Cơ hội thương mại Việt Nam trong đại dịch Covid-19 qua kiểm soát chỉ số tỷ giá thực: Điển hình ngành Cà phê

ThS. NGUYỄN THÀNH TRUNG (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng cán cân thương mại Việt Nam qua các thời kỳ, qua đó chỉ rõ cơ hội thương mại của Việt Nam trong đại dịch Covid-19 thông qua việc kiểm soát chỉ số tỷ giá thực, điển hình trong ngành Cà phê. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ giá thực có tác động ngược chiều đến sản lượng cà phê xuất khẩu, mỗi phần trăm thay đổi của tỷ giá thực sẽ làm cho số lượng cà phê xuất khẩu giảm ngay gần 0,9%.

Từ khóa: cơ hội thương mại, ngành Cà phê, chỉ số tỷ giá thực, cán cân thương mại.

1. Đặt vấn đề

Phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, ngành Công nghiệp cà phê vẫn tương đối ổn định. Trong năm 2020, giá trị xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2019 và tăng 3,6% so với 5 năm trước (năm 2016. Việt Nam là quốc gia có sản lượng xuất khẩu cà phê số 2 thế giới, trong đó chủ yếu là chủng loại cà phê Robusta, có giá bán thấp hơn Arabica từ Brazil. Trong 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng xuất khẩu giảm hơn 6% so với cùng kỳ, nhưng về giá trị vẫn tăng 2% do diễn biến giá cà phê xuất khẩu thuận lợi. Bên cạnh đặc điểm đặc thù về sản xuất, yếu tố giá cả xuất khẩu quy đổi ra đồng đô la Mỹ (USD) thông qua tỷ giá hối đoái cũng có thể ảnh hưởng đến vị thế ngành Cà phê Việt Nam trên thế giới.

2. Cơ sở lý luận

Tỷ giá danh nghĩa song phương là giá cả của một đồng tiền này được biểu thị thông qua một đồng tiền khác mà chưa đề cập đến tương quan sức mua hàng hóa và dịch vụ giữa chúng [1]. Tỷ giá trung tâm USD/VND được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hàng ngày là tỷ giá danh nghĩa. Khi tỷ giá trung tâm USD/VND tăng lên, nghĩa là phá giá nội tệ, dẫn tới giảm giá hàng xuất khẩu định danh bằng ngoại tệ, do đó nhu cầu đối với hàng xuất khẩu tăng lên. Đồng thời, giá hàng nhập khẩu định danh bằng nội tệ trở nên cao hơn, làm giảm nhu cầu đối với hàng nhập khẩu. Khi đó, cán cân thương mại được cải thiện. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa trong nước có thể tăng cao hơn tỷ lệ tỷ giá trung tâm USD/VND thay đổi, sẽ không rõ hướng tác động lên cán cân thương mại như thế nào, vì chưa nhìn thấy giá cả qui đổi hàng hóa của 2 nước tăng lên hay giảm xuống. Do vậy, để đánh giá sự thay đổi cán cân thương mại, chúng ta cần xem xét tỷ giá thực, là tỷ giá được điều chỉnh bởi tỷ lệ lạm phát giữa trong nước với nước ngoài.

Tỷ giá thực là dạng chỉ số phản ánh sự ngang giá sức mua của các đồng tiền. Tỷ giá thực (er) được đo lường bằng tỷ giá danh nghĩa nhân (x) tỷ lệ chênh lệch giá cả hàng hóa nước ngoài so với trong nước. Chỉ số này bằng 1 (hay 100 điểm) biểu thị 2 đồng tiền ngang giá sức mua, nếu nhỏ hơn 1 thì VND được xem là định giá thực cao (real overvalued) và ngược lại.

Các nghiên cứu gần đây từ Smallwood, A. D. (2019) đánh giá “tỷ giá hối đoái không phải là không có tác động đến thương mại Hoa Kỳ” [5]. Trong đó LE, T. D., & ISHIDA, M. (2016, March) kết luận: “trong dài hạn, tỷ giá có sự tác động tích cực đến cán cân thương mại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng trong ngắn hạn thì ngược lại” [7].

