Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội

TS. CHU THỊ THỦY (Trường Đại học Thương mại)

Tóm tắt:
Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNNV) được coi là một trong ba khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia thời kỳ hội nhập và phát triển. Bài viết đề cập đến vấn đề chính sách phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, thành phố Hà Nội.

1. Giới thiệu
Việc phát triển nguồn nhân lực cho các DNNNV Nhà nước cần phải có tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn, nhưng đồng thời, trong mỗi thời kỳ nhất định, cần xây dựng những chính sách cụ thể, đưa chính sách vào hoạt động thực tế, để từ đó đánh giá thành công, những khó khăn, hạn chế nhằm đề ra giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực (NNL) tương ứng cho từng giai đoạn phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế. Nhận diện rõ tầm quan trọng của các chính sách nhằm phát triển NNL cho các DNNNV mang tính cấp thiết nên tác giả đã nghiên cứu chính sách của Nhà nước về phát triển NNL cho các DNNNV ở Việt Nam.
2. Phương pháp nghiên cứu
Với mục đích nghiên cứu lý luận, thực trạng các chính sách của Nhà nước về phát triển NNL cho các DNNNV ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng, bài viết sử dụng phương pháp duy vật biện chứng kết hợp phương pháp nghiên cứu mô tả và khái quát hóa thực tế với phương pháp thống kê, phân tích để minh chứng, đánh giá các chính sách của Nhà nước về phát triển NNL cho các DNNNV trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện chính sách nhằm phát triển NNL cho các DNNNV thời kỳ hội nhập và phát triển.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Các chính sách của Nhà nước hiện hành về phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
3.1.1. Cơ sở pháp lý
Tính đến năm 2017, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách và các thông tư liên tịch nhằm hỗ trợ phát triển NNL cho các DNNVV tại Việt Nam cụ thể như sau:
- Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020;
- Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020;
- Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quy hoạch nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
- Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3.1.2. Đối tượng áp dụng
- Các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề Trung ương có chức năng đào tạo và trợ giúp phát triển DNNVV.
- Trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các tổ chức dịch vụ có chức năng đào tạo.
- Cán bộ làm công tác trợ giúp phát triển DNNVV.
3.1.3. Nội dung của các chính sách
Phát triển nhân lực trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020 phát huy vai trò quyết định của yếu tố con người, phát triển nhân lực là khâu đột phá để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển nhân lực phải kết hợp hài hòa đảm bảo công bằng và lợi ích quốc gia với sử dụng cơ chế và những công cụ của kinh tế thị trường trong phát triển và sử dụng nhân lực. Đặc biệt, phải chuyển nhanh hệ thống đào tạo nhân lực sang hoạt động theo cơ chế đào tạo theo nhu cầu của xã hội và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động, nhất là các ngành trọng điểm.
Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động tiếp tục xây dựng, tăng cường hợp tác với cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu trong các hoạt động đào tạo, xác định nhu cầu nhân lực, huy động và chia sẻ nguồn lực, kinh phí cùng với các cơ sở đào tạo để đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học theo nhu cầu; phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng các chuẩn đầu ra của ngành, nghề đào tạo.
Mỗi Bộ, ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Các doanh nghiệp và tổ chức phải có kế hoạch phát triển nhân lực.
Sử dụng, đánh giá và đãi ngộ nhân lực phải dựa vào năng lực thực và kết quả, hiệu quả công việc. Khắc phục tâm lý và hiện tượng quá coi trọng và đề cao “bằng cấp” một cách hình thức trong tuyển dụng và đánh giá nhân lực;
Đào tạo nhân lực phải gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu của thị trường lao động. Cùng với quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ ngành, địa phương, sự đầu tư và chính sách khuyến khích của Nhà nước, cần sử dụng rộng rãi, hiệu quả các cơ chế và công cụ của kinh tế thị trường để mở rộng quy mô, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực và huy động các nguồn vốn cho phát triển đào tạo nhân lực.
3.2. Thực trạng các chính sách của Nhà nước và Thành phố Hà Nội về phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn Thành phố Hà Nội
3.2.1. Các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội
