Chính sách phát triển nhân lực dân tộc thiểu số vùng Trung Trung bộ

ThS. NGUYỄN LƯƠNG ĐỊNH (Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam)

 

TÓM TẮT:

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc (54 dân tộc), trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, 53 dân tộc còn lại gọi chung là các dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có tiếng nói, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng, làm nên đặc điểm văn hóa Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc.

Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 52 tỉnh, thành phố có dân tộc thiểu số cư trú, tập trung đông nhất ở vùng Trung du miền núi phía Bắc, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích thực trạng chất lượng nhân lực và chính sách nhân lực dân tộc thiểu số vùng Trung Trung bộ.

Từ khóa: Nhân lực dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số, vùng Trung Trung bộ, chính sách phát triển nhân lực.

1. Thực trạng nhân lực dân tộc thiểu số vùng Trung Trung bộ

1.1. Số lượng và cơ cấu nguồn nhân lực

Tính đến thời điểm ngày 01/4/2019, dân số của Việt Nam là 96,313 triệu người, trong đó dân số thuộc các dân tộc thiểu số là 13,39 triệu người, chiếm khoảng 14,6%; nam chiếm tỷ lệ thấp hơn (49,3%) so với nữ (50,7%). Đối với dân tộc thiểu số thì cơ cấu này lại đảo chiều, nam (50,3%) đông hơn nữ (49,7%), trong đó, Vùng Trung Trung bộ chiếm 3,25% dân số, chủ yếu là dân tộc Ca dong, Cơ tu, Giẻ triêng,…

Cơ cấu dân số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của vùng phản ánh quy mô số lượng ở từng độ tuổi khác nhau tương ứng với một tỷ lệ % nhất định. Theo số liệu của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nguồn nhân lực chưa tiếp cận việc làm (từ 0-14 tuổi) chiếm tỉ lệ 29,3% dân số vùng DTTS; nguồn nhân lực trong độ tuổi thanh niên (từ 15-34 tuổi) chiếm tỉ lệ 35,6%. Đây là nguồn nhân lực trẻ, chiếm tỉ lệ tương đối cao trong cả nước (vùng đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ là 28,9%; Tây Nguyên 29,1%; Tây Nam Bộ 29,0%).

1.2. Chất lượng nguồn nhân lực

a) Thể lực

- Tỉ suất sinh thô và tỉ suất chết thô của đồng bào DTTS vùng Trung Trung bộ cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước 21,16 (cả nước 16,02). Việc chăm sóc y tế vùng đồng bào DTTS thấp hơn so với cả nước, dẫn đến tuổi thọ trung bình là 69,88, thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước là 73,33. 

- Tỉ lệ dân số là người tàn tật trong vùng DTTS là 1,69% cao hơn cả nước là 0,92%, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực.

- Tỉ lệ hộ nghèo còn khá cao, chiếm 37,9% so với mặt bằng chung cả nước là 23,1%, nghèo đói sẽ hạn chế về khả năng chi trả các dịch vụ y tế làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển nguồn nhân lực của vùng.

Việc kết hôn sớm 21 tuổi so với bình quân của cả nước 24,9 tuổi và hôn nhân cận huyết thống chiếm tỉ lệ cao 11,9%, cao hơn so mức trung bình của vùng đồng bào DTTS cả nước là 6,5%,... làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực đồng bào DTTS vùng Trung Trung bộ.

dan toc co tu
Nghề đan lát gắn liền với cuộc sống của người Cơ Tu
b) Trí lực

- Về trình độ giáo dục: Giáo dục có tác động lớn đến phát triển nguồn lực đồng bào DTTS. Song thực tế cho thấy trình độ học vấn vùng còn thấp, ở vùng cao, nhiều đồng bào còn mù chữ, không ký được tên mình, tỉ lệ biết chữ của đồng bào DTTS vùng Trung Trung bộ chỉ đạt 69,3% dân số, thấp hơn bình quân chung của đồng bào DTTS là 79,8% và của cả nước là 97,3%. Tỷ lệ sinh đi học đúng độ tuổi, đúng cấp học cũng thấp, đặc biệt là tỉ lệ đi học trong độ tuổi THPT chỉ đạt 28%.

