Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đảm bảo thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường

Đó là thông tin được đại diện Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đưa ra tại “Tọa đàm Đối thoại chính sách phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam” được Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội
Tọa đàm “Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì với sự tham gia của đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam. Tại Tọa đàm đã có nhiều ý kiến trao đổi, phân tích, góp ý về việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới.

Chính sách phát triển công nghiệp ô tô sẽ hỗ trợ tập trung

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Quyết định của Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 một lần nữa khẳng định quan điểm của Chính phủ về vị trí, vai trò của ngành công nghiệp ô tô trong chiến lược phát triển công nghiệp của quốc gia, tạo điều kiện cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế hiệu quả trong thời gian tới. Kể từ khi Chính phủ ban hành các quyết định về ngành công nghiệp ô tô, doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà đầu tư rất quan tâm bởi đây không chỉ đơn thuần định hướng cho tương lai trong việc quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam mà còn liên quan một phần đến chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam cũng như định hướng chiến lược hội nhập quốc gia của Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Tọa đàm

Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương và các Bộ ngành đang xây dựng và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, từng bước xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam bao gồm 3 dòng xe ưu tiên phát triển và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể là các dòng xe: xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên; xe đến 9 chỗ, xe chuyên dụng. Về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất lắp ráp 3 dòng xe ưu tiên phát triển sẽ tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng. Việc rà soát và đề xuất các cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới được thực hiện theo hướng đưa ra các chính sách tín dụng ưu đãi, thuế, phí phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, tận dụng tối đa các cơ hội trong quá trình hội nhập, đáp ứng mục tiêu phát triển ngành Công nghiệp ô tô. Theo đó, giải pháp phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới dự kiến được tập trung vào các chính sách hỗ trợ và ưu đãi, các chính sách thuế, và chính sách khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất 03 dòng xe ưu tiên phát triển có công suất tối thiểu 100.000 xe/năm; Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và các giải pháp như: tăng cường kiểm soát kê khai giá tính thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu động cơ, xe ô tô, chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Tọa đàm thu hút đông đảo doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí
Theo Ông Lưu Đức Huy, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, ngành sản xuất lắp ráp ô tô đã được bảo hộ từ năm 2004 đến nay và cần phải thay đổi, có đánh giá toàn diện và đề xuất chính sách mang tính khả thi. Với mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng công thức xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo đảm bình đẳng giữa xe sản xuất trong nước với xe nhập khẩu nguyên chiếc cùng loại.

Thị trường ô tô Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển

Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, hiện tại ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô khoảng 460 ngàn xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con (công suất khoảng 200 ngàn xe/năm), xe tải và xe khách (công suất khoảng 215 ngàn xe/năm). Tuy nhiên, công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe con: Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% riêng cho dòng xe Inova; đối với xe tải nhẹ: Thaco đạt khoảng 33%, Vinaxuki đạt khoảng 50%. Nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là do ô tô Việt Nam ra đời muộn so với các nước trong khu vực; công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ; mức sống chưa cao nên dung lượng thị trường còn nhỏ.

Mặc dù được đánh giá dung lượng thị trường ô tô của Việt Nam còn nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian qua, nhưng đa phần các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô có mặt tại buổi Tọa đàm đã khẳng định tiềm năng phát triển của thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới rất lớn và khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động tại Việt Nam. Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá đã có nhiều đổi khác, mức sống, thói quen tiêu dùng, cũng như nhu cầu của người tiêu dùng được nâng lên rất nhiều so với giai đoạn trước. Với các lợi thế của thị trường 90 triệu dân, và lợi thế về môi trường đầu tư cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô đã và đang có, đặc biệt với lộ trình thuế thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của Việt Nam áp dụng đối với khu vực ngoài ASEAN vẫn ở mức cao từ 47-52% vào năm 2019, thì việc đầu tư sản xuất, lắp ráp các chủng loại ô tô tại Việt Nam ngoài các chủng loại ô tô ASEAN đang có lợi thế cạnh tranh.

