Chính sách phát triển công nghiệp công nghệ cao của I-xra-en, một vài kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 – 2014 của Diễn đàn kinh tế thế giới, I-xra-en đứng thứ 4 trên thế giới về năng lực cải tiến.

Một số tiêu chí đánh giá cụ thể như: đứng thứ nhất về chi nghiên cứu phát triển (theo tỉ lệ % GDP), xếp hạng 1 về chất lượng các cơ sở nghiên cứu khoa học, thứ nhất về chi tiêu công cho giáo dục, đứng thứ hai về năng lực lãnh đạo doanh nghiệp, thứ năm về tỉ lệ % đơn xin cấp bằng sáng chế trên tổng dân số, thứ sáu về bảo vệ các nhà đầu tư và về giải thưởng Nô-ben tính theo đầu người trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh lý học, y học và kinh tế.

Để đạt được các tiêu chí đánh giá cơ bản trên, ngoài năng lực trí tuệ của người I-xra-en (người Do thái) đã được trau dồi qua hàng ngàn năm lao động và hiện đang làm việc tại các trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật lớn nhất trên thế giới, mà quan trọng hơn đó là chính sách thu hút nhân tài, đầu tư đúng hướng cho phát triển khoa học, công nghệ của Chỉnh phủ I-xra-en.

Các chính sách phát triển chủ yếu và một số kết quả nổi bật

Quay trở lại những năm thập niên 60-70 của Thế kỷ 20, Chính phủ I-xra-en đã cho thành lập Văn phòng Khoa học trưởng (Office of the Chief Scientist – OCS) trực thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại (hiện là Bộ Kinh tế) nhằm tài trợ cho các dự án nghiên cứu phát triển phục vụ cho thương mại, hướng đến xuât khẩu. Sau đó, đối tượng nhận tài trợ được mở rộng sang các cơ sở thí nghiệm quốc gia và các công trình nghiên cứu trong trường học.

Tiếp đó, Luật Khuyến khích nghiên cứu phát triển công nghiệp được thông qua vào năm 1985. Luật này pháp điển hóa các hoạt động của OCS, tạo lập khuôn khổ pháp lý vững chắc để mở rộng nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học, tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kỹ năng cao của đất nước. Trong khuôn khổ của Luật Khuyến khích nghiên cứu phát triển, OCS đã và đang thực hiện một số chương trình trọng yếu như sau:

Hỗ trợ nghiên cứu phát triển đạt chuẩn

Đây là chương trình lớn nhất mà OCS triển khai cho đến nay. Nếu nằm trong chương trình này, những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn sẽ nộp đơn xin tài trợ cho dự án nghiên cứu phát triển. Đơn này được Ủy ban nghiên cứu đánh giá, xem xét (thông thường khoảng 70% dự án được thông qua), nếu được phê duyệt, dự án có thể được nhận tới 50% vốn tài trợ theo đăng ký. Doanh nghiệp được nhận tài trợ nghiên cứu phát triển phải tuân thủ một số điều kiện sau: (i) dự án nghiên cứu phát triển phải được triển khai bởi chính doanh nghiệp đó, (ii) sản phẩm là kết quả của dự án phải được sản xuất tại I-xra-en, (iii), các sáng chế công nghệ trong quá trình nghiên cứu không được chuyển nhượng cho bên thứ ba.

I-xra-en có chính sách ưu tiên phát triển dài hạn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các vùng, miền (không chỉ tập trung tại các đô thị lớn). Theo đó, nếu các dự án nghiên cứu phát triển được triển khai ở các vùng đặc biệt (các vùng phát triển loại A) sẽ được ưu tiên cấp tài trợ lên đến 60% trên tổng số vốn đăng ký.

