Cảnh giác hàng Trung Quốc tìm cách "khoác áo" hàng Việt né thuế xuất sang Mỹ

Các doanh nghiệp cần cảnh giác với việc hàng Trung Quốc khi bị đánh thuế, sẽ chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á và lấy thị trường Việt Nam làm chỗ “né” xuất xứ xuất khẩu sang Mỹ.

Mỹ đã chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5. Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, nhiều ngành hàng trong nước được dự báo có thể hưởng lợi lớn từ động thái này.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần cảnh giác với việc hàng Trung Quốc núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ “né” xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ. 

dệt may
Nhiều ngành hàng trong nước được dự báo có thể hưởng lợi lớn từ sự kiện Mỹ tăng thuế hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

 

PGS. TS. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương cho biết, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể thấy rõ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ có rất nhiều hàng hóa, dự án không vào được thị trường Mỹ như trước đây và số này sẽ bị ứ lại. Dĩ nhiên, các doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc phải tìm cách giải quyết ở các thị trường lân cận, trong đó, có Việt Nam. 

Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ giảm. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc theo chiều hướng giảm. Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp, rào cản kỹ thuật trong thương mại. Như vậy có thể dẫn tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng. 

“Đây là những bất lợi nhưng bên cạnh đó cũng có lợi nếu Việt Nam biết tận dụng lợi thế để có thể cải thiện tình hình. Hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ, sức cạnh tranh sẽ kém đi vì bị đánh thuế. Đây là cơ hội cho tất cả các hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ thuận lợi hơn. Nhưng cũng phải cảnh báo tình trạng, nhiều mặt hàng của Trung Quốc do bị đánh thuế, sẽ tìm cách “núp” dưới xuất xứ của những quốc gia khác chẳng hạn như "Made in Vietnam", để trốn đòn trừng phạt của Mỹ”, ông Phạm Tất Thắng cho hay. 

Theo ông Phạm Tất Thắng, để tận dụng lợi thế từ cuộc chiến thương mại này, bản thân doanh nghiệp phải ý thức và phải làm thế nào theo dõi chặt chẽ các quy định xuất khẩu. Bởi các nước thường điều chỉnh các rào cản theo hướng ngày càng khó lên. Do đó, doanh nghiệp cần cập nhật liên tục thông tin để thỏa mãn các yêu cầu đó.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần liên kết với nhau để bảo vệ, ngăn chặn tình trạng ảnh hưởng đến lách xuất xứ. Nhà nước và các hiệp hội ngành nghề phải thực sự là công cụ tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp không vấp phải các rào cản thương mại. 

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ, việc Mỹ áp thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, bên cạnh những thách thức thì cơ hội cũng là không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt, trong đó, nhiều ngành hàng trong nước được dự báo có thể hưởng lợi lớn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần cảnh giác với việc hàng Trung Quốc khi bị đánh thuế, sẽ chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á và lấy thị trường Việt Nam làm chỗ “né” xuất xứ xuất khẩu sang Mỹ.

Việc Mỹ tiếp tục tăng thuế lên các sản phẩm của Trung Quốc đã được dự báo trước và đây là cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nên sẽ mang lại cả lợi ích và thiệt hại cho ngành thép trong nước. 

Cụ thể, về lợi ích, Mỹ đẩy mạnh áp thuế đối với sản phẩm từ Trung Quốc; trong đó, có mặt hàng thép. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho sự cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường này, đặc biệt, là các nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất thép như than, quặng, sắt thép vụn... Giá vật liệu đi xuống có thể giúp cho doanh nghiệp Việt tận dụng đẩy mạnh sản xuất.

Ở chiều ngược lại, cuộc chiến thương mại này cũng khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc xuất khẩu thép sang Mỹ. Do vậy, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để lách luật, xuất khẩu thông qua một thị trường khác để tránh bị áp thuế. Việt Nam rất có thể là một trong những thị trường đó. 

Ông Sưa cũng cho hay, thép Việt là một trong những ngành chịu nhiều áp lực từ phòng vệ thương mại nhất. Tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là thêm khó khăn cho doanh nghiệp thép trong nước.

Vì vậy, doanh nghiệp thép Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm và sản phẩm cũng cần có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tạo  thuận lợi khi xuất khẩu sang các thị trường, tránh việc bị áp thuế không đáng có.

Ngoài ra, cơ quan chức năng nhà nước cũng cần có những chính sách, biện pháp để kiểm soát chặt chẽ nguồn thép nhập khẩu, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh việc sản phẩm thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam để lẩn tránh thuế xuất khẩu sang Mỹ. 

Dệt may cũng có một số mặt hàng bị Mỹ tăng thuế với Trung Quốc đợt này. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đây sẽ là cơ hội nếu doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ khi Mỹ hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngược lại, thách thức chính là Mỹ đánh thuế cao vào hàng sản xuất tại Trung Quốc thì khả năng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ  dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để “lách luật”, tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. 

Trong trường hợp này, các doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi nhiều. Bởi hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ có thế mạnh và kinh nghiệm về khâu may. Hiện nguồn nguyên liệu phục vụ ngành dệt may Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu và một phần lớn nhập từ Trung Quốc.

Như vậy, sẽ có rủi ro nếu phía Mỹ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ nước này. 

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, Mỹ vẫn là thị trường lớn của dệt may Việt Nam, sau đó là EU và Hàn Quốc.... Vinatex cũng tính toán và nhận thấy trong danh sách 20 mặt hàng dệt may Việt Nam có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Mỹ thì các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh là vải canvas, vải mành làm lốp xe các loại, vải dệt thoi từ sợi xơ dài tổng hợp, sợi xơ ngắn tổng hợp PE. 

Việc áp thuế lần này các mặt hàng trên của Việt Nam sẽ có lợi thế và cơ hội, nhưng thị phần hàng dệt may Việt Nam trên thế giới còn tương đối nhỏ nên cũng khó có thể nói trước được nhiều điều. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của hai nước lớn, cơ hội cho dệt may Việt Nam là 50/50 và vấn đề doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội này không. 

Đối với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ, việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mới chỉ áp thuế vào các mặt hàng túi xách của Trung Quốc, chưa áp dụng lên mặt hàng da giầy.

Hiện nay, với mặt hàng túi xách mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc thì sẽ có lợi cho ngành túi xách Việt Nam, do một số đơn hàng sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Từ đó, tạo ra giá cạnh tranh hơn và đây cũng là một lợi thế cho ngành túi xách tăng  trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hiện nay, các mặt hàng vào thị trường Mỹ đang tăng trưởng tốt, nhưng năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được do vậy cơ hội vẫn chưa thực sự được như mong muốn.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết thêm, cơ hội này cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ là ngắn hạn, bởi chính sách từ Tổng thống Mỹ cũng có thể có sự thay đổi. Các doanh nghiệp nên tận dụng mở thêm mối quan hệ với khách hàng mới, đặc biệt phải thận trọng và cần xem xét kỹ lưỡng từng động thái về chính sách để thích ứng với tình hình thực tế./.