Hiện nay, Nhà nước và Thành phố Hà Nội đã ban hành rất nhiều các chính sách nhằm hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn, chúng ta có thể kể đến một số chính sách sau:
- Chương trình số 04 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015;
- Kế hoạch số 157/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc Thực hiện chương trình “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015” của Thành ủy Hà Nội;
- Các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn cả nước có liên quan đến Thủ đô Hà Nội;
- Các quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực trên địa bàn Thủ đô Hà Nội;
- Nghị quyết của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực trên địa bàn Thủ đô Hà Nội;
- Các nội dung của 05 Quy hoạch ngành đã được HĐND Thành phố khóa XIV thông qua tại kỳ họp lần thứ 4: Quy hoạch hệ thống y tế, quy hoạch hệ thống giáo dục và mạng lưới trường học, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch phát triển nông nghiệp làm cơ sở cho dự báo nhu cầu, đề xuất các quan điểm, định hướng phát triển nhân lực cho các ngành này.
Ngày 01/12/2015, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6593/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực các DNNNV trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
3.2.2. Các hoạt động triển khai chính sách
- Chương trình trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNNV trên địa bàn Thành phố Hà Nội, gồm 50 khóa đào tạo Khởi sự doanh nghiệp với 8.000 học viên; 200 khóa đào tạo Quản trị doanh nghiệp với 24.000 học viên. Kinh phí tổ chức các khóa đào tạo do ngân sách thành phố hỗ trợ.
- Chương trình Hỗ trợ đào tạo kiến thức Giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) trên địa bàn Thành phố Hà Nội với 40 khóa, 1.000 học viên. Ngân sách thành phố hỗ trợ 65% tổng kinh phí thực hiện.
- Đã tiến hành 02 cuộc điều tra, khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ đào tạo phát triển NNL cho DNNVV trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Kinh phí do ngân sách thành phố hỗ trợ 100%.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ DNNNV chủ trì triển khai Kế hoạch Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực các DNNVV trên địa bàn Thành phố Hà Nội bằng các khóa đào tạo ngắn hạn: Kiến thức giám đốc điều hành doanh nghiệp, Khởi sự doanh nghiệp, Quản trị doanh nghiệp đúng quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
3.2.3. Đánh giá các chính sách đã triển khai thực hiện
Nhằm thực hiện nâng cao mức độ toàn dụng nguồn nhân lực trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai các chương trình sau:
- Tạo việc làm thông qua quy hoạch, xây dựng phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp và làng nghề. Tổng diện tích khu, cụm, điểm công nghiệp đã và đang triển khai thực hiện 6.484 ha (01 khu công nghệ cao Hòa Lạc, 14 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp, 177 điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp); trong đó, 3.650 ha bằng 56% diện tích thực hiện đã xây dựng hạ tầng kỹ thật đủ điều kiện giao đất cho các dự án đầu tư thứ phát. Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu, cụm, điểm công nghiệp đến hết năm 2015: 9.300 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp 6.700 tỷ đồng, vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách 2.600 tỷ đồng. Tổng diện tích đất tại các khu, cụm, điểm công nghiệp đã cấp phép đầu tư cho các dự án trong nước và ngoài nước: 2.700 ha, đạt 80% diện tích đất đã xây dựng hạ tầng. Tổng số dự án đầu tư đã cấp phép vào các khu, cụm công nghiệp 1.715 dự án, trong đó gần 300 dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu tại các KCN tập trung; hơn 40% số dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, thu hút hơn 100.000 lao động tại các DNNNV.
- Tạo việc làm thông qua hình thức cho vay vốn quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm. Trong 3 năm (2013 - 2015), nguồn vốn vay quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã được Trung ương và thành phố bổ sung với nguồn vốn luân chuyển đến năm 2015 là 659,9 tỷ đồng để cho vay theo các dự án hỗ trợ việc làm. Kết quả 3 năm (2013-2015), thành phố đã xét duyệt 8.742 dự án, cho vay 698,724 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 84.455 lao động (bình quân mỗi năm tạo việc làm từ nguồn vốn vay quỹ Quốc gia: 21.000 người), chiếm 22,7% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm của thành phố. Năm 2016, thực hiện cho vay 2.500 dự án với giá trị 180 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động tại các DNNNV.
