Chuỗi cung ứng "kiềng 3 chân" của McDonald's

Vị trí số 1 của gã khổng lồ thức ăn nhanh McDonald's đến từ một triết lý duy nhất: Chia sẻ miếng bánh lợi nhuận để cùng gặt hái thành công.


KIỀNG 3 CHÂN

 

Chỉ vài tháng trước, hãng nghiên cứu nổi tiếng Gartner đã chính thức vinh danh McDonald's trở thành "bậc thầy" chuỗi cung ứng, sánh vai cùng với 3 tên tuổi lừng lẫy khác là Apple, P&G và Amazon.

Đặc biệt hơn khi McDonald's là chuỗi thức ăn nhanh duy nhất nằm trong bảng xếp hạng danh giá này. Với bản chất phức tạp, quy định nghiêm ngặt và thị trường cạnh tranh gay gắt, McDonald's đã làm gì để trở thành cái tên duy nhất được vinh danh?

Theo chính McDonald’s, lý do thành công của hãng là đến từ một "hệ thống" mà ở đó mọi bên đều có lợi. Luôn mở rộng miếng bánh doanh thu và luôn chia sẻ miếng bánh lợi nhuận là động lực lớn nhất đằng sau sự phát triển của McDonald’s.

Được phát triển bởi nhà sáng lập Ray Kroc, "hệ thống Kiềng 3 chân" luôn hướng tới việc cung cấp vị thế "người được lợi" cho ba bên: Nhân viên McDonald’s, Chủ sở hữu cửa hàng McDonald’s nhượng quyền và các đối tác trong Chuỗi cung ứng của McDonald’s.

Kroc tin rằng sự thành công của các bên tham gia sẽ chuyển hóa thành sự thành công của cả tập đoàn McDonald’s.

5 NGUYÊN TẮC VÀNG CỦA MCDONALD'S

 

Nguyên tắc 1: Đường dài mới biết ngựa hay

Thay vì lợi dụng "tiếng tăm" của mình để liên tục tìm đối tác có mức phí thấp nhất, McDonald’s luôn đặt tiêu chí phát triển lâu dài lên đầu để lựa chọn "bạn đồng hành".

Không những thế, McDonald’s còn ưu tiên làm việc với các đối tác sẵn có để thúc đẩy họ liên tục phát triển và đáp ứng các tiêu chí ngày càng nâng cao.

Từ nguyên tắc bất thành văn này, nhà cung cấp luôn tin tưởng vào việc hợp tác với McDonald’s vì đối tác của mình sẽ không chạy đua giảm giá với đối thủ và chèn ép lại "người nhà". Song song đó, McDonald’s cũng rất tự tin vào nỗ lực hợp tác và luôn hướng tới thành công chung của những nhà cung cấp.

Nguyên tắc 2: Kiểm soát kết quả, chứ không kiểm soát quá trình

Đối với các nhà cung ứng, nhà sáng lập Kroc đã đưa ra bảng tiêu chí QSC&V (Chất lượng, Dịch vụ, Sạch sẽ & Giá trị). Nhưng quan trọng là, tiêu chí chỉ là để đánh giá, các đối tác có toàn quyền quản lý và vận hành để đạt được những kết quả kia.

Các nhà cung cấp nhận định rằng McDonald’s hiểu rất rõ bản chất việc làm của họ, nhưng tập đoàn này lại hoàn toàn không "nhúng tay" vào. Một đối tác đã nói: "McDonald’s đã tạo ra một hệ thống khuyến thích mọi bên cùng hợp tác để đạt được mục tiêu. McDonald’s dường như "sống" chung với các đối tác của mình để giúp họ thành công. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đó là điều ít ai có thể làm được."

Và vì McDonald’s không kiểm soát quá trình – các đối tác có thể "tự do" phát triển để trở nên tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn … Những sáng tạo nhằm giảm chi phí, tăng mức độ dịch vụ khách hàng, hoặc thậm chí là chế tạo sản phẩm mới luôn được McDonald’s nhiệt liệt chào đón.

Nguyên tắc 3: Đối tác cũng có tiếng nói

Đối với McDonald’s, các nhà cung ứng và đối tác luôn là trọng tâm trong mỗi chiến lược và kế hoạch phát triển.

Nguyên tắc này ngay lập tức mở ra một lợi thế lớn cho các đối tác McDonald’s, khi họ hoàn toàn có thể đưa ra các ý kiến để thay đổi Chuỗi cung ứng của cả tập đoàn sao cho phù hợp với khả năng và thế mạnh của mình.

Nguyên tắc 4: Giảm giá chỉ là nhất thời, giảm chi phí mới là mãi mãi

Mô hình thiết lập giá của McDonald’s đặc biệt ở chỗ mọi bên tham gia đều sẽ đảm bảo được lợi nhuận. Tương lai tài chính được đảm bảo của các đối tác sẽ là những viên gạch vững chắc cho tương lai của McDonald’s.

