MTĐT trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

Để tiếp tục thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI, MTĐT của Việt Nam cần tiếp tục được cải thiện thông qua việc tác động vào các yếu tố MTĐT mà Chính phủ có ảnh hưởng mạnh như sau: 

- Để đối phó với bất ổn kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần chủ động, linh hoạt và kịp thời điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội nhằm kích cầu đầu tư và tiêu dùng của nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

- Gắn chặt công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm phát hiện kịp thời những bất cập liên quan như quy hoạch thiếu, quy họach bị phá vỡ để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

- Tiếp tục hoàn thiện môi trường chính sách, pháp luật. Cần thu hút vốn FDI có chọn lọc, mang lại giá trị gia tăng cao, có hiệu quả kinh tế xã hội lớn; đồng thời tránh thu hút FDI có ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng, đất của Việt Nam.

- Tiếp tục xem xét, rà soát các văn bản pháp luật, chính sách đầu tư, kinh doanh để bổ sung, sửa đổi những nội dung không rõ ràng, nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán…

- Kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh việc thi hành pháp luật liên quan đến thu hút vốn FDI.

- Để đảm bảo lợi ích cộng đồng, tránh cấp phép cho dự án gây ô nhiễm môi trường, các địa phương cần thực hiện đúng quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.

- Cần nghiên cứu và ban hành các chế tài xử lý các cá nhân, các dự án không tuân thủ đúng quy trình thủ tục, những dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xã hội.

- Xây dựng và ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể việc phân cấp đầu tư cho chính quyền cấp huyện, xã. Cần phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong việc quản lý hoạt động đầu tư đặc biệt là hoạt động FDI.

- Tiếp tục rà soát và phân loại thủ tục hành chính, phải loại bỏ thủ tục hành chính không phù hợp, không cần thiết, chồng chéo, mâu thuẫn. Để việc rà soát thủ tục hành chính có hiệu quả cần có cơ quan độc lập thực hiện rà soát văn bản do các Bộ, ngành, địa phương ban hành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2015). Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam: Thực trạng, hiệu quả và hướng điều chỉnh chính sách, NXB Lao động, Hà Nội
  2. Bộ GD và ĐT (2014), Báo cáo quốc gia giáo dục cho mọi người 2015 của Việt Nam, NXB Thống kê, Hà Nội
  3. Bộ Kế hoạch đầu tư (2018), 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới, NXB Thống kê, Hà Nội.
  4. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (2018), Báo cáo quan hệ lao động 2018, Hà Nội.
  5. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (2019), Báo cáo phát triển con người năm 2019, Hà Nội.
  6. Bùi Nam Sách (2016), Mâu thuẫn sử dụng nước ở hạ lưu hồ chưa trên các lưu vực sông và một số giải pháp khắc phục, Hà Nội.
  7. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (2019), Báo cáo kết quả ngành Điện 2019, Hà Nội.

IMPROVING VIETNAM’S INVESTMENT ENVIRONMENT

TO ATTRACT MORE FOREIGN DIRECT INVESTMENT

• Master. NGUYEN THI MAI HUONG

Vietnam National University of Forestry

ABSTRACT:

In the context of deep international integration, the environment of investment of Vietnam should be improved significantly to be more competitive in order to attract more profitable investment with higher quality projects. Improving Vietnam’s investment environment is a current concerned issue. This paper is to analyze and assess some aspects of Vietnam’s investment environment and propose some solutions to help the country attract more investment, especially foreign direct investment.

Keywords:  Foreign direct investment, investment environment, investment policy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]