Ngoài ra, để tăng tốc cân bằng cung cầu thị trường lao động, thành phố đã rà soát, quy hoạch, củng cố lại hệ thống giới thiệu việc làm. Đến tháng 12/2015, toàn thành phố có 25 đơn vị có chức năng giới thiệu việc làm, trong đó có 13 Trung tâm giới thiệu việc làm, 12 doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm. Năm 2015, các trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho trên 82.000 người, thông tin thị trường lao động cho gần 70.000 lượt lao động. Tổ chức thử nghiệm và đưa vào hoạt động hiệu quả tổng đài 1080-5-3 nhằm tư vấn việc làm, học nghề và tư vấn quan hệ lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Thành phố đã tổ chức được 41 phiên giao dịch việc làm với 4.388 doanh nghiệp tham gia. Lao động được tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm: 40.082 người. Để tăng cường thông tin thị trường lao động, từ năm 2009, thành phố đã đưa vào hoạt động website vieclamhanoi.net với trên 200.000 lượt người truy cập, trong đó có gần 20.000 lao động tìm được việc làm qua website. Đến hết năm 2016, các trung tâm giới thiệu việc làm đã tổ chức được 36 phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ, thông tin việc làm cho lao động và cung ứng 40.000 lao động cho các DNNNV.
3.3. Giải pháp hoàn thiện các chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn TP. Hà Nội
3.3.1. Chính sách phát triển nguồn nhân lực
Doanh nghiệp cần có chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Việc có chính sách này sẽ thể hiện rõ sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp về công tác phát triển NNL, nó là căn cứ để bộ phận chuyên trách NNL, các bộ phận liên quan và người lao động thực hiện hoạt động phát triển NNL trong DNNNV. Chính sách đào tạo và phát triển NNL trong doanh nghiệp cần nêu rõ mục tiêu của chính sách, phạm vi áp dụng, các hoạt động về đào tạo và phát triển NNL sẽ được thực hiện, các yêu cầu qui định và tiêu chuẩn để lựa chọn người tham gia, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan: người lao động, chủ doanh nghiệp/ phòng/ bộ phận quản lý nguồn nhân lực. Cán bộ tổ chức hoặc cán bộ chuyên trách về NNL cần dự thảo chính sách này, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các phòng ban, bộ phận khác trước khi được lãnh đạo doanh nghiệp phê duyệt.
3.3.2. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược/kế hoạch kinh doanh và đi đôi với nó là việc xây dựng chiến lược phát triển NNL. Kết luận trong phần phân tích thực trạng phát triển NNL trong DNNVV Thành phố Hà Nội đã đưa ra là có đến 20% doanh nghiệp không có chiến lược phát triển NNL và nguyên nhân không có chiến lược là do chủ doanh nghiệp không nhận thức tầm quan trọng của chiến lược, không biết cách xây dựng và không có kinh phí để thực hiện. Vì vậy, cùng với sự thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển NNL phù hợp với chiến lược kinh doanh để có nhân lực thực hiện chiến lược kinh doanh của mình. Việc tham dự các khóa đào tạo về xây dựng kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển NNL là cần thiết. Tuy nhiên khi xây dựng chiến lược/ kế hoạch nên xây dựng từ dưới lên và có sự tham gia của người lao động, có như vậy thì mới có sự cam kết thực hiện chiến lược từ người lao động.
Hoạch định NNL một cách có hệ thống, khoa học và chính xác là một giải pháp tiên quyết để thực hiện các giải pháp khác cho việc bảo đảm NNL của doanh nghiệp đủ về số lượng và phù hợp về cơ cấu. Thế nhưng hiện nay, công tác hoạch định NNL tại các DNNVV còn rời rạc, phân tán và thụ động với tính chất ngắn hạn theo từng năm. Nội dung hoạch định chưa bám sát trên nền tảng chiến lược và kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, các DNNVV cần hoàn thiện công tác hoạch định NNL theo các nội dung sau đây:
- Phân tích hiện trạng và diễn biến NNL về số lượng, cơ cấu và chất lượng;
- Phân tích sự phù hợp của nguồn nhân lực với chiến lược phát triển của các DNNVV;
- Dự báo nhu cầu NNL để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển doanh nghiệp;
- Cân đối NNL để xây dựng giải pháp giải quyết lao động thừa hoặc thiếu một cách hợp lý nhất;
- Dự báo cung về NNL;
- Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể và đảm bảo tính khả khi cao;
- Kiểm tra đánh giá khoa học và kịp thời.
3.3.3. Hình thành quỹ phát triển nguồn nhân lực
Nhà nước cần xây dựng và hình thành quỹ phát triển NNL cho các DNNNV. Quỹ này sẽ thực hiện chức năng hỗ trợ đối với các DNNNV nhu cầu về vốn để thực hiện các chương trình và chính sách đào tạo và phát triển NNL cho các DNNNV.
3.3.4. Nâng cao công tác tuyển dụng
