TÓM TẮT:

Nghiên cứu khảo sát các tác nhân tham gia thị trường phân phối sản phẩm lúa gạo tỉnh Kiên Giang. Kết quả cho thấy cấu trúc thị trường gồm 05 tác nhân với kênh phân phối dài và phức tạp ảnh hưởng đến quá trình tạo thành sản phẩm gạo có chất lượng cao, cũng như việc chưa quan tâm đến những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng trong nước có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh sản phẩm gạo nội địa sản xuất tại tỉnh Kiên Giang so với gạo nhập khẩu. Việc khuyến nghị cho các công ty kinh doanh lương thực nên rút ngắn chuỗi cung ứng, kết hợp chiến lược marketing và dịch vụ bán hàng phù hợp sẽ góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh sản phẩm gạo nội địa tại tỉnh Kiên Giang.

Từ khóa: Cấu trúc thị trường tiêu thụ, kênh phân phối nội địa, lúa - gạo, tỉnh Kiên Giang.

1. Đặt vấn đề

Kiên Giang là một trong 13 tỉnh, thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều thuận lợi trong việc sản xuất lúa gạo. Giai đoạn 2013 - 2016, diện tích gieo trồng lúa và sản lượng lúa tỉnh Kiên Giang chiếm 20% khu vực ĐBSCL và 10% cả nước (Cục Thống kê Kiên Giang, 2016).

Mặc dù là tỉnh có truyền thống sản xuất lúa, nông dân giàu kinh nghiệm, các công ty đã tham gia vào thị trường xuất khẩu, nhưng hoạt động kinh doanh lúa gạo tại tỉnh Kiên Giang đang gặp thách thức ở kênh phân phối thị trường nội địa: nông hộ sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ, lẻ, việc thu mua lúa gạo chủ yếu qua hệ thống thương lái, đa số các công ty kinh doanh gạo của tỉnh Kiên Giang chưa quan tâm đến thị trường nội địa (sở thích người tiêu dùng, kênh phân phối, bao bì và nhãn hiệu, công tác quảng bá hình ảnh gạo đặc sản); người tiêu dùng có xu hướng tiêu dùng gạo ngon, đảm bảo chất lượng, có thương hiệu (Công ty cổ phần Kinh doanh nông sản Kiên Giang, 2016); gạo chất lượng cao của nước ngoài dần dần có chỗ đứng trên thị trường nội địa. Bài viết này phân tích cấu trúc thị trường và kênh phân phối sản phẩm lúa gạo tỉnh Kiên Giang, trên cơ sở đó đề xuất hàm ý cho công ty kinh doanh gạo.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng khảo sát:

Là các thành viên tham gia thị trường bao gồm: Nông dân, thương lái, nhà máy chế biến, công ty lương thực, đại lý bán sỉ/lẻ, người tiêu dùng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Dựa theo lý thuyết tổ chức ngành, tác giả tiến hành khảo sát các tác nhân trong kênh phân phối lúa gạo tỉnh Kiên Giang. Tổng số có 205 mẫu được khảo sát trên 05 địa bàn là huyện Giồng Riềng, huyện Tân Hiệp, huyện Gò Quao, huyện Hòn Đất và Thành Phố Rạch Giá theo phương pháp điều tra chọn mẫu, phỏng vấn trực tiếp các đối tượng nghiên cứu qua bảng câu hỏi phù hợp với từng thành viên: (i) nhóm Nông dân gồm 82 mẫu, (ii) nhóm Thương lái gồm 9 mẫu, (iii) nhóm Nhà máy chế biến 5 mẫu, (iv) nhóm Công ty lương thực 3 mẫu, Đại lý bán sỉ/lẻ và siêu thị 11 mẫu, Người tiêu dùng 95 mẫu. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính nhằm tìm hiểu bản chất của cấu trúc thị trường và kênh phân phối lúa gạo dựa vào số liệu khảo sát.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Cấu trúc thị trường lúa gạo tỉnh Kiên Giang

Nông hộ → Thương lái → Nhà máy chế biến → Công ty lương thực → Đại lý bán sỉ/lẻ/siêu thị → Người tiêu dùng.