- Về trình độ chuyên môn kĩ thuật: Được đo lường thông qua số lượng lao động đã qua đào tạo, có thể được chia thành mấy nhóm như sau: chưa qua đào tạo, công nhân kỹ thuật không có bằng, công nhân kỹ thuật có bằng, có trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, và nhóm cao đẳng và đại học. Độ tuổi đi làm từ 12-25 chiếm 32,6% là nguyên nhân làm cho tỉ lệ học lên để nâng cao trình độ chuyên môn của vùng DTTS giảm xuống.

Lao động qua đào tạo của vùng chỉ chiếm 9,9%, trong đó trình độ đại học trở lên đạt 1,3%, thấp hơn bình quân vùng DTTS cả nước là 12,3%. Số lượng nhân lực lao động giản đơn chiếm đến 76,4%. Tình trạng việc làm chỉ tập trung vào lao động giản đơn cho thấy sự phát triển của vùng DTTS tương đối thấp, số người đồng bào dân tộc chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong quản lý chuyên môn kỹ thuật bậc trung và cao cấp là 2,9%, trong khi đó lao động giản đơn chiếm 76,4% thì năng suất lao động sẽ rất thấp, cơ cấu lại không hợp lý khi vùng kinh tế này là vùng đồi núi, chỉ tập trung vào nông - lâm nghiệp mà tỉ lệ lao động trong lĩnh vực này chỉ chiếm có 17,4%, điều này sẽ không khai thác được tiềm năng lợi thế của vùng.

- Về chỉ số phát triển con người (HDI) vùng đồng bào DTTS cũng thấp, trình độ phát triển HDI đồng bào dân tộc thiểu số của cả nước là 0,752 và khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ chỉ là 0,73. HDI phản ánh mức độ trung bình đạt được của một nước, một vùng về các năng lực cơ bản của con người. HDI xác định liệu con người có được một cuộc sống trường thọ, được giáo dục và trang bị kiến thức, và được hưởng một mức sống tử tế hay không[1].

c) Tâm lực

Do đại bộ phận đồng bào DTTS vùng Trung Trung bộ là khu vực miền núi ở độ cao trung bình trên 600m so với mực nước biển, sản xuất nông lâm nghiệp là chủ yếu nên còn mang nặng tính tư hữu và tác phong của nền kinh tế tiểu nông, tự cấp tự túc (tùy tiện về giờ giấc, hành vi), chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng, tinh thần và thái độ làm việc của nền văn hóa công nghiệp. Hơn thế nữa, còn có hiện tượng bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới, ít chịu khó suy nghĩ độc lập, thích làm theo kinh nghiệm hơn là sáng tạo, đã ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận không nhỏ nguồn nhân lực lao động DTTS vùng Tây Bắc Bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước về vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS nảy sinh độ ỷ lại rất lớn, đặc biệt là đồng bào khu vực giáp vùng biên giới. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS vùng Tây Bắc Bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên không thể không gắn liền với rèn luyện lối sống, nâng cao ý thức kỷ luật mới thích ứng với nền văn hóa, văn minh công nghiệp đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng.

cà phê
 Đồng bào DTTS vùng Trung Trung bộ là khu vực miền núi ở độ cao trung bình trên 600m so với mực nước biển, sản xuất nông lâm nghiệp là chủ yếu

2. Thực trạng chính sách phát triển nhân lực dân tộc thiểu số vùng Trung Trung bộ

2.1. Một số chính sách đã ban hành

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, ngày 12 tháng 3 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg về Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 (CLCTDT) và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Đây là 2 Quyết định quan trọng nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng và định hướng của Nhà nước về vấn đề đại đoàn kết dân tộc và công tác dân tộc trong cả giai đoạn 2011-2020, trong đó cụ thể hóa một số đề án phục vụ cho phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS, đó là:

a) Về thể lực

- Nhóm đề án “Y tế, chăm sóc sức khỏe”: Gồm 04 đề án được giao cho Ủy ban Dân tộc 01 nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng 01 đề án, Bộ Y tế 01 đề án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 01 đề án, tình hình triển khai như sau:

(1) Ủy ban Dân tộc: Xây dựng Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”, đã hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015.