Công tác tuyển dụng có thể xem là một trong những giải pháp trọng yếu nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp có được một nguồn nhân lực đủ về mặt số lượng, phù hợp về mặt cơ cấu, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công việc về trình độ, kinh nghiệm và các tố chất cần thiết để thực thi được mục tiêu chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Để đạt được hiệu quả cao hơn, các DNNVV cần nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng theo các nội dung sau đây:
Một là, tổ chức tuyển dụng cần được thực hiện qua hội đồng tuyển dụng của doanh nghiệp và tuân thủ đầy đủ các bước:
- Chính thức quyết định tuyển người;
- Quảng cáo tuyển dụng;
- Phân tích phẩm chất, năng lực theo hồ sơ;
- Nhận xét kiến thức, trí thông minh, cá tính qua phỏng vấn trực tiếp;
- Kiểm tra kỹ các dữ liệu có được;
- Trắc nghiệm, thử thách người tuyển dụng;
- Khám sức khỏe và đánh giá mức độ phù hợp với công việc;
- Thông báo kết quả tuyển dụng.
Hai là, ưu tiên việc điều động, bố trí sử dụng nhân lực hiện có trong doanh nghiệp một cách hợp lý trước khi tuyển dụng mới. Doanh nghiệp nên thiết lập quy trình tuyển dụng nội bộ tạo cơ hội cho các ứng viên nội bộ tham gia một cách bình đẳng và minh bạch.
Ba là, khi hoạch định và thực thi chính sách tuyển dụng cần xét đến các NNL sau đây:
- Những người tốt nghiệp các trường, lớp đào tạo. Ưu tiên đối với những ứng viên tốt nghiệp các trường có nhiều uy tín, như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội và các trường trung cấp đào tạo nghề công nghiệp…
- Những người có khả năng lao động phù hợp tự tìm đến liên hệ theo thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp;
- Những người giao dịch, tìm kiếm việc làm qua các trung tâm dịch vụ việc làm;
- Những người được tổ chức đào tạo ngay tại doanh nghiệp và số người được doanh nghiệp cử đi đào tạo ở các trường quay về;
- Những người được CBCNV của doanh nghiệp giới thiệu;
- Người ở cơ quan, doanh nghiệp khác giao kết tham gia từng phần với doanh nghiệp.
Bốn là, chính sách tuyển dụng phải đảm bảo thu hút người tài cho DNNNV không chỉ cần xét đến yêu cầu của công việc đối với người thực hiện mà còn cần xét đến các yêu cầu của bản thân người lao động, như: Nội dung công việc phong phú, tính chất phù hợp; thu nhập công bằng, hấp dẫn; đảm bảo ý nghĩa xã hội của công việc; đảm bảo cơ hội, triển vọng nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp; thuận lợi cho đi lại và về thời gian; môi trường lao động, vệ sinh, an toàn cho người lao động trong các DNNVV.
4. Kết luận
Phát triển NNL cho các DNNNV chỉ có thể thành công thông qua chính sách hợp lý của Nhà nước. Nhà nước muốn có NNL chất lượng cao cho các DNNNV phải đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển họ và chỉ có Nhà nước mới có đủ các nguồn lực và điều kiện để thực hiện nhiệm vụ có tính chất quốc gia đại sự này. Vấn đề chính sách phát triển NNL cho các DNNNV luôn là tâm điểm của Đảng, Nhà nước ta và toàn xã hội. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết thành công bằng chính sách đúng đắn, hợp lý và đủ mạnh của Nhà nước. Chính sách phát triển NNL cho các DNNNV là quan điểm, quyết sách, quyết định chính trị có liên quan của Nhà nước với mục tiêu giải pháp, lộ trình phát triển phù hợp nhằm xây dựng NNL cho các DNNNV có cơ cấu, số lượng, chất lượng hợp lý, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quy hoạch nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
2. Chương trình số 04 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015.
3. Kế hoạch số 157/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc Thực hiện chương trình “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015” của Thành ủy Hà Nội.
4. Nghị định số 56/2009/NĐ-CPngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Quyết định số 1216/QĐ-TTg, ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
6. Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020.
7. Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020.
8. Quyết định số 6593/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
9. Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

HUMAN RESOURCE DEVELOPMENT POLICIES FOR SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES IN HANOI

PhD. Chu Thi Thuy

Thuong mai University

ABSTRACT:

In the context of industrialization, modernization and international integration, the development of human resources for small and medium enterprises (SMEs) is considered one of the three breakthroughs of the socio-economic transmission model of the country. At the same time, human resources development will become the foundation for sustainable development and increase national competitiveness in the period of integration and development. The paper discusses the issue of human resource development policies for small and medium enterprises in Hanoi.

Keywords: Small and Medium Enterprises, Policies, Human Resource Development, Hanoi.