Bố đột quỵ rồi mất ngay sau đó, bỏ lại bao tiếc nuối, nhớ thương trong lòng cô con gái duy nhất mà đầu cũng đã hai thứ tóc. Hai vợ chồng Vân và bé Nhím đành dứt áo ra đi khi nỗi buồn vẫn còn chưa nguôi. Cuộc sống bên đất Mỹ của một giáo sư được một trường đại học ngôn ngữ mời thỉnh giảng chẳng có gì để phàn nàn, bên chồng bên con, công việc đúng sở trường đam mê và một mức lương cao đầy đủ không thiếu thứ gì làm Vân rất hạnh phúc.

Đây là kế hoạch cô đã thai nghén và chọn lựa rất lâu rồi. Bé Nhím thì phải học lại một năm để theo kịp chương trình nhưng bù lại con được thỏa sức học đàn và các môn nghệ thuật khác. Chồng Vân cũng rất vui vì đang chuẩn bị làm việc ở một công ty chuyên lĩnh vực thiết kế thiết bị năng lượng mặt trời. Nơi họ ở là thành phố San Francisco, có biển có rừng, cuối tuần và đúng thời điểm có thể cùng bạn bè đi săn, đi chơi, ra biển, xem phim, xem đá bóng… Một cuộc sống mới với nhiều lạ lẫm, háo hức đã cuốn Vân đi…

Bạn bè cô ở Việt Nam di cư sang đây cũng khá nhiều và thường xuyên liên lạc thăm viếng nhau. Người Việt ở đâu cũng thế bất kể sang hèn, là “tâm lý bầy đàn” hay lối sống giầu tình cảm đã quy tụ họ vào với nhau? Bên cạnh việc thích nghi, trải nghiệm cuộc sống mới với những quy định luật pháp mới thì họ thích nhất là những chuyến đi cùng nhau lên rừng hay xuống biển vào những kỳ nghỉ hay dịp cuối tuần. Trong số họ rất nhiều người xuất thân ở nông thôn nên cảm xúc lần đầu đi săn bắn hay bắt ốc trên đất nước văn minh làm gì cũng theo luật vừa quen vừa lạ chắc chắn sẽ khiến mọi người không bao giờ quên nổi.

truyen co tich

 Vân đã tưởng tượng sẽ đưa bố cùng đi đến những nơi như thế này để tham quan, du lịch và tận hưởng tuổi già

Nhớ lần các gia đình bạn bè của Vân rủ nhau đi bắt ốc vòi voi. Ốc vòi voi vỏ khá giống con chai sông của Việt Nam, phía đầu ốc thò ra một cái vòi dài từ 25 đến 30cm, như cái vòi con voi. Ai đi bắt ốc cũng phải nắm cơ bản rằng luật pháp bang không cho phép bắt những con ốc vòi voi có chiều dài dưới một gang tay.

Tất cả mọi thứ từ bầu trời, mặt đất, mặt nước ao, hồ, sông, biển… đều được chính phủ Mỹ quản lý bằng luật pháp vô cùng chặt chẽ, nếu không có giấy phép khai thác thì chớ dại buông câu thả lờ, hay tiện tay gom nhặt hải sản chất lên xe chở về tức là đã vô tình biến mình thành tội phạm. Nhớ lần đầu cầm trên tay con ốc vòi voi to nặng trĩu tay, khi cảm giác hỉ hả, háo hức qua đi, bất giác Vân chợt nhớ thời trẻ trâu vô tư lự đặt lờ thả câu ở đầu con sông quê hương hồi còn để chỏm ngày nào đến cồn cào…

Nhưng Vân thích rừng hơn, có lẽ tại quê cô gần rừng Cúc Phương nên cô cứ mê mẩn vẻ đẹp bí ẩn của những cánh rừng già và mùi thơm của sương của đất thì đã ăn vào sâu trong tâm trí cô. Chuyến đi chơi cuối cùng của bố cùng gia đình cũng chính là rừng Cúc Phương. Vợ mất sớm, có mỗi mụn con gái, ông dồn hết tình yêu cho con gái, con rể và đứa cháu ngoại. Ông vui lắm vì đã lâu rồi ông mới tham gia một chuyến đi dễ chịu như thế vì trước đó, chiều con cháu nên ông đành sắm áo phao, kính bơi để ra biển. Ai ngờ chuyến đây lại là chuyến cuối…

truyen co tich

Tuyệt vời nhất là những lúc lái xe trên những con đường đi xuyên qua rừng. Rừng đẹp tuyệt! Xe vượt qua cầu Cổng Vàng, hai vợ chồng cô cứ thế men theo con đường rừng dân sinh, bên phải là rừng, bên trái là biển, đường hai làn xe chạy chênh vênh, vực sâu thăm thẳm... Ở đây hầu hết các thành phố cổ đến hiện đại, đều được xây dựng trên các vùng đồi trọc. Các tuyến giao thông chạy thẳng tắp, trong khu dân cư thì kẻ vuông chằn chặn, như bàn cờ vua khổng lồ.