Ông Yoshihima Maruta - Chủ tịch VAMA, Tổng Giám đốc Cty TOYOTA Việt Nam trả lời phỏng vấn báo
Theo ông Yoshihisa Maruta - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đồng thời là Tổng giám đốc Công ty ô tô Toyota Việt Nam nhận định,xét về dài hạn, thị trường Việt Nam rất có tiềm năng và có khả năng sẽ phát triển như quy mô thị trường Thái Lan. Với tư cách là Chủ tịch VAMA, ông khẳng định, các thành viên VAMA đều là các nhà sản xuất ô tô, đều có mong muốn tiếp tục sản xuất ô tô tại Việt Nam. Cùng chung nhận định này, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đánh giá, khó có thể có doanh nghiệp nào bỏ cuộc với thị trường còn nhiều dung lượng như ở Việt Nam, trong khi Chính phủ cũng đã khẳng định muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô với những chiến lược, quy hoạch phát triển ngành rất cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Long, để các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam trụ vững, việc các doanh nghiệp đề xuất giảm các vấn đề về thuế chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, chính bản thân các doanh nghiệp trong nước phải biết liên kết với nhau mới có thể xây dựng một ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cần được định hướng cụ thể chuẩn bị cho năm 2018

Một vấn đề được các doanh nghiệp rất quan tâm tại buổi Tọa đàm là việc phát triển thị trường công nghiệp ô tô Việt Nam như thế nào trước bối cảnh lộ trình thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc của Việt Nam từ ASEAN về mức 0% (theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015 – 2018. 

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO trao đổi tại Tọa đàm

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian qua là thị trường của xe lắp ráp trong nước (CKD) trong đó doanh nghiệp nào đầu tư mạnh vào CKD và phân phối, dịch vụ, tổ chức sản xuất tốt thì chiếm lĩnh được thị trường…. Sắp tới, năm 2018 khi thuế suất từ 50% về bằng 0% với các nước ASEAN, giá xe sẽ rẻ hơn. Nếu tính nhập khẩu thay cho sản xuất trong nước thì giá xe sẽ giảm được 5% thuế nhập khẩu linh kiện. Các doanh nghiệp ô tô muốn tiếp tục đứng vững trên thị trường phải giảm giá thành sản xuất hiện nay từ 15-20% ở tất cả các khâu từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ mới có thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng vẫn cần duy trì sản xuất và phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Để sản xuất ô tô có sự tham gia từ nhiều lĩnh vực công nghiệpkhác như luyện kim, nhựa, cơ khí... bởi vậy, công nghiệp ô tô có tác động kéo theo sự phát triển của nhiều ngành sản xuất khác.

Theo nhận định của ông Dương, trong thời gian tới, nếu kinh tế ổn định, mục tiêu năm 2020 sẽ đạt được 300 nghìn xe theo Quy hoạch và Chiến lược là có thể làm được. Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam có thể sẽ là điểm đến đầu tư của nhiều hãng xe lớn trên thế giới chưa có cơ sở sản xuất tại ASEAN để tiêu thụ cho Việt Nam đồng thời xuất khẩu sang ASEAN. Như vậy, việc thu hút đầu tư là rất khả quan, tất nhiên còn phụ thuộc vào phát triển kinh tế trong thời gian tới. Việc có những chính sách ưu đãi để phát triển cần xem xét trên dung lượng thị trường và quy mô đầu tư. Trong giai đoạn thị trường chưa đủ lớn cần có ưu đãi, nhưng chỉ bù đắp cho các dự án đầu tư cao, và khi thị trường đã đủ mạnh thì không cần ưu đãi nữa. Thuế suất CKD cần phù hợp hơn để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất trong nước và có thể xuất khẩu. Để chuẩn bị cho thời điểm 2018, ông Dương đề xuất các Bộ ngành cần có khảo sát, đánh giá lại năng lực của các đơn vị sản xuất trong nước và có kế hoạch hỗ trợ cụ thể phù hợp trong từng giai đoạn. Không thể dựa vào bảo hộ để phát triển sản xuất lâu dài, do đó, cần có chính sách cụ thểđịnh hướng cho doanh nghiệp.

Ông Yoshihisa Maruta cho rằng, năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% sẽ ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước, vì vậy việc hỗ trợ phát triển trong nước là yếu tố rất quan trọng. Các nước trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia đều có bảo hộ sản xuất trong nước bằng các công cụ tiêu thụ đặc biệt để thúc đẩy sản xuất trong nước. Theo ông Yoshihisa Maruta, đầu tiên cần quan tâm đến vấn đề sản lượng, không phải là sản lượng của tất cả các dòng xe mà là sản lượng của từng dòng xe. Vì mỗi mẫu xe khác nhau sẽ kéo theo linh kiện phụ tùng cũng khác nhau. Việc tăng sức cạnh tranh là tăng được dung lượng thị truờng của mỗi loại xe là yếu tố rất quan trọng.

Kết luận buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những ý kiến tham gia trong buổi tọa đàm rất hữu ích cho các cơ quan quản lý, đặc biệt trong xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ ngành liên quan sẽ tiếp thu và nghiên cứu để xây dựng các cơ chế, chính sách đủ mạnh và khả thi nhằm thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.