Đó là đề xuất của TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra nhằm giảm thiểu các chi phí logistics trong Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics: Vấn đề và kiến nghị chính sách” do CIEM tổ chức vừa qua, tại Hà Nội.

Nhiều rào cản chính sách

Đánh giá thực trạng của ngành logistics Việt Nam tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, ngành logistics Việt Nam đang gặp nhiều rào cản. Thời gian thông quan dài, chi phí cao, thủ tục quản lý chuyên ngành vẫn còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, phí bôi trơn của ngành này còn rất cao diễn ra ở hầu hết các khâu, đẩy giá dịch vụ tăng và làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành logistics.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều rào cản về chính sách đối với các doanh nghiệp logisticsTại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều rào cản về chính sách đối với các doanh nghiệp logistics

Lý giải chi phí vận tải đắt đỏ đang là gánh nặng cho doanh nghiệp, bà Thảo cho rằng, theo tính toán, hiện nay, chi phí vận tải chiếm khoảng 59% chi phí logistics, trong đó, vận tải đường bộ là chủ yếu chiếm tới 77%, trong khi vận tải đường bộ là phương thức vận tải đắt đỏ nhất.

Đáng lưu ý, chi phí không chính thức chiếm từ 5-10% trong chi phí vận tải. Đơn cử, chi phí vận chuyển một container 40 feet từ TP Hồ Chí Minh đi cửa khẩu Tân Thanh là 5.800.000 đồng (bằng đường bộ), trong khi từ TP Hồ Chí Minh đi Mỹ (California) là 200USD (tương đương khoảng 4.600.000 đồng) qua đường biển.

Bên cạnh đó, chi phí bảo dưỡng đường bộ là 17.5 triệu/xe/năm, trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải trả các loại phí BOT, nhiều trường hợp xe hỏng, không có hàng nằm bãi,… không chạy trên đường vẫn phải trả, bà Thảo lý giải.

Đại diện cho nhóm doanh nghiệp, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cũng cho rằng, hiện nay vận tải đường bộ chiếm 77,5% và chi phí cao, chỉ xếp sau hàng không. Việc để cho vận tải đường bộ chiếm thị phần quá lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam tăng cao.

Nguyên nhân của tình trạng này là khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, không khai thác hết tiềm năng sẵn có của các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa để chia sẻ áp lực với vận tải đường bộ, góp phần giảm đầu tư công và hạ chi phí logistics...”, ông Nghĩa chia sẻ.

Không chỉ vậy, trong Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cũng đã đưa ra thêm những rào cản đối với ngành logistics Việt Nam. Theo ông, hiện vận tải đa phương thức chưa phát triển do cơ sở hạ tầng bến bãi chưa được quy hoạch và bố trí hợp lý, đầu tư cho việc kết nối các phương thức vận tải thiếu đồng bộ.

Trong khi đó, vận tải đường bộ xảy ra nhiều xung đột các luồng xe, gây tắc nghẽn giao thông, nhất là tình trạng tắc nghẽn trên đường vào cảng, các tuyến đường sắt không hoà được vào mạng lưới giao thông đường sắt quốc tế.

Đặc biệt, theo đại diện CIEM, hiện nay trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn ở trình độ thấp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải đường bộ. Đây là những rào cản cản trở trực tiếp sự phát triển của các doanh nghiệp logistics, đại diện CIEM nhấn mạnh.

Cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh giảm chi phí logistics

Chia sẻ các giải pháp tháo gỡ rào cản cản trở sự phát triển của ngành dịch vụ logistics, các chuyên gia nhấn mạnh đến giải pháp thay đổi tư duy trong quản lý ngành logistics để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vươn lên trong cuộc CMCN 4.0. Theo đó, ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp về công nghệ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của ngành, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đại diện CIEM kiến nghị, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm yêu cầu về cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh để giảm thiểu chi phí logisticsĐại diện CIEM kiến nghị, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm yêu cầu về cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh để giảm thiểu chi phí logistics

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Đình Cung, các doanh nghiệp logistics cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý hoạt động dịch vụ logistics như: Hệ thống minh bạch (thời gian thực); ứng dụng hợp đồng thông minh thay thế thủ tục giấy tờ; ứng dụng sàn giao dịch giảm tình trạng chở container rỗng… Cùng với đó, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa logistics, ứng dụng Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo.

Cũng để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm yêu cầu về cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đảm bảo thực chất và hiệu quả.

Ngoài những đề xuất trên, đại diện CIEM cũng kiến nghị, doanh nghiệp và cơ quan chức năng nên phát triển sàn giao dịch vận tải của Việt Nam. Dù hình thành nhiều năm nhưng sàn giao dịch vận tải không hiệu quả, thậm chí không có giao dịch, tình trạng chở container rỗng còn phổ biến.

Nếu quan điểm từ phía doanh nghiệp, ông Trần Đức Nghĩa đề xuất, để giải quyết thực trạng này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải được sử dụng một hệ thống hạ tầng logistics được đầu tư hoàn chỉnh để có thể hoạt động có hiệu quả, giảm chi phí. Hiện tại, chúng ta chưa có được một hạ tầng logistics tốt để phục vụ nhu cầu nội địa mà mới chỉ dừng lại ở hệ thống cảng biển và sân bay, chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu. Ở quy mô nhỏ hơn, doanh nghiệp logistics cũng cần phải có hạ tầng của riêng mình mà vấn đề quan trọng nhất là khả năng tiếp cận đất đai.

Mặt khác, để cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics cần tạo ra một môi trường số để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động hàng ngày. Đây là phương thức đầu tư có suất đầu tư thấp và hiệu quả đầu tư cao cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Nghĩa kiến nghị.