Chống hàng giả hàng nhái: Cần sự chủ động từ nhiều phía

Trong cuộc họp giữa Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vào chiều 8/3/2018, ông Trần Hùng - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) khẳng định, để công tác

Tràn lan thực phẩm chức năng giả

Theo Phó Cục trưởng Trần Hùng, hiện nay hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, gây mất an toàn chính trị xã hội… Đáng lo nhất là trong lĩnh vực thực phẩm chức năng (TPCN).

Chưa bao giờ, việc giao dịch mua bán TPCN lại dễ dàng như hiện nay. Người tiêu dùng có thể tìm được đủ loại TPCN thông qua các hiệu thuốc, siêu thị, chợ truyền thống, các trang mạng xã hội, hoặc qua một lực lượng “hùng hậu” là hội viên của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp…

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT nhấn mạnh: hiện nay hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm TPCN của 15 cơ sở nhập khẩu, thì đến 5/2017 đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh, với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành. Trong đó, 43% mặt hàng TPCN trên thị trường Việt Nam từ nhập khẩu, 57% là sản xuất trong nước với hơn 3.000 sản phẩm.

Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực TPCN xảy ra chủ yếu ở khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh, tiêu thụ, quảng cáo không đúng thực tế... Trong 2 năm qua, trên cả nước, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN. Tổng giá trị hàng hoá vi phạm lên đến gần 100 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 75,530 tỷ đồng; khởi tố 17 vụ án hình sự với 29 đối tượng liên quan. Đây thực sự là những con số đáng báo động!

Thời gian gần đây, sản xuất, kinh doanh, buôn bán TPCN giả đang trở thành vấn nạn

Cùng quan điểm với ông Trần Hùng, ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, kinh doanh TPCN hiện đang là lĩnh vực đem lại tỷ xuất lợi nhuận lớn, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh kế. Tình trạng sản xuất TPCN giả về chất lượng, giả về thương hiệu, giả về nguồn gốc xuất xứ đang diễn biến phức tạp. Năm 2017 Cục ATTP đã phát hiện và xử phạt hành chính 48 cơ sở, phạt tiền gần 2 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 6 trường hợp có dấu hiệu hình sự.

“Hàng ngày, tivi quảng cáo hàng chục loại TPCN khác nhau từ bổ thần kinh, xương khớp cho người già và trung tuổi cho đến cả sản phẩm giúp trẻ hay ăn, mau lớn… khiến người tiêu dùng “nhiễu” thông tin, không biết sản phẩm nào thực sự tốt, và có tốt như quảng cáo hay không”, ông Đỗ Hữu Tuấn nhấn mạnh.

Cần sự chủ động từ nhiều phía

Trong thời gian tới, để công tác chống hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại đạt hiệu quả thực sự thì cần sự chủ động từ nhiều phía, gắn trách nhiệm với từng cơ quan quản lý.

Nhìn thẳng vào thực tế, ông Trần Hùng đã thẳng thắn chỉ rõ, để tình trạng hàng giả trở thành vấn nạn như hiện nay thì các cơ quan chức năng cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, đã có lúc buông lỏng quản lý, thiếu sự phối hợp, hợp tác với quần chúng nhân dân…

Tất cả các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả đều bắt đầu từ tem nhãn, bao bì nên khu trú bắt đầu phải là nơi in ấn. Chúng ta phải nhận diện in ở đâu? Ai in? In như thế nào?.

Chống hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại đạt hiệu quả thực sự thì cần sự chủ động từ nhiều phía, gắn trách nhiệm với từng cơ quan quản lý

“In ấn đã có Luật Xuất bản rồi nên khi in phải tuân thủ quy định của luật như: phải có hợp đồng, mẫu in, và chụp lưu lại sản phẩm. Do đó, những người làm công tác in ấn thì có “nhắm mắt” cũng biết ai là người in bao bì, tem nhãn làm giả. Muốn chống hàng giả thì phải chống ngay từ cả khâu in ấn. Hàng nào cũng phải có bao bì, nhãn mác. Có thể đặt bao bì giả ở nước ngoài thì rất khó làm được số lượng lớn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Còn ông Đỗ Hữu Tuấn lại cho rằng, để công tác chống hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại đạt hiệu quả thực sự, thì cần sự phối kết hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng như QLTT, các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công an, Bộ đội biên phòng... để việc giám sát ATTP, thông tin tuyên truyền giáo dục và kiểm soát ATTP ở đối tượng có liên quan.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, ông Kiều Nghiệp -Trưởng phòng Chống hàng giả, Cục QLTT đề xuất, các doanh nghiệp sản xuất cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ, để nếu sản phẩm của mình có bị làm giả, làm nhái thì mới được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ.

Doanh nghiệp, nhà sản xuất không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi việc chống hàng giả chỉ là trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, ông Kiều Nghiệp cũng cho rằng, chống hàng giả, hàng nhái cần sự phối hợp của toàn xã hội, gồm: người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan chức năng. Đặc biệt khi mua hàng hóa, người tiêu dùng phải yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm, hóa đơn chứng từ.

Dự báo tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục có diễn biến phực tạp, với phương thức thủ đoạn hoạt động mới và tinh vi, tiềm ẩn gia tăng tội phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, trong thời gian tới “Chúng tôi sẽ quyết tâm đổi mới từ công tác thực hiện, công tác chỉ đạo, thay đổi tư duy và chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa liên quan đến các mặt hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Trần Hùng khẳng định.