Chuyện chiều thứ 6: Đàn ông gen trội là yếu đuối

Thằng bé hơi ẻo lả, nghỉ hè, bố mẹ quyết định cho đi trại hè quân đội để rèn giũa. Tưởng thế là yên tâm ai dè ở nhà có biến.

Đi trại hè nghĩa là suốt trong thời gian đó thằng bé sẽ được làm quen với cuộc sống quân ngũ, không điện thoại, không ipad, không người thân, không tiện nghi như điều hòa, xí bệt, trà sữa, bim bim, ti vi cũng không nữa… Tất cả đều sinh hoạt tập thể, bạn nào cũng như bạn nào.

Tối nó gọi điện về. Bố nó như vồ lấy điện thoại nghe ngấu nghiến. Tiếng nó lí nhí: “Con không dám đi toa-let bố ạ. Bẩn lắm, không như ở nhà. Con quen nhiều bạn mới rồi, nhưng mà tối bắt đầu hơi nhớ nhà. Bố ơi, con chỉ khóc một chút thôi…”. Thằng bé nói có thế thôi mà bố nó ngồi thần mặt ra, mặt chảy xệ, mắt ươn ướt… Ôi cái ông bố thân hình to như gấu, miệng lưỡi ngoa ngoắt, chém đinh chặt sắt coi trời bằng vung thế mà hôm nay mềm như bún. Ban đêm điều hòa chạy ro ro, chiếu mát-xa rải trên đệm Kim Đan mát lạnh mà trằn trọc, giở mình qua giở mình lại làm bà vợ mất cả ngủ. Mãi đến gần sáng mới chợp được mắt một tí thì lại nghe ông chồng nói mớ “Cu Tin nhớ đi toa-let nhé, có cái khẩu trang trong balo đấy, đeo vào rồi nhắm mắt nhắm mũi mà đi không là táo bón tắc ruột toi đấy con”… Sáng ra thấy ông ý đã ngồi ngay ngắn ngoài chiếc bàn làm việc đang đọc vào trang của trại hè đọc thông tin. Thấy ảnh thằng con mặc quân phục đầu đội mũ tai bèo miệng bố cười như mếu. Nhìn ông chồng qua có một đêm mà râu ria lởm chởm, mẹ nó chả còn chỗ nào để thở than nữa.

Mẹ nó lại nhớ lại hồi xưa, khi đi thi đại học, người đưa đi cũng là bố…

Bố lặn lội cùng con gái tìm trường, tìm thầy để ôn, tìm “sư phụ” để tầm sư học đạo. Cái trường mà cô chọn có chút đặc biệt vì liên quan đến nghệ thuật nên việc chọn sư phụ để được hấp thụ, được làm quen dần với giới văn nghệ sĩ, được sống trong môi trường sáng tác sớm là rất có lợi. Thế là bố đành muối mặt gặp lại một bà bạn cũ làm nghề biên kịch và viết báo phê bình lý luận, người đã từng chỉ vào mặt bố nói những lời cay nghiệt vì bố đã từng vay bà ta một khoản tiền và chậm trả. Mãi sau này cô con gái mới biết bí mật này, còn khi đó, sau khi được nhận làm đệ tử cô đã “cắp tráp” cùng bà nhà báo đó tung hoành khắp Hà Nội, làm quen và hiểu nhiều hơn về giới văn nghệ sĩ, học được bao nhiêu vốn sống cho bước khởi đầu làm nghề của mình.

Ngày cô đi thi, bố lại là người đưa. Ngày báo điểm, bố lại là người đưa cô vào trường xem điểm. Bố dắt con gái vào xem xong lại không dám nhìn bảng điểm. Đến khi cô bảo “Con đỗ rồi” bố cười như mếu. Rồi suốt chặng đường về bố vui như tết. Bố vẽ lên bao nhiêu kế hoạch cho một nữ nghệ sĩ tương lai… Đêm đó cũng là một đêm không ngủ của bố!

Nhưng rồi tất cả các kế hoạch đều không thành. Cô bị bệnh lạ bất ngờ ngay trước khi nhập học, đành phải dang dở ước mơ làm nghệ sĩ. Nhìn bố gắng quên đi nỗi buồn thương con gái chưa kịp thực hiện mơ ước, cô phải tỏ ra hồn nhiên, coi mọi chuyện hết sức nhẹ nhàng. Bây giờ, bao nhiêu năm đã trôi qua, mọi điều đều đã thay đổi, vậy mà mỗi khi xem phim truyền hình Việt Nam bố lại bâng khuâng đặt một câu hỏi: “Hồi đó mà cái Huyền vào trường thì giờ thành tài rồi”…

Chắc có lẽ vì quá yêu bố nên cô đã chọn cho mình một người đàn ông… yếu đuối giống bố. Và rồi cả cậu nhóc con của cô nữa, dường như cũng chung một mẫu số.

Biết làm sao được khi cô lại yêu tất cả những người đàn ông như thế?

Thuy miny