Cho thuê, cho thuê  lại quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm thực hiện chính sách về tích tụ và tập trung đất để phát triển sản xuất nông nghiệp - Thực trạng và một số kiến nghị

VŨ QUANG (Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết đi sâu phân tích những vấn đề về tích tụ ruộng đất, thực trạng các quy định pháp luật về cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp, đặt trong bối cảnh thực hiện chính sách tích tụ và tập trung đất để sản xuất nông nghiệp. Bài viết cũng nhận diện những vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi để từ đó đề xuất một số ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai 2013 nói chung và các quy định về cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng.

Từ khóa: tích tụ và tập trung đất đai, quyền sử dụng đất nông nghiệp, cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Tập trung và tích tụ đất để phát triển sản xuất nông nghiệp là một quyết sách hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Có nhiều cách thức để thực hiện quyết sách này, trong đó cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp được xác định là một cách thức quan trọng. Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để điều chỉnh vấn đề cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp. Các quy định đó đã phát huy hiệu quả khá cao trong thực tiễn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

2. Tích tụ và tập trung đất để phát triển sản xuất nông nghiệp

2.1. Bản chất của tích tụ và tập trung đất để phát triển sản xuất nông nghiệp

Về mặt thuật ngữ “Tích tụ và tập trung đất, ruộng đất”, có thể tham khảo một số ý kiến của các nhà nghiên cứu. Theo đó, có ý kiến cho rằng, tích tụ và tập trung ruộng đất được định nghĩa là quá trình phân bổ và sắp xếp lại các mảnh đất nhằm loại bỏ tình trạng đất manh mún và những hạn chế của tình trạng này([1]). Tích tụ và tập trung ruộng đất là quá trình tích tụ tư bản với đất đai là tư liệu sản xuất chính để mở rộng sản xuất và phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô([2]).

Tích tụ và tập trung đất đai có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau với tính chất và mục đích khác nhau. Tích tụ đất có mục đích là đầu tư mọi nguồn lực nhằm tăng thêm, mở rộng diện tích đất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tối đa hóa lợi nhuận. Thực tiễn cho thấy, đây là quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mang tính chất thị trường, “mua đứt, bán đoạn”, người chuyển nhượng (các cá nhân và hộ gia đình sản xuất nông nghiệp) mất quyền sử dụng đất nông nghiệp. Điều này có thể làm phát sinh nhiều hệ quả về mặt kinh tế xã hội và an ninh trật tự ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, quá trình tích tụ đất nông nghiệp cần phải được kiểm soát tốt.

Trong khi đó, tập trung đất có bản chất tương tự như liên kết góp vốn để phát triển kinh doanh, sản xuất nông nghiệp. Nhiều thửa đất nhỏ lẻ với quyền sử dụng của nhiều người được hợp lại thành diện tích lớn hơn, thuận lợi hơn khi khả năng đầu tư vốn lớn hơn. Đặc biệt là có khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, nâng cao năng suất và hiệu quả trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tương trợ giữa những người sản xuất nhỏ, manh mún và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp trên thị trường.

Tập trung đất nông nghiệp ít có khả năng làm thay đổi quyền sử dụng đất. Mô hình doanh nghiệp nông nghiệp và hợp tác xã rất thích hợp cho việc tập trung đất để sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Công cụ pháp lý để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của những người tham gia, ngăn ngừa và xử lý các rủi ro phát sinh chủ yếu là hợp đồng.