Chẳng hạn đối với các gã khổng lồ chuyên "chèn ép", đối tác khi không còn lợi nhuận sẽ liên tục "sáng tạo" ra nhiều cách tiết kiệm, qua đó có thể ảnh hưởng tới chất lượng thành phẩm cuối cùng, một điều cực kỳ nguy hiểm đối với chuỗi thực phẩm như McDonald’s.

Nguyên tắc 5: Tạo điều kiện để "cấp dưới" giải quyết vấn đề

Ed Sanchez, CEO của tập đoàn Lopez Foods, giải thích về nguyên tắc này: "Thế mạnh lớn nhất của McDonald’s chính là khả năng xử lý vấn đề của nhân viên. Tất cả công việc đều được giải quyết ở cấp độ thấp nhất có thể."

Sanchez nói thêm: "Khi làm việc ở một tập đoàn khác, chỉ có vấn đề thiếu 1 chiếc xe tải để vận chuyển thôi mà nó đã được đưa tới tận CEO để xin ý kiến. Trong khi ở McDonald’s, các nhà quản lý sẽ không bao giờ phải tốn thời gian giải quyết những vấn đề này. Nhân viên có khả năng sẽ ra sức giải quyết vấn đề một cách triệt để, CEO không phải là người giải quyết việc nhỏ nhặt."

HỢP TÁC CÙNG XÂY DỰNG CHUỖI CUNG ỨNG

 

Rất nhiều đối tác đã giữ mối quan hệ với McDonald's trong suốt nhiều thập kỷ, thậm chí một số vẫn còn hợp tác kể từ khi nhà sáng lập Kroc đích thân bắt tay họ.

Chẳng hạn như nhà cung cấp khăn giấy Martin-Brower LLC, công ty này đã làm việc với McDonald’s từ tận… năm 1956! Đối tác này tự hào là người cung cấp sản phẩm cho cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại Illinois, và cho đến nay đã mở rộng mạng lới lên tới 15.000 địa điểm khắp Bắc Mỹ.

Trích quyển "Behind the Golden Arches": "Tastee-Freez bán tủ đông cho đối tác nhượng quyền. Dairy Queen "xén" 45 xu trong mỗi 1,4 USD nguyên liệu. Chicken Delight buộc đối tác phải mua lò nướng của hãng. General Equipment cung cấp máy làm nước ép, nồi đun, và hầu hết dụng cụ bếp cho các cửa hàng nhượng quyền Burger Chef."

Nhà sáng lập Kroc cho rằng đó là một cách kinh doanh "thiển cận", đối với ông, thành công chỉ được minh chứng qua thời gian dài. Và đối tác nhượng quyền phải được toàn quyền hoạt động miễn sao đảm bảo chất lượng và dịch vụ ở mức cao nhất.

Và để quá trình "chế tạo" kiềng ba chân được đảm bảo, McDonald's luôn theo dõi mọi số liệu diễn ra và chia sẻ với các đối tác trên khắp thế giới, từ doanh số từng sản phẩm, mức độ tồn kho, dự báo cung cầu, …

Mối quan hệ "sát sao" này đã giúp McDonald's vượt qua bao hiểm họa có thể đưa công ty đến bờ vực phá sản. Từ dịch cúm gia cầm gây ảnh hưởng tới 40 triệu gà đẻ trứng khắp nước Mỹ trong năm 2015. Bằng sự hợp tác nhanh chóng với các đối tác cung cấp, McDonald's nhanh chóng thu gom được một lượng trứng sạch khổng lồ với chất lượng cao và giá thành thấp nhất thị trường, trong khi các đối thủ trong ngành phải chật vật dẫn đến thua lỗ nhiều năm liền.

Hoặc như cáo buộc sử dụng thịt ngựa vào năm 2013 tại Châu Âu, McDonald’s nhanh chóng làm việc với đối tác cung cấp thịt để đưa ra một loạt tài liệu minh chứng cho nguồn gốc thực phẩm.

KẾT QUẢ

 

Tờ USA Today nhận định rằng thực phẩm tại McDonald’s có mức độ an toàn gấp 10 lần các bữa ăn học đường tại Mỹ. Hiệp hội Nông sản Hoa Kỳ còn công nhận McDonald’s là chuỗi thức ăn nhanh có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm số một tại nước Mỹ.

Chiến lược "kiềng 3 chân" đã đem về thành công vang dội khắp thế giới, trải dài khắp 100 nước với hơn 35.000 địa điểm, McDonald’s không chỉ trở thành một tên tuổi hàng đầu thế giới, mà còn tạo nên một tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn và một tấm gương hợp tác "kinh điển" cho mọi mô hình kinh doanh.