Nơi cao thì san xuống thấp, nơi thấp thì bồi lấp lên cao, trũng quá thì xây cầu vượt, cao quá thì làm đường chui qua, như đường hầm ở đèo Hải Vân quê mình. Bởi vậy con đường rừng uốn lượn, lên dốc xuống đèo, cua gấp theo địa hình tự nhiên, trở nên kỳ thú, hấp dẫn. Lái xe phải xử lý tốc độ theo các bảng hiệu phản quang bên lề đường. Hầu hết chỉ có thể chạy với tốc độ 25 đến 30 dặm. Đã vậy thi thoảng xe phải dừng giữa lại bất đắc dĩ, để nhường cho mẹ con thuần lộc, mấy gã nai già đi ăn đêm, thủng thẳng cắt ngang qua đường.

Chẳng riêng gì con đường rừng này, nhiều thành phố hiện đại như thành phố cảng Oakland nằm phía đông vịnh San Francisco hay thành phố Sacramento - thủ phủ bang Cali cũng phải gắn biển báo động vật hoang dã để lái xe mỗi khi lái ngang qua cảnh giác… Vân ngạc nhiên vô cùng khi biết được thông tin mỗi năm, bang Cali đã có hàng tấn thịt động vật hoang dã bị chết vì tai nạn giao thông.

chuyen co tich cho nguoi o lai

Người Mỹ không có thói quen ăn động vật hoang dã, nên hai năm trước, chính phủ phải ra khuyến cáo cho người dân nên tận dụng nguồn thực phẩm của thiên nhiên ban tặng này. Nghĩ đến những lần “hộ tống” bố về quê ăn cỗ - những bữa cỗ quây quần có thịt chó thịt mèo và đôi khi cả thịt chuột, hai vợ chồng Vân chợt thấy da diết, cồn cào một nỗi nhớ quê hương. Cảm giác này sau đó hay trở đi trở lại trong cô và cô biết rõ là vì đâu.

Thời gian trôi chậm hơn Vân tưởng. Sau hơn một năm, Vân cũng đã sắp xếp được để về thăm nhà. Cảnh vật nhà cửa, phố phường chưa có gì đổi khác, Vân có cảm giác như mới qua một cái chớp mắt, cô chạy đi tìm bàn thờ bố trong nỗi nhớ cồn cào, tức tưởi. Cô không thôi tự hỏi vì sao số phận lại không cho bố được cùng cô thực hiện kế hoạch hoàn hảo ấy chứ?

Khát khao gặp bố nên Vân đã nghe theo mọi người mời thầy về gọi hồn. Cô muốn được nói chuyện với bố cho dù ở trong hình hài nào và bất chấp “phương pháp” hoang đường đến đâu. Bố cô về, phong thái hóm hỉnh như ngày xưa, vỗ về Vân khi cô khóc nghẹn ngào, ông bảo: Yên tâm bố đã đi theo con rồi còn gì, bố cũng bay cùng chuyến và ngồi ngay bên cạnh con đó.

Cô bật cười trước câu đùa của bố rồi chợt khóc òa khi nhớ ra rằng, cả hai chuyến bay đi và bay về, chiếc ghế bên cạnh cô đều trống không, không có hành khách nào. Như vậy là bố nói đúng, bố không đùa, bố vẫn cùng cô thực hiện kế hoạch di cư hoàn hảo. Hết khóc lại cười, người con gái bỗng thấy nhẹ lòng vô cùng khi hiểu ra rằng bố con họ luôn “đồng hành” theo cách thật đặc biệt này.

Từ đó, trên mỗi chuyến bay dù xa dù gần, Vân luôn có người đồng hành đặc biệt.

Thuy Miny (Ảnh từ liệu từ fb của ông Trịnh Anh Đạt)