Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Phú Thọ

ThS. NGÔ THỊ THANH TÚ (Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Hùng Vương)

TÓM TẮT:

Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong thời kỳ 2007 - 2017 đạt 9,5%. Cơ cấu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên nền kinh tế của tỉnh chủ yếu vẫn là tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế chưa hài hòa với các mục tiêu công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường đòi hỏi tỉnh Phú Thọ cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng. Nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Phú Thọ nhằm đưa ra các khuyến nghị để giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Từ khóa: Chất lượng tăng trưởng kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế, Phú Thọ.

  1. Mở đầu

Phú Thọ là tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, có diện tích khoảng 3.533km2, dân số đến hết năm 2017 đạt 1.392 nghìn người, tổng nguồn lao động xã hội là 759,8 nghìn người, chiếm 54,6% dân số, có 13 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 277 xã, phường, thị trấn. Kết thúc năm 2017, kinh tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2017 theo giá so sánh 2010 đạt 35.634,5 tỷ đồng, tăng 7,75% so với năm 2016; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,66%; khu vực dịch vụ tăng 7,48%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%.

Tuy nhiên, Phú Thọ đang phải đối mặt với hiện trạng chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững khi sự tăng trưởng kinh tế đang phình rộng theo chiều rộng mà hạn chế về chiều sâu, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng sự tăng trưởng của các ngành là không đồng đều, kém hiệu quả và chủ yếu vẫn là sự gia tăng về lượng, tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế đối với các vấn đề về môi trường sinh thái và đặc biệt là văn hóa - xã hội. Cùng với đó, vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu mà các quốc gia đang hướng tới và đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

  1. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

2.1. Khía cạnh kinh tế của chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Phú Thọ

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Phú Thọ giai đoạn  2007 - 2017 trung bình đạt 9,5%, cao hơn mức trung bình của vùng Trung du miền núi phía Bắc và cả nước. Quy mô GDP theo giá thực tế là năm 2017 ước đạt 35.634,5 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Khi xem xét nền kinh tế chỉ bao gồm các ngành nông, lâm, thủy sản; xây dựng, công nghiệp và dịch vụ thì cơ cấu ngành kinh tế có sự thay đổi theo từng năm có thể thấy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn 2007 - 2015 còn chậm.

Số liệu về năng suất lao động của tỉnh Phú Thọ cho thấy đã tăng lên theo từng năm song vẫn thấp hơn mức trung bình của cả nước. Ngành nông, lâm, thủy sản có năng suất lao động thấp nhất. Nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn biến đổi nhanh hơn. Phú Thọ có điểm mạnh là có số lượng nhân lực đáp ứng theo nhu cầu xã hội, tuy nhiên kỹ năng, chất lượng là điều phải bàn.

Về hệ số ICOR của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2017 đạt giá trị 3,55 (cứ 3,55 đồng vốn đầu tư làm tăng thêm 1 đồng GDP), hệ số ICOR bình quân giai đoạn này đạt 3,55 nằm trong khoảng đầu tư có hiệu quả, điều này thể hiện qua thực tiễn công tác huy động, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư phát triển của tỉnh Phú Thọ thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào thành công phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư lớn và tăng nhanh; một số dự án triển khai chậm, kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư và làm giảm hiệu quả trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Phú Thọ đã tiến bộ vượt bậc, thể hiện ở việc chuyển từ nhóm PCI thấp năm 2005 sang nhóm PCI trung bình trong giai đoạn 2006 - 2009 và nhóm PCI khá năm 2010. Đó là kết quả của việc chất lượng điều hành kinh tế để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, sự thay đổi này rất ít. Dù đã có đến hơn 2/3 điểm số của các tiêu chí được cải thiện, song mức độ thay đổi là không nhiều, sự tiến bộ còn chưa tương xứng với thực tế.

2.2. Khía cạnh xã hội của chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Phú Thọ

Công tác xóa đói giảm nghèo, dân số, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, giáo dục - đào tạo và tạo việc làm cho người lao động đều đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ. An sinh xã hội được chú trọng nhằm đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, đặc biệt trong tình hình lạm phát cao, nhiều thiên tai. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 20,34% năm 2010 xuống còn 12,52% năm 2013. Tuy nhiên, do điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, tỉnh Phú Thọ vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước; nhất là khu vực đồng bào DTTS; tỷ lệ thoát nghèo chưa bền vững và khoảng cách chênh lệch về thu nhập và đời sống giữa nhóm hộ giàu và hộ nghèo, giữa khu vực nông thôn và thành thị chưa được thu hẹp.

Trong điều kiện phát triển kinh tế bình quân đạt 7%/năm liên tục, các chỉ tiêu phát triển xã hội được cải thiện, tuổi thọ đạt hơn 75 tuổi. Nhờ vậy, Chỉ số Phát triển con người của tỉnh Phú Thọ (HDI) được cải thiện, từ mức 0,701 năm 2010, tăng lên 0,717 năm 2013, cao hơn chỉ số HDI của cả nước.

