Câu chuyện “quả chanh”

Trưởng thành từ một công nhân của Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Vũ Tiến Dũng đã kinh qua nhiều chức vụ quản lý và hiện đang là Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Năng động và quyết đoán, anh đã xây dựng thành công các mô hình hoạt động công đoàn hiệu quả nhờ biết khéo léo vận dụng các triết lý trong quản lý kinh tế vào hoạt động công đoàn.

Là con cả trong một gia đình nghèo đông anh em, ngay từ nhỏ, thủ lĩnh Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã sớm bộc lộ tư chất của một doanh nhân. Anh kể, “13 tuổi, tôi được mẹ giao đi bán rau, mỗi ngày mẹ giao bán 100 quả chanh 5xu/quả, hoặc 100 mớ rau 1 hào/mớ. Mấy ngày đầu đi bán cực lắm. Sau đó, tôi nghĩ ra một chiêu như kiểu bây giờ gọi là khuyến mại, thay vì hái 100 quả chanh thì tôi hái thêm vài quả, thêm vài mớ rau, mang ra chợ, vẫn giá đấy nhưng được khuyến mại, thế là hàng tôi bán hết vèo vèo”. Bài học về quả chanh đã theo anh trong suốt thời kỳ đi học và sau đó là thời gian đi làm thị trường của Cao su Đà Nẵng.

Nhà nghèo, hết cấp 2, Dũng phải nghỉ học sớm để lo cho các em, nhưng anh không chịu dừng ở đó mà lại chuyển hướng sang học nghề tại Trường Công nhân Kỹ thuật Hà Bắc. Suốt 3 năm học, phải làm đủ mọi việc để lo cho bản thân, nhưng anh luôn trong top 3 học sinh giỏi của lớp. Đến năm 1978, anh tốt nghiệp ra trường và được phân công về Nhà máy Cao su Đà Nẵng.

Đến chính sách kết nạp đoàn viên danh dự

Trong suốt 26 năm gắn bó với Cao su Đà Nẵng, là người thẳng thắn và có năng lực, Vũ Tiến Dũng dần kinh qua các chức vụ quản lý, ở bất kỳ nhiệm vụ nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp tin tưởng và yêu quí. Quyết tâm theo đuổi ước mơ học lên cao, anh vừa đi học đại học tại chức vào buổi tối vừa đi làm, năm 1984, anh trở thành Bí thư Đoàn của Cao su Đà Nẵng. Vũ Tiến Dũng lập tức đề xuất để đoàn viên thanh niên sử dụng các phế phẩm của Nhà máy sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống, bán lấy kinh phí hoạt động Đoàn. Suốt thời gian từ 1985 - 1989, phong trào Đoàn của Cao su Đà Nẵng nổi như cồn,  liên tục được báo cáo điển hình ở các hội nghị do Ban Công nghiệp Trung ương tổ chức nhưng tên tuổi của Vũ Tiến Dũng chỉ thực sự được biết đến khi anh phụ trách công tác thị trường. “Đó là năm 1990, tôi được điều vào làm Trưởng Văn phòng đại diện bộ phận phía Nam với nhiệm vụ bán săm lốp xe đạp, xe máy tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Hồi đó đi lại đâu có thuận tiện như bây giờ, tôi và các anh em làm thị trường hai vai khoác lốp mẫu, cứ bắt xe đò đi đến tất cả các thị trường để gây dựng đại lý. Xa gia đình, lăn lộn suốt ngày trên đường, cứ thế sau gần 2 năm, cả TP.HCM và các tỉnh miền Tây tôi đã gây dựng xong thị trường, tạo thành một chân rết đại lý bền vững, sản phẩm bán được và có mặt tại tất cả các tỉnh trong khu vực, lúc này tôi được điều về làm Trưởng phòng hành chính đời sống và đến năm 1994 được bổ nhiệm làm trợ lý Giám đốc”.

Năm 1995, anh tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng phòng bán hàng. Khó khăn nhất của Công ty lúc bấy giờ là mới sản xuất lốp ô tô, chưa có thương hiệu trên thị trường nên suốt từ 1990 - 1995, Công ty sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nhận nhiệm vụ làm Trưởng phòng bán hàng, anh nhận luôn lời cam kết đưa doanh thu Công ty lên gấp đôi ngay trong năm đó, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xin từ chức. Thế là, lại với chiếc xe u oat, lại với chính sách khuyến mại và sử dụng mối quan hệ khi làm Bí thư Đoàn Thanh niên, liên tục có tháng 30 ngày trên đường, mồ hôi, bụi, đói, quần áo không kịp giặt, liên miên từ năm này sang năm khác, anh tiếp tục gây dựng hệ thống đại lý, đưa thương hiệu lốp ô tô Cao su Đà Nẵng thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng, doanh thu từ năm 1995 đến 2003 năm sau đều cao hơn năm trước ít nhất 60%, có năm tăng gấp đôi, sản phẩm sản xuất ra không kịp bán.

Cũng chính trong giai đoạn này, Vũ Tiến Dũng đã nảy ra sáng kiến kết nạp các đại lý vào làm đoàn viên danh dự của công đoàn Công ty, được thăm hỏi, chăm sóc như các đoàn viên chính thức khác. Điều đó đã khiến các đại lý rất gắn bó với Cao su Đà Nẵng, tìm mọi cách phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu, các sản phẩm săm lốp ô tô, xe máy, xe đạp của Cao su Đà Nẵng đã phủ khắp toàn quốc và được các khách hàng nước ngoài biết đến. Sản xuất ngày càng phát triển.

Với những thành công này, năm 1999, Vũ Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc, Phó bí thư  đảng ủy, Phó chủ tịch Công đoàn. Và đến đầu năm 2003, anh được bầu thêm chức vụ Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hóa chất Việt Nam và chuyển hẳn ra Hà Nội từ 1/1/2004. Đến tháng 7/2004, anh chính thức trở thành vị thống lĩnh của người lao động ngành Hóa với chức danh Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.

Khi tôi hỏi vì sao đang làm kinh doanh rất thành công, anh lại chuyển sang làm công đoàn, anh nói rất chân thành: “Tôi trưởng thành từ một người lao động, đã trải qua những ngày tháng rất khó khăn nên rất hiểu cái khổ của người lao động. Vì thế, nếu ở cương vị Chủ tịch công đoàn, vận dụng các bài học kinh doanh vào hoạt động công đoàn, gắn tổ chức công đoàn với hoạt động kinh tế, tôi có thể giúp được nhiều người lao động sống bớt khó khăn hơn”.

Tấm lòng và những hành động của anh trong suốt những năm qua đã lý giải vì sao, đi đến đâu anh cũng được chào đón như người thân, từ lãnh đạo đến công nhân đều yêu quí anh.

Hẳn đó là điều ai cũng muốn làm được trong cuộc đời mình!

Vũ Tiến Dũng chia sẻ: “Chức quyền, danh lợi đều chỉ là phù du. Chỉ có tình cảm và sự chân thành của con người mới bền vững với thời gian”. Nhớ lại một thời gian khó, anh vui vẻ nói: “Tôi được như ngày hôm nay là nhờ sức mạnh của sự ủng hộ. Bởi tôi làm lãnh đạo công đoàn thì được quần chúng và lãnh đạo ủng hộ, làm đoàn thanh niên thì được Đoàn Thanh niên và các cấp lãnh đạo ủng hộ, làm cán bộ thị trường được các đại lý và khách hàng ủng hộ, về nhà được vợ con ủng hộ và chia sẻ”.