Chương trình “Thỏi nam châm”

Mặc dù các ngành công nghệ cao phát triển rất nhanh tại I-xra-en vào những năm 1970 trở lại đây nhưng tổng thể nền công nghiệp của I-xra-en vẫn rất là phân tán, quy mô các doanh nghiệp của I-xra-en vẫn rất nhỏ để đáp ứng chi phí ngày càng tăng cao của việc phát triển công nghệ mới. Hơn nữa, I-xra-en có khá nhiều trung tâm nghiên cứu trong các trường đại học mang tầm thế giới nhưng các trung tâm này thường tách biệt với sự vận động và nhu cầu phát triển công nghiệp bên ngoài, do đó, nguồn nhân lực có kỹ năng rất cao ở đây không được sử dụng một cách hợp lý.

Trong bối cảnh đó, ngay từ những năm 90 của Thế kỷ trước, OCS đã triển khai chương trình “Thỏi nam châm” với mục tiêu liên kết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với các viện nghiên cứu nhằm đưa các công nghệ mới đi vào sản xuất nhanh chóng nhất. Trong chương trình này, dự án liên kết giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu sẽ được hỗ trợ dài hạn (3-5 năm) với số tiền hỗ trợ lên tới 66% tổng kinh phí nghiên cứu, phát triển được phê duyệt. Dự án liên kết phải được triển khai giữa các doanh nghiệp có tiềm lực nhất trong ngành sản xuất đó với những viện có chức năng nghiên cứu các công nghệ liên quan đến ngành công nghiệp đó.

Chương trình “Vườn ươm công nghệ”

Các “Vườn ươm công nghệ” là các tổ chức hỗ trợ cho các doanh nhân tiềm năng triển khai các ý tưởng công nghệ mới, thành lập các doanh nghiệp mới để thương mại hóa các công nghệ này. Cơ sở khởi phát cho chương trình này đó là làn sóng nhập cư của người gốc I-xra-en từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, rất nhiều người trong số này là các nhà khoa học xuất sắc, các chuyên gia có kỹ năng cao. Họ quay về I-xra-en với năng lực trí tuệ và rất nhiều ý tưởng công nghệ nhưng lại thiếu kỹ năng thương mại phù hợp với các nước phương Tây, gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ, trình độ quản lý kinh tế hiện đại và vốn.

Mỗi “Vườn ươm công nghệ” nói trên thường quản lý từ 10 đến 15 dự án cùng một lúc và cung cấp một số hỗ trợ như sau: đánh giá và quyết định triển khai các ý tưởng công nghệ, lên kế hoạch và tổ chức nhóm nghiên cứu phát triển, vận động tài trợ, chuẩn bị cho thương mại hóa sản phẩm cũng như các dịch vụ văn phòng khác.

Hợp tác quốc tế

I-xra-en có nền khoa học rất phát triển nhưng lại ở trong khu vực luôn tiềm ẩn những bất ổn về chính trị, kinh tế. Nhận thức được vấn đề đó, Chính phủ I-xra-en đã đàm phán ký kết nhiều văn kiện hợp tác nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực công nghiệp với hầu hết các nước công nghiệp phát triển khác trên thế giới. Năm 2007, I-xra-en cũng trở thành thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Một trong những chương trình hợp tác thành công nhất đó là Quỹ BIRD giữa I-xra-en và Mỹ (Binational Industrial Research and Development). Mục tiêu của Quỹ là tài trợ cho các dự án nghiên cứu chung về phát triển sản xuất công nghiệp phi quốc phòng có lợi cho cả hai quốc gia. Quỹ có thể tài trợ tối đa 1,5 triệu usd cho một dự án. Quỹ là một tổ chức độc lập có Hội đồng quản trị là các quan chức chính phủ của cả hai nước. Trụ sở chính của Quỹ BIRD đặt tại I-xra-en.

Nhìn chung, sự thành công trong phát triển công nghệ cao của I-xra-en là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài của Chính phủ với việc xã hội hóa nghiên cứu phát triển như là các “Vườn ươm công nghệ”, cùng với việc tiếp thu, hợp tác tốt trong nghiên cứu phát triển công nghiệp với các nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới.

