Chuyện chiều thứ 6: Giết sâu bọ với cả một trời thương nhớ

Bà nội tôi là người phụ nữ rất thú vị. Bà luôn hiện thực hóa những thứ rất “vô hình” thành cái gì đó rất cụ thể, rất có ý nghĩa để rồi thực hiện. Ví dụ như lễ giết sâu bọ.

Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết Đoan ngọ, bà lại rộn ràng chuẩn bị để cả nhà có không chỉ một mà đến hai lễ giết sâu bọ. Từ trước đó cả tháng, bà đã ủ rượu nếp, một mẻ nếp cẩm và một mẻ nếp cái hoa vàng. Tôi bé có biết gì về quy trình đâu, chỉ thấy đến đoạn về sau ngày nào cũng thấy bà mở hai cái hũ ra và nếm, miệng tấm tắc khen “ngấu rồi mày ơi”, mỗi lần như vậy mùi rượu nếp lại thơm lừng khắp các gian nhà, thèm tứa nước  miếng nhưng bà chỉ cho nếm có một thìa bé xíu khiến cho tôi thường xuyên ước được biến thành sâu bọ để được “giết chết” một cách ngọt ngào, thơm nức như vậy.

Rồi bà còn chuẩn bị cả các thức hoa quả khác để bày lên bàn thờ vào ngày trọng đại đó. Tôi nhớ sáng vừa ngủ dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt, bà đã lôi bọn tôi ra cái bàn uống nước của cả nhà xúc cho mỗi đứa một cái bát bé xíu rượu nếp và sắp một đĩa mận hậu đỏ ngọt lừ cùng đĩa dưa gang trắng phau, bà bảo “Ăn luôn cho sâu bọ trong bụng nó chết cho các cháu bà khỏe mạnh hay ăn chóng lớn”. Thế rồi bà cứ ngồi say sưa nhìn chúng tôi tranh nhau ăn, thêm cái nọ, bớt cái kia… luôn tay luôn chân.

Tôi thì thích ăn mận hậu nhất, nhưng phải chấm muối cơ, bà bảo tôi ăn vừa thôi không có cồn ruột, tập trung ăn rượu nếp cẩm í, ngon mà không bị cồn ruột. Bà chả nói kịp vì tôi đã chén đến quả thứ 5 rồi và giờ mới chuyển sang bát rượu nếp. Cái Hoa em kế tôi thì lại chuyên ăn dưa gang. Nó bảo ngoài lý do dưa gang ngọt thì nó còn muốn thử nghiệm vì sao hạt dưa gang lại không thể tiêu hóa trong đường ruột được 100% mà cứ phải “gặp lại” khi đi vệ sinh. Đến chết cười với con bé vì cho đến tận giờ phút này, đã gần 30 năm trôi qua mà những “thí nghiệm” với cái món này vẫn chưa ra kết quả. Còn thằng cu út mới hài. Nó nghiện món rượu nếp của bà từ ngày mới biết ngồi. Năm nay bà phải trông chừng nó nhất vì năm ngoái nó ăn đến mấy bát rồi say quá nằm lăn ra ngủ cả một ngày trời người đỏ như con tôm lột. Trước khi ngủ nó làm trò hát múa rồi cười đùa như một chú hề khiến cả nhà cười nôn ruột. Bố mẹ tôi cũng tranh thủ ăn mấy thứ như bọn tôi nhưng rất ít và nhanh để còn kịp chở nhau đi làm, để lại lũ con và cả cái tết Đoan Ngọ cho bà mẹ già xoay sở, hết buổi chiều, hết giờ làm mới về. Tối cả nhà lại quây quần bên nồi bún xáo măng ngan ngon không thể tả. Bà nội tôi đấy, lúc nào cũng chu toàn mọi việc và đặc biệt “thả hồn” trong ăn uống.

Chính vì bà nội có tâm hồn ăn uống và chiều chuộng các con các cháu đến thế cho nên dù kinh tế nhà tôi khi đó cũng như các nhà khác trong xóm nhưng lễ giết sâu bọ của chúng tôi luôn hoành tráng, túy lúy từ sáng tới tối, hơn đứt các nhà khác. Tôi cứ nghĩ, tưng bừng như thế này thì lũ sâu bọ nhà tôi phải 2 năm mới có thể quay trở lại trong bụng chúng tôi!

Thế nhưng, bà còn luôn cho cả nhà một lễ giết sâu bọ “xịn xò” hơn sau đó hai ngày!

Sau hai ngày oánh chén, khi hơi rượu nếp đã “hả” trong mạch máu cơ thể, là khi bà mang ra cho mỗi người một viên thuốc diệt giun và bắt uống ngay tại chỗ. Hồi bé tôi nghe ai cũng gọi đó là thuốc giun quả núi vì trông nó giống hình chóp núi màu hồng và hình như rất thơm và ngọt nên háo hức uống lắm. Bà bảo: “Bà chọn dịp đúng ngày giết sâu bọ này cho cả nhà uống thuốc giun để đánh dấu khỏi quên, khỏi bị lẫn lộn. Sâu bọ cứ gọi là tan xác pháo trong tay bà già này nhé”!

Cái cách bà “hiện thực hóa” các nghi lễ cúng giỗ của bà tôi đã học tập và áp dụng cho cuộc đời mình. Trong cuộc sống bộn bề các sự kiện, các cuộc hẹn hò, sự giới hạn thời gian, tôi càng nhận thấy cách thức đánh dấu ghi nhớ của bà thật khoa học và ý nghĩa biết bao!

Lại một cái tết Đoan Ngọ nữa về, tôi lại nhớ bà tôi – người phụ nữ tảo tần, ăm ắp thương yêu đã cho chúng tôi không chỉ mỗi năm được hai lần giết sâu bọ, mà đã cho chúng tôi cả một bầu trời thương nhớ từ mỗi tập quán sinh hoạt đời thường, nhỏ nhặt nhất!  

Mai Hoa