3.1.1. Nông hộ

Theo điều tra cơ cấu giống lúa của Trung tâm khuyến nông, hiện có trên 40 giống lúa đang được sản xuất đại trà tại tỉnh Kiên Giang, trong đó có 28 giống lúa đạt phẩm cấp chất lượng cao. Các giống chất lượng cao chủ lực có diện tích sản xuất trên 1.000 ha chiếm tỷ lệ 70%, nhóm giống có chất lượng thấp đến trung bình chiếm tỷ lệ 30%. Giống lúa không chỉ tác động đến hiệu quả sản xuất của người trồng lúa mà còn tác động lớn đến hiệu quả phân phối gạo của cả tỉnh Kiên Giang. Việc sản xuất lúa là một trong những sinh kế của nông hộ ở Kiên Giang. Dựa trên kết quả khảo sát, ta thấy việc tham gia sản xuất lúa và rút khỏi thị trường ở mức độ dễ dàng, thiếu vốn đầu tư và giá cả đầu vào cao là những cản trở chính của nông hộ.

3.1.2. Thương lái

Thương lái có 2 hình thức: (i) thương lái thu gom lúa và gia công chế biến thành gạo (thương lái mua lúa - bán gạo), (ii) thương lái chỉ thực hiện chức năng thu gom và bán lại cho các tác nhân khác (thương lái mua lúa - bán lúa).

Địa bàn thu gom của các thương lái khá rộng trong và ngoài tỉnh. Nhờ vào kinh nghiệm, nên các thương lái chỉ cần nhìn vào lúa và giống lúa là có thể đánh giá được chất lượng, độ chín và dễ dàng định giá mua. Hình thức mua của các thương lái dựa trên mối quan hệ quen biết, chủ yếu mang tính thời vụ, nghĩa là không phát sinh thêm bất kỳ thỏa thuận nào cho vụ sau. Vì vậy, khi số lượng thương lái hoạt động ngày càng đông, tính cạnh tranh trong ngành tăng đáng kể, tình hình thu mua cũng gặp khó khăn.

3.1.3. Nhà máy chế biến

Nhà máy chế biến thực hiện công đoạn bóc tách vỏ trấu, chà xát, làm trắng gạo và cung cấp thị trường nội địa hoặc bán lại cho các công ty lương thực lớn thu mua phục vụ xuất khẩu. Công tác chính của nhà máy là nhận gia công, chế biến lúa cho các thương lái và tham gia chế biến, kinh doanh lương thực. Chế biến gạo có vai trò rất quan trọng, nếu có một hệ thống chế biến gạo tốt sẽ làm gia tăng giá trị hàng hóa của lúa gạo, từ đó làm cho giá bán của lúa gạo trên thị trường tăng lên.

3.1.4. Công ty lương thực

Các công ty không tiến hành thu mua lúa từ nông dân mà chỉ thu mua lúa và gạo nguyên liệu từ thương lái do tính linh hoạt cao, không cần tốn chi phí vận chuyển, thu gom. Bên cạnh đó khi có hợp đồng xuất khẩu, công ty cũng tiến hành thu mua gạo nguyên liệu từ nhà máy xay xát. Qua phỏng vấn các công ty nhận thấy những khó khăn: (i) chất lượng gạo nguyên liệu chịu ảnh hưởng rất lớn từ giống và phương pháp làm khô lúa, phương thức vận chuyển, tồn trữ và bảo quản của nông dân, thương lái và nhà máy xay xát; (ii) chưa đầu tư thỏa đáng phân phối gạo ở thị trường nội địa, các loại gạo chưa có nhãn mác, công tác quảng bá hình ảnh gạo đặc sản của tỉnh chưa được xem trọng.

3.1.5. Đại lý bán sỉ/lẻ (ĐLBSL)

Thực tế khảo sát cho thấy các ĐLBSL hầu hết là những người có kinh nghiệm (do thừa kế từ truyền thống gia đình). Họ thường bán các loại gạo chủ yếu là: gạo thơm, gạo thường, gạo nếp, gạo nhập khẩu và tấm. Ngoài ra, siêu thị Co.opMart Kiên Giang lấy nguồn cung ứng gạo chủ yếu từ các siêu thị tuyến trên (80%), phần còn lại mua từ các công ty lương thực. Hình thức mua ở đây chủ yếu là theo hợp đồng năm và thanh toán thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Tiêu chuẩn mua của siêu thị là giá cả phù hợp, chất lượng gạo phải đồng đều và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Sau khi mua về, nhân viên bán hàng của siêu thị sẽ phụ trách phân loại, trưng bày và ra đơn giá bán của sản phẩm. Đối tượng khách hàng của siêu thị chủ yếu người tiêu dùng và thanh toán ngay bằng tiền mặt. Thuận lợi của siêu thị là khách hàng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm an toàn và đảm bảo vệ sinh.