Một vài kết quả nổi bật

Nhờ có các chính sách đầu tư, phát triển công nghiệp hợp lý, hiệu quả, trong những năm qua, sản xuất công nghiệp của I-xra-en luôn tăng trưởng ở mức cao. Đáng chú ý là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn những ngành có hàm lượng công nghệ thấp và trung bình. Hơn nữa, xuất khẩu các loại hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao luôn nổi trội và chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của I-xra-en.

Biểu 1: Tình hình phát triển các ngành công nghiệp tại I-xra-en 2013


Năm 2013, tốc độ phát triển bình quân của các ngành công nghiệp đạt 3,8%, trong đó các ngành được xếp loại công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng rất cao đạt 6,7%, các ngành công nghệ trung bình cao và trung bình thấp tăng trưởng lần lượt là 2,2% và 3%. Do không được ưu tiên phát triển, các ngành công nghệ thấp chỉ tăng trưởng 0,3%.

Phân loại các ngành chế tạo theo mức độ tập trung công nghệ của I-xra-en

Nhờ có chính sách tập trung đầu tư đúng đắn của Nhà nước nói trên, các ngành chế tạo của I-xra-en đã phát triển vượt bậc và được thế giới nhìn nhận là trung tâm phát triển công nghệ cao của thế giới và được ví như là “Thung lũng Si-li-côn” thứ hai sau Mỹ. I-xra-en thực hiện phân loại các ngành chế tạo theo độ tập trung công nghệ cụ thể như sau:

Bảng 1: Phân loại các ngành chế tạo theo mức độ tập trung công nghệ của I-xra-en

STT

Mã ngành

Tên ngành

Độ tập trung công nghệ

1

21

Sản xuất dược phẩm và vi chất sử dụng trong y học

Cao

2

26

Sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử, quang học

3

303

Sản xuất tàu bay và khí tài liên quan

4

20

Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất

Trung bình cao

5

252

Sản xuất vũ khí, đạn dược

6

27

Sản xuất thiết bị điện

7

28

Sản xuất máy móc, thiết bị

8

29

Sản xuất phương tiện giao thông, vận tải

9

30

Sản xuất phương tiện vận tải khác (không kể ngành 301 và 303)

10

325

Sản xuất và cung ứng trang thiết bị y tế, nha khoa, chỉnh hình

11

182

Tái bản sản phẩm nghe nhìn

Trung bình thấp

12

19

Sản xuất than cốc và các sản phẩm lọc dầu

13

22

Sản xuất cao su và các sản phẩm cao su

14

23

Sản xuất các sản phẩm khoáng sản phi kim

15

24

Sản xuất kim loại cơ bản

16

25

Sản xuất sản phẩm kim loại chế tạo, trừ máy móc và thiết bị (không kể ngành 252)

17

301

Đóng tàu thuyền

18

33

Sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị

19

10

Chế biến lương thực, thực phẩm

Thấp

20

11

Sản xuất đồ uống

21

12

Sản xuất thuốc lá điếu

22

13

Ngành dệt

23

14

Ngành may mặc

24

15

Sản xuất, chế biến da và sản phẩm da

25

16

Sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ, trừ đồ dùng và các sản phẩm từ rơm

26

17

Sản xuất giấy và sản phẩm giấy

27

18

Ngành in ấn (không kể ngành 182)

28

31

Sản xuất đồ dùng

28

32

Ngành chế tạo khác (không kể ngành 325)

Nguồn: Cục Thống kê trung ương I-xra-en

Xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của I-xra-en

Xuất khẩu là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của I-xra-en, là nước có trình độ phát triển cao, tỉ trọng ngành dịch vụ trong tổng GDP chiếm đa số, nhưng ngành công nghiệp là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế khi tạo ra nhiều công ăn, việc làm thể hiện sức sống bền vững của nền kinh tế nói chung.

