Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt May Việt Nam

Chiều 19/10, trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội tổ chức họp báo về “Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt may Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập AEC, TPP và các FTA”.

Từ năm 2000 – 2014, trung bình mỗi năm có khoảng 552 doanh nghiệp mới được thành lập trong lĩnh vực dệt may và thu hút khoảng 80.000 lao động công nghiệp mới/năm tham gia vào ngành dệt may. Chính vì thế nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam tiến sâu vào hội nhập như hiện nay là rất cần thiết.


TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (người ngồi giữa) phát biểu - Ảnh: Xuân Quý

Phát biểu tại buổi Họp báo, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho rằng, Nhà trường sẽ đổi mới tư duy đào tạo, gắn công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp như: Tư vấn chuyển giao công nghệ sản xuất tinh gọn LEAN, tư vấn nghiên cứu thiết kế mẫu, tư vấn xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho doanh nghiệp dệt may trong thời kỳ hội nhập quốc tế…

Được biết ngày 4/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt May Thời trang Hà Nội. Đây là trường Đại học chuyên ngành Dệt May đầu tiên của Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành theo hướng ứng dụng với những thế mạnh nổi trội. Trong giai đoạn tới, Trường sẽ tập trung đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, cán bộ quản trị cấp cao, cấp trung và cấp cơ sở có trình độ cao trong lĩnh vực dệt may nhằm giúp các doanh nghiệp trong Ngành duy trì lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho khâu thiết kế thời trang công nghiệp, làm mẫu rập theo số đo nhân trắc từ mẫu sáng tác, phát triển mẫu, quản trị chuỗi cung ứng, xuất khẩu và làm thị trường để các doanh nghiệp dệt may tập trung hoạt động sản xuất theo phương thức FOB, ODM thay vì phương thức CMT như trước đây.

Phát huy thế mạnh là trường gắn với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Nhà trường sẽ đổi mới phương thức đào tạo theo hướng tiếp cận với môi trường doanh nghiệp trong nội dung của từng môn học, học phần cơ sở ngành và chuyên ngành. Việc tiếp cận với môi trường doanh nghiệp sẽ được đưa vào chương trình đào tạo sớm hơn (từ học kỳ 2) để giúp sinh viên sớm được trải nghiệm môi trường công nghiệp và ứng dụng kiến thức, kỹ năng trong các bài giảng vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn sản xuất ngay từ những môn học cụ thể. Bên cạnh đó, để phát huy tối đa tính chủ động của sinh viên trong phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, nhà trường cũng sẽ là một trong những trường đại học đầu tiên tổ chức cho sinh viên được phép tự học trong các phòng tự học thực hành trang bị thiết bị tiên tiến. Tất cả các yếu tố về đổi mới phương thức đào tạo nêu trên đều được thể hiện trong các chương trình đào tạo của trường với thời lượng lý thuyết từ 30 - 40% và thời lượng thực hành kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng tư duy chiếm 60 – 70%. Gắn công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp như: Tư vấn chuyển giao công nghệ sản xuất tinh gọn LEAN, tư vấn nghiên cứu thiết kế mẫu, tư vấn xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho doanh nghiệp dệt may trong thời kỳ hội nhập quốc tế…

Toàn cảnh buổi họp báo - Ảnh Xuân Quý

Nhà trường hiện có 276 giảng viên hữu cơ, trong đó hơn 50% giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ. Cơ sở vật chất nhà trường được trang bị hiện đại với hơn 2.500 thiết bị may, thiết kế thời trang, cơ khí, tin học, điện… được bố trí trong các tòa nhà tiện nghi và hiện đại từ 5 đến 11 tầng. Thêm vào đó, nhà trường còn có một nhà máy sản xuất với quy mô 600 lao động, sản xuất và kinh doanh nhiều ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch hơn 200 tỷ đồng/năm. 100% cán bộ tại nhà máy đều tốt nghiệp đại học trở lên và được đào tạo nghiệp vụ sư phạm để hướng dẫn các sinh viên thực tập ngay sau những giờ học lý thuyết. Hiện nay, nhà trường đào tạo chủ yếu các ngành như: công nghệ may, thiết kế thời trang, công nghệ sợi dệt, công nghệ kỹ thuật cơ khí chuyên ngành dệt may, công nghệ kỹ thuật điện chuyên ngành dệt may, quản trị kinh doanh chuyên ngành dệt may, marketing chuyên ngành dệt may, tiếng anh, tin học ứng dụng…với quy mô gần 10.000 học sinh, sinh viên chính quy và xấp xỉ 2.000 học viên/năm từ các doanh nghiệp đến học tập và bồi dưỡng chuyên môn.Để chủ động về nguồn nguyên liệu đầu vào, nhà trường cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực sản xuất nguyên liệu như : sợi, dệt, nhuộm. 

Nhấn mạnh về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành Dệt May của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, ông Phạm Duy Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng đây là nhu cầu tất yếu của ngành Dệt May khi bước vào “cuộc chơi” thời hội nhập. Tập đoàn đánh giá cao và tin tưởng vào tư duy đào tào đổi mới của Nhà trường, đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực cấp trung và cao cho Tập đoàn nói riêng và ngành Dệt May Việt Nam nói chung, với truyền thống và đội ngũ giảng viên của trường, Tập đoàn tin rằng nhà trường sẽ hoàn thành mọi chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra.

Thu Hoài