3.1.6. Người tiêu dùng

Trong thực tế, khi phỏng vấn người tiêu dùng có 67,4% dùng gạo trong nước do tập quán, thói quen từ xưa của họ, khó mà thay đổi được. Cũng có một số người tiêu dùng quan tâm đến việc gạo trong nước chất lượng không đảm bảo, bị pha lẫn gạo chất lượng kém, lo lắng về tình trạng dư lượng thuốc trừ sâu quá mức quy định, nhưng họ vẫn chọn gạo trong nước vì theo họ giá cả của gạo trong nước là hợp lý. Đồng thời, sự giới thiệu quảng cáo của người thân hay bạn bè cũng có phần tác động đến họ. Mặt khác, gạo nhập cũng được người tiêu dùng lựa chọn 32,6% với lý do chất lượng đảm bảo hơn, độ thuần của gạo ít bị pha lẫn, không bị xịt thuốc chiếm 82,98%. Sản phẩm gạo nhập có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đảm bảo chất lượng ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Sự giới thiệu của người bán hay người thân, bạn bè cũng là những lý do mà người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn gạo nhập.

Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng thường chọn gạo theo các tiêu chí. Mặt khác người tiêu dùng trong nước ngày nay không xem trọng vấn đề giá, mà quan tâm chất lượng gạo ngon. Trong khi Kiên Giang là tỉnh có sản lượng lúa gạo đứng đầu trong cả nước, nhưng vẫn còn nhiều người tiêu dùng lựa chọn các loại gạo nhập (82,98%). Họ lựa chọn gạo nhập vì chất lượng ngon, không bị phun thuốc và gạo nhập thơm ngon hơn gạo trong nước.

Chất lượng gạo là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự cạnh tranh của sản phẩm gạo nội địa so với gạo nhập khẩu. Cơ cấu chất lượng gạo nội địa của Kiên Giang đang được cải thiện dần. Từ năm 2013 - 2016, số lượng gạo cao cấp có xu hướng tăng, cụ thể năm 2013 số lượng gạo cấp cao chiếm 62,13%; năm 2016 tăng lên 74,28%. Trong khi đó số lượng gạo cấp thấp có xu hướng giảm khá nhanh, năm 2013 tỷ lệ gạo cấp thấp ở mức 17,51% thì đến năm 2016 chỉ còn ở mức 2,90% (Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, 2016).

Sản lượng gạo tại Kiên Giang được dùng để xuất khẩu và tiêu dùng nội địa với tỷ lệ bình quân giai đoạn 2013 - 2016 lần lượt là 57,85% và 42,15% (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, 2016).

3.2. Mối quan hệ của các thành viên trung gian trong hệ thống marketing

3.2.1. Nông hộ

Kết quả phân tích trên cho thấy các hộ nông dân chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái trong tỉnh 52,4%và ngoài tỉnh 26,6%, bán công ty lương thực chiếm 14,4% (các hộ canh tác với diện tích lớn nên họ thường ký hợp đồng với công ty lương thực và bán lúa tươi ngay tại ruộng), bán cho nhà máy xay xát tại địa phương là 6,6% (các hộ canh tác với diện tích nhỏ, các miếng ruộng lại chín không đồng loạt với sản lượng nhỏ lẻ nên họ đành phải bán cho nhà máy chế biến, và vận chuyển đến bán tại nhà máy).

Cơ sở định giá bán và ưu thế thỏa thuận: Khi bán lúa, đa số bà con nông dân biết được thông tin giá cả (thông qua họ hàng hoặc hàng xóm, những hộ tham gia vào mùa vụ sớm và thu hoạch trước). Khi chuẩn bị thu hoạch, người nông dân sẽ liên hệ môi giới để tìm thương lái đến xem lúa, chào giá hoặc các thương lái quen tự đến tìm nông hộ theo chu kỳ. Giá cả do người mua đưa ra, sau khi cân nhắc khoản thu nhập đem về, cũng như dựa vào chất lượng lúa và giá cả thương lái chào mua các ruộng lúa khác, người nông dân sẽ đồng ý bán hoặc liên hệ với thương lái khác để tìm kiếm giá cao hơn.