Về vấn đề này, một số nhà nghiên cứu đã cho thấy, tích tụ và tập trung đất là hai quá trình khác nhau([3]). Theo đó, tích tụ đất là quá trình mua đất để sở hữu đất ở quy mô lớn hơn, còn tập trung đất là liên kết nhiều mảnh ruộng đất của nhiều chủ sở hữu khác nhau lại thành mô hình cánh đồng lớn, tích tụ đất khác với tập trung đất đai; quyền sở hữu và một số tác động xã hội như duy trì thu nhập, việc làm của người nông dân sau tích tụ và tập trung đất đai cũng khác, dù mục tiêu cuối cùng cả hai vẫn là tạo ra một diện tích đất quy mô lớn để có thể ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

2.2. Cơ sở của việc tích tụ và tập trung đất để phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua quan hệ cho thuê, cho thuê lại đất và đi thuê, đi thuê lại quyền sử dụng đất

Quá trình tích tụ và tập trung đất có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nhà nước giao đất, cho thuê đất, hoặc công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người sử dụng đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Hoặc Nhà nước công nhận các hành vi tự điều chỉnh quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa những người sử dụng đất với nhau để hiện thực hóa các mục đích và ý tưởng đầu tư kinh doanh, sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cho thuê, cho thuê lại đất nông nghiệp là một trong các hình thức phổ biến và linh hoạt nhất trong quá trình tích tụ và tập trung đất, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng cho người cho thuê, cho thuê lại và người đi thuê, đi thuê lại quyền sử dụng đất để sản xuất.

Cần xem xét vấn đề “cho thuê, cho thuê lại” quyền sử dụng đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2013 ở 2 trường hợp sau:

Thứ nhất, Nhà nước cho thuê đất nông nghiệp mà người thuê được trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì người đó có quyền cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người khác. Nếu Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, người thuê chỉ được cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê.

Thứ hai, trường hợp được Nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người được giao có quyền cho người khác thuê và người thuê tiếp tục cho thuê lại nếu được sự đồng ý của người được Nhà nước giao đất. Trong bài viết này chỉ xem xét trường hợp thứ hai.

Quy định về cho thuê, cho thuê lại đất nông nghiệp nhằm tích tụ, tập trung đất nông nghiệp cho phát triển sản xuất là tất yêu khách quan vì:

Từ nhu cầu của người đi thuê, đi thuê lại đất nông nghiệp để đầu tư kinh doanh:

Kinh tế nông nghiệp giữ vai trò lớn trong cơ cấu kinh tế, dân số và lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số lao động, theo đó, có hơn 70% dân số làm nghề nông([4]). Hiện tượng đầu cơ đất nông nghiệp đang diễn ra khiến người kinh doanh, sản xuất nông nghiệp thiếu đất để canh tác. Để đảm bảo cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất, đảm bảo sinh kế, Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực chính trị, kinh tế và pháp luật phải có chính sách để giải quyết tốt vấn đề này. Trước mắt, quy định hạn điền là hợp lý. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ kìm hãm năng lực sản xuất nông nghiệp hàng hóa khi nhu cầu sử dụng đất với quy mô lớn. Pháp luật đất đai đã quy định quyền tiếp cận đất đai dưới hình thức thuê, thuê lại đất để mở rộng giới hạn mức đất nông nghiệp đã giao nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Hơn nữa, thị trường đất nông nghiệp đang hình thành và phát triển, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm với nhu cầu kinh doanh nông nghiệp xanh, sạch, chất lượng cao và đa dạng sản phẩm nông nghiệp, phù hợp với xu hướng thế giới.

Cùng với đó, quỹ đất nông nghiệp đang ngày càng hạn hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Việc giao đất nông nghiệp theo Nghị quyết siis 10/1988/BBT của Ban Bí thư và Nghị định số 64/1994/NĐ-CP về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp cơ bản đã hoàn thành. Vì vậy, việc tiếp cận đất đai từ thị trường thông qua thuê, thuê lại từ những người đã được Nhà nước giao đất nhằm mục đích kinh doanh, sản xuất nông nghiệp là cách thức hợp lý.

