Chứng khoán Việt 2019: Nội lực sẽ giúp vượt qua sóng gió?

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2018 đầy biến động, thậm chí là ở mức chưa từng có kể từ năm 2010. Chỉ số VN-Index trong năm 2018 dao động từ đỉnh cao xuống đáy thấp nhất tới trên 27%.

Thị trường 2018 bùng nổ trong 3 tháng đầu năm và đạt đỉnh ngày 10/4 ở mức cao nhất 1.211 điểm và đáy thấp nhất là 880 điểm ngày 30/10. Phần lớn thời gian của năm 2018 thị trường suy giảm trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Sóng gió đến từ đâu?

 

chung khoan
Thị trường chứng khoán lại có năm 2018 tăng trưởng âm với mức giảm 9,32% so với cuối năm 2017


Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế vĩ mô 2018 thì dường như thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ứng một cách lạc nhịp thấy rõ. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 quý cuối năm 2018 đều tăng trưởng dần, từ 6,73% lên 6,82% và quý 4 đạt 7,31%. Tổng hợp GDP cả năm 2018 tăng trưởng 7,08% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.

Với mức tăng trưởng vĩ mô tốt như vậy nhưng thị trường chứng khoán lại có năm 2018 tăng trưởng âm với mức giảm 9,32% so với cuối năm 2017. 9 tháng cuối năm 2018 thật sự là thời gian đáng thất vọng với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên sẽ là không thể lý giải biến động này nếu chỉ nhìn vào những con số nói trên để so sánh.

Yếu tố đầu tiên lý giải tình trạng lạc nhịp của thị trường so với nền kinh tế, là thị trường chứng khoán thường phản ánh trước các lo ngại về tương lai. Quý 1/2018 tăng trưởng GDP đạt kỷ lục 7,45%. Đó là mức tăng trưởng cao nhất tính theo quý kể từ trước khủng hoảng 2008. Khi tăng trưởng đã đạt mức kỷ lục thì suy luận thông thường là tốc độ đã đạt đỉnh, nghĩa là sau đó tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần đi. Điều đó cũng đã được chứng minh ở 3 quý sau đó, tốc độ tăng trưởng có phần thấp đi.

Mối lo ngại về chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm cũng phủ bóng đen lên suy nghĩ của giới đầu tư. Nhìn lại năm 2007, tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử của Việt Nam là 8,48% trong quý 4/2007 và nối tiếp sau đó là khủng hoảng. Vì vậy thị trường chứng khoán nếu theo thông lệ phản ánh trước từ 6 tháng tới 1 năm, giới đầu tư có lý do để lo lắng.

Sự “lạc nhịp” như vậy cũng diễn ra trên toàn thế giới vì tâm lý của giới đầu tư tài chính cơ bản là giống nhau. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng rất mạnh với mức 4,2% trong quý 2 và 3,4% trong quý 3/2019. Thế nhưng thị trường chứng khoán Mỹ cũng suy giảm nghiêm trọng. Chỉ số S&P 500 đạt đỉnh lịch sử cuối tháng 9/2018 và cũng sụt giảm gần 20% cho tới những ngày cuối tháng 12.

Diễn biến các thị trường chứng khoán toàn cầu về cơ bản là giống nhau ở nửa sau của năm 2018 phản ánh mối lo ngại chung. Vì thế, nếu sự lạc nhịp diễn ra thì là sự lạc nhịp toàn cầu, và khi đó thực tế lại không phải là sự cá biệt của bất kỳ thị trường nào.

Sự rối loạn trên các thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng nằm trong một bối cảnh hoàn toàn mới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Các thời điểm dẫn tới khủng hoảng trên thị trường chứng khoán luôn đi kèm với những rủi ro mới chưa từng được chứng kiến trước đó. Chẳng hạn khủng hoảng tài chính năm 2008 đi kèm với bùng nổ tín dụng nhà đất tại Mỹ liên quan tới các công cụ đầu tư phái sinh chưa từng được biết đến và chưa từng được đánh giá đúng về mức độ rủi ro. Năm 2018 các thị trường chứng khoán đối diện với sự kiện chưa từng có, là cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Trong quá khứ chưa ai biết được hậu quả của sự va chạm khổng lồ này sẽ như thế nào, vì chưa có trường hợp tương tự để so sánh.

Vì vậy các thị trường tài chính đã phản ánh lo ngại về mối rủi ro không lường trước được. Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm cực nhanh và cực mạnh về cuối năm vì đó là lúc căng thẳng thương mại bắt đầu bộc lộ ra trong kết quả kinh doanh của các đại công ty. Apple là ví dụ điển hình khi giá cổ phiếu rơi từ 233,47 USD xuống 142 USD, tức là bốc hơi gần 40% giá trị. Khi Mỹ - Trung Quốc tiến hành đàm phán thương mại vào đầu tháng 1/2019, các thị trường chứng khoán đồng loạt dừng giảm và bắt đầu đi ngang nghe ngóng chờ đợi.

Hiện tượng phản ứng giống nhau trên các thị trường cũng phản ánh mối lo chung và chính yếu của thời điểm hiện tại là căng thẳng thương mại sẽ được tháo gỡ hay leo thang lên cấp độ tối đa. Mọi lo ngại khác, từ căng thẳng địa chính trị hay tiến tình nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương, đều xếp sau mối lo ngại này. Thậm chí như Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng lo sợ căng thẳng thương mại sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của Mỹ nên đã giảm dự báo tiến độ tăng lãi suất 2019 từ 3 lần xuống 2 lần, thậm chí có thể là 1 lần.

