Chuyện chiều thứ 6: Bạn cũ như lá vàng

Hôm nọ vừa post cái ảnh đi chơi một phát ngay lập tức có thằng bạn cũ nhảy vào còm “hồi xưa tại vị trí này các tù nhân chính trị đều bị đẩy xuống đấy cho cá mập ăn. Nhưng nay đồng chí nào ít đi họp lớp là cũng bị đẩy xuống đây đấy”. Cười tí sặc.

Các bạn họp nhiều quá, mà toàn vào ngày nghỉ nên mình đúng là chịu đấy, vì ngày đấy là dành cho gia đình. Và vì ít đi họp nên đến khi cập nhật thông tin thì tối tăm mặt mũi.

Có đứa vui lắm. Ở vậy mãi rồi đùng một phát gặp thấy bụng lùm lùm. Mình không do dự chúc mừng nó đã có một quyết định sáng suốt khi làm single mom trước ngưỡng tuổi 40. Mình biết, nó nhọc nhằn mưu sinh, cằn cỗi tồn tại hết đêm đến táng sáng với gian hàng nước về đêm thương rớt nước mắt. Sau đấy cũng có vài cú điện thoại của các bạn cũ hỏi han về nguồn gốc xuất xứ của thằng cha đứa bé. Mình không quan tâm mấy, chỉ sau mỗi lần như thế lại thêm động lực nhắn nó cái tin động viên dù biết rằng khi người ta đã quyết thì không gì lay chuyển nổi. Và không hiểu sao, hầu như những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh này đều là những bé trai mạnh khỏe, bụ bẫm, lớn lên và nhanh chóng trở thành chỗ dựa cho người phụ nữ đã có một quyết định dũng cảm là khai sinh ra nó.

Thật may, hình như chính sự "vô tâm đúng mức" của mình lại khiến nó xích lại gần mình hơn. Nó kể bố thằng bé không phải ai xa lạ, chính là một thằng trong nhóm bạn cũ của cả hội, từ lâu đã không hạnh phúc với vợ và bọn nó đã thương nhau như thế nào. Rồi bọn nó chở nhau đến nhà mình chơi một lần duy nhất để mình được nói cái điều già dặn mà có nằm mơ chả bao giờ nghĩ mình có thể nói được: “Chúc mừng ông nhé, ông giờ nặng gánh ra phết vì có những hai tập. Nhưng tôi tin ông sẽ làm tốt. Nhớ bù đắp đừng để mẹ con nó thêm thiệt thòi nhé”. Giờ bọn nó ngon, hạnh phúc lắm dù vẫn nghèo.

Lại có đứa bạn cũ xuống dốc thảm hại. Xưa nổi tiếng xinh xắn, khôn ngoan, lẳng lơ và cũng chính mấy thứ khiến nó nổi tiếng đó lại đưa nó đi xuống bùn. Con cái lớn hết cả, không biết thế nào thằng chồng của nó lại đánh nhau với hàng xóm bị án đi tù, thế là vợ nghĩ sao quyết định theo cô bạn vào nam lập nghiệp. Cô bạn cũng là bạn cũ cùng lớp với cả mình nên câu chuyện mới thêm phần buồn. Loanh quanh, nó chài luôn thằng chồng cô bạn, thế là cửa nhà tan nát, đâu được vài tháng lại cuốn gói hết ra ngoài này. Rồi thì đánh ghen, rồi thì chả thiếu câu nào xúc phạm nhau, người càng nghĩ càng cay cú vì nuôi ong tay áo, kẻ vỗ ngực tự xưng “vì chồng mày nó ở với mày như hai thằng đàn ông ở với nhau nên nó vồ lấy tao”. Bạn bè không nhìn mặt nhau từ ấy. Đi họp lớp nghe bảo có đứa này thì không có đứa kia.

Hội lớp cũ ai chả nhiều, nào là cấp 1, cấp 2, cấp 3, rồi đại học, rồi đại cương lại chuyên ngành… Nhưng có lẽ, sự trái ngược đến mức khó tưởng tượng của số phận của mỗi thành viên trong lớp thì bạn cấp 1 là nhiều hơn cả.

Tiêu biểu là đứa bạn gái cấp 1 nhà giầu nhất làng, cũng xinh xắn, tinh nghịch đủ kiểu. Thế rồi không học hết cấp 3, theo mẹ đi buôn bán, rồi nghe đâu dính vào vụ ma túy phải chịu án 7-8 năm ở Nghệ An. Thời gian trôi, quãng thời gian đó các bạn đều lập gia đình, làm nên sự nghiệp thì nó chôn vùi tuổi trẻ trong xà lim. Về, nó đã thành một mụ đàn bà trác táng và thay đổi giới tính, chuyên cặp với các mà mì sồn sồn. Gặp mình trong buổi họp lớp, sau một thoáng e dè, ngượng ngùng chào mình lí nhí: “Chị, em chào chị”, nó lại trở lại vẻ bặm trợn cười đùa văng tục cũng mấy thằng bạn trai cũ. Xưa mình và nó cũng có thời gian chơi thân với nhau, nó gọi mình là chị xưng em và thường ra tay nghĩa hiệp mỗi khi mình bị ai đó bắt nạt. Nhìn nó xù lông nhím, mình chỉ mong nó ổn dù trong bất cứ hình hài nào.

Hôm nghe tin nó gẫy chân nằm viện, cả hội lại vào thăm. Đang lao xao quà cáp, lao xao chuyện trò thì mấy “bà bồ” của nó xuất hiện, bọn mình lại lặng lẽ rút lui. Bẵng đi một thời gian, lại nghe bảo nó… sinh em bé. Choáng hết cả người. Nhưng mình không đến thăm, đúng hơn là không dám. Mình sợ. Ngại. Và muốn quên nó đi…

Tình cờ hôm nay đi một đám hiếu thì gặp lại nó ở nhà tang lễ. Nó làm cái nghề “cò” vòng hoa, đứa con gái nhỏ lôi thôi, líu díu “đi làm” cùng mẹ. Nhìn thấy mình, khuôn mặt cằn cỗi, phong trần, mái tóc đã chen nhiều sợi bạc, nó chợt sững lại. Như một phản xạ, mình rút tiền cho con bé mấy đồng. Lời mẹ nó nói như gió thoảng bên tai: “Con xin bác đi. Em cảm ơn nhé, giờ em bán cái này hai mẹ con em sống qua ngày. Khi nào rảnh qua đây chơi với em”. Mình gật đầu, nắm tay nó nói một điều mà đã rất nhiều năm chưa kịp nói: “Gắng lên em, giờ có động lực là con bé, hãy làm lại cuộc đời nhé”.

Người ta hay ví “bạn cũ như lá vàng”, còn mình lại thấy “Bạn cũ như giấy mới” thì đúng hơn.

Thuy miny