Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính mất bao nhiêu tiền?

Nhóm thủ tục hành chính Hải quan đứng thứ ba trong bảng xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 (chỉ số APCI 2018) với chi phí tuân thủ trung bình là 3,5 triệu đồng.

Mới đây, Bộ Tài chính nước ta đón nhận giải thưởng quốc tế “Tổ chức ứng dụng CNTT xuất sắc khu vực Châu Á, Châu Đại Dương năm 2018”, viết tắt là ASOCIO. Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng ASOCIO, Bộ Tài chính Việt Nam đã và đang triển khai nhiều ứng dụng trên các nền tảng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 như: mobility, big data, cloud phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả. Hệ thống khai thuế điện tử được triển khai toàn diện, 99,96% doanh nghiệp toàn quốc đã sử dụng khai thuế điện tử. Hệ thống hải quan điện tử, thông quan tự động VINACCS/VCIS được triển khai 100% chi cục, 99,65% doanh nghiệp tham gia. Bộ Tài chính đã tham gia hệ thống 1 cửa điện tử ASEAN với 4 quốc gia khác Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

a

 

Kết quả của việc triển khai ứng dụng CNTT đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính trong ngành Tài chính, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, tạo nền tảng tốt cho việc phát triển Chính phủ điện tử nói chung và Bộ Tài chính điện tử nói riêng. Với những nỗ lực trên, Bộ Tài chính đã 6 năm liên tiếp (năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017,2018) đứng đầu về chỉ số ứng dụng CNTT (ICT index) trong khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp của Bộ Tài chính Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá cao, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan. Thủ tục hành chính thuế của Việt Nam trong những năm qua đã được công đồng quốc tế ghi nhận. Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (chỉ số APCI 2018), ngành Thuế xếp thứ nhất trong 8 nhóm thủ tục hành chính được đánh giá với chi phí tuân thủ thấp nhất là 73,75 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục chỉ là 2,9 giờ làm việc. Tính đến nay, ngành Thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 99,96% trên tổng số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Việt Nam cũng đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố; tiếp tục thực hiện triển khai dịch vụ về kê khai, nộp thuế điện tử; hoàn thuế điện tử; hóa đơn điện tử; nộp thuế đối với đất đai, hộ cá nhân điện tử...

Việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan bằng phương thức điện tử đã góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cán bộ công chức. Đồng thời doanh nghiệp có thể theo dõi trực tuyến toàn bộ quá trình xử lý thủ tục hành chính, góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hải quan. Nhóm thủ tục hành chính Hải quan đứng thứ ba trong bảng xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 (chỉ số APCI 2018) với chi phí tuân thủ trung bình là 3,5 triệu đồng, thời gian thực hiện thủ tục là 12,1 giờ làm việc. Kết quả này phần nào phản ánh những nỗ lực cải cách của ngành Hải quan khi thực hiện triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hoá ngành Hải quan giai đoạn 2016 - 2020 và thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Cùng với ngành Thuế, Hải quan là ngành rất tích cực đưa hệ thống CNTT vào áp dụng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan thời gian qua đã được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 31/10/2017, Ngân hàng Thế giới đã công bố xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2018, theo đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, lên vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái (vị trí 82). Cũng trong báo cáo này ghi nhận chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) của Việt Nam xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Doing Business 2017), đứng thứ 4 trong  nhóm nước ASEAN.

Phú Châu