Chủ động hội nhập trong kho tàng di sản Hồ Chí Minh

Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thông điệp đầu năm 2020, trong đó nhấn mạnh “Quyết tâm đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam”. Có thể nói, đường lối đối ngoại này bắt nguồn từ tư tưởng chủ động hội nhập gần một thế kỷ trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu dầu khí Baku (Liên Xô trước đây)năm 1959
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu dầu khí Baku (Liên Xô trước đây)năm 1959

Hợp tác trên cơ sở nội lực

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nhận ra tình trạng bế quan tỏa cảng chỉ làm đất nước suy yếu. Năm 1924, trong thư gửi Pê-tơ-rốp, Tổng Thư ký Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, Người viết: “Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của dân tộc ở phương Đông là sự biệt lập”. Từ nhận thức ấy, Người nêu tư tưởng hợp tác kinh tế quốc tế giữa các nước.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực cho tư tưởng chủ động hợp tác với các nước. Ngày 1/11/1945, Người gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đề nghị “gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ xúc tiến nghiên cứu kỹ thuật, nông nghiệp”

Tháng 12 năm 1946 trong thư gửi Liên hợp quốc Người nêu rõ: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường xá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế”.

Nhưng Người cũng cho rằng, hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, khoa học công nghệ, phát triển thị trường phải trên cơ sở phát huy nội lực: “Nếu tự mình không có thực lực làm nền tảng thì không thể nói đến hợp tác hay ngoại giao”.

Vì thế, Người đặc biệt khôn khéo vận dụng luật pháp quốc tế để tạo “thực lực” cho nền kinh tế non trẻ lúc bấy giờ: “Những cơ sở mà người Pháp đã bỏ vốn ra gây dựng ở đây từ trước đến giờ, nếu xét ra cho nền kinh tế quốc gia Việt Nam, sẽ được chúng ta chuộc lại dần dần”.

Ở một khía cạnh khác, thực lực còn là nguồn nhân lực. Năm 1946 trong chuyến sang thăm Pháp, Người dành nhiều thời gian tiếp xúc rộng rãi với các nhân vật trọng yếu trên nhiều lĩnh vực để rồi mang về nước 4 trí thức lớn là Trần Đại Nghĩa, sau này trở thành chuyên gia đầu ngành cơ khí; Võ Quý Huân, chuyên gia hàng đầu đúc luyện kim; Võ Đình Quỳnh, ông vua gang thép, và Trần Hữu Tước, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam.

Trên cơ sở thực lực này, Người chỉ đạo mở rộng hợp tác quốc tế “Trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi, Việt Nam sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước”.

Mở đường cho hội nhập

Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, một số tập đoàn lớn của CHLB Đức, Italia, Canada… có ý định đầu tư vào Việt Nam, trước hết là hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Điều cấp thiết lúc ấy phải có một hành lang pháp lý cho đầu tư nước ngoài. Người được giao soạn “Điều lệ về đầu tư của nước ngoài” là Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu.

Ngày 18/4/1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định 115-CP “Ban hành Điều lệ về đầu tư của nước ngoài”, mở đường cho giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 18/4/1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định 115-CP “Ban hành Điều lệ về đầu tư của nước ngoài”, mở đường cho giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhưng khi đưa vấn đề này ra Trung ương, đã có không ít ý kiến và tranh luận gay gắt. Để thuyết phục, Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu đã viện dẫn tư tưởng mở cửa của Hồ Chủ tịch trong lần trả lời báo chí nước ngoài, tháng 9/1945: “Chúng tôi mời các nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga, Tàu đến giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”.

Vấn đề nhanh chóng được giải tỏa. Ngày 18/4/1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định 115-CP “Ban hành Điều lệ về đầu tư của nước ngoài”, mở đường cho giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế.

Vận dụng tư tưởng hội nhập của Người: Phát huy nội lực, khẳng định quyền tự quyết trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, những năm qua Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình hội nhập khu vực và thế giới.

Một hoạt động nổi bật nhất của hội nhập là giao thương mậu dịch. Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 100 tỷ USD; đến nửa cuối tháng 12/2019, con số này đã cán mốc 500 tỷ USD.

Năm 2006 Việt Nam xếp hạng 50 thế giới về xuất khẩu và thứ 44 về nhập khẩu. Đến nay, Việt Nam xếp thứ 26 về xuất khẩu. Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nền kinh tế có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất toàn cầu.

Kỳ Anh