(2) Bộ Quốc phòng: Xây dựng Đề án “Nâng cấp, xây dựng mới các trạm y tế quân dân y kết hợp vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới”, đã trình Thủ tướng Chính phủ chờ phê duyệt.

(3) Bộ Y tế: Xây dựng Đề án “Phát triển mô hình y tế lưu động vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, Bộ Y tế đề nghị lồng ghép đề án trên với chính sách chung của ngành, nội dung lồng ghép được phê duyệt tại Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 về phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.

(4) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Xây dựng Đề án “Nâng cao thể lực, tầm vóc người dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động lồng ghép nội dung, nhiệm vụ với Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28 tháng 04 năm 2011.

b) Về trí lực

Nhóm đề án về “Giáo dục đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực”:

(1) Đối với Ủy ban Dân tộc

i) Đề án thành lập Học viện Dân tộc: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1562/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 về Tổ chức lại Viện Dân tộc và Trường Cán bộ Dân tộc thành Học viện Dân tộc;

ii) Đề án “Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2020”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2030.

(2) Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

i) Đề án “Xây dựng Chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên người dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thi đỗ vào các trường đại học”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 về Quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.

ii) Đề án “Tăng cường củng cố vốn tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS”, đã ban hành tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.

c) Về tâm lực

Nhóm chính sách này thể hiện ở xây dựng thái độ, tác phong tinh thần, ý chí, quyết tâm, mong muốn của nguồn nhân lực về sự mong muốn phát triển, hay còn được quan niệm là phẩm chất của nguồn nhân lực. Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc liên quan đến bảo tồn và phát triển văn hóa trong công tác dân tộc (Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết).

tay nguyen
Giáo dục có tác động lớn đến phát triển nguồn lực đồng bào DTTS

Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật; Xây dựng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng; Đồng bào dân tộc thiểu số được ưu đãi, hưởng thụ văn hóa; Hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2.2. Kết quả thực hiện chính sách

Công tác y tế chăm sóc sức khỏe đã đạt được những thành tựu quan trọng, mạng lưới y tế phát triển rộng khắp đến tất cả các xã của vùng. Đồng bào dân tộc được tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Mạng lưới y tế phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư, có 99,39% số xã có trạm y tế, 77,8% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Năm 2019, trên 90% số thôn, bản trong cả nước có nhân viên y tế hoạt động; hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư, có 99,39% số xã có trạm y tế, 77,8% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Tuy nhiên, so với nhu cầu, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các xã nghèo, xã ĐBKK còn thiếu cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh và cán bộ y tế. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tuy đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Mặc dù đã có nhiều cố gắng song hạn chế lớn nhất vẫn là sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo và đồng bào DTTS. Người có BHYT tại vùng DTTS&MN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế.

Nếu so sánh riêng trong những người nghèo thì khả năng tiếp cận các bệnh viện tuyến trên của người nghèo sống ở miền núi chỉ bằng một phần ba so với người nghèo ở miền xuôi. Nếu xem xét tác động kép giữa yếu tố kinh tế và địa lý thì khả năng tiếp cận cơ sở y tế tuyến trên của người nghèo sống tại miền núi thấp hơn người nghèo sống ở miền xuôi khoảng 6 lần. Như vậy, khả năng tiếp cận cơ sở y tế của người nghèo vốn đã khó khăn thì đối với người nghèo sống tại miền núi nơi có đông đồng bào DTTS còn khó khăn hơn nhiều.

Khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tình trạng sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở miền núi còn hạn chế. Tình trạng đẻ tại nhà, đẻ không có cán bộ được đào tạo giúp đỡ còn diễn ra ở một số nơi thuộc vùng DTTS, tỷ lệ thăm khám bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ còn thấp. Đây cũng là một trong nguyên nhân khiến tỷ số tử vong mẹ tại các vùng này còn khá cao.

Hệ thống giáo dục vùng DTTS&MN núi tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT được nâng lên. Đến nay, có 99,5% số xã có trường tiểu học; 93,2% số xã có trường trung học cơ sở; 12,9% số xã có trường trung học phổ thông và 96,6% số xã có trường mẫu giáo/mầm non; 100% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Loại hình trường nội trú, bán trú đang phát triển, hiện nay cả nước có 294 trường phổ thông dân tộc nội trú với 80.832 học sinh; 4 trường dự bị đại học với trên 3.000 học sinh/năm. Tất cả các tỉnh vùng dân tộc và miền núi đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế[2],...

Kết quả khảo sát gần 300 phiếu điều tra xã hội học của tác giả với đối tượng là người đồng bào DTTS ở độ tuổi từ 15-35 ở 3 tỉnh vùng Trung Trung bộ của Việt Nam là Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam với câu hỏi: “Theo ông bà, những năm qua ở đơn vị, địa phương bạn đã triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách Nhà nước sau đây ở mức độ nào” đã cho thấy việc đánh giá hiệu quả chính sách, được tổng hợp trong Bảng dưới đây. (Xem Bảng)

Bảng. Đánh giá việc triển khai và mức độ hiệu qủa của chính sách

nguồn nhân lực đồng bào DTTS vùng Trung Trung bộ

danh_gia_viec_trien_khai_va_muc_do_hieu_qua_cua_chinh_sach

Nguồn: Khảo sát điều tra và tính toán của tác giả

Dựa trên kết quả khảo sát có thể thấy 94.8% các chính sách của Đảng và Nhà nước đã được triển khai tại các địa phương, đơn vị. Đây là một kết quả khả quan, nhưng nếu xem xét hiệu quả việc triển khai thực hiện chính sách vùng ở Việt Nam thì số chính sách được người lao động vùng DTTS đánh giá là triển khai ở mức tốt là các chính sách: Chính sách 135a (70,2%), chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ vùng DTTS (92,9%). Tuy nhiên đây chỉ gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Tác động trực tiếp và có hiệu quả là chính học bổng và tín dụng đối với của con em vùng đồng bào dân tộc (100%).

Các kết quả này cho thấy, tuy việc triển khai các chủ trương, nghị quyết, các chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS vùng ở Việt Nam đã được các địa phương trong vùng tổ chức triển khai khá đầy đủ, nhưng việc triển khai các chính sách ở các địa phương vùng còn mang nhiều hình thức, hiệu quả thực hiện không cao, nguyên nhân chính là thiếu sự kiểm tra, giám sát, tổng kết đánh giá hiệu lực, hiệu quả các chính sách.

Về quá trình hoạch định các chính sách về phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS vùng ở Việt Nam, cho đến nay chưa ban hành một chiến lược riêng hoặc một chính sách riêng nào cho phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS ở Việt Nam của Nhà nước mà chỉ mang tính chất lồng ghép. Do vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện sau này thường hiệu quả thực hiện chính sách không cao. Có đề án “Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2020”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 nhưng chưa triển khai thực hiện.

Về thực thi chính sách đối với hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng ở Việt Nam, chủ thể tổ chức thực thi là Nhà nước và chính quyền địa phương các tỉnh là chủ yếu. Các tổ chức đoàn thể đã tham gia vào thực hiện chính sách đã đem lại hiệu quả cao như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Qua khảo sát của tác giả cho kết quả: 90,6% đoàn thể các cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở vùng ở Việt Nam được hỏi đều khẳng định đã triển khai và tham gia triển khai các chính sách như giảm nghèo; chính sách tín dụng vay vốn học tập,...  Nhưng tồn tại chủ yếu trong triển khai là không có sự liên kết, phối kết hợp trong triển khai, thực hiện các chủ trương chính sách về phát triển nguồn nhân lực các ngành, các cấp ở các địa phương vùng.

