Chỉ số Nhà quản trị mua hàng tăng cao chưa từng có, dẫn đầu ASEAN

Điểm nhấn lớn nhất trong bức tranh kinh tế là Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng cao chưa từng có, với 56, 5 điểm, cao nhất kể từ khi Nikkei khảo sát chỉ số này tại nước ta vào tháng 3 năm 2011

11 tháng qua, tình hình sản xuất kinh doanh các khu vực chủ yếu của nền kinh tế diễn biến tích cực và tương đối toàn diện, trong đó khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, với 12,2%, đóng góp 9,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa lần đầu tiên cán mốc 3 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 17,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,4%. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung 11 tháng năm 2018 xuất siêu 6,8 tỷ USD.

Khu vực dịch vụ phát triển ổn định, hoạt động du lịch tiếp tục tăng cao nhờ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến và quảng bá du lịch; tính chung 11 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 14,1 triệu lượt người, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng khá so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 11,5%.

Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất trong bức tranh kinh tế 11 tháng qua là Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng cao chưa từng có. Với 56, 5 điểm, PMI đã đạt mức tăng chưa từng có kể từ khi Nikkei khảo sát chỉ số này tại nước ta vào tháng 3 năm 2011, bỏ xa 2 mức tăng đã từng được coi là những kỷ lục: 54,6 điểm vào tháng 3 năm 2017, và 55,7 điểm vào tháng 6 năm 2018. PMI là một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất. Theo Nikkei, các điều kiện kinh doanh lĩnh vực sản xuất Việt Nam trong tháng 11 đã cải thiện thành một trong những mức mạnh nhất trong lịch sử khảo sát kéo dài gần tám năm.

Lý do của mức tăng đến từ sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh và nhanh. Hàng tồn kho tăng là điểm nổi bật của kỳ khảo sát mới nhất với cả tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm đều tăng ở mức kỷ lục khi các công ty chuẩn bị cho khối lượng công việc sắp tới. Việc làm cũng tăng ở mức cao của cuộc khảo sát và mức độ tự tin trong kinh doanh đã tăng. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết số lượng đơn đặt hàng mới tăng và nhu cầu khách hàng mạnh lên là những nhân tố góp phần làm tăng sản lượng. Cũng giống như bức tranh của sản lượng, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới là một trong những tốc độ tăng mạnh nhất trong lịch sử của khảo sát tính đến nay. Khối lượng công việc tăng lên khiến các công ty ở Việt Nam phải tuyển thêm nhân công. Hơn nữa, tốc độ tạo việc làm đã nhanh hơn thành một mức kỷ lục mới của cuộc khảo sát. Việc làm tăng cao kỷ lục đã giúp các công ty giảm bớt lượng công việc tồn đọng mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi bình luận về chỉ số PMI của Việt Nam: “Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục chống lại những dấu hiệu chậm lại của nhu cầu ở đâu đó trên thế giới”.

Hiện Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN về chỉ số này. Tiếp theo là Philippin 54,2 điểm; Myanmar 51,3 điểm; Indonesia 50,4 điểm; Thái Lan 49,8 điểm; Malaysia 48,2 điểm; Singapore 47,4 điểm.

Chu Ban