Thử thách 2019

 

chung khoan 1
Thị trường chứng khoán Việt Nam 2019, những dự báo đầu năm cũng không có nhiều lạc quan.


Thị trường chứng khoán 2019 khởi đầu với bóng đen phủ khắp thế giới. Nếu như nửa sau năm 2018 là một điềm báo, thì thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2019 sẽ hứa hẹn rất nhiều sóng gió. Các dự báo lạc quan nhất cũng rơi vào kịch bản thận trọng và “nước đôi” do những yếu tố bất ngờ có thể xuất hiện.

Ngân hàng Thế giới trong báo cáo đầu năm 2019 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ ở mức 2,9%, trong đó tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm xuống mức 2%. Thương mại quốc tế và các hoạt động sản xuất đang sụt giảm; căng thẳng thương mại ngày càng leo thang có thể tác động xấu đối với tăng trưởng và làm gián đoạn chuỗi giá trị liên kết toàn cầu; một số nền kinh tế mới nổi đang chịu sức ép lớn từ thị trường tài chính là lý do khiến triển vọng kinh tế thế giới xấu đi trong năm 2019.

Mức độ căng thẳng trong tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng trong các dự báo. Hiện tại tiến trình đàm phán thương mại vẫn đang diễn ra và có thể kết thúc vào tháng 3/2019. Nếu xung đột được giải quyết êm đẹp, sức ép lên tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm, nhưng nếu căng thẳng gia tăng, rất có thể các dự báo tồi tệ hơn sẽ xuất hiện.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam 2019, những dự báo đầu năm cũng không có nhiều lạc quan. Chỉ số VN-Index được dự báo chỉ tăng trưởng đến mức quanh 1.000 điểm là phổ biến, với mức tăng trưởng so với 2018 chỉ từ 12-15%, nhưng lại để ngỏ nguy cơ giảm sâu hơn nữa nếu các yếu tố căng thẳng thương mại không được giải quyết. Rõ ràng năm 2019 trở thành năm khó dự đoán nhất từ trước tới nay vì có quá nhiều yếu tố bất định mà sự thay đổi của các yếu tố này trở thành điều kiện tiên quyết cho các kịch bản.

Cho đến lúc này, các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán chủ yếu là từ bên ngoài. Xuất phát điểm vẫn là tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới bị tác động thế nào từ chiến tranh thương mại ở các cấp độ khác nhau. Giá dầu biến động cũng phụ thuộc vào yếu tố này. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 được dự báo sẽ thấp hơn 2018 và cho đến giờ những ảnh hưởng của căng thẳng thương mại vẫn chưa thể định lượng được.

Mặc dù yếu tố nội lực vẫn tốt được nhìn nhận như sức đề kháng nội tại đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, nhưng với độ mở quá cao thì Việt Nam chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể ổn định được. Mọi yếu tố dự báo đều chỉ là ước tính trên cơ sở hiện tại. Lấy ví dụ mức P/E của thị trường Việt Nam đến cuối 2018 khoảng 15,6 lần và một số tổ chức trong và ngoài nước dự kiến P/E năm 2019 khoảng 14 lần và từ đó cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nhất định. Tuy nhiên mức dự báo là trên cơ sở ước đoán tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp 2019 vẫn bình thường. Nếu xảy ra các sự cố bất ngờ, tăng trưởng lợi nhuận bị ảnh hưởng cũng đồng nghĩa với dự báo không còn chính xác nữa.

Cổ phiếu Apple của Mỹ là trường hợp tiêu biểu. Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Apple và nhiều doanh nghiệp khác có doanh thu lớn từ thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ giảm tốc tăng trưởng. Tuy nhiên phải đến quý 4/2018 thì mới có con số chính xác và hàng loạt tổ chức đầu tư đã giảm triển vọng lợi nhuận của Apple trong năm 2019. Khi thị trường đón nhận con số cụ thể, giá cổ phiếu đã lao dốc 40% và không có gì đảm bảo mức giảm đó đã chiết khấu cho nguy cơ sụt giảm lợi nhuận 2019.

Tuy vậy, năm 2019 cũng chưa hẳn sẽ toàn một màu đen đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung được dự báo dù không hoàn toàn chấm dứt thì cũng sẽ được giải quyết một phần nào đó vì cả hai bên đều không muốn đi đến tận cùng của cuộc chiến. Giữ tăng trưởng ở mức hợp lý và ổn định vĩ mô trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn là thúc đẩy tăng trưởng nhanh. GDP Việt Nam năm 2019 được dự báo tăng trưởng trong khoảng 6,5% đến 6,8% và mới đây cao nhất là dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách với 6,9%. Phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ căng thẳng thương mại (như suy giảm thị trường, chịu thuế cao...) mà chịu tác động gián tiếp thông qua sức cầu của nền kinh tế nói chung. Nếu tăng trưởng vẫn ổn định, rủi ro sụt giảm lợi nhuận cũng sẽ giảm đi.

Mặt khác, khả năng thu hút dòng vốn đầu tư từ bên ngoài cũng là ẩn số tích cực cho thị trường chứng khoán 2019. Năm 2018, thị trường Việt Nam đã lọt vào danh sách chờ xem xét nâng hạng của tổ chức xếp hạng quốc tế. Nếu thị trường cải cách đủ để được nâng hạng, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ phân bổ nhiều hơn, tạo sức cầu mới. Mặc dù thị trường chứng khoán toàn cầu có thể gặp khó khăn, nhưng dòng vốn đầu tư vẫn phải hoạt động và thị trường có tiềm năng nhất sẽ thu hút được dòng vốn này.

 

Hoàng Nguyên