Khi giá mua lúa quá thấp, người nông dân có thể giữ lại lúa chờ giá cao mới bán, nhưng phải chịu thêm khoản chi phí về thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng trong thời gian này. Nông dân chỉ có thể chọn giải pháp chậm thu hoạch trong một thời gian ngắn chờ giá lúa lên chứ không thể giữ lúa lại quá lâu. Từ đó ta có thể thấy người nông dân hầu như thụ động trong quá trình quyết định giá bán lúa, mà chủ yếu do thương lái quyết định nên họ thường bị ép giá.

3.2.2. Thương lái

Từ kết quả phân tích trên cho thấy các thương lái chủ yếu bán sản phẩm cho: công ty lương thực 46,2%, các thương lái (ghe lớn) ngoài tỉnh 38,4%, nhà máy chế biến là 15,4%.

3.2.3. Nhà máy chế biến

Nhà máy chế biến chủ yếu thu mua lúa từ thương lái là chủ yếu chiếm 62,5% và nông dân chiếm 37,5%. Sau đó, nhà máy chế biến bán chủ yếu cho công ty lương thực chiếm 45,5%, đại lý sỉ và lẻ là 36,4% và thương lái bán buôn là 18,1%. Hình thức thanh toán là tiền mặt một lần và không có hợp đồng mua bán trước, việc quyết định giá cả là do sự trao đổi thỏa thuận giữa người mua và người bán dựa trên mối quan hệ làm ăn lâu dài.

3.2.4. Công ty lương thực

Kết quả khảo sát cho thấy, trong năm, các công ty không tiến hành thu mua lúa từ nông dân mà chỉ thu mua lúa và gạo nguyên liệu từ thương lái chiếm 60%; nhà máy chế biến 40%; kênh tiêu thụ của công ty: 42,86% bán lại cho các công ty lương thực khác; 28,57% bán cho các đại lý bán sỉ lẻ và 28,57% bán cho thương lái buôn gạo.

3.2.5. Đại lý bán sỉ/lẻ (ĐLBSL)

Kết quả khảo sát cho thấy mỗi ĐLBSL gạo có thể mua gạo từ nhiều nguồn: đại lý lớn hơn 57,1%, nhà máy 28,6% và mua từ công ty 14,3%. Với người bán lẻ họ thường chọn mua những loại gạo theo nhu cầu người tiêu dùng, không có tiêu chuẩn mua nào. Khách hàng mua gạo tại ĐLBSL là người tiêu dùng địa phương chiếm 64,7%, quán cơm chiếm 35,5%. Hình thức bán chủ yếu là bán lẻ và thanh toán ngay bằng tiền mặt, số khác do có mối quan hệ buôn bán lâu năm nên được thanh toán gối đầu hoặc từng đợt theo sự thỏa thuận miệng giữa hai bên. Thực tế khảo sát cho thấy các ĐLBSL tiêu thụ các loại gạo sau với tỷ trọng lớn: gạo thơm, gạo thường, tấm và gạo nhập khẩu.

3.3. Hệ thống kênh phân phối lúa gạo tại tỉnh Kiên Giang

Kênh 1: Hộ nông dân - Nhà máy xay xát - Đại lý bán sỉ/lẻ - Người tiêu dùng.

Kênh 2: Hộ nông dân - Nhà máy xay xát - Thương lái buôn gạo - Đại lý bán sỉ/lẻ - Người tiêu dùng.

Kênh 3: Hộ nông dân - Thương lái - Nhà máy xay xát - Đại lý bán lẻ - Người tiêu dùng.

Kênh 4: Hộ nông dân - Thương lái - Nhà máy xay xát - Thương lái bán buôn gạo - Đại lý bán sỉ/lẻ - Người tiêu dùng.

Kênh 5: Hộ nông dân - Thương lái - Công ty lương thực - Đại lý bán sỉ/lẻ - Người tiêu dùng.

Kênh 6: Hộ nông dân - Thương lái - Nhà máy xay xát - Công ty lương thực - Đại lý bán sỉ/lẻ - Người tiêu dùng.

