Câu chuyện kinh doanh của thương hiệu đồng hồ danh tiếng Thế giới - Daniel Wellington

Startup 8x Filip Tysander đã xây dựng được một đế chế Daniel Wellington với doanh thu 220 triệu USD từ 15.000 USD vốn ban đầu, mà không cần nhà đầu tư, công nghệ xuất chúng, thiết kế nổi bật hay ngân sách marketing “khủng”

Cảm hứng bắt nguồn từ một người lang thang

Không giống với các hãng đồng hồ khác, câu chuyện của hãng Daniel Wellington bắt đầu từ một chiếc dây đồng hồ. Năm 2016, Filip Tysander, ông chủ của Daniel Wellington, du lịch vòng quanh Australia và gặp một người đàn ông lang thang tên Daniel Wellington.

Câu chuyện này xảy ra trước khi điện thoại di động thông minh ra đời, thời điểm mà mọi người vẫn đeo đồng hồ để xem giờ. Ông Wellington nổi bật khi đeo một chiếc đồng hồ, với một dây đeo làm bằng nylon đơn giản màu đen xám, được biết đến là dây Nato, để giữ cho mặt đồng hồ Rolex Submariner không rơi ra.

Sau nhiều lần bắt gặp ông Wellington giữa thành phố Melbourne và Cairns, Tysander bị ám ảnh với mẫu đồng hồ quân dụng này đến mức khi quay trở lại Uppsala (Thụy Điển) đã xây dựng cả một công ty với ý tưởng này. Sau đó đặt tên cho công ty theo người lạ mặt đã truyền cảm hứng cho ông.

Thị trường đồng hồ đầy chông gai

Sau chuyến đi phượt tại Úc, chàng trai sinh năm 1985 - Filip Tysander, không thể nào quên được chiếc Rolex hàng ngàn USD được đeo với dây vải một cách cực kỳ đơn giản và tinh tế của vị doanh nhân người Anh - Daniel Wellington.

Quyết tâm lập nghiệp trong ngành đồng hồ vào năm 2011 với 15.000 USD, Filip sớm nhận ra 2 bài toán khó: Sự cạnh tranh gay gắt của thị trường đồng hồ nói riêng và thời trang nói chung, không những phải tìm cách "sống sót" với những gã khổng lồ, các nhà xưởng chuyên sao chép cũng là một hiểm họa khôn lường.

Đó là chưa kể số vốn cần thiết cho đơn hàng đầu tiên, và lấy đâu ra tiền để "chen chân" quảng cáo khi các đối thủ liên tục chi hơn 1,01 tỷ USD để tiếp cận người dùng mỗi năm.

Tưởng chừng như đã bị khuất phục, nhưng chỉ sau 4 năm thành lập Daniel Wellington đã làm cả thế giới sửng sốt khi công bố mức doanh thu 220 triệu USD!

Không những thế, hãng đồng hồ non trẻ này còn được mệnh danh là "doanh nghiệp phát triển nhanh nhất Châu Âu" với tỷ lệ tăng trưởng 4700% từ năm 2013 đến năm 2015.

Đặc biệt vào năm 2014, tức chỉ 3 năm sau khi xuất hiện, Daniel Wellington đã bán thành công chiếc đồng hồ thứ 1 triệu, cột mốc mà Rolex phải tốn 111 năm để chạm tới.

Nhưng điểm làm cho vô số chuyên gia tài chính bất ngờ là việc Daniel Wellington vẫn bán đắt như tôm tươi dù không có gì nổi bật cả về thiết kế lẫn công nghệ, đáng nói hơn là tỷ suất lợi nhuận "cao chót vót" – gần 50% giá bán lẻ, tức bán 1 - lời 1.

Vào năm 2016, Daniel Wellington công bố mức lợi nhuận "khủng" 148 triệu USD. Tất cả số tiền trên nằm gọn trong túi nhà sáng lập Filip Tysander vì nhãn hiệu đồng hồ của anh không phụ thuộc vào bất kỳ cổ đông hay quỹ đầu tư nào.

Chàng trai 8x đã làm điều đó như thế nào?

Bỏ qua marketing truyền thống, tập trung vào mạng xã hội

Daniel Wellington nhận định mạng xã hội là một phần quan trọng trong cốt lõi kinh doanh. Họ sử dụng Influencer Marketing một cách bài bản, có chiến lược để tiếp cận với khách hàng.

Nhận thấy các thương hiệu đồng hồ đã có tên tuổi và xuất hiện trước mình chưa khai thác mạng xã hội nhiều, Daniel Wellington chọn hướng chiến lược marketing trên Instagram, một khoảng trống tiềm năng chưa có sự khai thác. Phải nhắc lại rằng Daniel Wellington bắt đầu với số vốn khiêm tốn, vì vậy ngân sách tài chính dành cho marketing truyền thông không thể dồi dào như các ông lớn đồng hồ khác. Lựa chọn cách làm marketing với chi phí tối ưu, hiệu quả tối đa là hướng đi duy nhất của họ.

Daniel Wellington hướng tới khách hàng tiềm năng là thế hệ trẻ, những người lớn lên cùng sự phát triển của điện thoại thông minh và Facebook, Instagram, Twitter, v.v. Tận dụng sự phát triển của mạng xã hội, hiểu về sản phẩm của chính mình và nắm bắt được thói quen của người dùng tiềm năng, Daniel Wellington chọn Instagram làm mảnh đất marketing chủ lực.

