Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - chủ đầu tư Dự án cho biết, hiện nay, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 hiện đang bị chậm tiến độ, thiếu hụt nguồn vốn.

Cụ thể, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN cho biết, Dự án này còn nhiều vấn đề cần giải quyết. PVN cần có cơ chế, cách thức nghiệm thu từng phần, giải ngân cho dự án.

pvn trần sỹ thanh
Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh đề xuất, cho phép doanh nghiệp dùng vốn chủ sở hữu để tháo gỡ khó khăn trong Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Hiện nay, Dự án được thu xếp vốn theo phương án cơ cấu 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay). Tuy nhiên, đến nay, việc gia hạn tiếp tục giải ngân phần vốn vay nước ngoài (đã hết hạn từ 28/9/2018) vẫn chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Trong khi đó, nguồn vốn vay trong nước chưa được các ngân hàng trong nước xem xét, cấp tín dụng với nhiều lý do: vượt hạn mức, Dự án chưa được đưa vào danh sách cấp tín dụng...

Do đó trước mắt cần phải sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân mới đáp ứng mục tiêu phát điện với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. PVN cam kết sẽ chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật đảm bảo nhà máy vận hành thương mại theo đúng tiến độ được phê duyệt. Khi thu xếp được nguồn vốn vay bổ sung sẽ hoàn trả lại phần vốn chủ sở hữu sử dụng vượt tỷ lệ, ông Thanh kiến nghị.

Bên cạnh đó, PVN cũng đề xuất, Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước phối hợp với các Bộ ngành liên quan sớm xem xét kiến nghị của Tập đoàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án. Đồng thời, sớm có ý kiến để Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận gia hạn bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài.

Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh nêu 4 nhóm vấn đề khó khăn và đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW (2 tổ máy), tổng thầu EPC là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC). Theo chủ trương đầu tư ban đầu, dự án hoàn thành từ 39 tháng đến 45 tháng cho từng tổ máy. Dự kiến tổ máy thứ nhất sẽ phát điện vào tháng 6/2020 và tổ máy 2 là tháng 10/2020. Tổng mức đầu tư (điều chỉnh lần 2) của Dự án là 41.799 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến ngày 23/7/2019, Dự án mới đạt 84,14% tiến độ, chạy thử chỉ đạt 3,51% tiến độ. Theo PVN, dự án chậm tiến độ bởi vì tổng thầu EPC là PVC trong quá trình triển khai dự án có một số sai phạm đã và đang được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Việc sử dụng số tiền sai mục đích (khoảng 1.115 tỷ đồng) dẫn đến nhiều hệ lụy cả về chi phí, tiến độ, pháp lý, ảnh hưởng đến nguồn lực trong triển khai dự án.

Với đề xuất của PVN về việc tạm sử dụng vốn Chủ sở hữu vượt tỷ lệ 30% tổng mức đầu tư để thanh toán cho các công việc đủ điều kiện thanh toán của Dự án, Bộ Công Thương cho rằng có thể chấp nhận được. Bộ Công Thương đề nghị PVN cần chủ động thu xếp nguồn vốn hợp lý để xử lý vướng mắc Dự án và chịu trách nhiệm để đưa Dự án vào vận hành sớm nhất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư nhà nước cho những công trình điện quan trọng.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các bộ gửi ý kiến để Bộ tổng hợp trình Thủ tướng, thường trực Chính phủ dựa trên các đề xuất của PVN. Bộ trưởng đề nghị Bộ Tài chính gia hạn các khoản vay nước ngoài cũng như Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện giải ngân cho dự án.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu PVN cần chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác... khi đề xuất nêu trên được thông qua.

Đồng thời, PVN phải có phương án ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu khi nhà máy chạy thử và đi vào vận hành. PVN có trách nhiệm cơ cấu kiện toàn lại PVC, tránh những hệ luỵ từ các dự án khác, ràng buộc trách nhiệm của PVC với nguồn vốn tăng thêm.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, nếu Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành chính thức, đúng tiến độ thì mỗi năm hệ thống điện quốc gia có thêm 7 tỷ kWh và năm 2021 chúng ta không lo thiếu hụt lượng điện, năm 2022 tình trạng thiếu điện cũng giảm đi rất nhiều.

Ngược lại, nếu không kịp vận hành từ năm 2020, mỗi năm sẽ phải tốn chi phí rất đắt, khoảng 35.000 tỷ đồng, để chạy dầu bù sản lượng điện của nhà máy này.