Có gì lạ trong bánh Trung thu giá 14 triệu đồng/hộp?

Còn gần 20 ngày nữa mới đến Rằm tháng Tám nhưng trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều thương hiệu bánh Trung thu với mẫu mã phong phú. Cùng với dòng bánh bán bình dân, dòng bánh trung thu có giá “khủ

Bánh giá “khủng” gồm những gì?

Thời điểm này, các công ty sản xuất bánh Trung thu và nhiều khách sạn lớn trên toàn quốc đã tung ra các dòng sản phẩm bánh Trung thu giá từ bình dân đến thượng hạng. Ở dòng bánh thượng hạng đắt tiền, chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi giật mình nếu biết một hộp bánh Trung thu có giá lên đến hơn chục triệu đồng? Đắt nhất hiện nay có thể kể tới hộp bánh Trung thu “Vương kim tri ngộ” của Khách sạn Hà Nội có giá xấp xỉ 14 triệu đồng.

Sở dĩ “Vương kim tri ngộ” có giá “khủng” là bởi hộp gồm 4 bánh nhân sen trắng lòng đỏ trứng mặn lại kèm theo 1 chai Ballantine 30 năm. Hộp này thường được mua để làm quà biếu, quà tặng bởi độ sang trọng.

Cận cảnh hộp bánh trung thu hạng sang có giá gần 14 triệu đồng

Chị Bùi Thúy Nga, ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Bánh thì cũng bình thường như các chỗ khác, đắt chủ yếu là ở chai rượu. Bánh Trung thu đi kèm theo rượu, trà đã trở thành mốt để người ta mua làm quà biếu, giá đắt hay rẻ phụ thuộc vào đồ đi kèm”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bánh Trung thu của Khách sạn Hà Nội năm nay loại thấp nhất có giá 668.000 đồng/hộp, đắt nhất là 13.998.000 đồng/hộp. Bánh Trung thu cao cấp của Khách sạn Hà Nội có các mức giá: 2.998.000 đồng/hộp (có kèm 1 chai rượu Ballantine 12 năm); 4.898.000 đồng/hộp (kèm 1 chai rượu Ballantine 17 năm) và 7.398.000 đồng/hộp (kèm 1 chai rượu Ballantine 21 năm).

Năm nay, thương hiệu bánh Trung thu Kinh Đô cũng tung ra thị trường dòng bánh “Trung thu trăng vàng” nhân được làm từ nguyên liệu đặc biệt như: cua huỳnh đế, bào ngư, tôm càng, hạt sen tứ quý. Sản phẩm “Trăng vàng Kim Cương Trường Khang” gồm 6 bánh + hộp trà có giá 3,2 triệu đồng/hộp; loại “Trăng vàng Bạch Kim Đắc Lộc” gồm 6 bánh+hộp trà có giá 2,1 triệu đồng/hộp. Ngoài dòng cao cấp, Kinh Đô còn trung thành với các dòng bình dân có giá từ 40.000 đồng đến 470.000 đồng/1 sản phẩm. Ngoài ra, Kinh Đô còn tung ra thị trường dòng cho người ăn chay và ăn kiêng.

Khách sạn Hilton cũng tung ra thị trường dòng bánh cao cấp, mức đắt nhất là hộp VIP Gold có giá 3,5 triệu đồng. Sản phẩm này gồm 4 bánh cỡ lớn, 1 gói chè, 1 bộ đồ chơi Lego và 1 chai Chivas Ragal 18. Thương hiệu Cung Đình cũng cấp cho thị trường nhiều loại bánh cao cấp, nhưng lại chú trọng vào hàng đính kèm. Sản phẩm đắt nhất của Cung Đình là An Quý Ballantine 17 (gồm 8 bánh và 1 chai rượu Ballantine 17) có giá 4.388.000 đồng.