Các nghiên cứu từ Nga, P. T. (2016) và Vân Nga, N. T. (2021) đã khẳng định: thay đổi tỷ giá thực đa phương có tác động đáng kể đến cán cân thương mại Việt Nam [3-4]. Nguyen, V. C., & Dinh, S. T. N.(2020) cho thấy, tỷ giá thực tác động ngược chiều cán cân thương mại trong ngắn hạn và Phúc, N. V., & Trinh, P. T. T. (2011) chỉ rõ “cán cân thương mại xấu đi ngay khi VNĐ giảm giá thực, cán cân thương mại xấu đi trong 3 quý sau khi phá giá, bắt đầu được cải thiện từ quý thứ 4 và thiết lập mức cân bằng mới sau 12 quý” [1, 6].

Nghiên cứu chi tiết về tác động đến cà phê, tác giả Kusumawardani, D., & Mubin, M. K. (2019) nhận định, “chỉ có một số ít hàng hóa bị ảnh hưởng đáng kể bởi biến động tỷ giá hối đoái” [9]. Theo Prajanti, et al. (2020),  “tỷ giá đồng rupiah so với USD không ảnh hưởng đáng kể đến lượng cà phê xuất khẩu của Indonesia”. Dang, T. T, et al (2020) kết luận, “tỷ giá không có tác động đến giá xuất khẩu cà phê trong dài hạn, nhưng có mối quan hệ nhân quả trong ngắn hạn [8, 10].

Cho dù mối quan hệ giữa tỷ giá thực và cán cân thương mại không hoàn toàn khăng khít với nhau, nhưng những nghiên cứu đã cho thấy tỷ giá thực có tác động nhanh và mạnh đến trạng thái cán cân thương mại.

3. Thực trạng cán cân thương mại qua các thời kỳ

Phong tỏa nghiêm ngặt, hoạt động sản xuất suy giảm từ trong các tháng đầu năm 2020 đến nay đã làm cho cán cân thương mại Việt Nam 8 tháng đầu năm 2021 đang thâm hụt 2,63 tỷ USD,ngược lại với con số xuất siêu 13,69 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Hình 1: Cán cân thương mại Việt Nam giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 8/2021

ĐVT: Triệu USD

Cán cân thương mại Việt Nam giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 8/2021

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

3.1. Chỉ số giá cà phê 2009 - 2020

Sự tăng giá cà phê thế giới là động lực thúc đẩy mở rộng diện tích trồng trọt làm tăng nhanh giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018. Tuy vậy, giá cà phê năm 2019 đã xuống mức ngang bằng 10 năm trước đó, ảnh hưởng đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu thu được.

Hình 2: Mối quan hệ giá cả và giá trị xuất khẩu cà phê giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 8/2021

Mối quan hệ giá cả và giá trị xuất khẩu cà phê giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 8/2021

Nguồn: Tổng cục Hải quan và Báo cáo thường niên IFM - World Economic Outlook Database, April 2021

3.2. Sự thay đổi chỉ số chỉ giá thực (Er)

Quan sát số liệu sự thay đổi chỉ số tỷ giá thực của bài viết được tính năm gốc (năm 0) là 2009 với giả định 2 đồng tiền USD và VND được định giá ngang giá sức mua

CT1

và được theo dõi trong 13 kỳ (Từ năm 2009 đến hết 8 tháng năm 2021).

Khi tỷ giá thực (Er) của USD/VND qua các năm tăng (Er>1), làm cho sức mua đối ngoại của VND giảm (VND giảm giá thực), qui đổi giá cả hàng hóa trong nước ra USD ở nước ngoài trở nên rẻ hơn, tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu, làm tăng quy mô cán cân xuất khẩu. Và ngược lại, khi tỷ giá thực giảm (Er < 1) hay VND lên giá thực, sẽ làm cho hàng hóa Việt Nam mắc hơn ở nước ngoài khi qui ra USD, làm giảm xuất khẩu [1].

