TÓM TẮT:

Tín dụng xanh (TDX) là vấn đề mới đối với ngành Ngân hàng (NH) Việt Nam nên hiện tại các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn chưa phát triển mạnh nguồn tín dụng này. Đến nay, mới có khoảng hơn 10 NHTM Việt Nam cấp TDX cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT). Nhu cầu vốn cho NLTT đến năm 2030 là trên 30 tỷ USD, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ TDX. Mới đây nhất, chiến lược phát triển ngành NH đến năm 2025 tầm nhìn năm 2030 đã nhận định vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) trong việc phát triển xanh, NLTT là rất quan trọng. Bài báo tiến hành nghiên cứu chính sách cho vay của các NHTM Việt Nam, nhằm có cái nhìn tổng quan về chính sách tín dụng đối với các dự án NLTT, qua đó đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi các NHTM thực thi chính sách này.

Từ khoá: Năng lượng tái tạo, tín dụng xanh, chính sách tín dụng, năng lượng sạch, ngân hàng thương mại.

1. Chiến lược quốc gia về năng lượng sạch và đề án phát triển NH xanh của NHNN

1.1. Chiến lược quốc gia về năng lượng sạch

Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường. Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong vòng hai thập kỷ tới không chỉ là tăng trưởng nhanh mà phải là tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh. Do đó năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”; Năm 2014, ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020”; Năm 2016, cam kết INDC của Việt Nam và Quyết định số 2053/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 ca Bộ Chính trịs về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đánh giá là mang tư duy mới trong phát triển năng lượng quốc gia. Theo đó, trong NQ đã nêu rõ chiến lược phát triển NLTT là: Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; “Hình thành và phát triển một số trung tâm NLTT tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu…”.

1.2. Đề án phát triển NH xanh của NHNN

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động NH, NHNN đã xây dựng chính sách triển khai NH xanh. Năm 2015, NHNN ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng TDX và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Cùng với đó ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành NH thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Năm 2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1604 “Đề án phát triển NH xanh tại Việt Nam” nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống NH đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động NH, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và NLTT, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Theo Đề án, năm 2025, 100% NH xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các NH thực hiện đánh giá rủi ro MTXH trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được NH cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của NH. Ít nhất 10 đến12 NH có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro MTXH; 60% NH tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án TDX. 

2. Chính sách cho vay đối với dự án NLTT tại các NHTM Việt Nam

2.1. Chính sách và thực trạng tín dụng đối với các dự án NLTT của Vietcombank

VCB dù ủng hộ chủ trương phát triển năng lượng sạch, xong vẫn khá cẩn trọng khi bỏ tiền cho vay ĐMT, điện gió, bởi đây là những lĩnh vực mới nên hiện còn nhiều hạn chế nhất định như đáp ứng về hạ tầng đấu nối, cơ chế giá… Đây cũng là những khó khăn nhất định cho NH trong quá trình thẩm định để đưa ra quyết định đầu tư, tài trợ vốn. Tại VCB, các dự án thuộc lĩnh vực NLTT này có thể tiếp cận vốn vay lên đến 70% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, tiêu chí NH đặt ra cho dự án không đơn giản: phải hoàn thành đúng tiến độ, hòa lưới điện quốc gia. Yêu cầu về vốn đối ứng với từng dự án lại khác nhau nhưng mức phổ biến là tối thiểu 30% tổng mức đầu tư. NH sẽ đánh giá năng lực của chủ đầu tư, phân tích mức độ rủi ro của dự án trước khi quyết định tỷ lệ vốn đối ứng. Bên cạnh đó, khi cho vay các dự án như vậy thì NH cũng đánh giá các yếu tố trên khá kỹ càng.

Năm 2019, NH JBIC (Nhật Bản) cùng VCB đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 200 triệu USD nhằm tài trợ cho các dự án NLTT. Kỳ hạn khoản vay lên tới 14 năm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn để đầu tư cho các dự án NLTT tại Việt Nam. VCB đang cho vay 3 dự án là Srêkop 1, Srêkop 2 và BP Solar. Srêkop 1 có tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng tại Đăk Lăk. Srêkop 2 và BP Solar 1 là 2 dự án ở Phước Hữu, Ninh Thuận.

