Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng - thực trạng và giải pháp

ThS. LÊ NGỌC ANH (Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa)

TÓM TẮT:

Bài viết bàn về thực trạng và giải pháp trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng. Theo đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một công cụ hữu hiệu để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý đất đai theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đặc biệt đối với quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng.

Từ khóa: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản chung, vợ chồng.

1. Đặt vấn đề

Việc xác định tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản của vợ chồng hay là tài sản của một người là vô cùng quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản.

Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”. Và cụ thể hóa quy định này, Luật Đất đai năm 2013 đã ghi nhận một trong các nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu”.

Mặc dù, pháp luật nước ta đã có nhiều tiến bộ trong việc ghi nhận quyền và nghĩa vụ bình đẳng của vợ và chồng đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhưng trên thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các quy định về cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản chung của vợ chồng vẫn đang gặp không ít rào cản, trở ngại.

2. Nội dung pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

2.1. Quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.

Hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đưa ra khái niệm rõ ràng về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, dưới góc độ nghiên cứu pháp lý,“Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa trên cơ sở quyền lực nhà nước nhằm công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của vợ chồng đối với đất là tài sản chung”.

Theo quy định tại điều 5, điều 99 Luật Đất đai năm 2013, vợ chồng là một chủ thể sử dụng đất cụ thể, thuộc phạm trù khái niệm người sử dụng đất, nên vợ chồng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung phải thỏa mãn những quy định theo quy định của pháp luật về đất đai, đồng thời còn phải là tài sản được xác lập trong thời kỳ hôn nhân.

Luật Đất đai năm 2013, khoản 29 Điều 3 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Mặt khác, khoản 4 Điều 98 quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”. Đối với những trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp đối với tài sản chung của vợ chồng, nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng, thì có thể yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận mang tên cả hai vợ chồng[4].

Đương nhiên, đối với những Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng đã cấp mà chỉ đứng tên vợ hoặc chồng thì cũng không ảnh hưởng tới quyền sử dụng của người còn lại, bởi vì pháp luật nước ta quy định tài sản chung của vợ chồng được xác định cụ thể như sau:

Thứ nhất, quyền sử dụng đất của vợ, chồng có được sau khi kết hôn, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Thứ hai, quyền sử dụng đất mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Thứ ba, trường hợp không có căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì được coi là tài sản chung.

Mặt khác,“Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.

Do đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng mà không gây ảnh hưởng tới quyền sở hữu của bên còn lại trong thời kỳ hôn nhân.

2.2. Yêu cầu cơ bản khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.

Thứ nhất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung vợ chồng phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và trách nhiệm giải trình.

Thứ ba, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng phải đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và trung thực về thông tin.2.3. Ý nghĩa của việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với uyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.

- Ý nghĩa đối với Nhà nước

Thứ nhất, là cơ sở quan trọng giúp Nhà nước xây dựng, điều chỉnh chính sách đất đai, cũng như thực hiện nội dung quản lý nhà nước về đất đai.

Thông qua hoạt động này, Nhà nước nắm bắt thông tin về tình hình sử dụng đất đai, cùng với các thông tin sử dụng đất của vợ chồng, từ đó phân tích đánh giá việc thực hiện chính sách đất đai; kịp thời đưa những điều chỉnh, bổ sung về chiến lược quản lý và sử dụng đất có hiệu quả.

Thứ hai, giúp Nhà nước theo dõi và kiểm soát các giao dịch đất đai của người sử dụng đất, nhằm minh bạch và công khai hóa thị trường bất động sản.

Trong thực tế đang tồn tại 2 loại giao dịch về đất đai, đó là giao dịch hợp pháp và giao dịch bất hợp pháp. Những giao dịch bất hợp pháp tạo ra những “cơn sốt đất ảo”, ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản. Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng được xem như một cơ chế được Nhà nước đề ra, nhằm xác lập hành lang an toàn pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước với người sử dụng đất và giữa những người sử dụng đất với nhau.