Tỷ giá danh nghĩa USD/VND dù luôn được điều chỉnh tăng hàng năm, nhưng không đủ bù đắp sự chênh lệch lạm phát giữa 2 quốc gia, tỷ giá thực giảm tức là VND lên giá thực. Theo lý thuyết về ngang giá sức mua sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Hình 3: Tỷ giá danh nghĩa và Chỉ số tỷ giá thực giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 8/2021

Tỷ giá danh nghĩa và Chỉ số tỷ giá thực giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 8/2021

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, World Economic Outlook Database, April 2021

4. Mô hình nghiên cứu

Nhằm đánh giá mức tác động của biến độc lập chỉ số tỷ giá thực (Er) lên biến phụ thuộc sản lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam (Qc), tác giả ước lượng thêm biến độc lập chỉ số giá cà phê Robusta thế giới (Pc) bằng mô hình Tự phân phối trễ (Autoregressive Distributed Lag Model-ARDL) [11], hiệu chỉnh bởi ECM (Error Correction Models) và kiểm định Pesaran, Shin, and Smith (2001) bounds test.

LnQc = a1 + a2LnEr + a3LnErt-n + a4LnPc + a5ΔLnPct-n + u

với t-n là độ trễ tối ưu của các biến độc lập

Sự tương quan (correlation) của các biến cho thấy tỷ giá thực có mối quan hệ tác động ngược chiều với giá cả và sản lượng xuất khẩu cà phê.

Bảng 1. Sự tương quan của các biến

Sự tương quan của các biến

Kết quả tính toán bằng mô hình ARDL cho thấy các biến độc lập giải thích được 83,66% (Adj-R-Squared) cho biến thiên của sản lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam.

Bảng 2. Kết quả ước lượng mô hình ARDL

Kết quả ước lượng mô hình ARDL

Nguồn: Stata/IC 15.01

Với mức ý nghĩa 95%, P > |t| < 0.05 (*) các biến độc lập có tác động đến biến phụ thuộc là: d_LnEr, d_Ln PC-1

Kết quả ước lượng mô hình:  LnQc = 0.551 - 0.8997*LnEr + 0.6903*LnPc-1 + u

Phân tích tác động trong ngắn hạn và dài hạn ở Bảng 3 cho thấy, biến d_Er trong ngắn hạn có ý nghĩa với P > |t| = 0.003 < 5%. Có nghĩa, tỷ giá thực tác động ngược chiều đến sản lượng xuất khẩu trong ngắn hạn.

Bảng 3. Ước lượng hiệu chỉnh ECM

Ước lượng hiệu chỉnh ECM

*LR: dài hạn, SR: ngắn hạn

Bảng 4. Kiểm định Pesaran, Shin, and Smith (2001) bounds test

Kiểm định Pesaran, Shin, and Smith (2001) bounds test

Kiểm định Pesaran, Shin, and Smith (2001) bounds test mối quan hệ của 2 biến độc lập, cho thấy cả F và t đều lớn hơn giá trị điều kiện I(1), chứng tỏ 2 biến độc lập cũng có tác động lẫn nhau trong mô hình.

5. Thảo luận kết quả

Tỷ giá thực có tác động ngược chiều đến sản lượng cà phê xuất khẩu, mỗi phần trăm thay đổi của tỷ giá thực sẽ làm cho số lượng cà phê xuất khẩu giảm ngay gần 0,9%. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước luôn duy trì mục tiêu tỷ giá trung tâm USD/VND hàng năm đều tăng, nhưng VND vẫn đang được định giá thực cao trong suốt hơn 10 năm qua. Vì chỉ số tỷ giá thực luôn nằm ở mức dưới 1, nên việc thay đổi tăng (VND giảm giá thực), thậm chí còn làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, làm cho hoạt động xuất khẩu cà phê suy giảm, chưa giúp ích cho tăng trưởng hoạt động xuất khẩu cà phê nói riêng và hàng hóa của Việt Nam nói chung. Tức là, VND giảm giá thực trong ngắn hạn, cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra giá cà phê trên thị trường xuất khẩu cũng có tác động lớn đến sản lượng xuất khẩu, nhưng có độ trễ sau 1 năm. Điều này cũng dễ hiểu vì sản lượng cà phê phụ thuộc vào mùa vụ canh tác chăm sóc thu hoạch, việc mở rộng diện tích để tăng sản lượng ngay tức thì là điều không thể. Giá cả tăng, kích thích nông dân mở rộng diện tích hoặc nâng cao năng suất, nhưng hiệu quả của tác động đó sẽ cần một khoảng thời gian. Mô hình nghiên cứu đang thu thập theo năm, bởi tính chất mùa vụ của cà phê theo năm, cho dù giá cả tăng thế nào, thời điểm mùa vụ thu hoạch không đổi, nên không thể tăng sản lượng xuất khẩu ngay tức thì.