Dựa vào phân loại các ngành sản xuất, hàng năm, Cục Thống kê trung ương I-xra-en đều thực hiện báo cáo thống kê hàng hóa xuất khẩu theo mức độ tập trung công nghệ. Đối với I-xra-en, một điều rất đáng chú ý là, tỉ trọng các mặt hàng có độ tập trung công nghệ cao và trung bình cao luôn luôn chiếm tỉ trọng lớn và tăng trưởng rất ổn định.

Biểu 2: Tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm có độ tập trung công nghệ cao

Nguồn: Cục Thống kê trung ương I-xra-en

Với khả năng xuất khẩu các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, nền kinh tế I-xra-en được xây dựng trên một nền tảng rất bền vững, ít sử dụng tài nguyên thiên nhiên và các nguyên nhiên liệu hóa thạch khác, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cao và ít có đối thủ cạnh tranh. Do đó, I-xra-en luôn được các tổ chức như IMF, WEF, OECD đánh giá cao trong các bảng xếp hạng hàng năm. Những năm gần đây, tuy kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, I-xra-en vẫn là quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất.

Một vài kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Những năm gần đây, cụm từ “Vườn ươm công nghệ” đã được nhiều người biết đến. Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng khoa học công nghệ đang rất nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hạ tầng cơ sở cho các hoạt động phát triển công nghệ cao. Một trong những chương trình đang được nhiều nhà khoa học kỳ vọng là sẽ đem lại thành công, tạo sức bật mới cho nghiên cứu phát triển đó là Dự án liên kết giữa Chính phủ Việt Nam với Hiệp hội phát triển quốc tế và Ngân hàng thế giới nhằm “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST). Dự án FIRST có mục tiêu chính là (i) xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách mới, góp phần hoàn thiện khung chính sách quốc gia khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ; (ii) nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học, công nghệ theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp; (iii) đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khoa học, công nghệ.

Qua nghiên cứu chính sách phát triển công nghệ cao của I-xra-en, có thể rút ra một vài kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, do công nghệ chủ yếu có khởi nguồn từ các ý tưởng sáng tạo, nên đầu tư, phát triển, thương mại hóa công nghệ mang tính rủi do khá cao. Nhà nước cần có vai trò như là người đỡ đầu, kích thích những ý tưởng được phát triển, được hiện thực hóa bằng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích thực chất bằng đòn bẩy tài chính là đầu tư ban đầu cho phát triển công nghệ.

Thứ hai, Nhà nước cần thể hiện vai trò như một “vườn ươm công nghệ” đích thực, từ việc phát hiện ý tưởng của các doanh nghiệp, cá nhận, kích thích các ý tưởng đó phát triển đến việc tạo lập môi trường kinh tế phù hợp, bảo vệ các kết quả nghiên cứu một cách đích đáng và cuối cùng là thương mại hóa công nghệ không chỉ trong thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Từ đó, cũng tạo ra môi trường phù hợp để thu hút các nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài về Việt Nam đóng góp ý tưởng, phát triển công nghệ tại Việt Nam.

Thứ ba, do các nhà khoa học đôi khi chỉ chú trọng vào công tác nghiên cứu, chưa thực sự quan tâm đến môi trường kinh doanh bên ngoài. Ngược lại, các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh lại thường chú trọng tới thị trường, tới tính hiệu quả trong ngắn hạn mà còn e ngại đầu tư cho nghiên cứu phát triển mang tính dài hạn. Nhà nước cần là cầu nối thông qua các chính sách và biện pháp khuyến khích cụ thể, đóng góp đầu tư ban đầu và có thể thu lợi từ việc tạo lập các mối liên kết giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu. Thông qua đó, tạo lập nên các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu các tiến bộ khoa học, công nghệ kể cả trong khoa học quản lý. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chung, trao đổi chuyên gia kỹ thuật trong các ngành nghề, đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ từ lúc phát hiện ý tưởng cho đến khi thương mại hóa công nghệ trên các thị trường trong và ngoài nước, ở những nơi có môi trường kinh tế phù hợp nhất cho công nghệ đó phát triển và phát huy hiệu quả cao nhất.