- Ý nghĩa đối với người sử dụng đất

Thứ nhất, là cơ sở pháp lý để người sử dụng đất - vợ và chồng thực hiện đầy đủ các quyền năng mà pháp luật đất đai quy định đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ người có quyền sử dụng đất hợp pháp mới được thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Với quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng tạo ra cơ sở để xác định chủ sử dụng đất hợp pháp một cách dễ dàng hơn, giúp ngăn ngừa các rủi ro khi thực hiện các giao dịch về đất đai.

Thứ hai, là căn cứ pháp lý để người sử dụng đất - vợ và chồng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi có người khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai của mình và là cơ sở để xác định quyền sử dụng đất là hợp pháp khi họ được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất[8].

Thứ ba, giải quyết được các mâu thuẫn nội tại gia đình, góp phần nâng cao vị thế, trách nhiệm của người phụ nữ trong các giao dịch về đất đai.

3. Những khó khăn khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra chỉ đạo yêu cầu các địa phương tạo điều kiện đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng; cấp đổi đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, nhưng chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng khi người sử dụng đất, chủ sở hữu đối với tài sản gắn liền với đất có nhu cầu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nhưng trên thực tế, dưới sự tác động của quan điểm, lối sống đã cũ, dẫn tới vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, cụ thể như sau:

+ Đối với các Giấy chứng nhận đã cấp cho quyền sử dụng đất của vợ và chồng nhưng Giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chồng trong khi pháp luật không có cơ chế bắt buộc phải đổi Giấy chứng nhận dẫn đến tình trạng nhiều Giấy chứng nhận chưa được cấp đổi mang tên cả vợ và chồng.

+ Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức đúng về những lợi ích của việc Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng, mà coi việc ghi tên cả vợ và chồng trên Giấy chứng nhận là khó khăn khi mọi giao dịch liên quan đều cần có mặt của cả vợ và chồng, hoặc không thì cũng phải có thủ tục ủy quyền.

+ Các cán bộ của các tổ chức đoàn thể như hội Phụ nữ, hội Nông dân, hội Cựu chiến binh do điều kiện công tác, do nhận thức chưa đầy đủ nên cũng chưa thực hiện được chức năng tuyên truyền cổ động của mình trong vấn đề này. Điều này cũng là một khó khăn trong quá trình thay đổi dư luận xã hội về việc cấp Giấy chứng nhận đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.

4. Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

Để thúc đẩy việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này, cần thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể như sau:

- Thứ nhất, cần xây dựng và thực hiện Đề án cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, cho vợ chồng có chung quyền sử dụng đất, nhưng Giấy chứng nhận chỉ ghi tên người vợ hoặc người chồng sang Giấy chứng nhận ghi tên cả vợ và chồng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đăng ký; cấp mới đối với Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, cấp đổi đối với Giấy chứng nhận đã cấp nhưng chỉ đứng tên vợ hoặc chồng; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý nói chung và nhận thức về bình đẳng giới nói riêng.

- Thứ hai, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp đổi Giấy chứng nhận mang tên 1 người sang Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng cho người có nhu cầu.

- Thứ ba, tăng cường, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai nói chung và cải cách thủ tục hành chính về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nói riêng.

5. Kết luận

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói chung và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nói riêng là một nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện các quyền hợp pháp của mình do pháp luật về đất đai quy định.

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng mục đích, diện tích,… và đặc biệt là đúng đối tượng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng đất, đồng thời đảm bảo quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực đất đai ở nước ta hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013), Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013.
  2. Chính phủ (2014), Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

 Issuing the certificates of land use rights for the common property of husband and wife: Current situation and solutions

Master. Le Ngoc Anh

Deputy Secretary, the Youth Union of Thanh Hoa City, Thanh Hoa province

Abstract:

This paper analyzes the current situation and proposes solutions for issuing the certificates of land use rights for the common property of husband and wife. The certificate of land use rights is an effective tool for the government to peform its function of land management in accordance with the law. The certificate of land use rights is issued by a competent state agency to ensure that the certificate holder has the right to use land and properties attached to the land.

Keywords: issuing the certificates of land use rights, common property, husband and wife.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]