Từ khía cạnh của người cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp

Với quyền sử dụng đất hợp pháp được Nhà nước công nhận, hộ gia đình và cá nhân có thể quyết định chuyển giao quyền khai thác và sử dụng đất của mình cho các tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển giao này thông qua cho thuê, việc cho thuê rất linh hoạt, chủ động và ít rủi ro cho các hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất. Tính linh hoạt và chủ động thể hiện thông qua quyền quyết định cho thuê một phần hay toàn bộ đất, thời gian bao lâu trong thời hạn sử dụng đất và giá do các bên thỏa thuận.

Cho thuê đất ít chịu rủi ro vì người cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp “chỉ chuyển giao quyền khai thác, sử dụng và quản lý đất” cho phía đi thuê, đi thuê lại với thời hạn thỏa thuận. Quyền sử dụng đất được giữ nguyên khi hết thời hạn cho thuê, cho thuê lại. Về lợi ích kinh tế, người sử dụng đất vừa nhận được tiền từ việc cho thuê, cho thuê lại đất của mình, vừa có thể sử dụng các quyền khác trong quyền sử dụng đất như thế chấp để vay vốn, thực hiện quyền thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng… trong thời gian cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất. Trong khi việc chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không có được.

Đặc biệt, thực hiện tốt quy định về cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận đất đai ở phạm vi quy mô rộng lớn khi họ thực sự có khả năng, có nhu cầu sử dụng đất, có năng lực tổ chức sản xuất nông nghiệp, có ứng dụng khoa học, công nghệ cao, có tiềm lực tài chính và có phương án sử dụng đất khoa học, hiệu quả. Cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất cũng góp phần giải quyết tình trạng đất bị bỏ hoang, đất sử dụng kém hiệu quả do không có khả năng, tiềm lực và kinh nghiệm trong sản xuất.

3. Pháp luật hiện hành với vấn đề thuê đất, thuê lại đất nông nghiệp để phát triển sản xuất và những kết quả đạt được

3.1. Cơ sở và điều kiện để thực hiện việc tích tụ và tập trung đất nông nghiệp để phát triển sản xuất

Về cơ bản, quỹ đất nông nghiệp đã được Nhà nước giao cho người sử dụng. Có thể còn quỹ đất công ích 5% nhưng thời hạn cho thuê lại ngắn (5 năm) nên sẽ không đáp ứng được nhu cầu đầu tư lớn và lâu dài. Vì vậy, tích tụ và tập trung đất để phát triển sản xuất nông nghiệp theo cách thức người được Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho thuê, cho thuê lại, phù hợp với cơ chế thị trường là cần thiết. 3.2. Các điều kiện để đảm bảo cho việc tích tụ và tập trung đất nông nghiệp thông qua việc đi thuê, đi thuê lại quyền sử dụng đất để phát triển sản xuất.

Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phát triển sản xuất, trong đó có quyền cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp. Có các nguyên tắc và điều kiện khi thực hiện quy định đó nhằm đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, đồng thời cũng hạn chế việc đầu cơ đất nông nghiệp:

- Tuân thủ nghiêm các quy định về chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

- Giao dịch phải phù hợp với quy định của pháp luật dân sự.

- Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phải tuân thủ quy định về sử dụng đất nông nghiệp sau chuyển quyền.

Các điều kiện chung khi chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp gồm:

- Diện tích đất nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của người chuyển nhượng.

- Đất không có tranh chấp.

- Quyền sử dụng đất nông nghiệp không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

- Đất nông nghiệp để nhận chuyển quyền phải trong thời hạn sử dụng đất.

Các điều kiện cụ thể:

Điều kiện đối với bên cho thuê, cho thuê lại: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp trong hạn mức không phải trả tiền sử dụng đất; được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế hoặc thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác đầu tư kinh doanh([5]).

Đối với bên đi thuê, đi thuê lại đất nông nghiệp: Luật Đất đai hiện hành không quy định điều kiện đối với chủ thể đi thuê, đi thuê lại đất nông nghiệp để kinh doanh. Theo đó, chủ thể đi thuê, đi thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam([6]). So với nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, chủ thể đi thuê, đi thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp mở rộng hơn, không bị hạn chế như nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hình thức tích tụ đất thông qua chuyển nhượng([7]).