Kiểm định đường bao Pesaran, Shin, and Smith cho thấy mối liên hệ giữa chỉ số tỷ giá thực và giá cả cà phê trên thị trường thế giới. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, sự thay đổi giá trị thực của VND, trong khi giá cà phê bằng VND không đổi trên thị trường nội địa, phản ánh giá cả quy đổi ra USD trên thị trường thế giới. Như vậy, giá cả cà phê xuất khẩu cũng chịu tác động từ sự thay đổi tỷ giá thực. Chi tiết mối liên hệ đồng liên kết của tỷ giá, giá cả hàng hóa và sản lượng xuất khẩu sẽ được xem xét ở một bài nghiên cứu khác. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Tiến (2017). Giáo trình Tài chính quốc tế. Hà Nội: NXB Thống kê.
  2. Phúc, N. V., & Trinh, P. T. T. (2011). Tác động của tỷ giá đến cán cân thương mại Việt Nam trong ngắn và dài hạn. Tạp chí Kinh tế và Quản trị kinh doanh, 6 (3), 39-51.
  3. Nga, P. T. (2016). Tác động của dao động tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/tac-dong-cua-ty-gia-hoi-doai-den-can-can-thuong-mai-viet-nam-hien-nay-138529.html
  4. Vân Nga, N. T. (2021). Tác động của dao động tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
  5. Smallwood, A. D. (2019). Analyzing exchange rate uncertainty and bilateral export growth in China: A multivariate GARCH-based approach. Economic Modelling, 82, 332-344.
  6. Nguyen, V. C., & Dinh, S. T. N. (2020). Real Effective Exchange Rate, Broad Money Supply, and Trade Balance in Vietnam: An Empirical Analysis from Bounds Test to a Cointegration Approach. International Journal of Innovation, Creativity and Change, 14(2), 733-753.
  7. LE, T. D., & ISHIDA, M. (2016, March). The Effects of Exchange Rate on Trade Balance in Vietnam: Evidence from Cointegration Analysis. In the 52nd Annual Meeting of The Japan Section of the Regional Society Association International, October 10th (pp. 63-71). Japan: Okayama University.
  8. Prajanti, S. D. W., Pramono, S. E., & Adzmin, F. (2020). Factors influencing Indonesia coffee exports volume. In International Conference on Research and Academic Community Services (ICRACOS 2019) (pp. 41-45). USA: Atlantis Press.
  9. Kusumawardani, D., & Mubin, M. K. (2019). The exchange rate misalignment, volatility and the export performance: Evidence from Indonesia. Iranian Economic Review, 23(3), 561-591.
  10. Dang, T. T., Zhang, C., Nguyen, T. H., & Nguyen, N. T. (2020). Assessing the influence of exchange rate on agricultural commodity export price: evidence from Vietnamese coffee. Journal of Economics and Development, 22(2), 297-309.
  11. Kripfganz, S., & Schneider, D. C. (2016). Stata module to estimate autoregressive distributed lag models. In Stata Conference, Chicago.

TRADE OPPORTUNITIES

FOR VIETNAM DURING THE COVID-19 PANDEMIC

BY CONTROLLING THE REAL EXCHANGE RATE:

CASE STUDY OF THE COFFEE INDUSTRY

• Master. NGUYEN THANH TRUNG

Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This paper presents the current trade balance of Vietnam over years in order to highlight the trade opportunities for Vietnam during this on-going Covid-19 pandemic by controlling the real exchange rate with the case of the coffee industry. The paper finds out that the real exchange rate has a negative effect on the coffee exports. If the real exchange rate changes by 1%, the volume of coffee exports will decrease by nearly 0.9% immediately.

Keywords: trade opportunities, coffee industry, real exchange rate, trade balance.