Cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt qua mạng lưới phân phối AEON

Nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản hiện rất lớn chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần cũng như tiếp cận các thị trường tiềm năng khác thông qua mạng lưới phân phối toàn cầu của AEON.
hàng viet
Đại diện Bộ Công Thương và cán bộ phụ trách siêu thị AEON Nhật Bản xem mặt hàng cá tra Việt Nam. Ảnh: Thành Hữu/TTXVN

 

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON Nhật Bản do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn AEON Nhật Bản tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23/4.

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty AEON Topvalu Việt Nam cho biết, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao, đặc biệt là các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng như dệt may, dày dép, thủy sản, nông sản, thực phẩm, đồ nhựa, gỗ…

Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đang ưu tiên nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam thuộc 4 nhóm sản phẩm dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe để phân phối đến hệ thống các cửa hàng, siêu thị của AEON trên toàn cầu.

Ông Yuichiro Shiotani thông tin, xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản tăng trưởng tốt trong những năm qua nhưng có tới khoảng 70% các sản phẩm này là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam.

Theo đánh giá của AEON, trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam chỉ có khoảng từ 200 -300 doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng của AEON tại Việt Nam mà còn trở thành nhà cung ứng cho hệ thống hơn 1.000 siêu thị AEON trên toàn cầu, Tập đoàn AEON đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt gồm nhiều hoạt động như mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn hệ thống.

Đồng thời, AEON cũng từng bước hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất của nhà cung ứng Việt Nam để đáp ứng tiêu chuẩn của AEON và riêng thị trường Nhật Bản; hỗ trợ tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng Nhật và tăng cường thu mua hàng Việt Nam bán trong hệ thống tại Nhật Bản và các nước.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt trang thiết bị sản xuất bởi trong khi AEON nói riêng, thị trường Nhật Bản nói chung đòi hỏi các nhà cung ứng phải có trang thiết bị sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế mới đặt hàng thì hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam không có đủ nguồn vốn để đầu tư trước về dây chuyền, công nghệ sản xuất nếu chưa bán được hàng.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, thông tin về thị trường, thị hiếu tiêu dùng, mức giá sản phẩm của thị trường Nhật Bản. Những vấn đề trên đều cần có thời gian và sự hỗ trợ từ nhiều phía mới có thể khắc phục được.

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam nhiều năm qua. Đây chính là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản…

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận các khách hàng Nhật Bản, Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống phân phối của AEON với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản là rất lớn nhưng đây cũng chính là thị trường đòi hỏi những yêu cầu chất lượng thuộc hàng khắt khe nhất thế giới. Do đó, muốn đưa hàng hóa vào AEON riêng, xuất khẩu vào Nhật Bản nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương tự đến từ nhiều doanh nghiệp khác trên khắp thế giới.

Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cấp chính mình, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản nói riêng và toàn cầu nói chung.

Chia sẻ kinh nghiệm trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn AEON, ông Ngô Viết Trung, đại diện Công ty Phú Bảo cho biết, phần lớn người tiêu dùng Nhật Bản coi tiêu chuẩn chất lượng của AEON là tiêu chuẩn chung của hàng hóa, vì vậy nếu có thể đáp ứng yêu cầu của AEON Nhật Bản thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể chinh phục được hầu hết thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, điều này không dễ dàng, để trở thành nhà cung ứng cho AEON Nhật Bản doanh nghiệp phải chấp nhận thay đổi toàn bộ hệ thống trang thiết bị sản xuất, có quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ nguyên vật liệu đầu vào cho tới khi hoàn thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu mà AEON đưa ra; đồng thời, không ngừng cập nhật phản hồi của khách hàng để cải tiến, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm để duy trì lợi thế cạnh tranh.

“Với thị trường Nhật Bản, chất lượng sản phẩm phải tốt là điều đương nhiên, giá cả cạnh tranh là lợi thế nhưng chất lượng môi trường làm việc và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng là điều không thể thiếu, ngay cả những vấn đề nhỏ như: bao bì, ghi nhãn sản phẩm cũng cần được lưu ý và tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Đổi lại, việc trở thành nhà cung ứng chính thức cho AEON nói riêng, thị trường Nhật Bản nói chung chính là “bệ đỡ” khẳng định về chất lượng, thương hiệu để doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.” ông Ngô Viết Trung nhấn mạnh.