Việc mở rộng chủ thể có quyền đi thuê, đi thuê lại giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với đất đai để tập trung đất nông nghiệp mở rộng quy mô diện tích đất canh tác. Hình thức này đã đáp ứng mục đích, nhu cầu của các bên. Tuy nhiên, pháp luật đất đai lại giới hạn chủ thể được quyền đi thuê, đi thuê lại đất. Theo đó, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì không được đi thuê, đi thuê lại đất trực tiếp từ các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các dự án đầu tư mà phải trực tiếp thuê đất từ Nhà nước. Có thể thấy đang có một số hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài; song xét thực tế điều kiện kinh tế, xã hội và lịch sử của Việt Nam ở giai đoạn hiện nay, điều này là cần thiết.

Có thể nói, các quy định của pháp luật về đi thuê, đi thuê lại đất nông nghiệp cơ bản tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tập trung đất nông nghiệp, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đảm bảo nhu cầu, ổn định đời sống cho nông thôn. Thực tế trong thời gian qua, cho thuê, cho thuê lại đất nông nghiệp được thực hiện rất có hiệu quả ở một số địa phương, ví dụ như ở tỉnh Hà Nam. Ngân sách tỉnh Hà Nam ứng tiền để chính quyền cấp xã, huyện đứng ra ký hợp đồng thuê đất của dân, sau đó ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại theo thời gian và giá thuê đất của dân, không chuyển giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chính quyền bảo vệ quyền lợi đất đai cho người cho thuê đất, đảm bảo thực hiện các cam kết trong hợp đồng đã ký kết. Cấp tỉnh lựa chọn các doanh nghiệp để cho thuê. Tiền thuê đất trả theo thỏa thuận. Người dân được nhận ngay tiền thuê đất bằng giá trị doanh thu mà không phải canh tác. Ngoài ra, người dân còn có thu nhập từ lao động cho các doanh nghiệp ngay trên chính mảnh ruộng của mình. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã thuê đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo việc làm cho hàng ngàn người. Mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng([8]).

4. Những vấn đề đặt ra trong quá trình thực thi quy định về cho thuê, cho thuê lại đất nông nghiệp và một số đề xuất, kiến nghị

4.1. Một số hạn chế, bất cập và rào cản trong quá trình tích tụ, tập trung đất thông qua việc thuê, thuê lại quyền sử dụng đất

Thứ nhất, tích tụ và tập trung đất nông nghiệp thông qua việc thuê, thuê lại đất để phát triển nông nghiệp mới chỉ thử nghiệm ở một số tỉnh mà chưa thực hiện theo chiến lược tổng thể. Cách làm của tỉnh Hà Nam khi chính quyền thuê đất của người dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại mang đến nhiều tín hiệu tốt, có lợi cho người dân tuy nhiên hiện nay Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.Ví dụ, để tích tụ diện tích cho dự án có quy mô lớn thì phải vận động, thuyết phục hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ dân, song lại chưa có chế tài như quy định về giải phóng mặt bằng.

Thứ hai, nguy cơ rủi ro đối người cho thuê, cho thuê lại đất rất cao vì là thử nghiệm, chưa đủ cơ sở pháp lý. Nếu mô hình Hà Nam gặp khó khăn thì sự vượt rào sẽ thành vi phạm pháp luật và hậu quả người cho thuê, cho thuê lại đất sẽ phải chịu. Qua đó, cần nghiên cứu và quy định cụ thể qua cách làm thí điểm của Hà Nam là cần thiết.

Từ những phân tích trên đây, tác gả có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, quy định cụ thể cách làm thí điểm của Hà Nam và một số địa phương khác, cho phép chính quyền cấp xã và cấp huyện đứng ra trung gian ký hợp đồng thuê đất nông nghiệp của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại.