4. Kết luận và kiến nghị

Cấu trúc thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại tỉnh Kiên Giang là thị trường cạnh tranh một phần, với kênh phân phối từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ khá dài và rất phức tạp. Kết quả phân tích cho thấy các hộ nông dân chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái trong và ngoài tỉnh 80% ngay tại ruộng với mức giá do thương lái quyết định. Các hộ nông dân khó bán sản phẩm cho nhà máy chế biến hay công ty lương thực do diện tích canh tác nhỏ, lẻ, giao thông không thuận tiện. Công ty lương thực là tác nhân đóng vai trò quan trọng trong kênh phân phối lúa gạo nội địa. Chất lượng gạo là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự cạnh tranh của sản phẩm gạo nội địa so với gạo nhập khẩu. Tuy nhiên, chất lượng gạo chịu ảnh hưởng rất lớn từ giống, phương pháp làm khô lúa cũng như khâu vận chuyển, tồn trữ và bảo quản của các thành viên trong kênh. Do đó, việc nâng cao khả năng cạnh tranh gạo nội địa phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của công ty lương thực. Vì vậy, tác giả có những khuyến nghị sau cho các công ty lương thực:

4.1. Rút ngắn chuỗi cung ứng và đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín

- Công ty lương thực nên ký hợp đồng với nông dân (cánh đồng mẫu lớn), hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, bón phân, phun thuốc, phục vụ thủy lợi.

- Xây dựng nhà máy xay xát, kho tồn trữ, sấy lúa thành một cụm.

4.2. Chú trọng chiến lược marketing và dịch vụ bán hàng

- Xây dựng các cửa hàng bán gạo trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc khuyến khích người bán lẻ mở cửa hàng gạo cho công ty. Tư vấn khách hàng lựa chọn loại gạo có khẩu vị, mùi vị và các yêu cầu khác theo đúng mong muốn của khách hàng. Giải thích cho khách hàng biết về chất lượng của một số loại gạo đặc trưng trong nước.

- Xây dựng website giới thiệu về các loại gạo mà công ty hiện đang sản xuất, kinh doanh, các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng gạo đạt được để tạo lòng tin cho người tiêu dùng (HACCP, ISO…). Xây dựng cơ sở dữ liệu và chính sách chăm sóc khách hàng.

- Truyền thông tại các đại lý, siêu thị bằng bảng hiệu hay các đoạn phim giới thiệu về gạo trong nước như: Nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, dinh dưỡng của một số loại gạo chất lượng cao như gạo Jasmine 85, gạo OM4900… để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng (Tạp chí Thuế, 2017).

- Đa dạng hóa hình thức bán hàng: Bán tại cửa hàng, siêu thị, giao hàng tận nhà, đặt hàng qua mạng và cải tiến bao bì, đóng gói, mẫu mã, cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác trên bao bì sản phẩm ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang (2016), Niên giám Thống kê Kiên Giang năm 2016, Kiên Giang.

2. Công ty cổ phần Kinh doanh nông sản Kiên Giang (2016), Báo cáo thường niên năm 2016, Kiên Giang. Truy cập ngày 19/9/2018 file:///C:/Users/Tram%20Anh/Desktop/KGTC%20-%2006032017%20-%20Bao%20cao% 20thuong%20nien%20nam%202016.pdf.

3. Hai Luu Thanh Duc (2003), The organization of the liberalized rice market in Vietnam, Thesis, University of Groningen, Holand. Truy cập ngày 19/9/2018 https://www.rug.nl/research/ portal/files/13174336/thesis.pdf

4. Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang (2016), Báo cáo tình hình kinh doanh gạo tỉnh Kiên Giang năm 2016, Kiên Giang.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang (2016), Báo cáo tình hình thực hiện phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Kiên Giang năm 2016, Kiên Giang.

6. Tạp chí Thuế (2017), ”Phát triển thị trường gao nội địa”. Truy cập ngày 19/9/2018 http://tapchithue.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/11117-phat-trien-gao.html

THE MARKET STRUCTURE AND DISTRIBUTION SYSTEM

OF DOMESTIC RICE - CASE STUDY IN KIEN GIANG PROVINCE

● Ph.D. NGUYEN THI TRAM ANH

Faculty of Economics, Nha Trang University

● Master. TRUONG CONG THANH

Kien Giang Export-Import Joint Stock Company

ABSTRACT:

This study is to survey factors affecting the distribution of rice products in Kien Giang province. The result shows that the market structure has five actors with long and complex distribution channels which impact on the production of high quality rice products. In addition, the result indicates that if domestic rice products produced in Kien Giang province do not pay adequate attention to changes in needs of domestic consumers, the competitiveness of these products will be weakened comparing to imported rice products. As a result, rice trading companies should shorten their rice supply chains, use appropriate marketing strategies and sales services synchronously to enhance the competitiveness of their domestic rice products in Kien Giang province.

Keywords: Market structure, domestic distribution system, rice, Kien Giang province.