2.2. Chính sách và thực trạng tín dụng đối với các dự án NLTT của HDbank

2.2.1. Dự án ĐMT

Năm 2018, HDBank công bố triển khai chương trình Tài trợ dự án ĐMT kéo dài đến năm 2020 với quy mô khoảng 7.000 tỷ đồng. NH cho biết sẽ ưu tiên các dự án trong quy hoạch phát triển ĐMT đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020 (Bảng 1).

Hiện, HDBank cho vay dự án Sao Mai PV1 công suất 210 MWp với hạn mức 1.400 tỷ đồng (70% tổng mức đầu tư). NH này cũng ký hợp đồng tín dụng với hạn mức tài trợ 760 tỷ đồng cho dự án nhà máy ĐMT tại Ninh Thuận của CTCP ĐMT Mỹ Sơn - Hoàn Lộc Việt.

2.2.2. Dự án ĐMT áp mái

Hiện tại, HDBank cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư lắp đặt các thiết bị ĐMT áp mái vay 70% vốn đầu tư, lên 10 tỉ đồng trong 5 năm. Khi cho vay, NH sẽ thẩm định theo quy trình và chỉ ưu tiên các dự án đấu nối vào lưới điện quốc gia (Bảng 2).

Tính đến ngày 30/06/2019, HDBank đã cấp tín dụng cho nhiều dự án ĐMT áp mái với tổng mức cấp lên đến 280 tỷ đồng (Bảng 3).

Một số dự án ĐMT áp mái tiêu biểu HDB tài trợ, gồm: Công ty Dinsen, Công ty Skylight Power, Công ty TNHH Formosa Taffet VN, CTCP Nhựa Rạng Đông ở Long An và 7 hệ thống ĐMT mái nhà tại Ninh Thuận.

2.3. Chính sách và thực trạng tín dụng đối với các dự án NLTT của một số các NHTM khác.

SHB có gói cho vay đối với các dự án NLTT công suất không quá lớn, cùng sự hỗ trợ của World Bank, NH giảm trừ trực tiếp vào lãi suất vay còn 1,5%/năm với hạn mức tối đa 80% trong 15 năm cho các dự án có công suất không quá 30 MW.

Năm 2019, HSBC đưa ra gói TDX của HSBC (cho vay tín chấp, lãi suất vay từ 11,99 - 12,99%/năm, trong vòng 60 tháng). NH TMCP Bản Việt cho cá nhân vay 100% vốn đầu tư, tối đa 200 triệu đồng lắp đặt các thiết bị ĐMT, với thời gian vay 5 năm. VietinBank cũng công bố tài trợ 1.000 tỷ đồng, (62,5% tổng vốn đầu tư) cho dự án ĐMT TTC 01 tại Tây Ninh.

Đầu năm 2019, NH Nam Á cùng Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) triển khai chương trình TDX. Lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân khoảng 7%/năm ngắn hạn và 7,5% đối với khoản vay trung dài hạn. Các khoản vay trong chương trình này bao gồm cả các dự án NLTT, năng lượng sạch và các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Sacombank đang có chính sách ưu đãi đối với các dự án NLTT với lãi suất hấp dẫn, trong đó tập trung chủ yếu vào khách hàng cá nhân triển khai ĐMT áp mái. NH cũng đang nghiên cứu cơ chế cho vay ưu đãi đối với DN sản xuất thương mại - dịch vụ có nhu cầu lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái.

3. Đánh giá chung về các khó khăn vướng mắc các NHTM Việt Nam gặp phải khi cho vay đối với các dự án NLTT

Theo báo cáo về huy động tài chính phát triển ngành Năng lượng Việt Nam của World Bank, nguồn NLTT là khu vực có danh mục đầu tư lớn thứ 2 trong đầu tư nguồn điện giai đoạn 2016 - 2030 với tổng nhu cầu đạt 27 – 33 tỷ USD. Điều này phản ánh các cam kết của Việt Nam trong đóng góp do quốc gia tự quyết định cho Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu nhằm tăng công suất NLTT từ mức 12 GW hiện tại lên 30 GW vào năm 2030. 