Kết quả Khảo sát mức sống 2016 cho thấy hệ số GINI về thu nhập là 0,403 thấp hơn hệ số GINI của cả nước là 0,43 và thấp hơn hệ số GINI của vùng Trung du miền núi phía bắc 0,406. Như vậy, sự bất bình đẳng về thu nhập ở mức trung bình, thấp hơn mức độ bất bình đẳng so với chung toàn quốc và trong Vùng. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng có xu hướng tăng dần lên qua các năm bởi Phú Thọ là một tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc, có trên 20 dân tộc sinh sống nên một số đồng bào dân tộc thiểu số định cư ở những nơi có địa hình khó khăn không có điều kiện tiếp cận và phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, trong khi ở khu vực thành thị và khu vực đồng bằng cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch nhanh chóng.

2.3. Khía cạnh môi trường của chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh miền núi với điều kiện tự nhiên khá đa dạng của 3 vùng sinh thái đồng bằng, trung du, miền núi, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã hình thành 3 khu công nghiệp chính là Việt Trì, Bãi Bằng - Lâm Thao Thanh Ba - Hạ Hòa. Phần lớn các nhà máy đều đang sử dụng hệ thống công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị máy móc cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu, thải ra nhiều chất thải như nước thải, khí thải, chất thải rắn... với sự thiếu đồng bộ hoặc không có công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải vào môi trường đã gây tác hại xấu đến chất lượng môi trường xung quanh.

Ngoài ra còn có các cơ sở tiểu thủ công nghiệp phát triển theo nhu cầu thị trường bám theo các khu công nghiệp, đô thị, nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Chất thải trong quá trình sản xuất của các cơ sở này khó kiểm soát và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường sống. Từ đó kéo theo vấn đề suy thoái, ô nhiễm môi trường ở tỉnh đang ngày càng trở nên bức xúc. Nhiều chỗ, nhiều nơi đã trở thành điểm nóng cần phải giải quyết, trong đó nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của các chất thải sản xuất công nghiệp, rác thải sinh hoạt.

Diện tích rừng hiện nay của Phú Thọ nếu đem so sánh với các tỉnh trong cả nước thì được xếp vào những tỉnh có độ che phủ rừng lớn (42% diện tích tự nhiên). Trong những năm qua, bảo vệ và phát triển rừng đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Phú Thọ. Năng suất, chất lượng và độ che phủ rừng không ngừng được nâng lên. Năm 2000 độ che phủ rừng 35,9%, năm 2013 đạt 51%. Rừng đã đóng góp tích cực vào phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống người dân.

Môi trường nước mặt ở Phú Thọ đang ô nhiễm ở mức báo động do tiếp nhận nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Hầu hết các nhà máy sản xuất và khu đô thị đều chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc nếu có thì việc xử lý chưa đạt hiệu quả. Nước thải sinh hoạt chảy theo các mương, cống rãnh tập trung rồi đổ vào các ao, hồ, sông. 

Chất lượng nước các đầm, ao, hồ trong các khu công nghiệp và đô thị cao hơn nhiều so với các ao hồ ít chịu tác động bởi sản xuất công nghiệp và thành thị. Chất lượng nước sông Hồng, sông Lô đang bị giảm sút do hoạt động sản xuất công nghiệp và tình trạng phá rừng đầu nguồn. Môi trường không khí bị ô nhiễm hiện nay chủ yếu là bụi và khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, sinh hoạt.

2.4. Đánh giá chung về chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Phú Thọ

* Kết quả đạt được

Thứ nhất, về mặt kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả, nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2007 - 2017 đạt 9,5%/năm. Quy mô nền kinh tế giai đoạn 2007-2017 so với thời kỳ 2001-2005 được mở rộng: tổng GDP tăng gấp 1,63 lần; GDP/người tăng 2,6 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 2,5 lần. Năng suất lao động xã hội tăng lên theo từng năm và cao hơn tốc độ tắng trưởng kinh tế cho thấy thu nhập thực sự của người lao động đã tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế. Với việc năm 2016, Phú Thọ tăng 6 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số PCI thì Phú Thọ sẽ là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thứ hai, về mặt xã hội tăng trưởng kinh tế đã tác động tích cực đến công tác xóa đói giảm nghèo. Công tác xóa đói giảm nghèo, dân số, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, giáo dục - đào tạo và tạo việc làm cho người lao động đều đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ. An sinh xã hội được chú trọng nhằm đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, đặc biệt trong tình hình lạm phát cao, nhiều thiên tai.

