Giai đoạn tìm hiểu, nghe anh đôi lần “cảnh báo” rằng “lý lịch nhà anh có vấn đề”, chị bật cười vì nghĩ thời nay mấy ai còn đặt nặng chuyện lý lịch. Chị có tâm sự với bố mẹ thì nhận được câu trả lời vui: miễn nó không phải đối tượng trộm cắp là được!

Nhưng tuần trước chị được 1 người rất tin cậy cho biết: nhà anh ấy có số má trong việc buôn bán ma túy! Chị choáng váng, xin nghỉ làm ở công ty về nằm bẹp dí, thậm chí đã uống rượu giải sầu tưởng đến bị… thủng ruột. Rồi chị gặp anh hỏi cho ra nhẽ thì anh thẳng thắn công nhận sự thật: gia đình anh có máu liều, sẵn sàng phạm pháp để kiếm tiền, ngay cả khi đã có của ăn của để rồi thì vẫn tiếp tục làm giàu theo cách đó. Cha mẹ anh chị em ruột của anh đều dính dáng đến ma túy, nhẹ thì bị bắt lên phường, không thì tù vài năm đến chung thân, có người còn bị “dựa cột”.

Chị thấy nguy hiểm và sợ nhưng đã yêu anh quá mất rồi.

Chị hiểu rằng, dù tình yêu là điều kiện tiên quyết cho một mối quan hệ song phương hiệu quả, nhưng sau vài năm bên nhau, các cặp đôi thường nhận ra rằng tình yêu không phải là tất cả những gì họ cần. Tìm bạn đời chung sống nếu chỉ dựa vào tình yêu mù quáng không sớm thì muộn hôn nhân sẽ bị trục trặc.

Để lấy nhau, phải xét thật kỹ anh ấy/ cô ấy có những điều kiện gì cho hôn nhân. Và có những điều gì nguy hiểm đến sự ổn định của gia đình mai sau. Tại sao kết hôn vì "tính toán" lại bền hơn là cưới chỉ vì đã trót yêu say đắm là vậy. Đôi khi người ấy đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn để yêu và cưới nhưng chỉ cần bị vướng 1 yếu tố nguy hiểm là mình cũng phải tìm đường rút lui về hậu tuyến an toàn (chẳng hạn, anh ấy đã có vợ con, còn gọi là đi "tù chung thân" hay "chậu đã có hoa”.

Đằng này anh í lại ở một dạng “nguy hiểm” khác, hoàn toàn đặc biệt.

Sau đó hai người đã làm được một điều thực sự khó, đó là: ngồi xuống và viết ra các giá trị mối quan hệ của hai người, một danh sách những phẩm chất mà cả hai muốn thể hiện hàng ngày. Trớ trêu thay, hai danh sách ấy chỉ có một vài cái trùng hợp với nhau.

Thế là chị đã rõ mình cần phải làm gì.

Khi yêu, người ta cần nghĩ đến tương lai và tính toán những cái kết có hậu dựa trên hoàn cảnh thực tế. Kiểu “tình yêu tính toán” này phù hợp với những người biết hoạch định cho mình một kế hoạch mưu cầu hạnh phúc cho mai sau. Khác với “tình yêu say đắm”, yêu đến quên cả trời đất, quên đi chính bản thân mình, sống chết để yêu cho bằng được. Tiếc rằng truyện ngôn tình và phim rạp chẳng mấy khi ngợi ca loại tình yêu toan tính này, dù trên thực tế "nó" lại sống bền lâu.

Người phụ nữ thông minh là người biết lên kế hoạch cho tình yêu, biết dùng phép thử để cân nhắc xem người yêu của mình có thể đảm bảo cuộc sống gia đình sau này hay không? “Gia tài” mà dòng họ hai bên để lại cho con cháu là gì? Cổ nhân có câu “một trăm cái 'phúc' của nhà vợ không bằng một cái 'nợ' của nhà chồng” là khéo léo nhắc cô gái cẩn trọng điều gì?...

Thật may, chị đã yêu "nhầm" nhưng không lấy nhầm "bố già"!