Cần chính sách đồng bộ để không "lỡ hẹn" công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Theo Bộ Công Thương, để hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp.

Nhiều trở ngại cần tháo gỡ

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ Đại hội III đến nay. Qua 35 năm kiên trì thực hiện mục tiêu này, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định.

Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.

Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”. 

Tuy vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn vừa qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại cần tháo gỡ.

Tọa đàm về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giữa Bộ Công Thương và Hội đồng Lý luận Trung ương
Tọa đàm về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giữa Bộ Công Thương và Hội đồng Lý luận Trung ương

Tại Tọa đàm với Hội đồng Lý luận Trung ương về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 29/6/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, một trong những trở ngại đó là nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài.

Nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả. 

Trong khi đó, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự tiếp cận ở mức độ thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn. Bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài thẳng thắn phân tích, nguyên nhân đầu tiên nằm ở nhận thức chưa đầy đủ của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền về công nghiệp hóa đất nước. Trong khi còn tồn tại sự thiếu hợp lý trong tổ chức bộ máy và hệ thống thể chế phát triển công nghiệp, thì chính sách kinh tế vĩ mô chưa điều tiết phù hợp các nguồn lực quốc gia cho phát triển công nghiệp.

Mặt khác, còn thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các cơ quan trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp theo các chủ trương của Đảng. Dư địa ban hành chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam không còn nhiều do quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cần chính sách đồng bộ đặt trong bối cảnh mới

Trước thực trạng ngành công nghiệp trong nước và xu thế toàn cầu như vậy, Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu.

Ở góc độ cơ quan quản lý được giao phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị Hội đồng Lý luận Trung ương tham mưu, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với nội dung trọng tâm là phát triển công nghiệp trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, tự cường dân tộc. 

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Chia sẻ với quan điểm rất “trúng” của Bộ Công Thương, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, chiến lược, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian tới cần đặt trong những bối cảnh cụ thể đang thay đổi liên tục và có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình này.

Thứ nhất, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động “như vũ bão” đến tất cả các ngành không chỉ kinh tế mà còn cả xã hội, khiến mọi lĩnh vực phải thay đổi rất nhiều. Vậy thời gian tới cuộc cách mạng này sẽ tác động như thế nào đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Chúng ta xác định lựa chọn những ngành nghề nào làm chủ công, mũi nhọn trong từng thời kỳ, từng giai đoạn và nguồn lực phát triển các mũi nhọn đó có đảm bảo hay không?

Thứ hai, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào năm 2050. Vậy cần phát triển những ngành công nghiệp nào, sử dụng những công nghệ gì giai đoạn từ nay đến 2050 để đảm bảo vừa phát triển nhanh, bền vững và vừa đảm bảo mục tiêu, cam kết tại COP26?

Thứ ba, Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trước tình hình quốc tế có nhiều biến động, làm thế nào để vừa đạt được các mục tiêu đó, vừa đảm bảo độc lập tự chủ quốc gia và đảm bảo các an ninh lớn của quốc gia như lương thực, năng lượng,…?

Đây là những câu hỏi đặt ra cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian tới, yêu cầu trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó vai trò của Bộ Công Thương là đặc biệt quan trọng.

Tọa đàm về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giữa Bộ Công Thương và Hội đồng Lý luận Trung ương

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã xây dựng và dự thảo Hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp, hiện đang lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Luật Phát triển công nghiệp sẽ chỉ tập trung điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, có tác động lan tỏa thúc đẩy tới các ngành công nghiệp và kinh tế khác (trừ các ngành công nghiệp đã được điều chỉnh tại các Luật chuyên ngành khác như công nghiệp quốc phòng, công nghiệp công nghệ thông tin…). 

Luật Phát triển công nghiệp cũng sẽ không tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và điều kiện đầu tư kinh doanh, mà sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng - địa phương, đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. 

Các nội dung của Luật sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội là cơ sở để Chính phủ triển khai các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ.

Việc xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Thy Thảo