Cao Bằng: Tạo thêm cầu nối cho hàng Việt

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại Cao Bằng đã tổ chức thành công 03 phiên chợ hàng Việt Nam tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm; xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc và xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang.

Phải khẳng định rằng, các chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân miền núi, vùng cao. Từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường nông thôn, giới thiệu thương hiệu và quảng bá sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sinh hoạt của người dân. Mặt khác, thông qua chương trình giúp người tiêu dùng lựa chọn và ngày càng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, mang lại hiệu quả tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng.

03 phiên chợ với với quy mô mỗi phiên 20 gian hàng của 10 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam như: Hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, đồ điện gia dụng, hàng may mặc, dao, nông cụ cầm tay, ga, gối... Phiên chợ tại huyện Bảo Lâm thu hút 6.300 lượt khách tham quan, mua sắm; doanh số bán hàng đạt 310.000.000 đồng. Phiên chợ tại huyện Bảo Lạc thu hút 7.000 lượt khách tham quan, mua sắm; doanh số bán hàng đạt 340.00.000 đồng. Phiên chợ tại huyện Hạ Lang thu hút 6.500 lượt khách tham quan, mua sắm; doanh số bán hàng đạt 320.000.000 đồng. Hầu hết mọi người đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ đều mong muốn có nhiều cơ hội hơn nữa để được tiêu dùng hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng.

Thông qua việc tổ chức 03 phiên chợ đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. từ Chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam. Người dân khu vực miền núi, vùng cao còn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng ngoại được bày bán trên thị trường.

Qua đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn, từ đó sản xuất những mặt hàng có chất lượng, có mức giá hợp lý và phù với thị hiếu của người tiêu dùng, thiết lập các kênh phân phối hàng hoá, đồng thời giúp người dân địa phương tiếp cận và sử dụng nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp.

Hoàng Dương