Có thể thấy, nhu cầu vốn trong lĩnh vực xanh rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực này đang có tốc độ tăng trưởng lên tới 30%. Nhu cầu này xuất phát từ yêu cầu thực tế nguồn vốn đầu tư ban đầu cao trong các dự án xanh, chủ yếu là NLTT mới như điện, gió. Vốn đầu tư cho dự án, ngoài vốn chủ sở hữu, phần còn lại sẽ đến từ vay NH. Tuy nhiên, nguồn vốn này sẽ mang lại một số rủi ro nhất định cho nhà đầu tư và một số vướng mắc khó khăn các NHTM gặp phải: (1) Các NHTM trong nước cho các dự án ngành Điện vay bằng nội tệ, thông thường trên cơ sở tài chính doanh nghiệp chứ không phải tài chính dự án. (2) Giới hạn dư nợ cấp tín dụng cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của các NH đã hạn chế các NH cho vay thêm. (3) Ngoài ra, cho vay tiếp tục bị hạn chế bởi giới hạn tập trung ngành do các NH đặt ra vì mục đích an toàn. (4) Lãi suất cho vay VND trong các lĩnh vực ưu tiên hiện đang ở mức 6-9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, và 8-10%/năm đối với khoản vay dài hạn trong khi lãi suất cho vay kinh doanh thông thường là 7-10%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 9-12%/năm đối với khoản vay dài hạn. 

Với mức chênh lệch giữa lãi suất vay ngắn hạn và dài hạn nhỏ như vậy, các NH có rất ít động lực để cho vay dài hạn, dẫn tới tình trạng thiếu vốn dài hạn. (5) Ngoài vấn đề vốn, các nhà đầu tư NLTT còn vấp phải nhiều khó khăn khác như rủi ro pháp lý, rủi ro thương mại hay rủi ro vận hành. (6) Quá trình thực hiện dự án tại Việt Nam thường bị chậm trễ do giai đoạn cấp phép, giải phóng mặt bằng kéo dài, phức tạp. (7) Việc thiếu kinh nghiệm cũng có thể chọn các sản phẩm pin năng lượng kém chất lượng, từ đó đòi hỏi nguồn đầu tư gia tăng trong dài hạn. (8) So với các quốc gia láng giềng, giá mua điện của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều, không tính tới nguy cơ lạm phát, tỷ giá hối đoái cũng như phí vận hành và bảo trì gia tăng. Điều này sẽ làm gia tăng lo ngại về tỷ lệ hoàn vốn của dự án NLTT. 

4. Kết luận

Việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động TDX góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay còn gặp một số khó khăn. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực NLTT hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi đó, nguồn vốn của các NHTM thường ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường. Do đó, để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh, các NHTM cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay.

Ngoài ra, chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho cả nước, dẫn tới việc thiếu cơ sở để các NHTM căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp TDX. Việc phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; từ đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn TDX; do đó đòi hỏi có sự hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực cho các NHTM trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp TDX.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết số 55-NQ/TW, Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  2. Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
  3. Ngọc Huyền (2019), Ngân hàng nào mạnh tay rót vốn vào các dự án năng lượng tái tạo, https://vietnambiz.vn/ngan-hang-nao-manh-tay-rot-von-vao-cac-du-an-nang-luong-tai-tao-20190622202605593.htm, cập nhật ngày 24/06/2019.
  4. HDBank (2020), Tài trợ cho KHDN xây lắp các dự án điện mặt trời trên mái nhà, hdbank.com.vn.
  5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2018), Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 07/8/2018, về việc phê duyệt “Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”.
  6. Hiệp hội Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019), Ngân hàng với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, https://www.vnba.org.vn/index.phpoption=com_k2&view=item&id=12051:ngan-hang-voi-muc-tieu-tang-truong-xanh-va-phat-trien-ben vung&lang=vi

Current lending policies of Vietnamese commercial banks for renewable energy projects

Ph.D Dang Huong Giang

University of Economics - Technology for Industries

Ph.D Chan The Nu

University of Economics and Business

Vietnam National University – Hanoi

ABSTRACT:

Green credit is a new concept for Vietnam's banking sector, so Vietnamese commercial banks have not yet promoted this credit source. So far, only about 10 Vietnamese commercial banks have provided green credit for renewable energy projects. Capital demand for the development of renewable energy in Vietnam by 2030 is estimated at over 30 billion USD, the Government of Vietnam and the State Bank of Vietnam (SBV) have issued many documents to support the growtth of green credit. Most recently, the development strategy of the banking system until 2025 with a vision to 2030 of Vietnam has identified that supporting the growth of green energy and renewable energy enterprises is an important task. This article studies lending policies of Vietnamese commercial banks to have an overview of credit policy for renewable energy projects, thereby assessing the difficulties and obstacles when commercial banks finance renewable energy projects.

Keywords: Renewable energy, green credit, credit policy, clean energy, commercial banks.