Việc tổ chức đánh giá chính sách phát triển nguồn nhân lực đồng bào DTTS vùng ở Việt Nam chưa được thực hiện riêng, nhưng Ủy ban Dân tộc Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có các chương trình tổng kết, đánh giá về các chính sách như chương trình 134; chương trình 135 của Chính phủ, chương trình hỗ trợ vay vốn tín dụng học tập cho sinh viên các trường chuyên nghiệp,...

le hoi
Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật

Kết quả thực hiện chính sách trên đã thể hiện rõ những ưu điểm, hạn chế của những chính sách phát triển nhân lực DTTS vùng Trung Trung bộ. Có thể lý giải một số yếu tố tác động đến những kết quả trên như sau:

- Thứ nhất, do địa bàn dân tộc, miền núi ở điểm xuất phát thấp, chậm phát triển, trình độ sản xuất hạn chế chủ yếu là dựa vào thiên nhiên, phương thức sản xuất đơn giản, lạc hậu.

- Thứ hai, nhiều địa phương chưa đủ nguồn lực đầu tư phát triển cho địa bàn dân tộc, miền núi; nhận thức về vị trí, vai trò của vùng dân tộc và miền núi trong phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước và công tác dân tộc, chính sách dân tộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đầy đủ và sâu sắc.

- Thứ ba, việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình đầu tư phát triển vùng dân tộc và miền núi của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, chưa quyết liệt; không bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

- Thứ tư, một bộ phận cán bộ cơ sở và người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động phát huy nội lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế.

- Thứ năm, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi.

 - Thứ sáu, chưa có một chính sách triệt để mà chủ yếu là lồng ghép các chương trình, mục tiêu.

3. Hoàn thiện chính sách phát triển nhân lực dân tộc thiểu số vùng Trung Trung bộ

a) Hoàn thiện chính sách phát triển về y tế, dân số nguồn nhân đồng bào DTTS

- Tăng cường hướng dẫn các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tăng cường truyền thông về các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vấn đề bình đẳng giới, tác hại của tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Triển khai các chương trình tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, khơi dậy các phong trào luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực của người dân vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn.

- Đầu tư xây dựng và hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ cở y tế kết hợp quân-dân y để khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn.

- Tiếp tục thu hút cán bộ y tế có tay nghề về công tác tại vùng DTTS, đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ y tế là đồng bào DTTS.

b) Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đồng bào DTTS phục vụ phát triển bền vững vùng

- Quy hoạch phát triển hợp lý các trường phổ thông dân tộc nội trú. Đào tạo đại học các chuyên ngành vùng DTTS còn thiếu, như: bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư công nghệ thông tin, chế biến nông, lâm sản,...

- Nghiên cứu, ban hành chính sách đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa ngành y dược, cao học công nghệ thông tin,... cho vùng DTTS, miền núi.

- Tăng cường công tác đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cho vùng DTTS.

- Tăng cường chính sách tín dụng cho con em đồng bào DTTS.

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ; phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nguồn: Báo cáo Phát triển Con người Việt Nam (2017), tr. 33 và tính toán của tác giả.

[2] Nguồn: Báo cáo Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của UBDT và tính toán của tác giả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Đình Đào (2013), Luận cứ và giải pháp cho việc xây dựng các mô hình sinh kế bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, Quảng Nam.
  2. Đặng Thành Đạt (2007), Nghiên cứu so sánh chính sách dân tộc của Trung Quốc và Việt Nam thời hiện đại, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Lê Thị Thúy (2012), Phát triển nguồn nhân lực nữ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội ở miền núi phía Bắc, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
  4. Võ Xuân Tiến (2010), Một số vấn đề về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 5(40).
  5. Ủy ban Dân tộc (2019). Báo cáo tổng kết công tác dân tộc.