Cơ hội đầu tư vào Cần Thơ với 54 dự án tiềm năng

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư TP Cần Thơ năm 2018 tổ chức sáng nay 10/8/2018. Với chủ đề “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển” dưới sự chủ

Hội nghị nhằm giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng, cơ hội đầu tư và chính sách hỗ trợ đầu tư của thành phố để kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư; chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh của thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt trong 3 lĩnh vực là dịch vụ logistics và du lịch, nông nghiệp hiệu quả cao và phát triển khoa học công nghệ. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội thiết thực để các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp quảng bá hiệu quả, nâng tầm thương hiệu cũng như mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thành phố Cần Thơ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ năm 2018 với chủ đề “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”. Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để Cần Thơ cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với những lĩnh vực tiềm năng của Cần Thơ.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư thành phố Cần Thơ năm 2018

Phát biểu tại phiên thảo luận Phát triển trung tâm dịch vụ thuộc khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Cần Thơ với vị trí là trung tâm của ĐBSCL, cần đóng vai trò quan trọng và đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ thành phố mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong sự phát triển chung của cả nước. Trên cơ sở đó, cùng thảo luận đề xuất những biện pháp phối hợp giải quyết nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, với các nước trong khu vực và thế giới.

Mặt khác, tập trung thu hút đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, các trung tâm logistics và hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo hướng phát triển đồng bộ, bền vững. Tập trung xây dựng một cảng quốc tế đủ tầm cỡ đối với khu vực để đón tàu lớn, có thể khai thác các tuyến đường xa, giảm bớt tỷ lệ hàng phải đưa lên trung chuyển ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Vũng Tàu.

Đặc biệt, cần sớm tiến hành xây dựng cảng Cái Cui thống nhất để tận dụng tốt lợi thế địa lý, phát huy sức mạnh tập trung mới có thể nhanh chóng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thành phố và khu vực; Hoàn thành tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ để nâng cao tốc độ và lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa ĐBSCL với các vùng khác của đất nước, trước hết là Đông Nam bộ.Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bên cạnh đó, việc mở rộng đường bay của Sân bay quốc tế Cần Thơ tăng lượng vận chuyển hàng hóa, mở rộng dịch vụ logistics hàng không nhằm phát triển dịch vụ logistics đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa với tốc độ nhanh, độ tin cậy cao; Tạo cơ chế thông thoáng để mở rộng dịch vụ trung chuyển hàng hóa qua Cần Thơ sang Campuchia và ngược lại.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần chung tay với Cần Thơ hoàn thiện Quy hoạch Trung tâm Logistics hạng II tại thành phố Cần Thơ với tổng diện tích 242,2 ha tại địa điểm Cái Cui, quận Cái Răng để Cần Thơ mời gọi đầu tư hình thành và phát triển trung tâm logistics gắn với hoạt động xuất nhập khẩu của cảng Cái Cui, phục vụ cho hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa kết nối với các tỉnh thuộc ĐBSCL…


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thăm khu trưng bày Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp

Tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Cần Thơ chứng kiến 09 dự án đầu tư được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn trên 6 nghìn tỷ đồng, cùng với cam kết thỏa thuận hợp tác của 19 nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đây là những con số cụ thể, thực chất thể hiện sự quan tâm, ủng hộ to lớn và là nguồn động lực quan trọng góp phần xây dựng Cần Thơ theo hướng trở thành trung tâm dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển khoa học công nghệ, làm cầu nối liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các tỉnh thành trong khu vực.
  


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ ngành chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa UBND TP. Cần Thơ và các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Cần Thơ mời gọi đầu tư 54 dự án thuộc các lĩnh vực: Bất động sản (21 dự án); Văn hóa, thể thao, du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch (9 dự án); Cơ sở hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (9 dự án); kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (8 dự án); logistic và năng lượng (4 dự án); kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao và y tế (2 dự án); công nghệ thông tin (1 dự án). Tổng giá trị 54 dự án gần 124.000 tỷ đồng (tương đương 5.443 triệu USD).