Chất lượng hàng Việt - Mối quan tâm của Bác Hồ

15 năm, từ năm 1954 cho tới lúc đi xa, Bác Hồ có hàng trăm cuộc đến thăm các công trường, nhà máy. Mỗi chuyến đi ấy, Người đều bày tỏ lòng tin tưởng vào các cơ sở kinh tế nước nhà, động viên khích lệ

Cốt cách tiêu dùng Việt

Những ai đã đi thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch hay Bảo tàng Hồ Chí Minh chắc hẳn sẽ nhận ra những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác. Từ bộ bàn ghế bằng mây, chiếc giường gỗ, bát ăn cơm, ca uống nước, đôi dép cao su, chiếc bút máy, đến chiếc mũ cát, khăn quàng cổ, hay chiếc áo nâu, bộ quần áo ka ki giản dị của Người… tất cả đều do bàn tay cần mẫn của người Việt làm ra.

Không chỉ sử dụng hàng Việt như một nhu cầu tự nhiên, Bác Hồ còn là người tiêu dùng thuần Việt, mang cốt cách Việt. Cốt cách thuần Việt ấy thấm đẫm, hồn nhiên tỏa ra, khiến những người xung quanh cảm nhận được. Câu chuyện sau đây cho ta thấy cụ thể hơn.

Ngày 23/8/1945, từ chiến khu về, Bác được Trung ương và Thành ủy Hà Nội bố trí nghỉ tại nhà ông Trịnh Văn Bô, ở 48 Hàng Ngang. Tại đây Bác đã soạn ra Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 27/8/1945, khi đã ấn định Lễ tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị cho Bác một bộ quần áo thật tươm để mặc ra mắt trên lễ đài.

Là nhà tư sản buôn vải, trong nhà ông Bô có hàng chục bộ quần áo com lê sang trọng, nhưng Bác gạt đi, nói: Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt…

Cảm nhận được cốt cách “Xa nước 30 năm, một câu Kiều Người vẫn nhớ” của Bác, những người phục vụ quyết định cử ông Vũ Đình Huỳnh - thư ký mang tấm vải ka ki đến nhà may Phú Thịnh ở phố Hàng Quạt để may áo đại cán. Ông Huỳnh trình bày: Tôi có người nhà là cụ lý ở quê ra thăm thủ đô, tôi muốn cắt bộ đồ cho cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp với cụ lý nhà tôi.

Những người phục vụ đã làm đúng ý Bác. Về sau, kiểu áo 4 túi “mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái” thường được Bác sử dụng mãi cho tới ngày Bác đi xa.

Tin cậy vào giới Công Thương

Khi mới ra đời, ngân sách Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gần như trống rỗng, kho bạc chỉ còn 1,2 triệu đồng. Là người đứng đầu Chính phủ, lúc đó Bác Hồ trông cậy vào ai? Bác không trông cậy vào viện trợ nước ngoài, Bác mời các doanh nhân, các nhà tư sản dân tộc đến Phủ Chủ tịch. Bác gọi họ là "các Ngài" và đề nghị họ đóng góp công sức, tiền của cho chính quyền.

Ngày 13/10/1945, Bác gửi thư cho doanh nhân Việt Nam: “Giới Công-Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Trong cuộc kháng chiến 9 năm, và nhất là sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Chính phủ Hồ Chí Minh càng có thêm điều kiện thực thi chính sách “tận tâm giúp giới Công-Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Năm 1957, trong một lần thăm Nhà máy Dệt Nam Định, Bác nói về “nhiều”, “nhanh”, “tốt”, “rẻ”. Theo Bác, “có làm ra nhiều của cải, mới có thể vừa tăng tích lũy để mở rộng sản xuất, vừa nâng cao mức tiêu dùng của nhân dân lao động”. Và “muốn sản xuất được nhiều thì phải luôn luôn cố gắng cải tiến kỹ thuật và giữ vững kỷ luật lao động”.

Nói về “nhanh”, Bác khẳng định: “Để tiến bước ngày càng nhanh, phải có hai điều kiện. Một là, không ngừng cải tiến công tác; hai là, lúc nào cũng phải làm tốt bước chuẩn bị, hôm nay chuẩn bị cho ngày mai”.

Còn về “tốt”, “rẻ”, Bác chỉ ra: “Làm nhiều, làm nhanh mà không đi đôi với tốt, rẻ thì chẳng có ý nghĩa gì. Làm không tốt, “sản phẩm xấu thì khó bán hoặc phải bán giá rẻ, xí nghiệp không có lãi, Nhà nước không tăng được tích lũy”.

Cuối cùng, Bác nói về mối liên quan giữa 4 vế trên: “Điều quan trọng trước hết vẫn là nâng cao năng suất lao động. Tăng năng suất là tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời gian lao động. Nhưng như thế chưa đủ, mà còn phải làm cho vốn quay vòng nhanh. Biết làm cho vốn quay vòng nhanh, thì có ít vốn mà dùng được nhiều lần, nên sản xuất được nhiều”. Và chỉ ra bí quyết “Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, phải có tư tưởng làm chủ, nghĩa là phải yêu máy móc như con, coi xí nghiệp như gia đình mình”.

Ngày 2/2/1960, đến thăm Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Bác ân cần chỉ bảo: “Cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như cái kiềng ba chân, hai dài một ngắn không thể đứng vững được”.

15 năm, từ năm 1954 cho đến lúc đi xa, Người có hàng trăm cuộc đến thăm các công trường, nhà máy. Mỗi chuyến đi ấy, Người đều bày tỏ lòng tin tưởng vào các cơ sở kinh tế nước nhà, động viên khích lệ kịp thời các cán bộ, công nhân viên làm chủ máy móc, làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, nâng cao uy tín của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.