Chủ tịch VCCI: Tiếp sức cho doanh nghiệp qua các phong trào “dùng hàng Việt”

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, cần phát động những tháng cao điểm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt vượt qua đại dịch.

Sáng 9/5/2020, Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp chính thức được diễn ra nhằm động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, tự lực tự cường của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Đồng thời, thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp; lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của doanh nghiệp; tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay, VCCI đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả thu được cho thấy một tình hình rất bi đát: hơn 30% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng họ khó có khả năng trụ vững sau 3 tháng, trên 50% doanh nghiệp không thể trụ nổi sau 6 tháng, chỉ còn 20% có thể tồn tại quá 12 tháng, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hơn tháng 1 sau đó, VCCI lại tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả cho thấy có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong Quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.

vcci
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, với câu hỏi doanh nghiệp cần gì, câu trả lời đều  không phải xin tiền mà chỉ xin cơ chế

Theo ông Vũ Tiến Lộc, các con số của đợt khảo sát thứ 2, dù vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch nhưng trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, đây đã là những kết quả ấn tượng và tốt hơn rất nhiều.

Dẫu vậy, ông Lộc cho hay các doanh nghiệp vẫn đang hết sức khó khăn. Ở thời điểm hiện tại, 69% doanh nghiệp cho biết họ đang bị giảm doanh thu do thị trường bị thu hẹp, 45% doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu dòng tiền, 22% khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, nguyên liệu, 18% thiếu hụt lao động có kĩ năng…

Chính vì vậy, những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Ông Lộc cho biết điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là bên cạnh việc tiếp tục bổ sung các khoản hỗ trợ hợp lý thì biện pháp trợ giúp quan trọng nhất, có thể làm ngay là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ đã được ban hành.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ không còn ý nghĩa”, Chủ tịch VCCI nói và cho biết, khi được hỏi - ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, các doanh nghiệp cần gì, câu trả lời đều  không phải xin tiền mà chỉ xin cơ chế.

“Minh bạch hóa, đơn giản hoá, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai nhanh các dự án đầu tư và kinh doanh là giải pháp cứu các doanh nghiệp và huy động tổng lực các nguồn vốn xã hội đang còn rất lớn, cho đầu tư kinh doanh và phát triển cơ sở hạ tầng".

“Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ thúc đẩy được “4 mũi giáp công”: đầu tư tư nhân, FDI, đối tác công-tư và đầu tư công cho phát triển”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

hội nghị trực tuyến thủ tướng với doanh nghiệp
Lưu ý khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm này, vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ, ông Lộc kiến nghị, thúc đẩy các phong trào "dùng hàng Việt" để tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, chỉ riêng việc giải ngân vốn đầu tư công (khoảng 30 tỷ USD) là đã có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho đầu tư phát triển, mở mang được thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân, xây dựng được nền tảng hạ tầng cho giai đoạn bứt phá của nền kinh tế sau này.

“Phát huy vai trò của thể chế, huy động được tổng lực các dòng vốn đầu tư xã hội này thì không có lí do gì chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, như quyết tâm của Thủ tướng”, ông Lộc nhận định.

Tiếp sức cho doanh nghiệp qua các phong trào “dùng hàng Việt”

Cũng trong bài phát biểu với Chính phủ, Chủ tịch VCCI lưu ý khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm này, vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Do vậy, ông Lộc đề nghị, phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.

“Hôm nay, Chính phủ họp với doanh nghiệp để chính thức khai mở mặt trận phục hồi nền kinh tế, tôi đề nghị thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác trên mặt trận này và Thủ tướng đích thân đảm nhận vai trò Tổng tư lệnh - Trưởng ban chỉ đạo.

Đồng thời, lập ngay ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND các tỉnh đứng đầu để nối dài cánh tay giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi kinh tế thành công”, ông Lộc kiến nghị lên Chính phủ để thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Hạ An