Hai là, quy định trách nhiệm cụ thể của ủy ban nhân dân các cấp trong việc tuyên truyền để người sử dụng đất thấy được quyền lợi khi thực hiện cho thuê đất. Khi hiểu rõ được lợi ích cho người khác thuê đất, họ sẽ cho những người có nhu cầu và có vốn thuê đất để sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất.Ba là, nhanh chóng thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp, cùng với đó là đảm bảo tính công khai, minh bạch trong các giao dịch.

5. Kết luận

Tích tụ và tập trung đất nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước để phát triển đất nước mà trong đó cho thuê, cho thuê lại đất nông nghiệp là một trong những cách thức có nhiều lợi ích cho các bên. Để cách thức này được phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn, hạn chế và phòng ngừa tốt nhất rủi ro cho các bên tham gia đòi hỏi trong thời gian tới cần có sự sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này với cơ chế bảo đảm thực thi hữu hiệu.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) PGS. TS. Vũ Trọng Khải (2008), Tích tụ ruộng đất - Trang trại và Nông dân. Được trích dẫn và công bố tại Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2(354)-tháng 1/2018.

(2)  FAO (2003), The design of land consolidation pilot projects in Central and Eastern Europe

(3) Tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp ở Việt Nam trong điều kiện mới. (vass.gov.vn).

(4) Giáo trình Luật Đất đai Việt Nam - Trường Đại học Luật Hà Nội (Tr.312).

(5) Điểm d khoản 1 Điều 179, điểm a Khoản 2 Điều 180,  Luật Đất đai 2013;

(6) Như đã dẫn.

(7) Điều 191 Luật Đất đai 2013.

(8) Báo Bắc Kạn, 2017 “Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất ở Hà Nam”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Luật Dân sự 2015 và các văn bản dưới luật có liên quan.
  2. Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
  3. Bạch Dương (2017), 78 triệu mảnh ruộng manh mún thị nông nghiệp không thể hiệu quả. https://vneconomy.vn/78-trieu-manh-ruong-manh-mun-thi-nong-nghiep-khong-the-hieu-qua.htm
  4. Ca Linh và Thế Dũng (2017), Muốn làm giàu phải tích tụ ruộng đất. http://nld.com.vn/kinh-te/muon-lam-giau-phai-tich-tu-ruong-dat20170526222756232.htm
  5. Nguyễn Quang Thuấn (2017), Tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp ở Việt Nam trong điều kiện mới. Tạp chí Xã hội học, số 4 (140), 2017.
  6. Đinh Thị Nga (2017), Các hình thức tích tụ, tập trung đất nông nghiệp: Yêu cầu đổi mới phương thức quản lý, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/cac-hinh-thuc-tich-tu-tap-trung-dat-nong-nghiep-yeu-cau-doi-moi-phuong-thuc-quan-ly-121050.html
  7. Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Xuân Trọng. Bàn về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. http://land.hcmunre.edu.vn/Files/QLDD/34_Tuyen_Trong.pdf.
  1. Nguyễn Minh Sơn và cộng sự (2018). Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp. Nghiên cứu lập pháp số 2(354)-tháng 1/2018 http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=206894

The accumulation and concentration of land for agricultural production by leasing and subleasing agricultural land use rights: Current situation and some recommendations

Ph.D Vu Quang

School of Economics and Management, Hanoi University of Science & Technology

ABSTRACT:

This paper analyzes in depth the problems of land accumulation and concentration, and the current regulations on leasing and subleasing agricultural land use rights in the context of the implementation of land accumulation and concentration for agricultural production. This paper also identifies inadequacies and difficulties in the implementation of land accumulation and concentration for agricultural production. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to enhance the effectiveness of the 2013 Law on Land in general and regulations on leasing and sublease agricultural land use rights in particular.

Keywords: accumulation and concentration of land, agricultural land use rights, lease and sublease agricultural land use rights.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2021]