Mục đích đằng sau chiến dịch này rất đơn giản, thay vì bỏ ra một số tiền khổng lồ để "thuê" người nổi tiếng với hàng triệu fan, Daniel Wellington đã nhờ sự trợ giúp của hàng nghìn "người gây ảnh hưởng" nhỏ lẻ (có từ 2.000 đến 5.000 fan) để đạt kết quả tương tự.

Với giá thành quảng cáo gần như bằng không, nhóm Influencer đã "góp gió thành bão" và nhanh chóng đem thương hiệu Daniel Wellington đến hàng triệu khách hàng. Nhưng quan trọng hơn hết là hình ảnh những chiếc đồng hồ kia xuất hiện cực kỳ chân thật và không hề giống quảng cáo.

Cũng có một số ngôi sao hàng đầu mà Daniel Wellington phải trả tiền để quảng cáo sản phẩm. Blake Scott, một hot Instagramer 27 tuổi, đã làm việc với Daniel Wellington hơn một năm, chia sẻ các hình ảnh hãng đồng hồ này cho 318.000 người theo dõi. Mọi chuyện bắt đầu khi Blake đăng hình ảnh có chiếc đồng hồ Daniel Wellington lên trang cá nhân của mình kèm dòng chữ : “Lần đầu tiên tôi biết đến thương hiệu này là qua Instagram. Mọi người bên ngoài nước Mỹ đeo chúng và trông thật thời trang”.  Ngay sau post này, Daniel Wellington đã tiếp cận và ngỏ ý muốn Blake đăng ảnh một cặp đồng hồ của hãng  trên trang cá nhân Instagram của anh ấy. Blake đã thỏa thuận một thương vụ, theo đó anh được trả vài trăm đô la cho chiến dịch diễn ra nhiều tuần  của Daniel Wellington.

Nghệ thuật "chốt deal" từ xa

Nhưng Marketing thành công đến mấy cũng thành công cốc nếu như không chốt được đơn hàng, đó là lý do trang web của Daniel Wellington phải thực thi được 2 nhiệm vụ:

- Làm cho khách hàng thấu hiểu sản phẩm của công ty.

- Khuyến khích họ "xuống tiền" càng nhanh càng tốt.

Nhìn vào hình nền trên, chúng ta có thể thấy Daniel Wellington đã khôn khéo đưa sản phẩm vào ngay chính giữa, giúp khách hàng dễ dàng nhận ra sản phẩm mà mình sắp tìm hiểu.

Kết hợp với chữ hấp dẫn nhất của ngành bán lẻ - "free", nhãn hiệu này nhanh chóng trấn an khách hàng rằng nếu quyết định sai thì sẽ không mất tiền (miễn phí vận chuyển & trả hàng).

Sau khi hiểu sản phẩm và lợi ích đi kèm, khu vực "Top Sellers" ngay lập tức xuất hiện để đem đến cho khách hàng "những sự lựa chọn tốt nhất".

Có thể nói danh mục "Sản phẩm bán chạy" là một trong những khu vực đem lại nhiều doanh thu nhất vì nó không chỉ trưng bày những sản phẩm mà khách hàng thấy nhiều ngoài đời, mà còn giúp các vị thượng đế an tâm hơn vì có rất nhiều người khác đã "thử nghiệm" sản phẩm này.

Với phông nền trắng, thông tin tinh giản và nút "mua ngay" rõ ràng, khách hàng có thể dễ dàng bỏ sản phẩm vào giỏ hàng với một cú nhấp chuột.

Đối với khách hàng vẫn chưa bị thuyết phục, Daniel Wellington đã "đón lõng" ngay ở dưới bằng vũ khí hiệu quả nhất của mình: những bức ảnh Instagram.

Những bức ảnh được lựa chọn kỹ càng để đem lại toàn bộ góc nhìn đẹp nhất của Daniel Wellington trong cuộc sống hằng ngày.

Không chỉ truyền tải hình ảnh, chỉ cần nhấp vào bối cảnh mà bạn thích, ngay lập tức sản phẩm trong hình sẽ xuất hiện với nút mua nhanh quen thuộc.

Khách hàng dễ dàng hình dung được những khoảnh khắc tuyệt đẹp mà mình sẽ có được nếu sở hữu chiếc đồng hồ Daniel Wellington.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là trang thanh toán.

Với thiết kế tối giản, thông tin hàng và giá bán được thu nhỏ lại để phần nào "giảm nhẹ" số tiền mà khách hàng phải bỏ ra. Tất cả những gì các vị thượng đế cần làm là nhập thông tin cần thiết để "chốt" đơn hàng, cực kỳ nhanh chóng và đơn giản.

Với chiến lược "marketing 0 đồng" và trang web bán hàng cực kỳ thu hút, chỉ trong vòng 4 năm thành lập, Daniel Wellington đã xuất hiện tại hơn 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, liên tục lập kỷ lục doanh thu hơn 200 triệu USD và mở ra một kỷ nguyên quảng cáo bằng những người ảnh hưởng.

Thuỳ Linh (TH)