Nỗi lo nguyên liệu bánh Trung thu giá rẻ

Hiện nay, với tâm lý lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đang hướng tới những sản phẩm bánh Trung thu tự làm. Người người đi học làm bánh, nhà nhà mua nguyên liệu để có thể tự tay làm ra một chiếc bánh trung thu.

Để phục vụ cho nhu cầu tự làm bánh này, thị trường Hà Nội cũng đã xuất hiện các quầy hàng chuyên kinh doanh nguyên liệu để làm bánh Trung thu. Tại chợ Đồng Xuân, khu vực các quầy kinh doanh đồ khô, những túi hạt dưa bóc vỏ, vừng, lạp xưởng, mứt bí, mứt hạt sen, mỡ đường… đang được tiêu thụ khá chạy. Tuy nhiên, hầu hết các loại nguyên liệu này đều không có bất kỳ nhãn mác gì chứ chưa nói đến ngày sản xuất hay hạn sử dụng. Tất cả chỉ được đựng trong những túi nilon và bảo quản một cách sơ sài.

Tại phố Hàng Buồm, nguyên liệu làm bánh như nhân bánh, bột vỏ bánh, hương liệu, phẩm màu… cũng đã được bày bán khá phong phú. Gây chú ý nhất chính là những gói nhân bánh màu sắc rất bắt mắt, thấm đẫm dầu mỡ, bốc mùi hương liệu khá nồng nặc đóng sẵn trong các gói 3kg, 2kg, 1kg. Nhân bánh khoai môn màu tím, nhân bánh đậu xanh có màu xanh thẫm, nhân bánh hạt sen thì màu vàng…

Đặc biệt, giá thành của những túi nhân bánh này khá “hạt dẻ” chỉ dao động từ 50.000 đồng - 70.000 đồng/kg.

Tại một cửa hàng cung cấp nguyên liệu làm bánh Trung thu phố Hàng Buồm, biết chúng tôi đang có nhu cầu mua nguyên liệu làm bánh, chủ quầy nhiệt tình quảng cáo: “Các em mua nhân bánh đi. Giá cả phải chăng, mua ít thì một loại giá, mua nhiều giá thành lại hữu nghị hơn”. Theo lời người bán hàng thì nhiều người tiêu dùng lựa chọn các túi nhân bánh như thế này bởi rất tiện lợi, chỉ cần thêm bột, cho vào khuôn là thành bánh Trung thu. Với 2kg nhân là có thể làm 40-50 chiếc bánh.

Nguyên liệu làm bánh Trung thu luôn là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm

Từ 5/9/2017, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu. Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội tổ chức tiến hành kiểm tra về an toàn thực phẩm Tết Trung thu 2017 tại 30 quận, huyện, thị xã. Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội) thì ngay từ tháng 8, Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Hoàn Kiếm đã tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.

Hiện tại trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chủ yếu bày bán bánh Trung thu của các thương hiệu, chưa phát hiện bánh không rõ nguồn gốc. “Nhân và các nguyên liệu làm bánh Trung thu bày bán trên địa bàn Hoàn Kiếm chủ yếu đều của các cơ sở sản xuất trong nước, nhiều nhất là của tỉnh Bình Dương, qua kiểm tra đều có hóa đơn, chứng từ, chưa phát hiện nguyên liệu nhập lậu, nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ”- ông Chiến cho biết.

Bánh Trung thu đang được sản xuất rầm rộ vào thời điểm này, đặc biệt là bánh Trung thu tự làm được rao bán trên mạng. Công tác kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, nhân bánh, bao bì... gần như là con số 0 với loại hình bánh Trung thu "hand made".

Chính vì vậy, để tránh nguy cơ bị ngộ độc khi ăn phải bánh Trung thu kém chất lượng thì việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào ở thị trường là hết sức cấp bách. Lực lượng QLTT cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất kém chất lượng, đặc biệt là ngăn chặn nguồn nguyên liệu nhập lậu, nguyên liệu không đảm bảo trước khi đưa vào sản xuất.

Hằng Hương