Thứ ba, về khía cạnh môi trường, hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT đã được xây dựng khá đầy đủ và toàn diện. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương đã từng bước được kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định. Kinh phí cho công tác BVMT đã được tăng cường. Nhiều nội dung về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc lồng ghép các vấn đề về môi trường từ giai đoạn lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án đã góp phần hạn chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

* Hạn chế và nguyên nhân

Thứ nhất, mô hình tăng trưởng vẫn ở trình độ thấp thể hiện ở tốc độ gia tăng giá trị sản xuất GO cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, nên nền kinh tế của tỉnh Phú Thọ là nền kinh tế “tăng trưởng nhờ gia công”. Đó là nền kinh tế phụ thuộc vào bên ngoài nên chứa đựng nhiều yếu tố mất ổn định và không bền vững. Mặt khác, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất GO cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng phản ánh chi phí trung gian cao nên giá trị gia tăng của nền kinh tế là nhỏ.

Thứ hai, cấu trúc ngành kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện đại, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Công nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa có nhiều dự án, doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực có quy mô lớn và uy tín cao; một số ngành công nghiệp còn phụ thuộc vào nguyên liệu, thị trường bên ngoài. Nông nghiệp chưa hình thành được các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa lớn; hệ thống thủy lợi, thủy nông chưa đáp ứng nhu cầu; việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật yếu kém. Chất lượng và quy mô dịch vụ chưa cao.

Thứ ba, công tác vận động, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh của Phú Thọ chưa đáp ứng được yêu cầu. Môi trường đầu tư có mặt chưa thực sự thông thoáng, hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa xứng với tiềm năng. Vấn đề cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư còn chậm chạp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Môi trường kinh doanh và đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với tình trạng phân hóa giàu nghèo gia tăng. Các vấn đề về văn hóa - xã hội bức xúc còn chậm được khắc phục, nếp sống văn minh đô thị chuyển biến chậm,… đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, tăng trưởng kinh tế đã làm cho công nghiệp phát triển, tiểu thủ công nghiệp nâng cao. Song tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường sinh thái gia tăng đã trực tiếp đe dọa cuộc sống của người dân và là thách thức lớn đe dọa đến tính bền vững trong phát triển kinh tế. Công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều yếu kém, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn thấp; ý thức về bảo vệ môi trường trong xã hội chưa cao, nguồn lực cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu.

  1. Một số khuyến nghị

Trên cơ sở các kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại và những mục tiêu đặt ra nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007- 2017, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế sang mô hình tăng trưởng dựa vào hiệu quả sử dụng nguồn lực và các yếu tố làm tăng năng suất bền vững (chất lượng lao động, ứng dụng tiến bộ công nghệ, hiệu quả quản lý của nhà nước), lấy tốc độ tăng năng suất lao động làm mục tiêu xuyên suốt và làm căn cứ để xây dựng chính sách thay cho tiêu chí tốc độ tăng trưởng;

Thứ hai, hoàn thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các loại hình doanh nghiệp phát triển; nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, tạo lợi thế so sánh với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Thứ ba, tạo môi trường tăng trưởng bền vững, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tạo môi trường pháp lý bình đẳng và công bằng để các loại hình doanh nghiệp cùng tham gia kinh doanh, phát triển mạnh mẽ các nguồn lực sản xuất.

Thứ tư, hoàn thiện các chính sách xóa đói giảm nghèo và trợ giúp các địa phương nghèo phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp.

Thứ năm, thực hiện các chính sách nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kinh tế, tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư bảo vệ môi trường. Khuyến khích sự đầu tư của tư nhân vào các dịch vụ môi trường. Tăng cường phân cấp quản lý và tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý môi trường ở cơ sở để tạo ra bước chuyển biến cơ bản cho công tác quan trọng này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Lê Xuân Bá (2005), Chất lượng tăng trưởng kinh tế - Một số đánh giá ban đầu cho Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu, Hà Nội.
  2. Vũ Thúy Anh (2015), Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  3. Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ năm 2007 - 2015, Nxb Thống kê.
  4. Đào Duy Huân (2012), Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam phù hợp với hội nhập quốc tế, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 5, tr. 3-9.
  5. Cù Chí Lợi (2008), Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 336, tr. 3-9.
  6. Ngô Thắng Lợi (2017), Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Thực trạng và định hướng đến năm 2030, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

THE QUALITY OF PHU THO PROVINCE’S ECONOMIC GROWTH

Master. NGO THI THANH TU

Faculty of Economics and Business Management

Hung Vuong University

ABSTRACT:

Phu Tho province has achieved many remarkable results in recent years and the provincial GDP growth rate per capita in the period 2007 - 2017 reached 9.5%. The provincial economy structure and competitives have positively changed, contributing to the improvement of local people’s living standards. However, the province's economy mainly grows by increasing its inputs and does not harmonize with the provincial goals of social progress and environmental protection. As a result, Phu Tho province needs to accelerate its economic transform towards improving the quality of the province’s economic growth. This study focuses on assessing the quality of Phu Tho province’s economic development in order to provide recommendations to help improve the quality of the province’s economic growth in the near future.

Keywords: Quality of economic growth, economic growth model, Phu Tho province.